Giang Văn Minh
Vế đối chan chát nhắc lại nỗi nhục bại trận của tập đoàn phong kiến phương Bắc trước quân dân Đại Việt khiến vua Minh tức tối bất chấp lệ ngoại giao mà giết sứ giả nước ta. Vị sứ thần anh dũng ấy là Giang Văn Minh.
Giang Văn Minh có tên chữ là Quốc Hoa, hiệu là Văn Chung, sinh ngày 6 tháng 9 năm Nhâm Ngọ (1582) tại Mông Phụ (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội). Từ nhỏ, Giang Văn Minh đã nổi tiếng là người thông minh, lanh lợi, chữ nghĩa lưu loát. Năm 1628, dưới thời vua Lê Thần Tông, Giang Văn Minh đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh và được bổ làm quan. Sau 10 năm, Giang Văn Minh được phong tới chức Tả phủ tây quốc công và được chúa Trịnh Tráng cử đi trấn thủ Nghệ An.
Bấy giờ, nhà Minh đã suy tàn, loạn lạc trong nội tình nước ấy nổi lên như ong. Nhưng vua Lê bạc nhược, bị nhà Minh coi thường và o ép đủ điều. Bọn chúng đòi Đại Việt phải cống nạp nhiều lễ vật quý hiếm, trong đó có 2 tượng người được đúc bằng vàng và bạc, mỗi tượng người cao 1 thước 2 tấc và nặng 10 cân, dân ta bấy giờ gọi đó là trả “nợ Liễu Thăng”.
Năm 1637, vua Lê cử Giang Văn Minh làm chánh sứ dẫn đầu phái bộ nước ta sang sứ nhà Minh. Đến Yên Kinh (kinh đô của nhà Minh, nay là Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc), phái bộ sứ thần nước ta phải nằm chờ ngoài dịch xá vì sắp đến tiết khánh thọ. Bọn đại thần nhà Minh tỏ ý khinh thường sứ thần nước Nam, không thèm tiếp. Đã thế, chúng còn hạch sách đòi trả “nợ Liễu Thăng” như nhà Mạc đã làm. Giang Văn Minh lấy làm phẫn uất lắm, bèn nghĩ cách ứng phó và trả đũa.
Nhằm ngày tiết khánh thọ của vua Minh, sứ thần các nước khác có mặt tại dịch xá đều mũ áo chỉnh tề, sẵn sàng lễ vật vào triều cống. Riêng sứ thần Đại Việt thì không chịu đóng mũ áo, cũng chẳng chịu vào triều, mà nằm lăn ra dịch xá khóc lóc. Lấy làm lạ, vua Minh bèn cho gọi sứ thần Đại Việt vào chầu.
Trông thấy Giang Văn Minh, vua Minh nói:
– Hôm nay là ngày khánh thọ của trẫm, cả nước vui mừng, các sứ thần cũng đều vui vẻ yến tiệc. Cớ sao một mình sứ thần không vui mà lăn ra khóc lóc thảm thiết như vậy?
Giang Văn Minh bèn tâu:
– Theo lệnh vua nước tôi, sứ thần được sang triều cống quý quốc. Thấm thoắt, đã lưu lạc trên đất khách quê người hằng năm trời mà vẫn chưa làm tròn trọng trách, còn lòng dạ đâu mà vui được. Nay, đã đến ngày giỗ vị tằng tổ của tôi mà tôi vẫn chưa được về quê để đèn hương tưởng niệm, như vậy chẳng là đắc tội với tiên tổ hay sao?
Vua Minh cả cười:
– Sứ thần quả là người trung hiếu vẹn toàn. Nhưng tưởng chuyện gì, chứ việc ông tổ đã ba đời rồi, đến nay còn gì là giàng buộc tình cảm nữa mà phải lo về quê tưởng niệm?
Giang Văn Minh chỉ chờ có thế bèn lên tiếng:
– Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng khốn nỗi, người đời có nghĩ thế đâu. Ngay như việc Thiên triều bắt dân tôi năm nay phải theo lệ cũ cống người vàng để trả “nợ Liễu Thăng”, mà Liễu Thăng thì đã chết cách hơn 200 năm rồi. Chuyện cũ đã mờ, mà dân tôi hằng năm cũng vẫn chưa được xóa bỏ lệ cũ. Hơn nữa, vua tôi nhà Lê có tội gì đâu mà Thiên triều vẫn đòi lễ cống hằng năm? Đó chẳng phải là việc trái với đạo lý và thể diện của Quốc vương tôi sao? Nay, bệ hạ khuyên tôi đừng thương nhớ ông tổ ba đời, thì tôi cũng xin bệ hạ noi theo mệnh lớn mà từ nay miễn cho nước tôi lệ đúc người vàng tiến cống. Đó chẳng phải là việc tốt để gây lại mối giao hảo bền vững giữa hai nước láng giềng hay sao?
