Du khách hào hứng tham gia nghi lễ dựng cây Nêu ngày Tết tại Hoàng thành Thăng Long

Từ xa xưa, cứ đến chiều 30 tháng Chạp, từ vua quan đến người dân, mọi nhà đều dựng Nêu đón Tết. Đối với người dân Việt Nam, hình ảnh cây Nêu ngày Tết được coi là biểu tượng văn hóa thiêng liêng xua tà ma, quỷ dữ, ghi dấu ấn chủ quyền, mang đến tài lộc, may mắn, bình an cho mọi nhà.

Không phải bỗng dưng cây Nêu lại trở thành biểu tượng may mắn ngày Tết trong phong tục của người Việt như vậy. Mà nó xuất phát từ một sự tích, đó là “Sự tích cây Nêu ngày Tết” mang đậm tính nhân văn, đã được lưu truyền qua bao thế hệ người Việt cho đến ngày nay.

* Sự tích cây Nêu ngày Tết

Chuyện kể rằng, xưa kia khi Người và Quỷ còn sống chung với nhau trên mặt đất, Quỷ cậy mạnh chiếm hết ruộng đất, Người phải thuê ruộng đất của Quỷ để cày cấy.

Cứ mỗi năm Quỷ lại nâng cao tô ruộng một lần. Rồi một hôm Quỷ ra điều kiện “ăn ngọn cho gốc”. Chính vì vậy mà sau mùa gặt năm đó, Người chỉ còn lại trơ trụi những gốc rạ. Cảnh tượng thê thảm diễn ra khắp nơi, Người chỉ còn lại da bọc xương đâu đâu cũng có người chết vì không có gạo để ăn. Lũ Quỷ độc ác thấy vậy mà cười nhạo đắc ý. Người nông dân đói khổ vô cùng. Thấy cảnh lầm than, Bụt hiện lên cứu giúp nhân dân ta chống lại sự thống trị bóc lột áp bức tàn nhẫn của lũ Quỷ dữ. Sau mùa vụ ấy, Bụt nói với dân ta không trồng lúa nữa mà cày đất ruộng thành từng luống rồi trồng khoai lang. Người dân làm theo đúng lời Bụt bảo. Lũ Quỷ không ngờ được rằng con Người đã có kế sách để chống lại nó nên cứ ra đúng theo thể lệ mà nó đặt ra từ mùa trước: “ăn ngọn cho gốc”.

Vụ thu hoạch đó, lũ Quỷ rất bực tức khi thấy con Người gánh từng gánh khoai về nhà, khoai chất thành đống to lù lù, còn toàn những lá cùng dây thứ mà chúng không thể nhai nổi lại chất đống chất đùn ở chỗ chúng. Nhưng ngặt nỗi, điều kiện định là do chúng đặt ra, con Người đã làm theo đúng nên chúng không biết làm thế nào được.

Đến vụ sau, Quỷ lại đổi sang điều kiện mới đó là “ăn gốc cho ngọn”. Lần này Bụt lại bảo dân ta chuyển sang trồng lúa. Và kết quả là lũ Quỷ lại trắng tay. Chúng chỉ có rơm rạ còn những bông lúa vàng là của Người. Lũ Quỷ rất hậm hực, chúng lại đổi sang luật lệ “lấy cả gốc lẫn ngọn”. Quỷ đắc ý nghĩ: “Lần này bọn chúng muốn trồng gì tùy, cuối cùng không thể lọt khỏi bàn tay bọn ta đâu”.

Nhưng Bụt lại nói với Người dân đổi giống khác. Bụt đưa hạt giống của cây ngô cho người dân gieo trồng khắp các thửa ruộng. Lại một lần nữa lũ Quỷ lại hỏng ăn, ôm một bụng tức giận, cay đắng mà không làm gì được. Còn Người lại sung túc, biết bao nhiêu gánh ngô phơi đầy sân. Lũ Quỷ không chịu thua, nó bắt Người trả lại hết ruộng nương, không cho Người thuê mướn để canh tác nữa. Chúng thầm nghĩ: “thà rằng không được gì, còn hơn để chúng ăn một mình”.

Lần này Bụt lại dạy dân thương lượng với chúng cho tậu một mảnh đất chỉ bằng bóng của một cái áo treo trên cành cây. Tức là người dân sẽ dựng một cây tre trên ngọn cây có buộc một cái áo, bóng của áo che đến đâu thì đất của Người dân đến đó, đổi lại chúng sẽ có được rất nhiều thóc lúa. Lúc đầu Quỷ không chấp nhận nhưng sau khi suy đi tính lại chúng đồng ý. “Gì chứ! mảnh đất bằng có chiếc áo thôi mà”- Quỷ thầm nghĩ.

