Vui Tết Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long
Trung thu là dịp lễ tiết quan trọng của người Việt và cư dân vùng Châu Á. Ngày nay Trung thu trở thành ngày hội lớn của trẻ em. Tết trung thu các em được phá cỗ trông trăng, được tặng quà là các lọai bánh trái và đồ chơi, được tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí, lễ hội được tổ chức khắp mọi nơi. Trong không khí háo hức của ngày tựu trường vào mùa thu hàng năm,Tết trung thu cũng là dịp để bố mẹ ông bà và gia đình tạo cho các em những niềm vui nho nhỏ của tuổi thơ.
Rước đèn trông trăng
Tuy vậy, do cuộc sống hiện đại đã có nhiều thay đổi, tết trung thu truyền thống có lẽ đang dần dần mai một, chỉ còn trong ký ức của những người lớn tuổi. Trẻ em ngày nay rất hiếm chơi những đồ chơi trung thu truyền thống được làm thủ công từ những người thợ khéo tay của làng nghề, phố nghề khắp nơi. Một số ít những nghệ nhân, thợ thủ công vẫn đang miệt mài sáng tạo, giữ nghề của cha ông, vừa mưu sinh, vừa mong muốn “ giữ hồn trung thu”.
Vào mùa trung thu năm nay, nhằm tạo cho khách tham quan và trẻ em có những trải nghiệm thú vị và bổ ích, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân dân gian tổ chức chương trình “Vui Tết trung thu 2016” tại Hoàng thành Thăng Long. Chương trình diễn ra từ ngày 9/11/2016 đến 11/9/2016 với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội.
Trong không gian rộng rãi, thoáng mát của Hoàng thành Thăng Long, các em được xem múa rối cạn, múa sư tử do các nghệ nhân phường rối Tế Tiêu và đội múa sư tử làng Triều khúc biểu diễn. Nhiều trò chơi dân gian cũng được tái hiện để các em tham gia thật vui nhộn như: Đi cầu tre gánh lúa, bập bênh, kéo co, ném vòng, ngựa gỗ, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, pháo đất, bịt mắt đánh trống và nhảy bao bố.
Múa sư tử
Ngoài vui chơi thỏa thích, các em còn được xem các nghệ nhân trình diễn, làm các loại đồ chơi truyền thống và bánh trung thu. Các em được hướng dẫn và trực tiếp tạo ra những sản phẩm của mình. Cùng học, cùng chơi, cùng làm nhiều loại đồ chơi như: Bồi và tô vẽ mặt nạ; làm đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn kéo quân; nặn Tò he; làm ông Tiến sỹ giấy và ông đánh gậy trông trăng, làm gốm Bát Tràng (vuốt, nặn, vẽ các hình con giống) …
Học làm đồ gốm
Khách tham quan cũng được trải nghiệm và giao lưu với nhiều nghệ nhân như bà Đinh Thị Tú Anh – nghệ nhân bánh trung thu hiệu bánh Phương Soát phố Hàng Đường; ông Hoàng Bá Nhất – nghệ nhân bồi và vẽ mặt nạ ở Thuận Thành – Bắc Ninh; ông Vũ Văn Sinh – nghệ nhân đèn kéo quân ở huyện Thanh Oai – Hà Nội; bà Nguyễn Thị Tuyến – nghệ nhân làm ông tiến sỹ giấy ở Vân Canh – Hà Nội; ông Đỗ Văn Kỳ nghệ nhân làm đèn con thỏ, đèn ông sư ở Thường Tín – Hà Nội; ông Lương Mạnh Hải nghệ nhân gốm Bát Tràng; ông Đặng Văn Tiên, nghệ nhân tò he…
Làm đèn con thỏ
Gặp gỡ nghệ nhân Vũ Văn Sinh, người đang cần mẫn tạo ra các sản phẩm độc đáo để trưng bày trong dịp Trung thu tại Hoàng Thành Thăng Long năm nay, chúng tôi được biết nghệ nhân rất vui, phấn khởi khi lần đầu tiên được tham gia trình diễn, hướng dẫn các em học sinh và khách tham quan trải nghiệm làm đèn ông sao, đèn kéo quân tại Hoàng thành Thăng Long. Ông mong rằng những chiếc đèn kéo quân lớn, rực rỡ sắc màu, với những câu chuyện, nhân vật sinh động sẽ được các bạn nhỏ yêu thích.
Hướng dẫn làm đèn kéo quân
Trong ký ức của rất nhiều người hẳn vẫn còn lưu giữ hình ảnh những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao lung linh, huyền ảo hay hình ảnh chị Hằng, chú Cuội bước ra từ câu chuyện cổ tích của những đêm Trung thu tuổi thơ. Chúng ta hãy cùng lưu giữ những ký ức tốt đẹp ấy với chương trình Vui Tết trung thu tại Hoàng thành Thăng Long.
Bài: Kim Yến
Ảnh: Lê Bích