Vua Minh cứng lưỡi, chẳng biết đối đáp ra sao, đành miễn cưỡng bãi bỏ lệnh cống người vàng theo lệ đã kéo dài từ thế kỷ 15 tới bấy giờ.
Lần khác, sau những ngày dài mưa tầm tã, ẩm ướt và rét buốt, được ngày trời nắng ráo, Giang Văn Minh bèn đem đồ đạc ra hong nắng cho khô. Ông cũng vạch áo, nằm phanh bụng sưởi ấm dưới nắng. Bọn cận thần nhà Minh thấy lạ, bèn đem chuyện này ton hót với vua. Vua Minh bèn cho vời Giang Văn Minh vào cung hỏi ngọn ngành:
– Sau những ngày mưa rét, hôm nay trời nắng ấm. Mọi người đều rủ nhau đi ngắm cảnh, thưởng thức ngày ấm áp trên đất Yên Kinh. Riêng sứ thần lại nằm phanh bụng phơi nắng, ngụ ý làm sao?
Giang Văn Minh nói:
– Chắng giấu gì bệ hạ, tôi từ nhỏ vốn là người ham đọc sách thánh hiền, học đâu nhớ đấy nên bao nhiêu bồ chữ của thiên hạ đã lưu hết vào bụng này. Từ ngày sang quý quốc, khí hậu ẩm thấp, tôi sợ chữ trong bụng lâu ngày không dùng đến sẽ bị mốc. Được ngày nắng ấm, tôi đem ra phơi cho khỏi mốc chữ mà thôi!
Vua Minh thấy ông ứng đối lưu loát, lại thấy trong phần ứng đối của ông có nhiều điều lạ, nên muốn thử tài trí của Giang Văn Minh:
– Lâu nay ta đã được nghe tiếng ông là bậc thông minh, tài trí, nhưng chưa có dịp tiếp kiến. Nay, nhân ngày vui vẻ, ta có một vế câu đối, ông thử đối lại xem sao: “Đồng trụ chí kim dài dĩ lục”.
Vế đối của vua Minh có nghĩa là “Cột đồng tới nay rêu đã xanh”, ý nhắc lại chuyện Mã Viện nhà Đông Hán xưa kia đánh chiếm nước ta đã dựng cột đồng để bêu xấu, khinh miệt dân ta. Chẳng phải chờ lâu, Giang Văn Minh kiêu hãnh đáp lại vế đối:
– Đằng giang tự cổ huyết do hồng.
Vế đối của Giang Văn Minh rất chỉnh, lời lẽ lại đanh thép, nghĩa là “Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ”, ý nhắc lại trận quân Nam Hán bị Ngô Quyền, quân Tống bị Lê Hoàn, quân Nguyên Mông bị Trần Hưng Đạo đánh cho tan tác trên sông Bạch Đằng các năm 938, 981 và 1288. Khiếp đảm trước tài ứng đối và trí thông minh của sứ thần Đại Việt, lấy cớ sứ thần Đại Việt “làm nhục thiên triều”, vua Minh bất chấp luật lệ bang giao, sai người mổ bụng ông để giết bớt người tài Đại Việt. Hôm ấy là ngày 2-6-1639. Thám hoa Giang Văn Minh bị giết năm 57 tuổi.
Giết Giang Văn Minh rồi, nhưng nể phục ông là người tài giỏi, vua Minh sai người lấy thủy ngân hãm vết mổ, cho ông ngậm nhân sâm rồi đưa vào quan tài đóng kín có hai lớp gỗ dày theo lối trong quan ngoài quách, rồi trao trả sứ bộ nước ta mang thi hài ông về quê an táng.
Gần 6 tháng sau, thi hài Giang Văn Minh mới được sứ bộ đưa về tới quê hương của ông, quàn tại quán Đồng Dưa (nay thuộc địa phận thôn Phụ Khang, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) để chờ vua Lê, chúa Trịnh về làm lễ an táng.
Thương tiếc vị sứ thần lẫm liệt không làm hổ danh Đại Việt, đích thân vua Lê và chúa Trịnh về tận nơi tổ chức lễ an táng cho Giang Văn Minh. Trước linh cữu Giang Văn Minh, vua Lê Thần Tông cất lời than:
– Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng.
Nghĩa là “Đi sứ không trái mệnh vua, không để nhục nước, xứng đáng là anh hùng thiên cổ”. Vua Lê truy tặng Giang Văn Minh là Công bộ tả thị lang Minh quận công.
Hiện nay, ở Mông Phụ (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) vẫn còn ngôi đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh. Tương truyền, đây chính là nhà của vị sứ thần lẫm liệt ấy!
Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội