Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Bảo vật Quốc gia tại Di sản Thế giới năm 2022

Ngày 30/01/2023 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 41/QĐ-TTg công nhận 27 hiện vật, nhóm hiện vật là Bảo vật Quốc gia (đợt 11). Trong đó, Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội có 04 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia, gồm:

  • Đầu rồng thời Trần, niên đại: Thế kỷ XIII;
  • Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ, niên đại: Thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI;
  • Bộ thành bậc Điện Kính Thiên, niên đại: Thế kỷ XVII;
  • Súng Thần công thời Lê Trung hưng, niên đại: Thế kỷ XVII.

1. Đầu rồng thời Trần, niên đại: Thế kỷ XIII (Đầu rồng C7-5201)

  • Mã số đăng ký theo quản lý hiện hành của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: 1.2014.1.5201
  • Mã số định danh: C7-5201

Đầu rồng C7-5201 là khối tượng tròn, cao 60cm, điểm rộng nhất của chiều từ miệng đến bờm sau gáy là 52cm và chiều rộng của bờm là 17cm. Khi mới phát hiện, phần bờm bị vỡ và mất một số mảnh nhỏ, phần vỡ đã được phục nguyên, phần phục nguyên được làm lại màu sắc với sắc độ có chút khác biệt so với nguyên bản Đầu rồng thể hiện rồng ở tư thế chuyển động, bờm và mào chuyển động mạnh với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước; má phình rộng; miệng mở to, ngậm ngọc báu, răng thể hiện rõ ràng; mũi và môi trên biến thành mào lửa hình lôi văn chữ S, răng nanh dài và uốn cong lên theo mào lửa, lưỡi nhỏ dài bao ngoài ngọc báu và cũng uốn lên môi trên theo mào lửa; mắt to tròn và nổi rõ, lông mày dài thành dải bay ngược lên trên; tai to, rộng được tạo thế uốn lượn theo chuyển động của mào và bờm; thân phủ kín vảy.

 

Đầu rồng là một bộ phận quan trọng trong bộ sưu tập trang trí trên bộ mái kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc thời Lý, Trần nói riêng. Theo thời gian, tượng đầu rồng trang trí trên mái kiến trúc có nhiều thay đổi cả về hình dáng, cấu trúc và ý nghĩa biểu tượng.

2. Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ, niên đại: Thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI

Bát thứ nhất:

    • Mã số đăng ký theo quản lý hiện hành của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: 1.2002.1.2715.
    • Mã định danh: Bát A11-2715

Bát thứ hai:

    • Mã số đăng ký theo quản lý hiện hành của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: 1.2017.1.3065.
    • Mã định danh: Bát A22-3065

Đĩa thứ nhất

    • Mã số đăng ký theo quản lý hiện hành của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: 1.2017.1.3067.
    • Mã định danh: Đĩa A11-3067

Đĩa thứ hai:

    • Mã số đăng ký theo quản lý hiện hành của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: 1.2002.1.2719
    • Mã định danh: Đĩa A22-2719

Đĩa thứ ba:

    • Mã số đăng ký theo quản lý hiện hành của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: 1.2017.1.3068.
    • Mã định danh: Đĩa A22-3068

Đĩa thứ tư:

    • Mã số đăng ký theo quản lý hiện hành của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: 1.2017.1.3069.
    • Mã định danh: Đĩa A22-3069

Đĩa thứ năm:

    • Mã số đăng ký theo quản lý hiện hành của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: 1.2017.1.3070.
    • Mã định danh: Đĩa A18-3070

Hoa văn

Mặc dù có chút khác nhau về kích thước, bố cục hoa văn nhưng đề tài và kỹ thuật trang trí hoa văn trên các di vật trong bộ sưu tập là giống nhau.

Về mặt kỹ thuật: Hoa văn được vẽ bằng bút lông, vẽ trực tiếp trên cốt gốm khi cốt đã khô, sự khác nhau về sắc độ, độ đậm nhạt và sắc nét của nét vẽ phần phụ thuộc vào độ đậm nhạt của mực, vào tay người vẽ nhưng ở đây, trong sưu tập này, một phần phụ thuộc vào độ khô của cốt. Đôi khi độ nung quá cao cũng làm cho màu bị nhòe.

