Hội nghị Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học

Hội nghị Thông báo Những phát hiện mới về Khảo cổ học là hoạt động khoa học hàng năm của ngành Khảo cổ học cả nước. Đây là sự kiện nổi bật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Khảo cổ học nước nhà trong hơn nửa thế kỷ qua.

Hội nghị là diễn đàn khoa học nhằm thông báo, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các phát hiện mới về lĩnh vực khảo cổ học, giới thiệu đến công chúng và nhân dân, cung cấp các thông tin, vấn đề khảo cổ học mới, tiềm năng nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cổ học và khoa học, xã hội và nhân văn. Và cũng là cơ sở đề xuất xây dựng các đề án, dự án, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – văn hóa, xã hội của đất nước và các địa phương.

Các đại biểu tham quan khu vực khai quật tại Hoa Lư

Theo thông lệ, Hội nghị Những phát hiện mới về Khảo cổ học hàng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 9. Năm nay, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19 nên Hội nghị tổ chức muộn hơn và tổ chức dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến tại thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) trong 3 ngày từ 29/11 đến 1/12/2021. Đây là sự kiện đánh dấu sự phát triển liên tục của Khảo cổ học Việt Nam trong suốt 55 năm qua.

Tới dự khai mạc Hội nghị về phía Trung ương có PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, TS. Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Về phía tỉnh Ninh Bình có ông Tống Quang Thìn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình, các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao; Sở Du lịch…. Về phía Viện Khảo cổ học có TS. Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành Trung ương, địa phương và hơn 400 đại biểu là các nhà khoa học, khảo cổ học, quản lý văn hóa trên toàn quốc tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: Hội nghị thông báo khảo cổ học là diễn đàn khoa học để các nhà khảo cổ học chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ tiếp cận, học hỏi các thế hệ đi trước nhằm hoàn thiện năng lực nghiên cứu khoa học của mình. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Viện Khảo cổ học trong việc đưa Hội nghị Khảo cổ học hàng năm về các địa phương, như là một hoạt động quảng bá cho ngành khảo cổ học Việt Nam vừa là cơ hội để mọi người đến được nhiều hơn với khảo cổ học Việt Nam. Năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid kéo dài nhưng các hoạt động khảo cổ học vẫn diễn ra sôi nổi trên cả nước với những phát hiện và thành quả nghiên cứu mới rất đa dạng và có giá trị to lớn.

Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc năm 2021 được tổ chức tại Ninh Bình – một tỉnh có nhiều di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và kiến trúc, khảo cổ nổi tiếng, có giá trị to lớn, tiêu biểu như Quần thể Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An và Khu di tích Cố đô Hoa Lư.

Từ nhiều năm nay, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã có quan tâm đặc biệt đối với công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh và của dân tộc, giúp tỉnh có thêm dữ liệu khoa học để hoạch định và tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có trên 1.821 di tích được kiểm kê, trong đó có 1 di sản thế giới, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 388 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, 5 bảo vật quốc gia có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…

Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại Ninh Bình nói chung và Quần thể danh thắng Tràng An những năm qua đã đóng góp thêm những kết quả nghiên cứu lịch sử Việt Nam 10 thế kỷ đầu công nguyên, làm rõ và bổ sung thêm nhiều dữ liệu khoa học về Nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ 10; khẳng định dấu vết cư trú của con người thời tiền sử, là cơ sở khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới Tràng An với các tiêu chí về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất địa mạo…

Đồng chí Tống Quang Thìn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng chia sẻ, tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử  vùng đất, trong đó ưu tiên các nghiên cứu khảo cổ học. Mong muốn, tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là những người có chuyên môn sâu về lĩnh vực lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, giúp tỉnh Ninh Bình bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tin tưởng, Hội nghị thông báo Khảo cổ học năm nay diễn ra tại Ninh Bình sẽ đem lại những hiệu quả tích cực cả về nhận thức lịch sử, di sản, tạo hiệu ứng xã hội, động lực phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa của tỉnh Ninh Bình và đất nước.

Đánh giá về hoạt động nghiên cứu khảo cổ học toàn quốc năm 2021. PGS.TS Bùi Văn Liêm – Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học cho rằng các nghiên cứu khoa học đã bổ sung những tư liệu rất mới/quý trong nghiên cứu diễn trình hình thành và phát triển dân tộc Việt Nam, sự xuất hiện và hoàn thiện con người Việt Nam. Góp phần xứng đáng vào việc nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam. Những tư liệu từ các nhà khoa học là minh chứng khẳng định và bảo về vững chắc chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Hội nghị lần này đã nhận được 375 bài viết là những phát hiện mới về khảo cổ học trong thời gian qua, trong đó có 89 bài về khảo cổ học tiền sử, 201 bài khảo cổ học lịch sử, 57 bài khảo cổ học Champa – Óc Eo, 18 bài khảo cổ học dưới nước và 6 bài về các hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ. Đây là những phát hiện mới di tích, di vật đến những nghiên cứu chuyên sâu về nhiều vấn đề xuyên suốt từ thời Tiền sử đến Lịch sử.

Sau phiên khai mạc, Hội nghị tiếp tục thảo luận tại các tiểu ban. Những phát hiện và thành quả nghiên cứu mới, nổi bật đã được công bố như: Phát hiện về di tích, di vật minh chứng cho quá trình tiến hóa của con người cùng di tồn văn hóa thời Tiền sử và Sơ sử ở Việt Nam trên địa bàn một số tỉnh; khai quật, nghiên cứu tiếp tục tại khu vực Điện Kính Thiên – Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang), khu di tích Cát Tiên (Lâm Đồng) một số di tích văn hóa Champa ở Trung Bộ. Đồng thời các nhà khoa học tiếp tục triển khai hoàn thiện chương trình khai quật và làm hồ sơ khoa học Khu di tích văn hóa Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (Nam Bộ) thuộc Đề tài cấp Nhà nước do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chủ trì.

Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tham dự Hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của đồng chí Giám đốc Nguyễn Thanh Quang. Những kết quả khai quật khảo cổ học khu chính điện Kính Thiên năm 2021 được thông báo tại Tiểu ban Khảo cổ học Lịch sử. Các nhà khoa học rất quan tâm đến những kết quả khai quật này vì đây là một trong những thành tựu lớn trong nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long trong suốt gần 20 năm qua.

Hội nghị thông báo Khảo cổ học là hoạt động được tổ chức thường niên, đây không chỉ là diễn đàn khoa học mà còn là dịp để các nhà khảo cổ học chuyên và không chuyên trên toàn quốc gặp gỡ, chia sẻ những thông tin về những phát hiện mới, những nghiên cứu mới, hướng tới sự hợp tác giữa Viện Khảo cổ học, các trường đại học, các Bảo tàng, các khu Di sản trong nghiên cứu khảo cổ học nói riêng, văn hóa nói chung.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các nhà khoa học đã tham quan Di tích cố đô Hoa Lư và Di sản văn hóa thế giới Tràng An.

Bùi Thị Thu Phương

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button