Lễ Tế Xã Tắc và Đàn Xã Tắc Thăng Long
Lễ Tế Xã Tắc là một trong những nghi lễ quan trọng trong các lễ tự của Việt Nam. Theo điển chế của chế độ phong kiến, thì lễ tế Nam giao, Lễ tế Tông miếu và Lễ tế Xã Tắc là một trong lễ đại tự của chế độ vương quyền. Đây là lễ tế thần Đất và thần Ngũ Cốc, hai yếu tố có quan hệ chặt chẽ khăng khít với nhau quyết định sự sống còn của con người.
1. Tổng quan và lịch sử
Xã là đất hay nền tế thần Đất, Tắc là thần Ngũ Cốc hay nền tế thần Ngũ cốc[1]. Đàn Xã (nền Xã) của thiên tử xây bằng đất năm màu, còn nền Xã của chư hầu trở xuống xây bằng đất thích ứng ở nơi đó và dùng cây gỗ thích nghi sinh trưởng ở nơi dựng đàn, gọi là Xã Thụ. Xã Thụ là tượng trưng cho thần thổ địa. Xã thần là Thổ thần. Phối hợp cùng Thổ thần là Thần lúa gạo, tức Tắc thần. Phối hợp với Xã đàn là Tắc đàn. Do vì hai Thần, hai đàn ấy luôn luôn lập kế cận nhau, nên thường được gọi chung là Xã Tắc. Sau này, hai đàn Xã và Tắc hợp thành một.
Tất cả các nguồn sử cũ đều ghi rõ việc lập đàn Xã Tắc là để “bốn mùa cúng tế, cầu được mùa”[2], “bốn mùa cầu đảo cho mùa màng”[3]. Như vậy, mục tiêu tối thượng của việc lập đàn Xã Tắc ở Thăng Long được các nguồn sử liệu thống nhất khẳng định đó là lễ tế Cầu mưa hay Cầu được mùa.
Lễ Cầu mùa vốn là nghi lễ quan trọng hàng đầu của tất cả các cư dân nông nghiệp phương Đông vốn sống bằng nghề nông là chủ yếu. Đối với nước ta, nông nghiệp trồng lúa nước cổ truyền xuất hiện từ sớm và luôn chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống nhân dân. Do đó, các nghi lễ cầu mùa xuất hiện từ rất sớm và ngày càng trở nên quan trọng. Các hình ảnh hội mùa, các nghi lễ liên quan đến cầu mùa, cầu mưa đã được ghi lại trên trống đồng, thạp đồng Đông sơn từ thời các vua Hùng như hình ảnh nam nữ giao duyên, đoàn người rước múa, đua thuyền, tượng cóc. Các lễ hội cầu mùa, các nghi lễ liên quan tới nông nghiệp đó tồn tại lâu dài trong dân gian.
Ngay từ thời Lý, nhà nước quân chủ độc lập đã đưa nghi lễ này thành nghi lễ quốc gia dưới hình thức tế thần Đất và thần Ngũ cốc ở đàn Xã Tắc. Về mặt hình thức, thì đàn Xã Tắc chịu ảnh hưởng phần nào từ Trung Quốc nhưng thực chất nội dung cầu mùa, cầu mưa ở đàn chính là bắt nguồn trực tiếp từ đời sống của cư dân nông nghiệp lúa nước Việt cổ vốn hình thành qua hàng nghìn năm trước công nguyên. Đến tận thời Nguyễn, đàn Xã Tắc không chỉ tổ chức ở kinh đô mà còn được xây dựng khắp các địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng thờ cúng của toàn dân.
Vào triều Lý sau khi rời kinh đô từ Hoa Lư lên Thăng Long, cho kiến thiết xây dựng cung điện cho việc thiết triều thì đã cho xây dựng đàn Xã Tắc Mậu Tý, [Thiên Cảm Thánh Vũ] năm thứ 5 [1048] Mùa thu, tháng 9 Lập đàn Xã Tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho mùa màng. [4]
Đại Việt sử lược có ghi, Năm Mậu Tý (năm 1048) là năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ 5: Tháng 3, lập Xã đàn ở ngoài cửa Trường Quảng để làm nơi bốn mùa cầu cúng thần lúa.[5]
Năm 1048, thời vua Lý Thái Tông, đàn Xã Tắc chính thức thành lập. Không hình thành quá sớm, cũng không hình thành quá muộn nhưng đàn Xã Tắc ngay từ lúc hình thành đã tỏ rõ vai trò quan trọng hàng đầu của nó. Việc tế lễ ở đàn đều do vua chủ lễ. Việc lập đàn Xã Tắc nhà Lý cũng nằm trong mục đích xác định quyền lực chân chính của vua Lý đối với quốc gia cũng như góp phần củng cố mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ của đất nước.
Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục cũng nhận định: “Triều nhà Lý, lập đàn Phong vân để cầu mưa; lập đàn Xã Tắc đế cầu cho quanh năm được mùa; dùng ngày lập xuân[6] làm lễ nghinh xuân; đi tuần thú, tế thần Tiên nông, nhà vua tự cày ruộng tịch điền; lại thời thường đi tuần địa phương xa xem dân cấy gặt, đều là chế độ tốt. Đến như việc tháng 8 cho trong nước được hội họp bàn uống và ban thưởng tiền lụa[7] dưới triều Thái Tông thì trước kia và sau này đều ít thấy việc ấy”.[8]
Thời Trần, đàn Xã Tắc được Lý Tế Xuyên mô tả trong Việt Điện U Linh năm 1329 như sau: “Đế quân tức là Hậu Tắc dạy dân nghề trồng lúa, từ thời Chu đến nay thờ làm Xã thần. Nước ta, thời Đế quân tại phía Nam La thành bên cửa Quốc Bình, miếu điện rất tôn nghiêm, tục gội là Xã Đàn tư thần, linh thiêng có tiếng. Các triều vua trước thường làm lễ tế Giao cùng với trời đất. Khi có đại hạn hoặc nạn hoàng trùng, làm lễ cầu mưa hay trừ sâu tất được linh ứng. Năm Trung Hưng thứ nhất, truy phong làm “Hậu Tắc tư đế quân”, năm thứ 4 đổi phong là “Thiên Tổ Xã Tắc đế quân”.[9]
Đinh Sửu, [Quang Thái] năm thứ 10 [1397], (Minh Hồng Vũ năm thứ 30). Mùa xuân, tháng giêng, sai Lại bộ Thượng Thư kiêm Thái sư lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà Tông miếu, dựng đàn Xã Tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng 3 thì công việc hoàn tất.[10]
Đến thời Lê một số tư liệu lịch sử có ghi chép về đàn Xã Tắc:
Giáp Ngọ, [1414], Tháng 9, Hoàng Phúc nhà Minh truyền bảng cho các phủ, châu, huyện dựng Văn Miếu và các đàn thờ thần Xã Tắc, thần Gió, thần Mây, thần Núi, thần Sông và những thần không ai thờ cúng để tế lễ thường xuyên.[11]
Ất Mão, [Thiệu Bình] năm thứ 2 [1435], Tháng 2, Ngày Đinh Mùi mồng 5, sai Thiếu bảo Lễ Quốc Hưng làm lễ tế tiên sư Khổng Tử, từ đấy về sau coi là thường lệ. Ngày Mậu Thân, tế Xã Tắc.[12]
Niên hiệu Quang Hưng thứ 4 (1581) tháng 7, Đêm hôm 21, có trận mưa bảo rất dữ! mà tại kinh đô càng mạnh hơn, tự cung điện trong triều, đến Giao đàn, Thái Miếu và đàn Xã Tắc, cả đến nhà cửa cùng dinh thự, thấy đều đổ nát gần hết! Về hương thôn các xứ thì, cây bốc rễ, lúa ngả rạp, nhà đổ thuyền đắm, người chết rất nhiều.[13]
2. Về vị trí và diện mạo
Về vị trí quy mô, cấu trúc của đàn Xã Tắc, vào năm 2006, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội và Viện Khảo cổ đã tiến hành khai quật khảo cổ học tại ngõ Xã đàn 1, phường Nam Đồng quận Đống Đa, Hà Nội. Tại khu vực phía Đông Nam Ô Chợ Dừa, phía Đông của phố Nguyễn Lương Bằng có địa danh ngõ Xã Đàn 1, ngõ Xã đàn 2. Ngõ Xã Đàn có tên như vậy vì nơi đây hàng nghìn năm có đàn Xã Tắc một loại hình đàn tế quan trọng bậc nhất trong không gian nghi lễ cúng tế của các vương triều kinh đô Thăng Long.
