Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Hội đồng di sản Văn hóa quốc gia

Ngày 5/1/2021, tại buổi làm việc đầu tiên với Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia nhiệm kỳ 2020-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao những đóng góp của Hội đồng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước trong những năm qua. Trong nhiệm kỳ mới, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn Hội đồng sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng tư vấn cho Chính phủ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đưa các di sản văn hóa trở thành sức mạnh để phát triển đất nước.

Tại buổi làm việc, GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đã báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng nhiệm kỳ 2015-2019, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2020-2024, đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị với Phó Thủ tướng.

Trong nhiệm kỳ 2015 – 2019,  Hội đồng đã tổ chức thẩm định 52 di tích các loại hình, 112 hiện vật, nhóm hiện vật trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và công nhận Bảo vật quốc gia. Hội đồng đã tổ chức các phiên họp để đóng góp ý kiến, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ các hồ sơ di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc cần bảo vệ khẩn cấp.

Trên cơ sở nghiên cứu báo cáo của UBND  tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, UBND tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, theo đề nghị của Bộ VHTTDL, Hội đồng đã có văn bản thống nhất Hồ sơ đề cử “Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng” (đề cử lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới), thống nhất chủ trương đưa vào danh sách lập Hồ sơ đề cử “Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà” và “Na Hang – Ba Bể” là Di sản thiên nhiên thế giới theo Công ước 1972.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng  Di sản Văn hóa quốc gia

Về Di sản văn hóa phi vật thể, Hội đồng đã tổ chức các phiên họp toàn thể để đóng góp ý kiến, thẩm định các hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ: Hồ sơ đa quốc gia (Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia, Philippine) về “Nghi lễ và trò chơi kéo co” (UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản đại diện của nhân loại, năm 2015); Hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” (UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản đại diện của nhân loại năm 2016); Hồ sơ “Hát Xoan Phú Thọ” (năm 2011  UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản cần bảo vệ khẩn cấp và năm 2017 UNESCO  ghi danh Hát Xoan vào Danh sách Di sản đại diện của nhân loại);  Hồ sơ “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ” (UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản đại diện của nhân loại năm 2017); Hồ sơ “Thực hành Then Tày, Nùng, Thái” (UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản đại diện của nhân loại năm 2019);  Hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái”, Hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm”, Hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đã trình UNESCO, đang được các tổ chức chuyên môn của UNESCO thẩm định. 

Hội đồng đã tổ chức 2 hội thảo về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: “Văn hóa biển đảo – Bảo vệ và phát huy giá trị” và “Di sản văn hóa với Chiến lược phát triển bền vững”; khảo sát và làm việc với các địa phương về công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.  Thường trực Hội đồng đã có nhiều văn bản góp ý kiến Nghị định quản lý Di sản thế giới ở Việt Nam; đóng góp ý kiến về việc triển khai các dự án xây dựng tại vùng đệm Khu di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long,…

Về phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2020- 2024, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cho biết, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia sẽ tập trung thực hiện hiệu quả theo Điều 3 Quyết định số 1522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt chú trọng việc tham gia ý kiến đối với các vấn đề khoa học về di sản văn hóa liên quan đến các dự án lớn về kinh tế – xã hội và các vấn đề quan trọng khác về di sản văn hóa do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, hoặc Hội đồng thấy cần kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.

Toàn cảnh buổi làm việc

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu thay mặt Hội đồng nêu một số kiến nghị, đề xuất như về chế độ bảo quản đặc biệt đối với những bảo vật quốc gia đã được công nhận, hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn đối với bảo vật; về sự quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.

Hội đồng cũng đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quản lý di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; Nghiên cứu, xây dựng và triển khai Dự án phục dựng Điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long); Lập hồ sơ đề cử UNESCO vinh danh Di sản văn hóa Thế giới đối với Quần thể di tích văn hóa Óc Eo.

“Luật Di sản Văn hóa năm 2001, được sửa đổi bổ sung năm 2009 đến nay đã 10 năm, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp…”, GS. TSKH Lưu Trần Tiêu nêu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao những đóng góp của Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đối với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa của đất nước trong những năm qua. Phó Thủ tướng đồng tình với một số nội dung kiến nghị, đề xuất và lưu ý, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia nhiệm kỳ 2020 – 2024 được đặt nhiều kỳ vọng, trong đó, Chính phủ mong muốn các hoạt động của Hội đồng có sự đổi mới, tăng cường tính chủ động, làm tốt chức năng tư vấn, trở thành Hội đồng tư vấn cho Thủ tướng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đưa những giá trị di sản trở thành sức mạnh để phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật Di sản Văn hóa;  đề nghị  Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thành lập “Bảo tàng số”. Phó Thủ tướng cũng giao thành viên Hội đồng xây dựng công cụ để giúp Hội đồng thực hiện chức năng giám sát việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở các địa phương…

Tại phiên làm việc thứ nhất liên quan đến việc phục dựng Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, TS. Trần Việt Anh (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội) đã báo cáo Phó Thủ tướng cùng Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia về quá trình nghiên cứu dự án phục dựng không gian Chính Điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu

Theo ông Trần Việt Anh, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long bao gồm nhiều công trình kiến trúc quan trọng, trong đó, tiêu biểu nhất là các tòa chính điện ở trung tâm của khu di sản. Vì nhiều lý do khách quan, các tòa Chính điện đều bị biến mất vĩnh viễn. Do vậy, việc nghiên cứu khôi phục không gian điện Kính thiên sẽ tạo một điểm nhấn quan trọng nhất để tôn vinh giá trị Di sản Thế giới Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Đồng thời, việc nghiên cứu khôi phục không gian điện Kính Thiên là một bước quan trọng nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ và UBND TP. Hà Nội với UNESCO về việc mở rộng nghiên cứu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long để khẳng định những giá trị toàn cầu của di sản thế giới này.

Nghiên cứu, xây dựng và triển khai Dự án phục dựng Điện Kính Thiên cũng là một trong những nội dung đề xuất, kiến nghị của Hội đồng di sản Văn hóa quốc gia. Theo đó, Hội đồng khẳng định, việc phục hồi Chính điện Kính thiên là cơ sở khoa học có ý nghĩa đặc biệt, khẳng định vị thế quốc gia và bản sắc dân tộc, góp phần trực tiếp vào việc giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước cho các thế hệ mai sau. Hội đồng kiến nghị Phó Thủ tướng xem xét, cho phép chủ trương thực hiện phục dựng Điện Kính Thiên. Giao UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp tổng hợp kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm trong và ngoài nước, cùng ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, các nhà khoa học, gửi Bộ VHTTDL tổng hợp, đề xuất chủ trương thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia

 Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận dựa trên 3 đặc điểm: Chiều dài lịch sử văn hóa; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú, sinh động. Điện Kính Thiên là di tích trung tâm trong tổng thể các di tích của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Đây là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều, bàn những việc quốc gia đại sự. Bộ VHTTDL thống nhất với chủ trương phục dựng Điện Kính Thiên. Với những giá trị to lớn về lịch sử và khoa học, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, việc bảo tồn, phục dựng tại Hoàng Thành Thăng Long cần dựa trên cơ sở khoa học cần thiết, khẳng định vị thế quốc gia và bản sắc dân tộc. Cũng theo Thứ trưởng, cho đến nay vẫn còn có nhiều dấu hỏi về công trình này. Phục dựng Điện Kính Thiên vì vậy sẽ có một chuỗi công việc cần làm như tiếp tục khai quật khảo cổ học,  thamkhảo kinh nghiệm phục dựng  trong và ngoài nước, sưu tầm các tư liệu, lên mô hình 3D, sa bàn thực tế…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đây là di tích quan trọng nhất của quốc gia. Bộ VHTTDL, UBND TP. Hà Nội cần tiếp tục quan tâm sâu sát, làm đúng, thận trọng nhưng cũng phải tích cực, khẩn trương. Việc phục dựng cần triển khai các bước tuần tự. Theo Phó Thủ tướng, để việc phục dựng lại một biểu tượng của Thăng Long ngàn năm văn hiến đạt hiệu quả, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cần phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL và UBND TP. Hà Nội nhằm đưa ra những phương án, giải pháp khoa học, cần thiết.

(Theo baovanhoa.vn)

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button