Đồ gốm trong Hoàng thành Thăng Long thời Trần
Gốm thời Trần tìm được khá nhiều trong các hố khai quật và thường được tìm thấy cùng với những đồ gốm trang trí kiến trúc cùng thời. Gốm thời kỳ này có rất nhiều loại, gồm các dòng gốm: men trắng, men ngọc, men xanh lục, men nâu, hoa nâu và hoa lam.
Do phát triển kế thừa trực tiếp từ gốm thời Lý, nên các loại gốm thời Trần cơ bản có phong cách giống với gốm thời Lý cả về hình dáng, màu men và hoa văn trang trí. Cũng chính vì đặc thù này nên việc phân tách giữa gốm thời Lý và gốm thời Trần là điều không phải dễ dàng. Tuy nhiên, dựa vào một số kết quả nghiên cứu kỹ thuật tạo chân đế, hiện nay chúng tôi bước đầu đã có thể phân biệt được sự khác nhau giữa gốm Lý và gốm Trần. Nhìn chung, kỹ thuật tạo chân đế của gốm thời Trần thường không được làm kỹ như gốm thời Lý.
Về hoa văn trang trí cũng vậy, mặc dù có cách bố cục hoa văn như thời Lý, nhưng về chi tiết gốm thời Trần không tinh xảo và cầu kỳ như gốm thời Lý. Đặc biệt đối với gốm men độc sắc, bên cạnh loại gốm trang trí hoa văn khắc chìm, thời Trần còn phổ biến loại gốm có hoa văn in khuôn trong. Dường như đây là loại hoa văn rất phát triển ở thời Trần và nó có sự phong phú, đa dạng hơn nhiều về hình mẫu so với gốm thời Lý. Tại hố đào ở khu D cũng đã tìm thấy mảnh khuôn in gốm thời kỳ này cùng nhiều mảnh bao nung, con kê và đồ gốm phế thải.
Bên cạnh sự phong phú các loại hình đồ gốm độc sắc (men trắng, men ngọc, men nâu) tại khu vực khai quật đã tìm được khá nhiều đồ gốm hoa nâu có chất lượng cao. Trong đó, đáng chú ý nhất là chiếc thạp lớn có nắp trang trí hoa sen và những chiếc vò, chậu trang trí hoa văn dây lá. Đặc biệt, tại hố D5 còn tìm thấy một chiếc chậu trang trí hình bốn con chim đang đi kiếm mồi trong bốn tư thế khác nhau, xen giữa là cành lá sen và hoa sen nhỏ. Theo tư liệu hiện vật có trong tay thì đây là một trong những tiêu bản gốm hoa nâu thời Trần đặc sắc ở Việt Nam.
Nét mới riêng biệt và rất đáng lưu ý về gốm thời Trần là sự xuất hiện dòng gốm hoa lam. Loại gốm này được tìm thấy khá nhièu trong các hố khai quật và phổ biến là bát, đĩa vẽ cành hoa cúc màu nâu sắt và xanh cobalt giống như những đồ gốm đã được xuất khẩu sang Đông Nam Á, Trung Đông và Nhật Bản vào khoảng giữa thế kỷ XIV.
Đáng lưu ý là tại các hố ở khu D đã tìm thấy chồng đĩa lớn vẽ cành hoa cúc cùng nhiều chồng dính của loại gốm men độc sắc trang trí văn mây hình khánh, chim phượng và hoa lá. Tư liệu này góp phần khẳng định thêm rằng, ngoài những dấu hiệu vè lò gốm thời Lý nói trên khả năng ở đây còn có những lò gốm thời Trần.