Thế là dân ta dựng cây tre lên, trên ngọn cây Bụt hất chiếc áo cà sa của mình cho bay ra thành một tấm vải tròn. Sau rồi Bụt làm phép biến cây tre vút cao dần lên tới tận trời xanh. Bỗng nhiên trời đất chuyển âm u, bóng của cái áo từ từ phủ kín hết mặt đất. Lũ Quỷ quá bất ngờ, chúng cứ dắt nhau lùi lại khi cái bóng lớn dần. Chúng cứ tiếp tục lùi cho đến cuối cùng chúng không còn đất nữa, phải chạy ra tận biển Đông. Chính vì thế mà Người đời gọi chúng là Quỷ Đông.

Ấm ức vì toàn bộ ruộng đất hoa màu bị con Người lấy mất, lũ Quỷ bàn nhau triệu tập quân binh để cướp đất. Trận chiến giữa Người dân và bọn Quỷ dữ diễn ra rất quyết liệt vì đội quân của Quỷ có cả một bầy thú dữ như chó sói, mãng xà, ngựa điên, hắc hổ, báo gấm,… Bên ta, Bụt giúp Người ngăn chặn sự tiến công của chúng, Bụt cầm tầm xích quật tới tấp vào đội quân của Quỷ làm cho chúng không thể tiến công.

Bại trận, Quỷ sai quân đi thăm dò điểm yếu của Bụt. Bụt nói với chúng Bụt sợ oản, chuối, trứng luộc, cơm nắm và hoa quả. Và ngược lại Bụt biết được chúng sợ tỏi, lá dứa, lá đa, vôi bột.

Trận chiến tiếp theo, đội quân Quỷ dữ ném không biết bao nhiêu là cơm nắm vào Bụt, Bụt nói với Người nhặt hết lấy dùng làm lương thực rồi lấy vôi bột vẩy ra khắp mọi nơi. Quân đội của Quỷ hốt hoảng bỏ chạy toán loạn khi thấy vôi bột.

Lần tiến công thứ hai, chúng lại ném chuối vào Bụt, Người nghe lời Bụt nhặt về làm lương thực rồi vẩy nước tỏi vào phía Quỷ làm cho chúng khiếp sợ bỏ chạy thoát thân.

Lần nữa, quân của Quỷ lại ném trứng luộc vào Bụt. Và thế là Người lại có thêm lương ăn. Người nghe lời Bụt hất vôi bột và quật lá dứa, lá đa vào quân Quỷ. Quỷ hoảng sợ bỏ chạy, cuối cùng Quỷ bị đuổi ra tận biển Đông khóc than cầu xin Bụt mỗi năm cho chúng vài ngày được về đất liền thăm phần mộ tổ tiên. Bụt thấy thương hại bèn đồng ý mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán cho Quỷ về thăm phần mộ tổ tiên. Cũng vì thế, cứ đến Tết Nguyên Đán mỗi năm chính là ngày vào thăm đất liền của Quỷ, người dân lại trồng cây Nêu để Quỷ không dám bén mảng tới chỗ Người đang sống. Trên cây Nêu buộc một bó lá dứa (hoặc đa búp đỏ), một túm tỏi, treo 1 chiếc niêu đất bỏ chút vôi bột bên trong, sau đó lấy vôi vẽ hình cánh cung mũi tên hướng về phía đông để xua đuổi ma quỷ và làm cho Quỷ sợ.

Câu ca dao của Người Việt cổ:

“Cành đa lá dứa treo cao

Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà.

Quỷ vào thì Quỷ lại ra.

Cành đa, lá dứa thì ta cứa mồm”

** Phong tục và tái hiện dựng Cây Nêu ngày Tết

Cây Nêu đã trở thành biểu tượng của sự đấu tranh giữa cái thiện và ác nhằm bảo vệ cuộc sống bình an của con người. Cây Nêu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam có đặc điểm khá đa dạng, muôn hình muôn vẻ tùy thuộc địa phương, phong tục, dân tộc, giai tầng xã hội của chủ nhân, nghi thức dựng cây Nêu (Thượng Nêu) cũng có ít nhiều khác nhau  tùy từng địa vị, phẩm hàm trong xã hội phong kiến xưa.

