Trao đổi khoa học về hiện vật gỗ phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long
Trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ học thường niên tại Khu vực Chính điện Kính Thiên. Kết quả khai quật khảo cổ học tại khu di sản đã góp phần xác định,làm rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng của các quần thể kiến trúc ở khu vực trục trung tâm, đặc biệt là thời Lê sơ và Lê Trung hưng, đóng góp thêm tư liệu nghiên cứu phương án khôi phục không gian Điện Kính Thiên.
Một cấu kiện gỗ được tìm thấy, vẫn còn nguyên vết sơn son thếp vàng
Bên cạnh những dấu vết kiến trúc của cung điện qua các thời Lý – Trần – Lê còn phát hiện một số lượng lớn hiện vật thuộc các loại hình vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ sành, đồ đất nung và kim loại...Đặc biệt trong hai đợt khai quật năm 2018 – 2019 đã phát hiện dấu tích một dòng chảy thời Lê Trung hưng, trong lớp đáy của dòng chảy xuất lộ nhiều di vật gỗ, là những cấu kiện trên bộ mái lợp kiến trúc.
Đây là những di vật quan trọng trong nghiên cứu và phục dựng các công trình kiến trúc cổ nói chung và các công trình kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long nói riêng. Nhằm cung cấp thông tin và trao đổi học thuật, sáng ngày 26/5/2020 Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học, trao đổi về vật liệu kiến trúc gỗ, nhằm làm sáng tỏ các vấn đề về tên gọi cấu kiện, chức năng, kết cấu liên kết và niên đại di vật.
Tham dự có PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam), PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành), PGS.TSĐặng Hồng Sơn (Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV), TS. Trần Việt Anh (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội), các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vựcNghiên cứu Hán Nôm, bảo tồn di tích, kiến trúc cổ truyền, văn hóa, lịch sử, khảo cổ…, các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín và nhóm nghiên cứu, tất cả các hiện vật gỗ phát hiện đều có sơn son thếp vàng, qua kết quả phân tích thành phần thếp vàng là vàng có hàm lượng cao. Loại hình hiện vật đa dạng, chia thành 4 nhóm:
- Nhóm cột kiến trúc: Phát hiện 01 hiện vật cao 2m20, đường kính 32-33cm, chân cột có xẻ rãnh, đầu trên có rãnh xẻ hình chữ thập và có lỗ mộng. Đây có thể là cột góc.
- Nhóm hiện vật thuộc hệ thống đấu củng: Gồm 3 loại: Loại 1 đầu vân mây, thân 5 rãnh xẻ; Loại 2 đầu vân mây, thân 3 rãnh xẻ; Loại 3 đầu không vân mây, thân 3 rãnh xẻ. So sánh nhóm hiện vật này có sự tương đồng với hiện vật ở tòa điện thánh chùa Bối Khê (Hà Nội), thượng điện chùa Giáp Nhất (Hà Nam), chùa Keo Hành Thiện (Hà Nam), đình Tây Đằng (Hà Nội), tương đồng đấu củng ở một số di tích tại Trung Quốc.
- Nhóm xà đỡ hoành mái
- Nhóm ván sàn của nền kiến trúc hai tầng
Các loại hình hiện vật gỗ này là những phát hiện có giá trị trong khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long trong thời gian gần đây.
PGS.TS Bùi Minh Trí cho rằng các hiện vật này xuất lộ là tín hiệu đáng mừng, cho thấy kiến trúc của hoàng cung Thăng Long là kiến trúc đấu củng (xuyên suốt từ thời Lý đến thời Lê). Những di vật gỗ này có sơn son thếp vàng rất đồng nhất với những hiện vật gốm sứ có dát vàng thời Lê sơ. Nên nhóm hiện vật gỗnày có thể có niên đại thời Lê sơ. Đây là những phát hiện quan trọng, nên tiếp tục nghiên cứu đa chiều để xác định niên đại của hiện vật, nghiên cứu liên kết các cấu kiện gỗ với vật liệu kiến trúc lợp trên bộ mái,đưa ra hướng phục dựng một số di tích trong Hoàng cung Thăng Long xưa.
Các chuyên gia đánh giá cao phương pháp nghiên cứu phục dựng cấu kiện của nhóm nghiên cứuvà đều nhất trí cần đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu, nghiên cứu liên ngành, nghiên cứu so sánh để cho kết quả nhận diện rõ hơn về di vật.
TS. Trần Việt Anh cho biết, trong thời gian gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã thay đổi phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu, đẩy mạnh nghiên cứu chuyên môn cũng như ứng dụng Công nghệ thông tin vào nghiên cứu khoa học, số hóa tư liệu khai quật khảo cổ học, phục dựng 3D một số công trình kiến trúc... Một công trình kiến trúc phục dựng cần có không gian ba chiều, nghiên cứu từng bộ phận sau đó gắn chắp dần, ghép những mảnh ghép còn thiếu kết hợp nghiên cứu so sánh tiến tới trưng bày để công chúng có thể tiếp cận di sản một cách gần nhất, dễ hiểu nhất.
Bùi Thị Thu Phương