Nữ tiến sỹ Nho học đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam
Dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hiến lâu đời, từ ngàn đời nay ông cha ta đã coi trọng trí thức và nhân tài, điều đó được khắc ghi trong văn bia Văn Miếu Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sỹ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp. Vì, kẻ sỹ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết dường nào”.
Trong dòng chảy chung của lịch sử, khi Thái tổ Mạc Đăng Dung lên ngôi thiết lập lên một triều đại mới, nhà Mạc rất coi trọng công việc khoa cử tuyển chọn người tài giúp vua, giúp nước. Theo đánh giá của Phan Huy Chú vào thế kỷ 19: “Nhà Mạc dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử, vì thế được nhiều người tài giỏi giúp việc, chống đối với nhà Lê, kéo dài đến hơn 60 năm. Ấy cũng là công hiệu của khoa cử đó.” Thừa kế nền giáo dục từ thời Lê sơ, nhà Mạc vẫn dùng Nho giáo làm tư tưởng chính thống trong việc thể chế hoá các chính sách cai trị và xây dựng bộ máy triều đình.
Quốc Tử Giám và nhà Thái học vẫn là trung tâm giáo dục lớn nhất cả nước. Qua các cuộc chiến xung đột cuối thời Lê, nhiều công trình kiến trúc ở Văn Miếu bị hư hại. Năm 1536, Mạc Thái Tông sai Mạc Đình Khoa tu sửa lại trường Quốc Tử Giám. Năm 1537, thượng hoàng Mạc Thái Tổ đích thân đến nhà Thái học làm lễ tế Khổng Tử. Tại các lộ trong nước tiếp tục duy trì các trường học như thời Lê sơ và các trường tư. Giáo dục và khoa cử thời Mạc đã tạo ra một đội ngũ quan lại cho bộ máy triều đình, trong đó có không ít người danh vọng rất cao như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Hà Nhậm Đại, Hoàng Sĩ Khải….
Khoa cử thời nhà Mạc đã làm nên một điều khác biệt so với tất cả các triều đại phong kiến trước và sau triều đại của mình, đó là đã phong tặng, công nhận và trọng dụng nữ Tiến sỹ Nho học đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử của Việt Nam – Nguyễn Thị Duệ. Điều này chứng tỏ, tư tưởng tiến bộ của các vua nhà Mạc, vì trọng dụng hiền tài mà vượt qua cản trở của tư tưởng “trọng nam kinh nữ” thời bấy giờ. Và bà Nguyễn Thị Duệ đã khẳng định, việc tuyển chọn và phong Tiến sỹ Nho học cho bà là một việc làm sáng suốt của bậc đế vương nhà Mạc.
Tiến sỹ Nho học đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử của Việt Nam – Nguyễn Thị Duệ
Theo tương truyền, bà Nguyễn Thị Duệ sinh năm 1574 người làng Kiệt Đài, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (nay là phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Là người tài sắc, năm 10 tuổi bà đã biết làm văn bài, người người kính phục, nhiều nhà phú quý trong cùng đến xin cưới làm dâu nhưng bà và gia đình đều không ưng. Năm 1592, Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm kinh thành Thăng Long, nhà Mạc rút chạy lên Cao Bằng, Nguyễn Thị Duệ cũng theo gia đình lên đó sinh sống.
Dưới thời phong kiến ở Việt Nam, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã không cho giới nữ được bình đẳng với nam giới, kể cả việc học hành, thi cử. Không an phận, Nguyễn Thị Duệ đã giả trai mang tên Nguyễn Du đi dự khoa thi năm Giáp Ngọ (1594) khi vừa tròn 20 tuổi. Khoa thi Hội năm ấy, sĩ tử tham dự rất đông, bà đỗ thủ khoa, trong khi chính thầy dạy bà chỉ đỗ á khoa. Triều đình mở yến tiệc gặp gỡ các vị tân khoa. Vua Mạc Kính Cung thấy vị Tiến sỹ trẻ tuổi này rất khác lạ: dáng mảnh mai, thanh tú, mắt sáng trong màu ngọc, đôi môi đỏ như son, miệng rất duyên dáng, những ngón tay búp măng thon dài trắng muốt, toát lên một vẻ đẹp kiêu sa, kiều diễm… nên sinh nghi. Nhà vua liền xét hỏi và phát hiện ra việc bà giả trai. Bà cải trang đi thi như thế là phạm tội khi quân, nhưng vua Mạc không những không trừng phạt mà còn khen ngợi bà. Vua Mạc Kính Cung đã xót xa, ân hận về cái đạo luật phi lý này và rất nể phục sự dũng cảm “vượt rào” của một người con gái tài sắc đã dám chứng minh “không hề thua kém giới mày râu”.