Địa danh ngõ Xã Đàn bắt nguồn tên phường Xã Đàn xưa của kinh đô Thăng Long thời Lê và tỉnh thành Hà Nội thời Nguyễn. Ít nhất là tên phường Xã Đàn đã tồn tại từ thế kỷ XVII khi mà trong chùa Xã Đàn ở gần ngõ Xã Đàn có một tấm bia năm 1699 cho biết chùa được lập trên đất Xã Đàn. Đồng Khánh Dư Địa chí và Đại Việt Địa Dư Toàn Biên đều được ghi địa danh ở phường Xã Đàn tức là phường có đàn Xã Tắc thuộc tổng Yên Hòa, huyện Thọ Xương (Đồng Khánh dư địa chí).
Địa danh thôn Xã Đàn, tổng Yên Hòa, huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội do ông lý trưởng Lê Khuông khai ngày 5 tháng 12 năm Minh mạng (hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, ký hiệu DDB10.R44) ghi chép chi tiết về địa vực thôn Xã Đàn: Giáp thôn Trung Tự, phường Đông Tác về phía đông, đối diện với phường Thiện Hào về phía tây, giáp ngòi nhỏ trại Nam Đồng về phía Nam, giáp thông Thổ Quan về phía Bắc. Đến năm 1942, di tích còn địa hình cao trên đó có một ngôi miếu nhỏ. Như vậy, khu vực ngõ Xã Đàn cho đến thời điểm năm 2006, trước đó thuộc thôn Xã Đàn thời Nguyễn, phường Xã Đàn thời Lê là nơi có sự hiện diện của đàn Xã Tắc. Đặc biệt ở đình Đông Các, đối diện với ngõ Xã Đàn 1 có 2 tấm bia thời Lê ghi rõ vị trí của đình trong tương quan với vị trí của đàn Xã Tắc. Tấm bia Cao Sơn Tây Hưng miếu, niên hiệu Chính Hòa thời Lê (1680-1705) ghi: “Bên tả, về phía Thanh Long [Đông], dòng nước uốn quanh, đình này đứng song song với đàn Xã Tắc”. Bia Nghĩa Phê tạo đình bi ký năm Chính Hòa thứ 13 (1692) cũng nhắc đền vị trí của đình so với đàn Xã Tắc và cho biết đình “cao ngang đàn Xã Tắc”. Như vậy, địa danh ngõ Xã Đàn, thôn Xã Đàn, phường Xã Đàn nay thuộc phường Nam Đồng quận Đống Đa bắt nguồn từ tên gọi di tích đàn Xã Tắc được xây dựng thời Lý hay Xã Đàn thời Trần.
Một luận giải nữa cho thấy, đàn Xã Tắc có từ thời Lý được định vị ở bên ngoài cửa Trường Quảng thành Đại La. Thành Đại La chính là vòng thành ngoài cùng của cấu trúc tổng thể 3 vòng thành bao bọc lẫn nhau của kinh thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê. Cửa Trường Quảng chính là cửa đươc sử cũ mô tả là đàn Xã Tắc ở bên ngoài. Thời Lý sử cũ nhắc đến cửa Trường Quảng 5 lần trong các năm 1033, 1048, 1072, 1210, 1219. Đối chiếu với thực địa, có thể thấy vị trí của di tích ghi là đàn Xã Tắc chính là vị trí của Trường Quảng thời Lý là bởi lẽ:
– Về giữa hướng bắc di tích có dấu tích thành Đại La
– Giữa đường La Thành và Đê La Thành cắt phố Nguyễn Lương Bằng và Tôn Đức Thắng là Ô Chợ Dừa.
Tên gọi Ô Chợ Dừa được chính thức ghi trên bản đồ Hà Nội năm 1873. Cửa ô này theo Thư tịch cổ có rất nhiều tên gọi khác nhau. Gọi là Ô Chợ Dừa vì gần cửa ô có Chợ Dừa. Gội là Ô Cầu Dừa vì ngày xưa ở đây có Cầu Dừa bắc qua hào để đi vào trong thành. Gọi là Ô Thịnh quang là vì ô thuộc phường Thịnh Quang. Khi phường Thịnh Quang đổi thành phường Thịnh Hào thì lại gọi là Ô Thịnh Hào. Theo Đỗ Văn Ninh còn có tên là Ô Thổ Quan vì lúc ô thuộc phường Thổ Quan. Trong các tên gọi này tên gọi là Ô Chợ Dừa là phổ biến hơn cả. Chợ Dừa được nhắc đến trong năm 1241, thời Trần Thái Tông, cửa Chợ Dừa được nhắc đến năm 1309 thời Trần Anh Tông. Địa danh Ô Chợ Dừa, cửa Cầu Dừa xuất hiện năm 1588 khi quân Lê – Trịnh đánh nhau với quân Mạc, sử đã ghi địa danh Cầu Dừa.
