Tọa đàm khoa học: Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo”

Ngày 26/2/2016, tại Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn khu di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm khoa học: Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” phát hiện trong đợt khai quật tại Hoàng thành Thăng Long năm 2012- 2014.

sacmenhchibao01

Chủ trì tọa đàm: GS.NGND Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, PCT Hội đồng tư vấn khoa học và GS.TSKH Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, PCT Hội đồng tư vấn khoa học.

Tham dự tọa đàm có các đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo trung ương, Cục Di sản văn hóa, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Văn phòng UBND TP Hà Nội; các nhà khoa học gồm có: PGS.TS.NGND Hoàng Văn Khoán, GS. TS Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS Trần Đức Cường, PGS. TS Phạm Mai Hùng, PGS Lê Văn Lan, PGS.TS Đặng Văn Bài, GS. TSKH Vũ Minh Giang, PGS. TS Tống Trung Tín, PGS. TS Nguyễn Công Việt, PGS. TS Trịnh Sinh,TS. Phạm Quốc Quân,TS. Nguyễn Quốc Tuấn,TS. Nguyễn Văn Sơn,TS. Nguyễn Viết Chức, PGS.TS Trình Năng Chung, PGS. TS Đinh Khắc Thuân và nhiều nhà nghiên cứu tự do cùng đông đảo các phóng viên nhà báo quan tâm.

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến, GS.NGND Phan Huy Lê thay mặt chủ tọa nhất trí kết luận, tóm tắt như sau:

1.Thứ nhất, tuân thủ theo nguyên tắc khoa học của khảo cổ học, chúng ta có đủ căn cứ để xác định đây là di vật khảo cổ học, phát hiện ở tầng văn hóa thời Trần, tầng văn hóa đó không bị xáo trộn. Đây là vật thật, chắc chắn thuộc thời Trần, loại bỏ những ý kiến cho rằng đây là hiện vật ngụy tạo, khắc lại sau này, loại bỏ ý kiến cho rằng gỗ mục không thể tồn tại được đến hôm nay.

2. Thứ hai, trên ấn có khắc chữ Sắc mệnh chi bảo. Kết hợp nghiên cứu khảo cổ học với nghiên cứu kiểu chữ viết là một hướng tiếp cận.

Kết quả nghiên cứu của PGS.TS Hoàng Văn Khoán chỉ mới kết luận: chữ Bảo có từ thời Trần, chứ không phải chỉ có ở thời Trần. Kết luận này phù hợp với kết luận của khảo cổ học nhưng chỉ là bằng chứng thôi, chứ không phải là cứ liệu để thẩm định, kết luận.

3. Thứ ba, về phương diện phương pháp nghiên cứu, khảo cổ học phải kết hợp chặt chẽ với sử học. Đây là phương pháp nghiên cứu liên ngành, so sánh, đối chiếu kết hợp với cả phương pháp suy luận.

Về phương diện sử liệu có hai đoạn tư liệu trong bộ chính sử thời Lê – Đại Việt sử ký toàn thư, ghi chép về ấn gỗ:

 Đinh Tỵ, [Nguyên Phong] năm thứ 7 (1257, tháng chạp lan sang đầu năm 1258)

Khi vua thân hành thống lĩnh sáu quân đi đánh giặc, quan giữ ấn vội vàng giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn Nội mật đi theo, giữa đường ấn ấy lại mất, giấy tờ trong quân không có ấn, vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi xa giá về kinh, lại có người đem dâng ấn bị mất, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên ở chỗ cũ.

(Đại Việt sử ký toàn thư, bản chữ Hán, quyển 5, trang 23ab)

Bính Thìn, [Đại Khánh] năm thứ 3 (1316)

Mùa xuân tháng 2, xét duyệt quan văn và hộ khẩu có mức độ khác nhau. Các quan xét duyệt quan văn và hộ khẩu cho rằng những tấm thiếp đóng ấn gỗ vào năm Nguyên Phong (1251 – 1258) là giả. Thượng hoàng nghe tin ấy bảo họ rằng: “Đó là những tấm thiếp của nhà nước đấy”, nhân đó lấy chuyện xưa mà dụ rằng “những người ở trong triều mà không am hiểu điển cũ thì lỡ việc nhiều lắm”.

(Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch chữ Hán, quyển 6, trang 33b)

Đây là trường hợp rất đặc biệt trong lịch sử, nhà vua khắc và dùng ấn gỗ, không chỉ dùng trong thời kỳ nguy cấp chiến tranh mà còn dùng cả trong thời Nguyên Phong (1251-1258), tất nhiên sau khi khắc ẫn gỗ đầu năm 1258 cho đến hết niên hiệu Nguyên Phong kết thúc ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ tức ngày 30-3-1258, trong khoảng hơn 2 tháng và để lại dấu ấn trên những tấm thiếp của nhà vua (dùng cả trong công việc hành chính, dân sự).