Sau đó, vua nhà Mạc vời bà vào cung để dạy các phi tần, rồi được tuyển làm phi và ban tên là Tinh Phi (Sao Sa) ngụ ý khen bà vừa xinh đẹp vừa sáng láng như một vì sao. Người ta quen gọi là “Bà Chúa Sao”.
Năm 1625, quân Lê – Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Bà vào rừng ẩn náu trong một ngôi chùa nhỏ, bị quân lính bắt được. Bà cầm thanh gươm trên tay khảng khái nói: “Các ngươi bắt được ta thì phải đưa ta đến nộp chúa của các ngươi, nếu vô lễ thì với lưỡi gươm này ta sẽ tự tử”. Cảm phục khí tiết của bà, quân Trịnh bèn giải bà về kinh nộp cho chúa Nghị Vương. Nghe tiếng tăm của Nguyễn Thị Duệ, chúa Trịnh rất sủng ái, phong cho bà chức Cung Trung Giáo Tập, rồi Lễ Nghi Học Sĩ để trông coi việc dạy học trong vương phủ.
Khi làm việc quan, bà rất quan tâm đến việc thi cử, bồi dưỡng nhân tài. Phần lớn ở các kỳ thi đình, thi hội; tất cả bài vở đều qua tay bà chấm chọn. Mỗi tháng vài kỳ, bà cùng các bậc túc nho đến giảng dạy, ôn tập cho các sĩ tử. Bà tự tay ra đề bài cho các quan và sỹ tử hàng huyện học tập. Bài làm xong được các quan tư văn niêm phong, đưa về cung cho bà chấm, kết quả được gửi trở lại các địa phương. Phải chăng đây là kiểu học từ xa đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, bà còn xin triều đình cấp nhiều mẫu ruộng tốt, cho canh tác lấy hoa lợi, giúp đỡ học trò nghèo chăm chỉ. Là một vị quan thanh liêm, Nguyễn Thị Duệ thương dân như con. Khi đất nước gặp thiên tai, địch họa, bà xin triều đình phát chẩn cứu đói, cấp nhiều mẫu ruộng tốt, canh tác lấy hoa lợi. Do có nhiều công lao với dân với nước, bà dược thăng chức “Chiêu Nghi” hiệu là “Nghi Ái Quan”, người dân tôn sùng gọi bà là Nghi Ái Quan.
Một lần dự yến tiệc trong Hoàng cung, bà quen với hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông). Từ đấy, hai bà trở thành đôi bạn tri kỷ. Hàng tháng, bà cùng hoàng hậu đi lễ chùa để gặp các nhà tu hành cũng là những người học nhiều, biết rộng, gặp gỡ các sĩ phu Bắc Hà – những nhà chân nho thực tài như Thám hoa Giang Văn Minh, Thám hoa Phượng Thế Hiền… nên biết được tình hình trong nước và những bất bình trong dân, giúp vua kịp thời điều chỉnh chính sách an dân. Nguyễn Thị Duệ cũng khôn khéo khuyên họ bớt xa xỉ, trừng trị nghiêm bọn tham quan, cường hào nhằm thu phục lòng tin yêu của dân.
Tuổi cao, Nguyễn Thị Duệ cáo quan về lại quê nhà, bà dựng am Đào hoa để có nơi đọc sách và bảo ban các sĩ tử trong làng. Vua Lê giao cho bà số thuế hằng năm của tổng Kiệt Đặc để làm bổng lộc; bà chỉ dành một ít tiền chi dụng, còn bao nhiêu bà dành hết cho việc công ích và trợ giúp người nghèo. Nhân dân rất cảm phục tài năng và đức độ, nên xưng tụng bà là “Nghiêu, Thuấn trong phái nữ, thần tiên ở trên đời”.
Về già, bà xuất gia đi tu ở chùa Vụ Nông, hạt Gia Lâm, lấy hiệu Diệu Huyền. Nguyễn Thị Duệ sống hơn 80 tuổi mới qua đời. Sau khi mất, bà được triều đình ban sắc phong, cho đúc tượng, dựng bảo tháp, khắc bia, người dân địa phương lập đền thờ, tôn bà làm Phúc thần.
Hiện nay, trong Hậu cung Văn miếu Mao Điền ở Hải Dương, bà được thờ cùng Khổng Tử và bảy vị Đại khoa danh tiếng của Việt Nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, thần toán Vũ Hữu, nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh và danh y Tuệ Tĩnh./.
Thu Hà (tổng hợp)