Nhiều dấu tích khảo cổ mới khai quật tại Hoàng thành Thăng Long

Sáng nay 17/4/2018, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ khu vực Kính Thiên năm 2017.

khaocohoangthanh01

Các đại biểu tham quan hiện trường hố khai quật.

Cuộc khai quật tại vị trí Đông Bắc di tích nền Điện Kính Thiên với diện tích gần 1000m2 đã phát lộ các dấu tích kiến trúc phong phú, đa dạng có niên đại thời Đại La đến thời Lý, Trần, Lê và Nguyễn.

Hố khai quật gồm 16 lớp đào, các lớp đào dày trung bình 20cm, diễn biến khá phức tạp, về cơ bản bị phá hủy do có sự xâm thực của kiến trúc giai đoạn sau xuống các tầng văn hóa giai đoạn trước, chỉ còn một số ít vị trí bị phá hủy ít hơn.

Theo PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, trưởng đoàn khai quật: Hiện trường khai quật lần này rất phức tạp, các di tích cắt phá lẫn nhau, xáo trộn địa tầng nên rất khó nhận biết.Tuy nhiên, bước đầu các nhà khảo cổ đã nhận định được một số dấu tích kiến trúc các thời kỳ và địa tầng có sự đồng nhất, tương tự  như  các hố đào trước đây trong khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực Kính Thiên. Do có sự phá hủy lớn, có vị trí bị phá sâu tới 4,5m đã làm mất về cơ bản lớp văn hóa Đại La và thế kỷ 10. Chỉ những vị trí ở vách Đông, Tây hố khai quật mới còn tương đối đủ các lớp văn hóa từ thời Lý đến thời Nguyễn.

Thời Lý, đã phát hiện được 3 dấu tích kiến trúc đều nằm sát dấu tích đáy hồ, ở độ sâu 4m. Các di tích móng cột có kết cấu là sỏi cuội, gạch, ngói và đất sét vàng đầm lèn với nhau tạo thành các lớp gia cố chắc chắn.

Thời Trần, bước đầu xác định được 3 kiến trúc với các di tích móng cột gia cố bằng sỏi, sành, gạch, ngói cùng các bó nền kiến trúc, nền kiến trúc, dải bó nền hoa chanh…Trong đó nổi bật là dấu tích dải bó nền hoa chanh của thời Trần, được cho là lớn nhất từ trước đến nay, kích thước đường hoa chanh rộng 1,15m, được xếp bằng các loại gạch phẳng màu đỏ, đặc trưng gạch thời Lý Trần. Đây là dải nền hoa chanh lớn nhất (trừ kiểu hoa chanh dạng vòm cuốn thời trần ở 18 Hoàng Diệu) trong hầu hết các dải nền hoa chanh được tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long và các điểm di tích khác thời Trần. Đáng chú ý nữa là vật liệu xây dựng đường hoa chanh này là ngói phẳng, dẹt được xếp đặt rất công phu, quy chuẩn. Đặc điểm này cho thấy đây là dấu tích của kiến trúc sớm thuộc thời Trần (thế kỷ 13) và là một kiến trúc chiếm vị trí quan trọng trong Hoàng cung Thăng Long thời Trần.

khaocohoangthanh02

Dấu tích dải hoa chanh thời Trần có kích thước lớn nhất trong các cuộc khai quật từ trước đến nay.

Các dấu tích hàng gạch chữ nhật màu xám bó nền, cống nước nhỏ… cho thấy sự có mặt của hệ thống kiến trúc thời Lê Sơ ở khu vực này.

Đối với kiến trúc thời Lê Trung hưng,  xuất lộ hệ thống móng cột gia cố, nền kiến trúc, móng tường và tường bao gạch vồ xám, dấu tích ao (hồ), dấu tích thành giếng nước bằng đá…Đặc biệt đã tìm thấy móng tường xếp bằng gạch vồ rất kiên cố. Hiện nay do hố đào nhỏ cho nên chưa rõ được quy mô, có thể đây là một dấu tích móng cổng trong cấm thành Thăng Long.

Dấu tích văn hóa thời Nguyễn có hai vị trí móng tường hành cung ở phía Nam và phía Đông hố khai quật. Ngoài ra, trên toàn bộ mặt bằng có thể thấy rõ những lớp vật liệu san lấp phủ toàn bộ bề mặt hố khai quật, đây là phần vật liệu gạch, ngói thời Nguyễn được san lấp vào thời Pháp.

Về di vật, đã tìm thấy nhiều mảnh ngói thời Lê Sơ tráng men xanh, men vàng cùng với các mảnh ngói trang trí rồng đi kèm. Có thể nói, loại ngói rồng này được tìm thấy nhiều nhất từ trước đến nay trong khu vực Hoàng thành Thăng Long. Bên cạnh đó, tại hố khai quật cũng tìm thấy nhiều mảnh gốm sứ trang trí rồng thời Lê sơ và thời Mạc, phản ánh tính chất và đời sống hoàng cung Thăng Long thời Lê.

  khaocohoangthanh03

Mảnh ngói rồng Hoàng lưu ly, loại ngói chỉ thấy trên cung điện của nhà vua.

Định hướng công tác khai quật tiếp theo, PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng: Cần mở rộng diện tích khai quật, kết nối các kết quả nghiên cứu từ trước đến nay để có cái nhìn tổng thể về khảo cổ học trong khu vực Hoàng Thành Thăng Long, từ đó định hướng kế hoạch khai quật trọng tâm trong lộ trình 3- 5 năm tiếp theo.

Bên cạnh đó TS. Nguyễn Viết Chức, thành viên Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn khu di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội cũng cho rằng: Kết quả  nghiên cứu khai quật cần được diễn giải để người dân bình thường cũng có thể hiểu được.

Nhận định chung, các nhà nghiên cứu đều đánh giá cuộc khai quật năm 2017 đã đóng góp thêm nhiều tư liệu mới góp phần tìm hiểu kiến trúc Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Đông Bắc chính điện Kính Thiên và góp thêm tư liệu mới để phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục Chính điện Kính Thiên trong tương lai.

Một số hình ảnh dấu tích khảo cổ học tại khu vực Kính Thiên

khaocohoangthanh04

Các đại biểu quan sát một móng cột thời Lý nằm dưới đáy hồ nước thời Lê Trung hưng.

khaocohoangthanh05

Cống nước thời Lê.

khaocohoangthanh06

Một chiếc chậu gốm lớn còn nằm ở hố khai quật.

khaocohoangthanh07 

Miệng giếng đá thời Lê Trung hưng.

khaocohoangthanh08 

 Loại ngói rồng trải dài trên mái kiến trúc này là một nét trang trí đặc sắc riêng có của Thăng Long

 khaocohoangthanh09

Mảnh ngói rồng men xanh thời Lê.

khaocohoangthanh10

Bát gốm trang trí chim phượng thời Mạc.

khaocohoangthanh11

Mảnh ngói như ý.

khaocohoangthanh12

Mảnh liên châu trên bờ mái cung điện.

khaocohoangthanh13

Tại hố khai quật vẫn còn nhiều mảnh ngói rồng.

khaocohoangthanh14

Khẩu súng thần công thời Nguyễn.

Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button