Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu, bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội tổng kết hoạt động năm 2019 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2020
Chiều ngày 3/01/2020, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu, bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội (Hội đồng tư vấn khoa học) đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2019 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2020. Tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội cùng các giáo sư, các nhà khoa học, đại diện các sở ngành Thành phố là thành viên Hội đồng tư vấn khoa học.
Trong năm 2019, Hội đồng tư vấn khoa học đã luôn đồng hành cùng Thành phố Hà Nội, hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị hai khu di sản quý giá của quốc gia là di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa.
Có thể nói, các nhiệm vụ trong tâm của Trung tâm đều được Hội đồng tham gia tư vấn và đóng góp nhiều ý kiến chuyên môn quý giá, cụ thể như: Công tác mở rộng nghiên cứu khai quật khảo cổ học tại khu vực Thành cổ theo khuyến nghị của ICOMOS; công tác bàn giao tiếp nhận bàn giao di tích, di vật; các chương trình nghiên cứu lớn như Đề án nghiên cứu hoàn trả không gian Điện Kính Thiên, nghiên cứu phục dựng lễ hội Đèn Quảng Chiếu; các dự án trọng tâm như: Dự án Tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Dự án Đầu tư xây dựng, bảo tồn, trùng tu toà nhà Vaxuco trở thành nơi trưng bày hiện vật của Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long, Dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa (Đông Anh- Hà Nội), Đồ án Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu vực ba vòng Thành Cổ Loa tại huyện Đông Anh…
Trong công tác phát huy giá trị di sản, Hội đồng đã định hướng và tư vấn giúp Trung tâm triển khai các hoạt động giáo dục di sản; hoạt động phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể như chương trình “Tết Đoan Ngọ xưa và nay”; Chương trình Vui tết Trung thu 2019 với chủ đề “Trống hội trăng thu”; Chương trình Tết Việt…; tổ chức thành công chương trình “Ký ức mùa thu” nhân kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2019); tư vấn chuyên sâu về nội dung các cuộc trưng bày, triển lãm như: Triển lãm “Mùa xuân 1975: Từ Tổng hành dinh đến dinh Độc lập”, “Nghi lễ ban thưởng trong kỳ thi Đình ở Hoàng thành Thăng Long”, “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”, “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ”, “Thành Hà Nội, dấu ấn một thời”…Đặc biệt là việc tổ chức Hội thảo khoa học “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước”, làm cơ sở khoa học để UBND Thành phố tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa vào ngày 20/4/2019.
Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ tích cực về chuyên môn của Hội đồng, trong năm 2019, Trung tâm đã phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa, thu được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, trong năm học 2018-2019 đã có hơn 121.000 học sinh tham quan, học tập tại hai khu di sản, trong đó gần 30.000 học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản chuyên sâu.
Trong công tác mở rộng khai quật khảo cổ học tại khu vực Thành cổ Hà Nội, được sự nhất trí, ủng hộ của Hội đồng, Trung tâm đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiếp tục khai quật tại khu vực phía Đông nền điện Kính thiên. Với diện tích 990m2 đã xuất lộ nhiều các dấu tích kiến trúc và hàng nghìn di vật từ thời Đại La qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời hiện đại. Đặc biệt là việc tìm thấy những cấu kiện, kết cấu kiến trúc bằng gỗ có niên đại thời Lê sơ, giúp các nhà khoa học có thêm hiểu biết về kiến trúc cung điện Hoàng cung xưa kia. Các cuộc khai quật được tiến hành thường xuyên hàng năm đã góp phần bổ sung thêm nhiều tư liệu mới về cấu trúc của kinh đô Thăng Long đồng thời cung cấp toàn diện hơn chứng tích vật chất góp phần nghiên cứu, phục dựng điện Kính Thiên.
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Hội đồng, các thành viên Hội đồng tiếp tục ủng hộ, đồng hành cùng Thành phố và Trung tâm trong công tác bảo tồn phát huy giá trị hai khu di sản, trong đó nhất trí đề nghị lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành dứt điểm như: Dự án di chuyển Nhà Cục tác chiến, Cải tạo công trình Nhà Vaxuco; dự án xây dựng Đền thờ Ngô Quyền. Bên cạnh đó cần thúc đẩy hai chương trình nghiên cứu được khởi động từ nhiều năm qua là nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên và Lễ hội đèn Quảng Chiếu.
Kim Yến
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội