Lễ dâng hương tưởng niệm 710 năm ngày mất Phật hoàng Trần Nhân Tông
Sáng ngày 7/12/2018 (1/11 năm Mậu Tuất), tại Thềm rồng Điện Kính Thiên- Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 710 năm ngày đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2018).
Các đại biểu tham dự lễ dâng hương.
Vua Trần Nhân Tông là một nhà chính trị tài ba có tầm nhìn xa trông rộng, đã thực thi tư tưởng cai trị khoan giản an lạc, một anh hùng buổi cứu nguy dân tộc và nhà văn hóa lớn. Ngay khi mới lên ngôi ông đã phải đương đầu với mối họa xâm lăng từ đế chế Mông – Nguyên. Trước tình thế hiểm nguy đó, vua Trần Nhân Tông đã tổ chức hội nghị Bình Than để bàn kế sách đánh giặc; tổ chức hội nghị Diên Hồng nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân tộc chống lại kẻ thù; tin tưởng giao phó trách nhiệm thống lĩnh toàn quân cho Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Những sự chỉ đạo đó là nền tảng quan trọng để quân, dân nhà Trần chiến đấu và chiến thắng cuộc xâm lược của quân Mông – Nguyên lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), bảo vệ toàn vẹn độc lập của quốc gia Đại Việt. Năm 1293, ở tuổi 35, ông nhường ngôi cho con, lui về Thiên Trường làm Thái Thượng Hoàng, rồi xuất gia tu tập tại hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình). Năm 1299, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu trên núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau đổi là Trúc Lâm Đại sĩ. Tháng Giêng năm 1308, Trúc Lâm Đại sĩ tổ chức truyền thừa tổ vị cho Pháp Loa tại Cam Lộ đường chùa Siêu Loại. Ngày 1 tháng 11 năm 1308 Trúc Lâm Đại sĩ an nhiên hóa Phật tại Am Ngọa Vân, các đệ tử hỏa thiêu Ngài ngay tại Ngọa Vân, rước xá lị về tôn trí tại bảo tháp chùa Tư Phúc trong cấm thành Thăng Long, sau đó xá lị được phân phát đi nhiều nơi. Tại Ngọa Vân, Pháp Loa cho dựng Phật Hoàng tháp làm nơi tôn trí một phần xá lị của Ngài. Xá lị ở bảo tháp Tư Phúc được phân chia đi an trí tại Tháp Báo Thiên bên bờ Lục thủy, bảo tháp ở Đức Lăng, tháp Phổ Minh, tháp Tuệ Quang (tháp Tổ) tại Hoa Yên và tại Quỳnh Lâm viện.
Hiện vật hộp vàng thời Trần, tìm thấy tại khu vực Suối 1, thôn Trại Lốc, An Sinh, Đông Triều ( phiên bản trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long.)
Đức vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là một nhà chính trị xuất sắc, nhà quân sự tài ba mà còn là một nhà tư tưởng lớn. Ông là người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mang đậm dấu ấn Việt; kết nối và tổ chức giới tu hành thành giáo hội, kết dựng Thiền phái với tư tưởng hòa quang đồng trần, giải thoát không rời thế gian. Những đóng góp to lớn của ông đã được sử sách ghi nhận là “vị vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trung hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”.
Cùng với hoạt động tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ công đức của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh khai mạc trưng bày chuyên đề: “Từ Hoàng cung triều Trần đến Thánh địa Trúc Lâm, hành trình từ bậc Quân vương đến đức Phật Hoàng”. Trưng bày chuyên đề này giới thiệu các giá trị di sản vật chất và tinh thần của thời đại nhà Trần, về cuộc đời, sự nghiệp Đức vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông qua hình thức trưng bày diễn giải gần 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật khảo cổ khai quật tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội và hệ thống các di tích liên quan đến Trúc Lâm Yên Tử tại Quảng Ninh.
Hiện vật giới thiệu trong trưng bày chuyên đề tại Hoàng thành Thăng Long.
Trước đó (ngày 5/12/2018), Trung tâm cũng đã tổ chức một buổi tọa đàm khoa học nhằm khẳng định vai trò to lớn của đức vua, phật hoàng Trần Nhân Tông trong lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo; mối liên quan giữa Hoàng cung Thăng Long và thánh địa Trúc Lâm, những địa danh gắn với cuộc đời làm vua và xuất gia tu tập, hóa Phật của đức vua Trần Nhân Tông.
Chuỗi hoạt động đã góp phần tôn vinh những di sản văn hóa, di sản tinh thần của triều Trần nói chung và của Phật hoàng Trần Nhân Tông nói riêng, đồng thời giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu sâu hơn và trân trọng những giá trị quý báu đó.
Ban biên tập