Đề tài và bố cục hoa văn chính là hình rồng. Hoa văn hình rồng, gồm 2 bố cục, bố cục thứ nhất là đôi rồng đang bay lượn và nối đuôi nhau theo chiều kim đồng hồ; đồ án thứ hai là 1 con rồng cuộn tròn, thường gọi là rồng cuộn.

Đồ án hoa văn đôi rồng bay lượn và nối đuôi nhau theo chiều kim đồng hồ là đồ án chủ đạo trang trí ở mặt ngoài của thành bát và đĩa. Rồng được thể hiện ở tư thế đầu rồng ngẩng cao, miệng nhả ngọc, thân uốn thành nhiều khúc, đuôi duỗi thẳng về phía sau như cái bánh lái, vây dương cao, các chân thể hiện tư thế vận động như đang đạp vào mây. Từ đầu xuống đuôi, thân uốn 4 khúc, khúc đầu tiên thân uốn khúc hình túi vải, khúc thứ hai uốn cong hình yên ngựa, các khúc còn lại độ uốn giảm dần về phía đuôi. Có tổng cộng 4 chân, các chân được thể hiện ở tư thế vận động với các bắp cơ nổi khối, 5 ngón chân giang rộng như đang muốn cầm nắm vật gì đó.

Đồ án rồng cuộn là đồ án được trang trí trong lòng đĩa hoặc bát. Đồ án rồng cuộn được thể hiện ở tư thế vận động từ trên xuống dưới, đầu ngẩng cao rồi cuộn tròn vào giữa tạo, sau đó đầu vươn ra, toàn thân tạo thành một khối tròn. Các họa tiết văn mây bổ trợ làm tăng tính vận động của rồng.

Hình tượng rồng được trang trí trên các bát đĩa của sưu tập được thể hiện sống động, hình khối uyển chuyển, mặc dù thân không còn uốn tròn kiểu thắt “túi vải” như rồng thời Lý, Trần, thậm chí không được mềm mại như hình tượng rồng trang trí thành bậc ở điện Kính Thiên nhưng tư thế vận động hết sức mạnh mẽ được mô tả qua những chi tiết giải phẫu của thân và hoạt động của các bắp chân. Họa tiết phụ trợ không nhiều, chủ yếu là các họa tiết mây nhưng được thể hiện tinh tế, hỗ trợ làm tăng tính chuyển động tạo tư thế vận động khỏe khoắn, sống động. Đặc biệt, rồng có bờm và trán nổi u, chân rồng 5 móng là thể hiện sức mạnh và tính biểu trưng cho quyền lực của thiên tử. Trán có u nổi cao uốn hình văn như ý và bờm dài thể hiện khả năng bay lượn mạnh mẽ của rồng trong khi chân có 5 ngón với móng vuốt sắc nhọn là hình tượng rồng tiêu biểu dành riêng cho hoàng đế.

3. Súng Thần công thời Lê Trung hưng, niên đại: Thế kỷ XVII (Súng A9-2782)

  • Mã số đăng ký theo quản lý hiện hành của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: 1.2002.1.2782.
  • Mã số định danh: A9-2782

Súng Thần công là một loại pháo, có nòng dùng để bắn và thuộc về loại vũ khí nóng. Về kết cấu, một khẩu thần công được coi là hoàn chỉnh thường gồm các bộ phận: nòng, khoang chứa đạn và thuốc nổ, bộ phận kích nổ, bộ phận nạp, nhả đạn, bộ phận điều hướng và ngắm bắn, bộ phận ngắm, và bệ. Các loại súng lớn của các vương triều quân chủ Việt Nam xưa đúc theo kiểu đại bác thường được gọi chung là súng thần công.

Súng thần công A9-2782 có hình trụ tròn gồm 4 phần: miệng súng, thân súng, bầu súng và chuôi súng.

