Dấu tích kiến trúc “lạ” hình tròn thời Trần mới phát hiện tại khu vực chính điện Kính Thiên
Tại khu vực Chính điện Kính Thiên, cuộc khai quật đầu năm 2021 đã phát hiện một dấu tích kiến trúc “lạ” hình tròn thời Trần.
Dấu tích kiến trúc này nằm hoàn toàn trong lớp văn hóa thời Trần, bên dưới lớp văn hóa thời Lê sơ, Lê Trung hưng và Nguyễn ở độ sâu 1,95m, tính từ mặt nền đất hiện tại của khu vực. Lớp văn hóa này ken dày đặc các loại ngói thời Trần bao gồm gạch bìa màu đỏ (38cm – 40cm x 19cm – 21cm x 5cm), các loại ngói mũi sen, ngói mũi nhọn. Ngói sen là loại kích thước lớn (29cm x 25cm x 3cm), ngói mũi nhọn phổ biến có hai loại kích thước (33,5cm – 36,5cm x 20cm – 22cm x 1,5cm); (27,5cm x 14,5cm x 1,5cm).
Dấu tích kiến trúc hình tròn – Ảnh: Nguyễn Hữu Thiết
Dấu tích kiến trúc thời Trần hình tròn nằm dưới các lớp gạch ngói và đất sét thời Trần dày khoảng 0,4m – 0,6m và được xây xếp hoàn toàn bằng gạch bìa, đường kính tính từ mép ngoài 5,05m – 5,25m, tính từ mép trong 4,85m – 5,05m. Gạch bìa xây kiến trúc tròn đều là loại gạch hình chữ nhật (38cm – 40cm x 19cm – 20cm x 5cm – 7cm), màu đỏ tươi được xếp thành hai hàng so le nhau và chỉ có một lớp duy nhất, hàng bên ngoài thấp hơn hàng bên trong 2cm – 7cm. Phía ngoài đường tròn ở các hướng Đông – Tây – Nam là một số viên cuội có nhiều kích thước khác nhau (loại lớn nhất đường kính 23cm, loại nhỏ nhất đường kính 13cm) được xếp tương đối bằng phẳng nhưng không theo hình dạng nhất định. Thăm dò trong lòng kiến trúc tròn thấy nền móng đất sét trộn với gạch ngói vụn thời Trần được đầm nện chắc chắc. Trên mặt có một vài viên gạch bìa (38cm x 18cm x 7cm), xếp theo hướng Đông Tây nhưng cũng không còn ngay ngắn. Trong nhóm gạch này, viên gạch đầu tiên tính từ phía Tây (38cm x 18cm x 7cm), ở rìa cạnh có 2 chữ Hán “Thường Tân quốc”. Chưa hiểu được chính xác “Thường Tân quốc” nghĩa là gì, liệu có phải là nước Thường Tân hay không phải (?). Trước đây đã gặp ở 18 Hoàng Diệu 1 viên gạch thời Trần có chữ “Thường Tân quốc”, đồng thời cũng có viên khác có chữ “Thường Tân viên”. Ở độ sâu 0,7m so với kiến trúc hình tròn có một chân tảng đá nhỏ thời Trần không còn nguyên vị trí ban đầu (40cm x 42cm x 12cm).
Chậu đất nung thời Trần thế kỷ XIII-XIV – Ảnh: Nguyễn Hữu Thiết
Ở bên ngoài về phía Nam cách kiến trúc tròn 78cm, có một chậu đất nung cỡ lớn (đường kính miệng 1,2m, sâu 55cm) màu đỏ tươi, chất liệu tốt, vành miệng phía ngoài có trang trí hoa sen, hoa mai và “liên châu” mang đặc trưng của thời Trần. Chậu có một lỗ thoát nước đặt xiên về một bên của đáy chậu. Đây có lẽ là chiếc chậu đất nung có kích thước lớn nhất từ trước đến nay thuộc thời Trần.
Dấu tích cống nước gạch thời Trần thế kỷ XIII-XIV – Ảnh: Bùi Văn Sơn
Phía ngoài di tích tròn về phía Đông có dấu tích của 2 cống nước ngầm thời Trần: một được xây bằng gạch bìa, chiếc còn lại được xây bằng ống nước chuyên dụng hình tròn.
Gạch in chữ Hán “Vĩnh Ninh trường” tại dấu tích cống nước gạch – Ảnh: Bùi Văn Sơn
Cống nước gạch: cách dấu tích kiến trúc hình tròn 3,64m về phía Đông và thấp hơn 0,35m, dài 4,64m chạy theo chiều Bắc – Nam. Phần cống ở phía Bắc bị cắt phá bởi móng kiến trúc thời Nguyễn. Cống gồm ba phần nắp, thành và đáy. Nắp và đáy cống gạch được đặt nằm ngang, hai bên thành cống được đặt nằm dọc vào hai mép của đáy và nắp cống tạo thành cống nước có mặt cắt hình gần vuông là khoảng trống để thoát nước. Loại gạch dùng để xây cống là loại gạch bìa đỏ hình chữ nhật (40cm x 20cm – 20,5cm x 5cm – 6cm), bề mặt gạch có vết cắt (đặc trưng của vật liệu kiến trúc thế kỷ XIV). Hiện cống nước đã bị phá nên chưa xác định được chiều dài thực ngày xưa như thế nào. Nắp cống nước được đậy bằng một hàng gạch đơn còn lại 6 viên, phía Bắc còn lại 5 viên gạch dài 2,28m đầu được chốt bằng viên gạch chữ nhật vỡ (rộng 21cm, dày 6cm) in chữ Hán Vĩnh Ninh trường “永寧場” vỡ, phía Nam còn lại một viên dài 40cm.