Ô Cầu Dừa ngày nay có phải cửa Trường Quảng có đàn Xã Tắc thời Lý hay không. Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán cho biết gần cửa Ô Chợ Dừa có dấu tích đàn Xã Tắc ở ngõ Xã Đàn.
Như vậy, cửa Ô Chợ Dừa, do có sự hiện diện của đàn Xã Tắc ở phía đông nam gần đó chính là cửa Trường Quảng thời Lý, hay ngược lại di tích phía Đông nam cửa Trường Quảng (cửa Ô Chợ Dừa) chính là di tích đàn Xã Tắc của kinh đô Thăng Long.
Về cấu trúc của đàn Xã Tắc: nền đàn một khu, nội nghi môn 3 gian, cửa nhỏ 2 gian, bôn xung quanh đắp tường, điện Canh y 1 gian 1 chái, nhà Túc yết 5 gian 2 chái, kho tế khí và phòng bếp đều 3 gian, ngoại nghi môn 3 gian, bốn xung quanh đắp tường.[14] Sau khi trung hưng, đàn Xã Tắc không có điện Canh y[15].
Về diện mạo đàn Xã Tắc:
– Các dấu tích kiến trúc còn lại giữa các thời Lý – Trần – Lê không có mối quan hệ gì với nhau về mặt kiến trúc. Giữa các thời kỳ đều được tách bạch rõ bởi các lớp đất ngăn cách. Các di tích thời Lý dấu tích đáng chú ý nhất là móng nền được rải và đầm chủ yếu bằng mảnh sành. Hiện tượng móng bó nền bằng mảnh sành mới chỉ gặp ở địa điểm Đàn Xã Tắc và Nam Giao. Ở Nam Giao, một số vị trí vẫn còn những viên gạch bó nền xếp đúng, rất chắc chắn của một loại hình kiến trúc hình chữ công. Như vậy đường móng sành ở địa điểm Xã Tắc được dùng để xây bó móng nền cho kiến trúc thời Lý.
– Thời Trần, dấu tích còn rất ít và không đủ tư liệu để đoán nhân, nhưng có thể thấy đường móng có hàng gạch chôn nghiêng nằm cùng phương vị với dấu tích thời Lý.
– Thời Lê, dấu tích kiến trúc được nhận rõ bởi các hàng gạch sắp xếp nằm và hàng gạch bìa chôn nghiêng theo 2 hướng bắc – nam và đông – tây.
Giữa các di tích Lý – Trần – Lê trên đều có những đặc điểm gần nhau như sau:
– Tất cả đều là những giải móng nền được tạo bởi mành sành (thời Lý), gạch bìa (thời Trần), bằng gạch vồ và gạch bìa thời Lê và có xu hướng tạo thành hình chữ nhật.
So sánh với đàn Xã Tắc thời Lý – Trần – Lê ở Hà Nội so sánh với đàn Xã Tắc ở Huế sẽ có điểm tương đồng và khác biệt ra sao. Đàn Xã Tắc ở Huế được vua Gia Long cho xây dựng trong những năm đầu triều Nguyễn thuộc xã Hữu Niên đổi là phường Ngưng Tích, đầu thế kỷ XX đổi thành phường Thuận Cát. Đàn có 3 tầng giật cấp cao dần lên theo thứ tự từ ngoài vào trong từ thấp đến cao như sau:
– Tầng ngoài cùng là thấp nhất có hình chữ nhật (123m x 175m), bốn mặt xung quanh có tường vây (La thành) cao 1,10m, dày 0,70m có trổ 4 cửa ở 4 hướng trong đó cửa bắc là cửa chính.
– Tầng thứ hai hình vuông (74m x 74m). Xung quanh tầng này cũng có tường vây (cao 0,90m, dày 0,30m) và 4 xung quanh đều có các bậc cấp lên xuống.
– Tầng trên cùng hình vuông (30mx30m). Xung quanh có tường xây cao 0,90m dày 0,30m, 4 phía đều có bậc lên xuống. Tầng trên cùng (tầng thượng): Phần nền được đắp đất sét màu vàng nhạt ha cát, màu xám vàng hoặc xám xanh, cao hơn tầng thứ hai 1,55m, phần bó nền đã làm rõ được 2 phần: phần móng được gia cố bằng đất sét, đất laterite, cát vàng, gạch ngói vỡ dày 0,70m, rộng 2,8m, phần bó nền được xây bằng gạch vồ có mạch vữa liên hết truyền thống. Cả bốn phía đều có dấu tích bậc cấp xây bằng gạch vồ.
(Đường móng gạch thời Lê – Hố H4 tại đợi khai quật khảo cổ học Đàn Xã Tắc năm 2006)
(Chi tiết mảng nền lát gạch thời Lê phía Bắc hố H4 khảo cổ học Đàn Xã Tắc năm 2006)
So sánh với đàn Xã Tắc Huế thì đàn Xã Tắc Hà Nội có nét tương đồng:
– Thứ nhất, các dấu tích kiến trúc của cả 2 đàn trên có phần bó nền kiến trúc được xây bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, kỹ thuật gia cố móng đều được làm hết sức cẩn thận.
– Thứ hai, cấu trúc chính của đàn Xã Tắc Huế là tầng nền lộ thiên, cho nên trong các tầng đàn không có các dấu tích của kiến trúc có khung mái như móng cột và chân tảng. Đây cũng là đặc điểm kiến trúc của đàn tế.
– Thứ ba, dấu tích móng nền bằng sành ở thời Lý ở địa điểm đàn Xã Tắc – Hà Nội có số đo là 28m. Số đo này sấp xỉ số đo của tầng thượng đàn Xã Tắc ở Huế (30.34m) nên có thể suy ra dấu tích đã tìm thấy ở địa điểm Xã đàn Hà Nội là dấu tích tầng thượng của đàn Xã Tắc Thăng Long thời Lý.
Tuy nhiên giữa 2 đàn này cũng có nhiều khác biệt:
– Vật liệu xây dựng: ở đàn Xã Tắc Thăng Long: thời Lý sử dụng gạch bìa, gạch vuông, nhiều mảnh sành, sứ vụn, thời Lê chủ yếu gạch vồ, gạch vuông, trong khi đó đàn Xã Tắc ở Huế chủ yếu sử dụng ngói vụn, cát, đá bazan, gạch vồ cỡ nhỏ hơn gạch vồ thời Lê.
– Kỹ thuật gia cố móng và bó nền ở đàn Xã Tắc Huế kiên cố hơn, chắc chắn hơn kỹ thuật gia cố móng nền đàn Xã Tắc Thăng Long.
– Đàn Xã Tắc Thăng Long qua các thời có nhiều công trình kiến trúc phụ trợ như Tế Đình, nhà kho, nhà bếp, các Nghi môn và để lại rất nhiều loại ngói lợp. Đàn Xã Tắc Huế chưa thấy các tài liệu công bố nói về các loại kiến trúc phụ trợ này.
– Kích thước móng nền tầng thượng đàn Xã Tắc Thăng Long căn cứ vào hiện trạng khác với kích thước đàn Xã Tắc ở Huế một chút. Chiều đông – tây của móng đàn Xã Tắc đã xác định được là 28 cm. Tuy nhiên chiều Bắc Nam hồ H6 đã xác định dài 31m và còn tiếp tục phát triển lên phía bắc, điều này chứng tỏ tầng thượng của đàn Xã Tắc Thăng Long có hình chữ nhật.
– Điều này cũng được thấy rõ thêm ở đường móng gạch thời Lê khi mà ở khoảng 20 m, có dấu tích của một con đường gạch vồ. Thông thường ở đàn Xã Tắc Trung quốc, Hàn Quốc, các đường đi này đều nằm vào khoảng giữa của đàn. Nếu đúng như vậy nhân đôi lên ta sẽ có chiều dài của tầng thượng thời Lê khoảng 45m-50m. Rất có thể chiều dài tầng thượng đàn Xã Tắc thời Lý có kích thước tương tự. Quy mô tầng thượng hình chữ nhật của đàn Xã Tắc Thăng Long cũng là điều khác với tầng thượng của đàn Xã Tắc ở Huế có hình vuông.