Phần miệng súng hình trụ tròn đều, mép miệng không loe, toàn bộ phạm vi của miệng to hơn so với phần thân tạo cảm giác như một cái đai lớn bao toàn bộ phần miệng. Kích thước dài 16cm, đường kính thân 13cm, miệng nòng súng 4,6cm; độ dày thành miệng 4,2cm.

Phần thân súng hình trụ tròn nhưng đường kính thân không đều mà lớn dần về phía bầu súng. Kích thước phần thân súng thót lại so với phần miệng và phần bầu, dài 51cm, đường kính thân 11-14cm trên thân có 5 đai tròn, các đai cách nhau tương đối đều, khoảng 8cm, phần tiếp giáp với bầu súng thân giật thành 2 cấp tạo cho bầu có cấu trúc vững chắc.

Bầu súng hình trụ tròn, ống tròn đều ở hai đầu hơi phình ở giữa, có khoang chứa thuốc súng và đạn. Bầu dài 23cm, đường kính 17-20cm, trên thân khắc 5 chữ Hán 四大銃一号 (Tứ đại súng nhất hiệu), tức là 4 khẩu súng lớn, đây là khẩu số một. Năm chữ này được xếp thành hai hàng, khắc dọc theo chiều từ miệng súng xuống dưới chuôi, hàng thứ nhất gồm 3 chữ 四大銃 (Tứ đại súng); hàng thứ hai gồm 2 chữ 一号 (Nhất hiệu). Phía dưới hai hàng chữ Hán, ở phần tiếp giáp giữa phần thân và chuôi súng có 1 lỗ tròn, đường kính 0,45cm, đây là lỗ điểm hỏa (còn gọi là lỗ mồi nổ, lỗ kích nổ). Với cấu trúc của bầu súng như vậy, đạn và thuốc súng đều được dồn vào bầu từ miệng nòng và đẩy vào khoang chứa thuốc súng và đạn.

Phần chuôi súng dài tổng cộng 31cm, chia làm hai phần, phần tiếp giáp với Bầu súng thân thót lại, phần cuối phình to ngang với phần Bầu. Ở phần thứ nhất dài 18cm, thân thót lại, đường kính 12-13cm, giữa thân có 1 đai, cấu trúc đai hơi khác so với đai ở phần thân súng, các đai thân súng mặt cắt hình bán nguyệt, đai ở đây có mặt cắt hình tam giác, trên đai có một lỗ nhỏ hình chữ nhật, rộng 0,15cm; dài 1,85cm. Phần thứ hai phình to, dài 13cm; đường kính 17cm, Tấm hậu nằm ở vị trí ngăn cách của hai phần. Từ phần thứ hai đến hết, nòng súng lớn, đường kính 12cm, thành thân súng dày trung bình 2,5-2,7cm.

Súng không có trục quay (trục điều hướng), quai và núm.

Dọc hai bên thân súng còn lại dấu ba-via được mài tu chỉnh sau khi đúc nhưng do vết ba-via lớn, bề mặt có độ lồi lõm cao nên mặc dù đã được mài nhưng dấu vết ba-via (ba-via hay còn thợ đúc đồng truyền thống còn gọi là Then răm, tức phần hình thành tại vị trí ghép của hai hoặc các mảnh khuôn) còn khá rõ và bề mặt không bằng phẳng. Dọc các lớp ba-via còn có dấu Cữ để kê giữa phần Bìa khuôn và phần Thao, các Cữ có hình chữ nhật, dài trung bình 1,8cm-2cm; rộng 0,1cm-0,15cm. Các Cữ cách nhau khá đều, khoảng 8cm-10cm. Cữ thường có màu sắc khác hơn so với các phần còn lại. Khác với các sản phẩm đúc thông thường khác, Cữ thường có hình vuông hoặc tròn để tăng tiết diện từ đó tăng khả năng nâng đỡ giữa Bìa khuônThao, đảm bảo hình dáng sản phẩm đúng như tạo hình của khuôn, ở đây, Cữ có hình chữ nhật, nhỏ, dẹt, tiết diện nhỏ, có tác dụng làm giảm nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu, tăng độ kín và độ bền của nòng súng nhưng đồng thời cũng chính là nguyên nhân khiến khuôn ghép không kín, dẫn đến ba-via lớn.

