Rộn ràng khai mạc chương trình Tết Việt 2018 tại Hoàng thành Thăng Long

Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang đến gần.Tết là khoảng thời gian để mỗi gia đình đoàn viên, để mỗi chúng ta chững lại những hối hả đời thường,cùng nhìn lại một năm cũ và hướng đến một năm mới với mong ước hạnh phúc, may mắn, hanh thông.

image001Biểu diễn múa tứ linh du xuân.

Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và lưu giữ những ký ức tuổi thơ về Tết cổ truyền xưa, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với các đơn vị, các nghệ nhân tổ chức Chương trình Tết Việt, mừng đảng mừng Xuân Mậu Tuất năm 2018 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Chương trình bao gồm nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, giáo dục di sản và văn hóa truyền thống kéo dài từ nay đến hết Rằm tháng Giêng. Mở đầu cho chuỗi các hoạt động là chương trình Tết Việt dành cho thiếu nhi, giúp các em tìm hiểu và có những trải nghiệm bổ ích, thú vị về tết cổ truyền của dân tộc.
Đến với không gian tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long (từ ngày 22/1- 27/1/2018), các em học sinh có thể tìm hiểu về Tết xưa qua ảnh tư liệu của Bảo tàng Albert Kahn (Cộng hòa Pháp)vàtranh khắc gỗ của Henri Oger với những hình ảnh gần gũi như Táo quân, dựng nêu, pháo Tết; tìm hiểu các phong tục tết xưa như thờ cúng tổ tiên, gói bánh chưng, bầy mâm ngũ quả, làm cỗ Tết, trang trí hoa, đào quất, xông nhà, mừng tuổi, chúc Tết, chơi tranh, du Xuân, xin chữ đầu Xuân….; thỏa thích vui chơi các trò chơi dân gian như đi cầu tre, kéo co, bập bênh, đánh đu, chơi goòng, ném vòng, nhảy bao bố, xem biểu diễn múa tứ linh;cảm nhận thú chơi tranh ngày Tết của cha ông qua các dòng tranh dân gian như tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng.
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong.
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp. (Hoàng Cầm)
Trong đó, nhiều dòng tranh và vốn quý dân gian đang dần mai một trong cuộc sống hiện đại, cần được khôi phục, gìn giữ.
Ngay trong lễ khai mạc, khu di sản đã đón hơn 400 em học sinh trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm – Hà Nội) đến vui chơi và trải nghiệm không gian Tết Việt xưa.

image002Rất đông các em học sinh tham gia chương trình Tết Việt 2018 tại Hoàng thành Thăng Long.

Trong dịp Tết nguyên đán, tại Hoàng thành Thăng Long còn diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa truyền thống như lễ cúng Ông Công, ông Táo, dựng cây nêu, lễ dâng hương khai xuân với nhiều nghi lễ truyền thống và biểu diễn văn nghệ, múa rối nước, võ thuật cổ truyền phục vụ khách du xuân.
Nhân dịp này, Trung tâm đã đưa vào sử dụng ứng dụng thuyết minh, hướng dẫn tham quan khu di sản Hoàng thành Thăng Long trên Smartphone, một sản phẩm công nghệ tiện ích góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khách tham quan và quảng bá rộng rãi giá trị di sản.Tại thời điểm này, ứng dụng được cung cấp hoàn toàn miễn phícho người dùng ở mọi nơi, mọi lúc, cho dù họ đang có mặt tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Du khách chỉ cần truy cập vào các trang cung cấp ứng dụng của Apple hay Google (tuỳ thuộc thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS hay Android) để tải phần mềm.

LỊCH HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ NHƯ SAU:
*Hoạt động trưng bày, triển lãm, giáo dục di sản:
– Các hoạt động trưng bày triển lãm: Từ 22/1/2018 – 24/2/2018.
– Chương trình Tết Việt dành cho các em thiếu nhi: Từ 22/1/2018 -27/1/2018.
*Hoạt động văn hóa truyền thống
– Lễ Ông Công Ông Táo, dựng cây nêu (14h Ngày 7/2/2018 – ngày 22 tháng Chạp năm Đinh Dậu).
– Biểu diễn múa rối nước (Từ ngày 18/2/2018 đến ngày 20/2/2018 – từ mùng 3 đến mùng 5  Tết Mậu Tuất, mỗi ngày diễn ba suất vào các giờ: 10h00, 14h00 và 16h00).
– Lễ dâng hương khai Xuân (Ngày 24/2/2018- mùng 9 Tết Mậu Tuất).

Địa điểm tổ chức các hoạt động: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu – Ba Đình – Hà Nội).
Điện thoại liên hệ: 024.3.7345427.

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long nghỉ các ngày 14, 15, 16/2/2018 (ngày 29, 30 tháng Chạp năm Đinh Dậu và mùng 1 Tết Mậu Tuất). Các điểm di tích vẫn phục vụ khách đi lễ, dâng hương.
Mở cửa phục vụ khách tham quan khu di sản từ ngày 17/2/2018 (Mùng 2 Tết Mậu Tuất).

Một số hình ảnh trong lễ khai mạc:

image003Thầy đồ cho chữ ngày Xuân.

image004Trưng bày tranh dân gian.

image005
Rộn ràng vui múa tứ linh.

image006Cụ Phạm Văn Thưởng (87 tuổi), thành viên cao tuổi nhất của đội múa tứ linh làng Đục Khê.

image007Cụ Phạm Văn Hưng (áo trắng), năm nay 85 tuổi vẫn nhiệt tình tham gia biểu diễn múa tứ linh.

image008Trò chơi dân gian đu quay.

image009Tự tay gói bánh chưng các bạn nhé.

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button