(Các di tích xuất hiện trong lớp văn hóa Lý – Trần – Lê tại cuộc Khai quật khảo cổ học Đàn Xã Tắc năm 2006)
- Quá trình chuẩn bị và nghi thức tế lễ
Để chuẩn bị cho lễ tế thời Lê, các nguồn sử liệu có ghi chép khá chi tiết về chức năng của các bộ. Ví dụ, Chức vụ Hộ bộ: Các lễ tế [ngày] Đinh, tế [ngày] Mậu, tế thần Gió, thần Mây, tế Xã Tắc, lễ xuân thu hai kỳ, cứ quan Lễ bộ làm bản kê đưa sang thì chiếu bộ Hộ phát tiền, gạo, lụa, muối và dầu, giao cho chức Giám bạ, Giám tri cùng Thái quan, Lương uẩn, đàn sứ phụng hành. Còn sắm sửa đồ lễ thì cứ Công bộ kê đưa sang thì chiếu phát tiền công, giao cho bộ ấy làm[16].
Riêng Công thuộc hàng năm, quan Bộ công căn cứ tờ tư của Bộ lễ đưa đến rồi tư cho bộ Lễ lĩnh tiền. Mỗi kỳ tế được 20 quan tiền quý, giao cho các cục thợ là hoa, đan trúc, chẻ gỗ làm mâm, sơn phết. Xong xuôi đưa đến Văn Miếu và Xã đàn nộp trước 1 ngày. Bộ công chuẩn bị Tế khí ở đàn Xã Tắc, mỗi kỳ gồ giấy hoa loại lớn vừa và nhỏ 3 đôi. Giường đặt trâu 2 chiếc.
Chức năng Bộ Lễ chuẩn bị chuẩn bị chung cho cả lễ Xã Tắc, lập bản kê, chuẩn bị không gian nghi trượng, sắp đặt lễ vật, tâu lên vua về nhân sự tham gia lễ, các bước tiến hành của nghi lễ.
* Nghi thức tế đàn
Các quan chấp sự đều đủ triều phục mũ đai, ngày hôm ấy đến đàn làm lễ. Xướng : “Phụng mạng tựu bái vị, bái (4 lạy), hưng, bình thân, ế mao huyết, nghệ quán tẩy sớ, quán tẩy, nghệ thần vị tiền, điện bạch, hành sơ hiến lễ, chước tửu, quỵ, phủ phục, hưng, bình thân, nghệ độc chúc vị, độc chúc, quỵ, phủ phục, hưng, bái (2 lạy), bình thân, nghệ ẩm phước vị, ẩm phước (2 lạy), từ thần, cúc cung bái, hưng (4 lạy), bình thân”. Quan độc chúc bưng bản chúc, quan điện bạch bưng lụa đều đến chỗ đốt, đốt đi, đốt xong, xướng. “Lễ tất”.[17]
Tuy nhiên, cũng theo Lê Quý Đôn, dưới thời Lê Trung Hưng (1533-1789) điện Canh Y không còn tồn tại, nhưng vẫn có lễ tế Xã Tắc. Mặc dù đàn tế Xã Tắc đầu tiên ở Việt Nam được lập vào thời Lý, nhưng nghi thức về lễ tế Xã Tắc thì phải đến thời Lê mới thấy được ghi chép khá chi tiết. Có thể tóm lược trình
tự nghi lễ tế Xã Tắc của triều Lê như sau:
– Vua đến bái vị, lạy 4 lạy
– Ế mao huyết,
– Quán tẩy (vua rửa tay)
– Điện bạch (dâng lụa)
– Sơ hiến lễ- Chước tửu (dâng rượu), Độc chúc (đọc chúc văn)
– Ẩm phước1 (uống rượu phước)
– Từ thần
Quan độc chúc bưng bản chúc, quan điện bạch bưng lụa đến chỗ đốt. Đốt xong, lễ tất. Khi lễ xong, viên quan chánh hiến được chia một phần thịt vai bên trái của con sinh theo nghĩa quý thịt vai của người nhà Chu” . Việc tế đàn Xã Tắc thời Lê Trung hưng đã sang giai đoạn thoái trào đến nỗi các sử gia có nhận xét: Hiện nay chánh sự càng ngày càng suy đồi, mà suy đồi không phải một điểm mà thôi. Kinh thư có câu rằng: “Dĩ thừa Thượng đế thần kỳ, võng bất chí túc (Lễ vật dùng dâng tế Thượng đế, các Thần nơi Xã Tắc, Tổ Tông nhà Tôn Miếu, không nơi nào là không thành kính rất mực). Thế mà những lễ phẩm dùng để tế lễ ngày nay, thì con lợn cỗ xôi quá đơn giản, đồ lễ cẩu thả không kính. Đó là điểm đáng sợ thứ nhất vậy.
