Bát sứ thấu quang Hoàng cung Thăng Long

Những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích 18 Hoàng Diệu từ năm 2002-2004 đã tìm thấy nhiều đồ gốm sứ dành riêng cho nhà vua gọi là đồ ngự dụng. Những di vật quý giá này phản ánh đời sống Hoàng cung Thăng Long trong sinh hoạt thường nhật và các dịp đại lễ, với vẻ đẹp cao sang, quyền quý của chốn cung đình.

Sưu tập đồ gốm quý của các vua thời Lê sơ lần đầu tiên được biết đến là các loại bát, đĩa men trắng mỏng, được chế tác rất hoàn hảo và tinh mỹ khác thường. Trong số đó có hai chiếc bát sứ thấu quang nguyên vẹn nhất đã trở thành bảo vật quốc gia. Chiếc thứ nhất (Bát A9- 2714) có  mã số đăng ký theo quản lý hiện hành của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội là: 1.2002.1.2714; ký hiệu khảo cổ là BĐ02.A9.L5. Bát được phát hiện cùng với các hiện vật có niên đại thời Lê sơ thế kỷ XV – XVI, nằm trong lớp đổ lấp xuống dòng chảy cổ ở giữa khu A và khu B. Chiếc thứ hai  (Bát A22-3071) có mã số đăng ký quản lý: 1.2017.1.3071; Ký hiệu khảo cổ là BĐ02.A22.L9. Bát có kích thước: đường kính miệng 12,5cm, cao 6,5cm, đường kính đáy 6,35cm và nặng 114 gam.

Mặc dù có chút khác nhau về kích thước nhưng cấu trúc, đề tài và kỹ thuật trang trí hoa văn trên 2 bát gần như giống nhau hoàn toàn.

Vẻ đẹp cao sang của đồ gốm dành cho nhà vua

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh thành: Đẳng cấp cao sang của sản phẩm gốm này chính là hình rồng, biểu trưng của vương quyền/quyền lực của nhà vua và chữ Quan cho biết đây là đồ quan dụng hay ngự dụng dành riêng cho nhà vua.

Đồ án hoa văn trang trí in khuôn nổi hình đôi rồng được thể hiện trong tư thế đang bay lượn trong mây tạo thành hình vòng tròn trên thành bát, hướng vận động theo chiều kim đồng hồ; giữa lòng bát in nổi một chữ 官 (Quan). Rồng được thể hiện ở tư thế bay lượn, đầu rồng ngẩng cao, miệng nhả ngọc, thân uốn thành nhiều khúc, đuôi duỗi thẳng về phía sau như cái bánh lái, vây dương cao, các chân thể hiện tư thế vận động như đang đạp vào mây. Thân rồng uốn 4 khúc, khúc đầu tiên thân uốn khúc hình túi vải, khúc thứ hai uốn cong hình yên ngựa, các khúc còn lại độ uốn giảm dần về phía đuôi. Đặc biệt, rồng có bờm và trán nổi u, chân rồng có 5 móng sắc nét, thể hiện sức mạnh và tính biểu trưng cho quyền lực của bậc đế vương.

Chữ 官 (Quan) in nổi giữa lòng bát là kiểu chữ chân. Theo các nhà nghiên cứu, chữ 官 (Quan) in trong lòng bát là minh chứng tin cậy cho thấy các Bát A9-2714 và A22-3071 là sản phẩm của lò quan, tức là lò do Quan xưởng thiết lập, chuyên sản xuất các vật dụng dành cho triều đình.

Họa tiết hình rồng và chữ Quan có đường nét rất sắc xảo và tinh tế, thể hiện trình độ tay nghề và tính thẩm mỹ rất cao của các thợ gốm tài ba đương thời.

Kỹ thuật chế tác tinh xảo, cao cấp

Đặc điểm nổi bật của hai chiếc bát hiếm quý này là có màu sắc tinh tế, hình thức tao nhã và có trọng lượng rất nhẹ. Bát có xương gốm mỏng, nhẹ như vỏ trứng, cứng chắc, ánh sáng có thể xuyên qua, gọi là sứ thấu quang. Men có màu trắng ngà hay trắng kem óng mịn, được phủ kín dưới đáy và cả vành chân đế. Chân đế được tạo mỏng đều và mép vành chân đế vê tròn cẩn thận, không cắt vát và để lộ cốt như gốm Hải Dương hay Bát Tràng và Kim Lan. Đáng lưu ý là, khi nghiên cứu so sánh phẩm cấp, chất lượng và độ thấu quang với đồ sứ Trung Quốc thời Bắc Tống (960-1127), chúng ta có thể thấy chất lượng của đồ sứ Việt Nam thời Lê sơ, đặc biệt là độ mỏng, độ tinh xảo, độ thấu quang đã đạt ở độ hoàn hảo.

Về nguyên liệu, bát được làm từ loại cao lanh có độ tinh khiết rất cao. Độ tinh khiết cao của nguyên liệu cao lanh cùng với độ nung cao làm thủy tinh hóa toàn bộ độ dày của sản phẩn giúp cho sản phẩm có xương rất mỏng mà vẫn đảm bảo độ bền và thấu quang. Cùng với việc xử lý nguyên liệu làm cốt, để có được lớp men mỏng mà trong, đồng sắc như đã thấy thì nguyên liệu tạo men cũng đã được tinh lọc rất cẩn thận.

Nhiệt độ và kỹ thuật nung đốt của các sản phẩm đã đạt và vượt tiêu chuẩn của đồ sứ. Chất lượng sản phẩm cho thấy nó được nung ở nhiệt độ cao, với quy trình kỹ thuật khắt khe. Trong lò nung nhiệt độ cao với xương gốm rất mỏng mà hình dáng sản phẩm ít bị biến dạng cho thấy công nghệ làm lò nung đã đạt đến trình độ cao, đặc biệt là khâu kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ lò nung.

Kỹ thuật tạo dáng và in ấn hoa văn đã thể hiện một bước phát triển mới trong kỹ thuật sản xuất gốm sứ. Kỹ thuật tạo dáng đồ gốm sứ được sử dụng phổ biến là kỹ thuật chuốt dáng bằng tay trên bàn xoay, hoa văn được vẽ hoặc in bằng khuôn.

Theo PGS. TS Bùi Minh Trí, chuyên gia hàng đầu về gốm cổ, hai chiếc bát ngự dụng này được chế tác bằng khuôn in trong và được nung đơn chiếc ở nhiệt độ rất cao khoảng trên 1200 độ C. Khuôn in trong, hay còn gọi là kỹ thuật “ấn hoa” nghĩa là dùng khuôn in để tạo hình hoa văn trên thai gốm trước khi phủ men. Các loại bát đĩa men trắng in hình rồng thời Lê Sơ đều sử dụng kỹ thuật khuôn in, được thiết kế tỉ mỉ như chạm khắc. Kỹ thuật này đã tạo ra sự chuẩn mực về hình dáng và kích cỡ cho những đồ sứ men trắng.

Hai bát sứ trắng trang trí rồng có xương rất mỏng, hoa văn in nổi, các chi tiết nhỏ của hoa văn được thể hiện khá chi tiết điều này cho thấy khuôn và cốt bát có độ ăn khớp rất cao. Thêm vào đó, để in được các chi tiết hoa văn nhỏ thì việc in ấn phải diễn ra khi cốt còn ướt, trong bối cảnh xương rất mỏng như vậy việc in ấn hoa văn khi cốt còn ướt với yêu cầu độ chính xác gần như tuyệt đối giữa khuôn (là cái có sẵn) và cốt được chuốt thủ công cho thấy trình độ tuyệt vời của người thợ gốm.

Hai chiếc bát sứ men trắng, thấu quang vừa trở thành bảo vật quốc gia là một trong những đồ gốm sứ ngự dụng quý hiếm nhất của Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ. Đây là phát hiện vô cùng quan trọng và có ý nghĩa khoa học lớn trong lịch sử nghiên cứu gốm cổ Việt Nam, lần đầu tiên chúng ta tìm thấy bằng chứng chắc chắn về sản phẩm của lò quan Thăng Long, chuyên chế tác đồ sứ cao cấp dành riêng cho nhà vua sử dụng trong Hoàng cung.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button