Đối với cây Nêu của cung đình, nghi lễ Thượng Nêu rất trang nghiêm, thành kính dưới các triều đại Lý, Trần, Lê tục dựng Nêu thường được tổ chức bài bản thường vào ngày 23 hoặc 25 tháng Chạp cũng là một dấu mốc cho sự ngừng nghỉ các công việc làm trong năm của triều đình. Cây Nêu được dùng là loại tre đực, cao, to và khoẻ. Nêu được dựng trước cổng Hoàng thành Thăng Long (và có thể được dựng cả trước một số Điện, Cung quan trọng trong khu vực Cấm thành). Lễ dựng Nêu uy nghiêm, đối với cây Nêu dựng trước cổng Đoan Môn thường nhà Vua làm chủ lễ hoặc phải là viên quan hàm “Tam phẩm” trở lên mới được nhận chỉ dụ của nhà vua làm chủ lễ. Dựng đàn tế trời đất sau phần lục cúng, ngũ bái dâng lễ vật mới tiến hành động thổ và dựng Nêu. Cây Nêu được chặt sạch các cành lá chỉ để lại trên ngọn có nhánh lá. Trên ngọn cây treo một lá phướn dài, những chiếc khánh đất, chuông gió để những vật đó va đập nhau kêu leng keng trong gió. Chiếc khánh, đồng âm với “khánh” có nghĩa là “phúc”: năm mới đem lại an khang, hưng thịnh, hạnh phúc cho triều đình và cả quốc gia. Bên dưới cành lá treo một vòng tròn bằng mây, vòng tròn này buộc nhiều thứ khác nhau thông thường được treo văn phòng tứ bảo, bút lông, đoản kiếm, các lá bùa hình bát quái để trừ tà, túm lá dứa, lá đa búp đỏ, túm tỏi, một đèn lồng đỏ, một bánh pháo (đốt vào đúng thời khắc giao thừa để xua đuổi tà ma và những điều bất hạnh cầu mong một năm mới tốt lành) và một chiếc giỏ mây bên trong có tiền xu, gạo muối, trầu cau và một ít vôi bột, Phía dưới chân cây Nêu vôi bột được dùng rắc hình cánh cung có mũi tên hướng về phía đông. Có hai lính đứng canh gác bên dưới ngày đêm cho đến ngày Hạ Nêu. Trong những ngày tết cổ truyền, vào buổi tối trên cây Nêu đèn lồng đỏ luôn được thắp sáng nhằm chỉ đường cho tổ tiên biết đường về ăn tết với con cháu.

Hiện nay, phong tục trồng cây Nêu ngày Tết đã dần mất đi trong cộng đồng Người Việt thời hiện đại, và được thay thế với tục chơi cành hoa đào, hoa mai ngày tết, bày trong nhà. Cây Nêu chỉ còn bắt gặp lác đác tại một số vùng quê, hoặc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng thượng du Bắc Bộ hay Tây Nguyên.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về, ngày 23 tháng Chạp năm Bính Thân, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức tái hiện nghi lễ “Thượng Nêu” theo đúng nghi thức truyền thống, thông qua buổi trình diễn nhằm giúp đông đảo quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế khám phá, tìm hiểu thêm những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của đất nước con Người Việt Nam.

Toàn cảnh lễ dựng cây Nêu ngày Tết

dungneu-1

Đội tế nữ tham gia nghi lễ dựng Cây Nêu

dungneu-2

Đội tế nam tham gia nghi lễ dựng Cây Nêu

dungneu-3

Đội ngũ chỉnh tề chuẩn bị thực hiện nghi lễ dựng Cây Nêu

dungneu-4

Cây Nêu đã được chuẩn bị cho nghi lễ…

dungneu-5

Lễ vật dâng hương cũng đã sẵn sàng …

dungneu-6

Đại sứ Phạm Sanh Châu (áo xanh bên phải) dâng hương trong buổi lễ dựng cây Nêu ngày Tết tại Hoàng thành Thăng Long

dungneu-7

Ông Trần Việt Anh (áo xanh) – GĐ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đưa các vật phẩm  vào giỏ mây và treo lên thân cây Nêu

dungneu-8

Chuẩn bị tiến hành dựng cây Nêu

dungneu-9

Cây Nêu đang từ từ được dựng lên …

dungneu-10

Các thao tác được tiến hành đồng bộ và trang nghiêm

dungneu-11

Cây Nêu đã được dựng lên phía trước di tích Đoan Môn

dungneu-12

Những chiếc khánh làm bằng đất nung được treo lên chiếc vòng mây…

dungneu-13

Khách tham quan tại Di sản Hoàng thành Thăng Long cũng được tham gia vào nghi thức này…

dungneu-14

Niềm hân hoan, rạng rỡ hiện lên từng gương mặt…

dungneu-15

Chiếc vòng mây từ từ được kéo lên…

dungneu-16

Từng làn gió mùa Xuân làm những chiếc khánh khẽ chạm vào nhau tạo những âm thanh thật đặc biệt…

dungneu-17

Các thành viên tham gia thực hiện nghi thức dựng cây Nêu ngày Tết chụp hình lưu niệm.

Trong những ngày đầu xuân Đinh Dậu (2017), nhân dân và du khách đến tham quan Hoàng thành Thăng Long cũng sẽ được thưởng thức thêm nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc khác như: Nghi lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế; Biểu diễn múa rối nước truyền thống, chiêm ngưỡng các trang phục của vua chúa thời phong kiến qua Triển lãm Triều phục Việt Nam, thưởng thức các dòng tranh dân gian cổ qua Triển lãm tranh Tết truyền thống Việt Nam, tham quan khu khảo cổ học qua Trưng bày phát lộ khảo cổ học mới, Trưng bày tư liệu về sân Đoan Môn trong lịch sử… Các hoạt động văn hóa đầu xuân sẽ tạo không khí vui tươi, ấm áp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc hứa hẹn mang đến nhiều thú vị cho đông đảo quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế những ngày du xuân mới.

Ban Biên Tập

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button