Hiện không có dấu nối trực tiếp giữa ấn gỗ này và chiếc ấn của vua chép trong chính sử. Nhưng phương pháp nghiên cứu suy luận có thể áp dụng và hoàn toàn có cơ sở để liên kết điều đó qua nghiên cứu liên ngành.

Chỉ có trong một hoàn cảnh nào đó nhà vua mới dùng ấn gỗ, và chúng ta xác định thời gian khắc và sử dụng thông qua tư liệu lịch sử (sau khi rời Thăng Long để chống quân Nguyên Mông cho đến hết niên hiệu Nguyên Phong).

Về chức năng của ấn Sắc mệnh chi bảo: không chỉ được dùng trong các bản sắc phong thần mà còn dùng trong nhiều loại sắc dụ của nhà vua, kể cả phong thần, phong chức tước, thưởng phạt quan lại và những việc lớn của quốc gia. Một đoạn trong Đại Việt sử ký toàn thư cho biết năm Giáp Dần- 1434, vua Lê Thái Tông lên ngôi cho đúc ấn Sắc mệnh chi bảo và năm sau qui định: “Ấn Sắc mệnh chi bảo thì dùng khi có sắc dụ và hiệu lệnh thưởng phạt cùng các việc lớn” (Đai Việt sử ký toàn thư, bản chữ Hán, quyển 11, trang 25a). Tuy nhiên hiện nay dấu ấn Sắc mệnh chi bảo còn lại trên sắc phong là nhiều nhất, nên có người cho rằng ấn Sắc mệnh chi bảo chỉ dùng trong sắc phong thần.

Về giá trị: Ấn gỗ Sắc mệnh chi bảo có giá trị rất cao, rất độc đáo. Trong lịch sử quân chủ Việt Nam, duy nhất trong thời Trần chính sử ghi chép nhà vua sai khắc ấn gỗ, loại ấn của Hoàng đế. Ấn ra đời trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, trong tình thế rất khẩn trương, cấp bách của đất nước chống giặc ngoại xâm.

Cần tiếp cận nghiên cứu sâu hơn như xác định gỗ, giám định niên đại bằng phương pháp khoa học hiện đại, giám định vết son, vết sơn, vết tách vỡ, vết mòn sử dụng, vết tròn trên lưng ấn có phải là dấu vết của núm ấn không… Sau khi được nghiên cứu giám định chắc chắn về mọi mặt, chúng ta có thể đi đến kết luận khoa học toàn diện và vững vàng về ấn gỗ Sắc mệnh chi bảo về mặt miêu tả và niên đại cụ thể. Theo tôi trên cơ sở kết luận đó, ấn Sắc mệnh chi bảo bằng gỗ thời Trần còn quý hơn vàng và xứng đáng là bảo vật quốc gia.

sacmenhchibao02

4. Thư tư, về vấn đề phát huy ấn Sắc mệnh chi bảo:

Trước hết cần bảo quản tốt hiện vật này, tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp bảo quản đồ gỗ.

Nghiên cứu cách phát huy giá trị của ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” phải phù hợp với giá trị của ấn, mang tính chất văn hóa, lịch sử. “Sắc mệnh chi bảo” là ấn của vương triều. Thời Nguyễn đã chép rất rõ về lễ phong ấn và khai ấn. Đó là một nghi thức trong triều đình chứ không phải lễ hội và chỉ được thực hiện trong phạm vi một số quan lại được giao nhiệm vụ. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ về việc khai ấn, không nên tổ chức khai ấn và phát ấn như ở Đền Trần, Nam Định. Ấn ở đền Trần là ấn Trần miếu tự điển chỉ dùng trong các đền Trần. Ấn Sắc mệnh chi bảo là ấn của Hoàng đế sử dụng trong các sắc dụ của nhà vua. Hai loại ấn rất khác nhau, tồn tại trong chức năng và không gian khác nhau. Cá nhân tôi, tôi phản đối việc tổ chức khai ấn và phát ấn mang tính lễ hội như ở đền Trần-Nam Định. Có thể phát huy bằng các sản phẩm lưu niệm như in ra trên nền lụa quý đặt trong hộp đẹp làm quà tặng cho khách du lịch và bạn bè quốc tế. Cũng có thể in thành ảnh làm sản phẩm du lịch quảng bá rộng rãi…

Trong thời gian tới, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để có những chứng cứ chắc chắn và hướng phát huy giá trị phù hợp.

 Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button