Cống nước tròn: cách cống nước gạch 3,5m về phía Đông, hai đầu cống đã bị kiến trúc thời muộn hơn cắt phá chỉ còn lại một đoạn dài 2,97m, chạy theo chiều Đông – Tây. Hiện còn 8 ống nước đất nung hình tròn, phần đầu rộng hơn đuôi, phần đuôi ống có gờ để lắp ráp sao cho khít từ đuôi ống này với đầu ống kia. Các ống cống đất nung có kích thước dài 37-39cm, đường kính 13-15cm. Cống nước này xuất lộ cùng địa tầng với cống nước gạch và thấp hơn kiến trúc hình tròn 0,35m.
Dấu tích cống nước ngầm hình tròn thời Trần, thế kỷ XIII-XIV – Ảnh: Bùi Văn Sơn
Niên đại và giá trị:
Theo kết quả phân tầng văn hoá Thăng Long, di tích có cấu trúc hình tròn đang nằm trong lớp văn hoá thời Trần. Hai cống nước ngầm, chậu đất nung cỡ lớn phân bố xung quanh kiến trúc tròn đều có niên đại thời Trần. Các di vật liên quan trong khu vực di tích xuất lộ như gạch, ngói, đồ sành đều có niên đại thời Trần. Do vậy có thể xác định bước đầu dấu tích kiến trúc hình tròn có niên đại thời Trần thế kỷ XIII-XIV.
Đối với những người trực tiếp khai quật, cấu trúc tròn thời Trần xuất lộ năm nay ở phía Đông Bắc Chính điện Kính Thiên có thể xếp vào một loại hình kiến trúc “lạ”.
Hiện trạng, đường tròn này còn nguyên vẹn, cấu trúc khá giản đơn. Các dấu tích khác xuất lộ ở xung quanh như chậu đất nung cỡ lớn, đường cống nước gạch, đường cống nước ngầm hình tròn có cùng niên đại nhưng chưa thể khẳng định chúng có liên quan gì với nhau hay không. Hiện trạng di tích chưa thấy có dấu hiệu nào có thể gợi cho những người khai quật biết được chức năng của kiến trúc. Có ý kiến gợi ý đây có thể là một tiểu cảnh vườn hoa trong Hoàng cung thời Trần. Cũng có ý kiến suy nghĩ tới một cấu trúc liên quan đến một nghi thức tâm linh gì đó chăng? Tuy nhiên, tất cả đó đều chỉ là những suy đoán ban đầu mà chưa có một chứng cứ gì giải thích. Trước đây dạng kiến trúc tròn thời Trần các nhà khảo cổ đã gặp ở một đôi nơi. Năm 1998, khai quật phía Bắc Đoan Môn, đã phát hiện một phần hình tròn thời Trần muộn cắt vào dấu tích tường/hay đường đi có đường diềm “hoa chanh” có niên đại thời Trần sớm hơn ở vị trí Tây Nam. Đường tròn này đáng lưu ý bởi có những viên gạch bìa xếp đứng bên trong theo kiểu “các ô tam giác chéo nhau” điền kín mặt kiến trúc tròn. Ở chùa Báo Ân (Gia Lâm), các nhà khảo cổ học cũng đã gặp một kiểu đường tròn có dạng thức gần đường với tròn ở Đoan Môn.
Như vậy, ít nhất trong khảo cổ học, hiện nay đã gặp 3 cấu trúc tròn thời Trần ở ba địa điểm khác nhau, trong đó cấu trúc ở Đoan Môn có phần gần gũi hơn cấu trúc tròn ở chùa Báo Ân. Cấu trúc tròn ở phía Đông Bắc KínhThiên hiện nay không rõ có giống 2 cấu trúc nói trên hay không vì lớp mặt đã bị phá hết chỉ còn đường gạch tròn. Tuy nhiên, cùng có hình tròn và có hai đường gạch bìa xây đứng gần như nhau, cho nên có thể suy luận chúng có cấu trúc gần giống nhau. Nhưng cả ba dấu tích kiến trúc này đều chưa rõ được chức năng.
Dẫu sao thì 3 cấu trúc tròn ở 3 địa điểm khác nhau cũng cho thấy dường như trong thời Trần khoảng thế kỷ XIV có một phong cách tạo dựng các đường tròn bằng gạch trong kiến trúc mà thời Lý trước đó cũng như thời Lê tiếp sau chưa tìm thấy.
Cấu trúc đó để làm gì và phản ánh điều gì trong kiến trúc thời Trần ở Thăng Long hay ở một ngôi chùa (chùa Báo Ân) thì với chúng tôi vẫn là điều bí ẩn cần nghiên cứu dài lâu. Vì vậy, các nhà khảo cổ tạm coi dấu tích kiến trúc tròn ở Đông Bắc Chính điện Kính Thiên năm 2021 là một kiểu kiến trúc “lạ” đáng lưu ý thời Trần trong khu vực Hoàng cung Thăng Long. Điều đó cũng cho thấy Hoàng cung Thăng Long vẫn luôn tiềm ẩn nhiều giá trị bất ngờ chưa được khám phá dưới lòng đất của một Di sản Thế giới.
Đoàn khai quật Viện Khảo cổ học,
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội