Triển lãm “Thành Hà Nội – dấu ấn một thời”

Hướng tới kỷ niệm lần thứ 15 ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2004-23/11/2019), tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức Triển lãm “Thành Hà Nội – Dấu ấn một thời”. Đây là sự kiện tiếp nối, kết quả của Chương trình hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Bộ Nội vụ.

Cửa Đông Nam thành Hà Nội, khoảng năm 1888 – 1891(Nguồn: EFEO).

Triển lãm lần đầu tiên khai thác sự đa dạng, phong phú của nguồn tài liệu Châu bản triều Nguyễn kết hợp với tài liệu tiếng Pháp gồm hình ảnh, bản đồ, bản vẽ về thành Thăng Long – Hà Nội, nhằm phản ánh khái quát, sinh động, chân thực về quá trình xây dựng, thay đổi cấu trúc không gian thành Thăng Long – Hà Nội dưới thời Nguyễn và sự tác động của người Pháp (1802 – 1945); Khẳng định hơn nữa về giá trị của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trên các khía cạnh về nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị.

Dưới thời Nguyễn, thành Thăng Long – Hà Nội dù không còn giữ vị trí là trung tâm đầu não đất nước song nơi đây vẫn đóng một vai trò chính trị quan trọng. Năm 1802, vua Gia Long đã đặt thành Thăng Long làm thủ phủ của Trấn Bắc thành, quản lý 11 nội ngoại trấn (Bắc Bộ). Vua Gia Long giữ nguyên tên Thăng Long nhưng cho đổi chữ Long trong nghĩa là Rồng thành chữ Long với nghĩa là Thịnh vượng.

Năm 1804, điện Kính Thiên, công trình kiến trúc tiêu biểu và nổi tiếng thời Lê trở thành địa điểm chính đặt hành cung của các vị vua triều Nguyễn mỗi khi tuần du ra khu vực phía Bắc. Trong nhiều năm sau này, hành cung ở Thăng Long liên tục được sửa chữa. Năm 1841, vua Thiệu Trị cho xây dựng thêm một số công trình gồm một chính điện 5 gian và một hậu điện, điện Thị Triều, điện Cần Chánh và cửa Chu Tước. Xung quanh hành cung có tường bảo vệ. Cho đến những năm 70 của thế kỷ XIX, hành cung được phản ánh khá rõ trong các ghi chép, các bức ảnh và bản đồ cổ do người Pháp vẽ và đây được coi là “một trong những tuyệt tác của kiến trúc An nam”.

Năm 1831 vua Minh Mệnh đã tiến hành cải cách hành chính, chia đặt các tỉnh trong cả nước, trong đó có tỉnh Hà Nội. Thành Thăng Long trở thành trị sở của tỉnh Hà Nội.

Thành Thăng Long – Hà Nội được nhà Nguyễn cho xây dựng theo kiểu Vauban, trên nền của tòa thành cũ thời Lê. Đây là kiểu thành lũy có nguồn gốc tại Pháp và được đưa về Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII. Thành hình vuông, chu vi hơn 1285 trượng (khoảng 5 km). Tường thành cao hơn 1 trượng (khoảng 4 m), dày 4 trượng ( khoảng 16 m), phía dưới xây bằng đá xanh, đá ong, phía trên bằng gạch hộp. Thành mở 5 cửa: bắc, đông, tây, đông nam và tây nam.

Bản phụng Thượng Dụ của Nội các ngày 17 tháng 7 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) về việc bổ nhiệm chức Tuần phủ và Đề đốc chuẩn bị cho các đại lễ bang giao và tiếp đón ngự giá đến hành cung Bắc thành vào năm tới (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/ phông Châu bản triều Nguyễn).

Bước sang nửa cuối thế kỷ XIX, trong bối cảnh phức tạp của thế giới và khu vực, chính quyền nhà Nguyễn phải đối mặt với âm mưu của xâm lược từ thực dân Pháp. Sau khi chiếm được Nam kỳ, từ năm 1873 – 1882, thực dân Pháp đã 2 lần đánh chiếm thành Hà Nội với dã tâm xâm chiếm Hà Nội cũng như Bắc kỳ, làm chủ dòng sông Hồng, thuận tiện trong việc giao thương với Trung Quốc. Hiệp ước Hác-Măng (1883) ký kết giữa triều đình nhà Nguyễn với Pháp là kết quả của âm mưu đó.

Thành Hà Nội trong giai đoạn này (1883 – 1897) đã chịu sự can thiệp sâu sắc của quân đội Pháp. Trong những năm đầu sau khi chiếm được thành Hà Nội, quân đội Pháp đã tận dụng các công trình cũ và cho xây dựng thêm nhiều doanh trại quân đội trong thành làm trụ sở chỉ huy. Tuy nhiên, ngày 28/7/1893, Hội đồng thị chính thành phố Hà Nội (thành lập năm 1888) đã đề nghị phá bỏ các tường thành, và nửa góc Tây của thành, để xây một khu phố mới kiểu Âu. Kế hoạch giáng cấp và phá hủy thành Hà Nội được hoàn thành vào năm 1897.

Từ năm 1897 cho đến năm 1945 và trước khi quân Pháp rút khỏi Hà Nội vào năm 1954, khu vực thành Hà Nội là đại bản doanh của quân đội Pháp tại Đông Dương.

Khu thành cổ Hà Nội hiện nay là một phần còn lại của trục trung tâm tòa thành Vauban năm xưa, gồm: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền Điện Kính Thiên, Hậu Lâu (lầu Tĩnh Bắc) và Cửa Bắc. Cùng với những dấu tích khảo cổ học được phát hiện tại khu vực 18 Hoàng Diệu, địa điểm này đã được UNESCO vinh danh trở thành di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.

Triển lãm “Thành Hà Nội – Dấu ấn một thời” gồm 2 chủ đề:

  • Phần 1: Nhà Nguyễn với Thành Hà Nội
  • Phần 2: Người Pháp với Thành Hà Nội

Triển lãm mang đến cho người xem nhiều thông tin bổ ích cũng như hiểu hơn về giá trị các loại hình di sản thế giới, độc đáo của Việt Nam.

Triển lãm được giới thiệu tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, số 19 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội; Mở cửa đón khách tham quan từ ngày 22/11/2019.

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button