4. Bộ thành bậc Điện Kính Thiên, niên đại: Thế kỷ XVII

Bộ thành bậc đá di tích Điện Kính Thiên gồm hai bộ, bộ thứ nhất là thành bậc của lối đi chính giữa ở phía trước gồm 4 thành bậc được ký hiệu lần lượt là KT.TB01, KT.TB02,  KT.TB03, KT.TB04 và bộ thứ hai hiện là thành bậc của lối đi phía sau bên trái, được ký hiệu là KT.TB05 và KT.TB06.

Kích thước của các thành bậc KT.TB05 và KT.TB06 cụ thể như sau:

  • Thành bậc KT.TB05: cạnh trên cao 1,60m; cạnh dưới cao khoảng 1,1m (phần chôn dưới đất là 0,5m; phần nổi lên trên là 0,6m); cạnh vuông dài 3,24m; dày 30-33cm.
  • Thành bậc KT.TB06: cạnh trên cao 1,38m; cạnh dưới cao khoảng 1,27m (phần chôn dưới đất là 0,38m; phần nổi lên trên là 0,89m); cạnh vuông dài 3,24m (phần nguyên bản dài 2,71m; phần phục chế 0,54m); dày 30-33cm.

Hoa văn

Cặp thành bậc KT.TB05 và KT.TB.06 có cấu trúc và hoa văn trang trí hoàn toàn giống nhau gồm tượng rồng ở phần trên và các họa tiết trang trí ở mặt ngoài của thành bậc. Rồng được chạm trong tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc, đầu rồng ngẩng cao, trán dô tạo thành u, má nhỏ, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, miệng dài, lưỡi ngắn, nanh nhọn, miệng ngậm ngọc, sừng dài có nhánh, bờm có 4 dải lượn hất ngược về phía sau, thân tròn mập có vảy, uốn 7 khúc hình sin, bụng có vây. Rồng có 2 chân, chân to, khỏe, 5 ngón chân chiều đốt, 5 móng sắc nhọn. Chân trước vươn lên nắm râu; chân sau ở tư thế gấp khuỷu đạp mạnh kéo thân trườn về phía trước. Khuỷu có lông, lông dài, hình đao lửa chạy dài về phía sau. Bám sát thân là các cụm mây kéo dài hình đao, các đao mây chạm nổi uốn khúc, giữa có sóng nổi, đầu ngọn lửa thuôn dài chuyển hóa thành hình đao mác.

Mặt ngoài lan can hình tam giác có đường diềm chạm một nửa hình hoa liên tiền nối tiếp nhau, góc tạo bởi 2 đầu cánh hoa chạm một nửa hình hoa cúc. Bên trong khung hình tam giác vuông, chạm đề tài cá hóa long trong đầm sen. Trong đầm còn có uyên ương bơi lội trên sóng nước, các cụm sóng có tạo nổi sóng bạc 3 ngọn. Nổi trên các con sóng là đồ án nụ – hoa – lá sen, trên đỉnh là cụm mây.

So sánh với lan can rồng phía trước có sự chuyển biến lớn về hình khối lẫn chi tiết, rồng vẫn uốn 7 khúc nhưng các khúc đuôi doãng hơn, đao lửa đã hình thành dạng đao mác gờ giữa nổi cao vát sang 2 bên, mũi thuôn dài, đầu nhọn hơi tù. Đồ án cá hóa long, uyên ương, hoa sen và cụm mây chạm phẳng tạo độ nông sâu khác nhau, chồng lớp không giống như lan can đá phía trước.

Thành bậc Điện Kính Thiên, thời Lê Trung hưng là hiện vật gốc, độc bản gắn với di tích điện Kính Thiên – di tích quan trọng đặc biệt của Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button