Như vậy, có thể thấy đến thời Lê Trung hưng, do ảnh hưởng của tình hình chính trị của nước ta và nằm trong sự biến đội của hệ thống nghi lễ, việc tế đàn Xã Tắc có sự thay đổi. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của Lễ tế Xã Tắc trong hệ thống nghi lễ phong kiến Việt Nam. Từ việc lập đàn Xã Tắc để cầu mùa, “Xã Tắc” đã tượng trưng cho quốc gia. Quốc gia còn Xã Tắc còn, Xã Tắc còn thì đàn Xã Tắc còn, ngược lại Xã Tắc mất là quốc gia mất, cũng có nghĩa là đàn Xã Tắc cũng mất. Cho nên, lễ Cầu Mùa ở đàn Xã Tắc cũng chính là nghi lễ cầu cho đất nước giàu mạnh, quốc thái dân an, Xã Tắc trường tồn.
Chú thích:
[1] Việt sử thông giám cương mục, Quốc sử quán triều Nguyễn, tập 1, 2007, tr.313
[2] Việt sử lược, Nxb Thuận Hóa, 2005, tr. 86
[3] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, 1998, tr. 268
[4] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Viện KHXH, Tập I Nxb KHXH, 2001, tr.268
[5] Đại Việt sử lược, Khuyết danh, Nguyễn Gia Tường dịch, NXB TP Hồ Chí Minh, 1993, tr. 44
[6] Bộ Quốc triều thông biên soạn năm Kiến Trung thủ 6 (1230).
[7] Ban hành năm Sùng Hưng Đại Bảo thử 3 (1051).
[8] Kiến Văn Tiểu lục, Viện Sử học, NXb Văn hóa Thông tin, 2013, tr. 63
[9] Việt Điện U linh Lý Tế Xuyên, NXb Văn học, 1972, tr.58
[10] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd, tr.190
[11] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd, 2001, tr.236
[12] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd, 2001, tr.326
[13] Đại việt thông sử, Lễ Quý Đôn, NXB KHXH, 1973, tr. 73, 74
[14] Kiến Văn Tiểu lục, Viện Sử học, NXb Văn hóa Thống tin, 2013, tr. 63
[15] Kiến Văn Tiểu lục, sđd, tr. 65
[16] Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, 2007, tr. 603
[17] Lịch triều hiến chương loại chí, sđd, tr. 871-873
Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư, Viện KHXH, tập II, Nxb KHXH, 2001
- Đại Việt sử lược, Khuyết danh, Nguyễn Gia Tường dịch, NXB TP Hồ Chí Minh, 1993
- Việt Điện U Linh Lý Tế Xuyên, NXb Văn học, 1972
- Đại việt thông sử, Lê Quý Đôn, Nxb KHXH, 1973
- Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, 2007
- Kiến văn tiểu lục, Viện Sử học, NXb Văn hóa Thông tin, 2013
- Việt sử thông giám cương mục, Quốc sử quán triều Nguyễn, tập 1, 2007
- Việt sử tiêu án, Ngô Sỹ Thì, Nxb Văn Sử, 1991
- Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4A, Nxb Thuận Hóa, 2005
- Lễ hội cung đình triều Nguyễn, Duy Từ, Nxb Thuận Hóa, 2000
- Di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long, Tống Trung Tín, NXb Hà Nội, 2019
- Đàn Xã Tắc triều Nguyễn ở Huế lịch sử, hiện trạng và vấn đề bảo tồn, Phan Thanh Hải, Phan Thúy Vân, Tạp chí Khảo cổ học, 2007, số 3, tr.64-74
- Đàn Xã Tắc và tế Xã Tắc ở Huế, Phan Thanh Hải, Tạp chí Xưa và nay, số 307, 2008, số 3, tr.26-28
Đinh Thị Nguyệt
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội