Khám phá hành trình văn hóa qua… bệ đỡ chân cột
Trong suốt thời kỳ phong kiến, đá luôn là loại vật liệu được dùng tương đối phổ biến do có độ bền chắc cao. Tại các khu trưng bày trong khu vực Thành cổ Hà Nội hiện vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật bằng đá được khai quật ngay trong khu vực Hoàng thành. Mỗi hiện vật ấy đều chứa trong mình những câu chuyện văn hóa mang tính đại diện rất cao cho từng thời kỳ lịch sử.
Tại khu vực Hậu Lâu, năm 1998, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật khảo cổ. Kết quả, hàng ngàn hiện vật gốm, vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc của các thời Lý, Trần, Lê được tìm thấy. Đặc biệt, ở độ sâu 3,2m, các nhà khoa học đã phát hiện những tảng đá kê chân cột chạm cánh sen thời Lý. Những hiện vật quý ấy cho phép các nhà khoa học phán đoán: Khu vực đào khảo cổ nằm trong phạm vi Hoàng thành Thăng Long xưa.
Bệ chân cột bằng đá thời Lý có hình vuông. Trên bề mặt, ở giữa có hình tròn, chính là vị trí đỡ chân cột. Xung quanh vòng tròn trung tâm ấy là một lớp cánh sen. Bởi vậy, nhìn tổng thể, bệ chân cột thời Lý trông giống một đài sen, ôm trọn chân cột. Hoa sen là một trong những biểu tượng của nhà Phật. Dưới thời Lý, đạo Phật được coi là quốc giáo. Đó cũng là thời kỳ sư sãi có vị thế rất cao trong xã hội, được trọng vọng và có thể tham gia chính sự. Chính vì thế, hình tượng đài sen, bông sen và cánh sen xuất hiện rất nhiều trong các công trình xây dựng, cũng như được trang trí nhiều trên đồ dùng thời Lý.
Bước sang thời nhà Trần, đạo Phật vẫn trong giai đoạn thịnh hành, dầu rằng Nho giáo đã bắt đầu phát triển. Do thế, hình tượng đài sen, bông sen và cánh sen cũng vẫn được sử dụng nhiều. Bệ chân cột bằng đá thời Trần được khai quật tại khu vực Hậu Lâu cũng khẳng định điều đó. Tuy nhiên, khác với bệ chân cột thời Lý, bệ chân cột thời Trần không trang trí hình tượng đài sen trên bề mặt cột, mà trang trí quanh bệ. Lối trang trí này khiến bệ chân cột càng nổi bật như một đài sen hơn. Một điểm khác biệt nữa giữa bệ chân cột đá thời Trần với bệ chân cột đá thời Lý nằm ở phần thân bệ. Thân bệ chân cột thời Trần được giật tam cấp, sau đó mới đến phần đài sen. Theo quan niệm phong kiến, tam cấp được sử dụng rất nhiều do ứng với trời – đất và người, hoặc dân – quan và vua. Trong khi đó, thân bệ chân cột bằng đá thời Lý thấp hơn, không được giật tam cấp, chỉ gồm 2 phần đơn giản: bệ và đế.
Bước sang thời nhà Lê, Nho giáo dần chiếm lĩnh vị trí số 1, Phật giáo không còn là tôn giáo độc tôn. Bởi vậy, các hình tượng đài, bông hay cánh sen không còn được dùng phổ biến nữa. Bệ chân cột thời Lê vì thế cũng không có hình tượng hoa sen trang trí. Nó chỉ đơn thuần là tảng đá hình vuông, trên có khắc vòng tròn để đỡ chân cột.
Bệ đỡ chân cột bằng đá chỉ là một trong số rất nhiều vật dụng, vật liệu được sử dụng trong các triều đình phong kiến xưa kia. Chỉ là những bệ đá, nhưng trong đó chứa đựng cả những lớp, những tầng văn hóa rất đặc trưng cho mỗi thời kỳ. Huống chi, những đồ vật trang trí, hay những vật dụng quan trọng khác, ý nghĩa văn hóa gửi gắm trong đó có lẽ còn sâu hơn nhiều.