“Lò quan” trong Hoàng thành Thăng Long
Những di vật khảo cổ tại khu vực Hoàng thành Thăng Long cho thấy, ngay tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng có sự tồn tại của những lò gốm chuyên phục vụ hoàng cung. Người ta gọi đó là những “lò quan” để phân biệt với “lò dân” chuyên sản xuất đồ gốm bình dân phục vụ các tầng lớp dân thường.
Trong số các di vật khảo cổ tìm thấy ở khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long có cả những bao nung, các loại dụng cụ sản xuất gốm và dấu vết lò nung gốm cùng với rất nhiều phế phẩm gốm sứ là những mảnh vỡ, những sản phẩm bị méo, lỗi hoặc bị quá lửa… Sự khám phá khảo cổ này đã góp phần chứng minh rằng, ngay từ thời xa xưa, trình độ tay nghề của những người thợ gốm sứ đất Thăng Long đã đạt đến mức điêu luyện, có thể sản xuất ra những sản phẩm gốm sứ có chất lượng tuyệt hảo, màu sắc và đường nét trang trí tinh xảo không kém hàng gốm sứ cao cấp thời Tống. Nói cách khác, đó chính là minh chứng cho thấy, người Việt ta có thể tự chế tác được những sản phẩm cao cấp chỉ dùng cho nhà vua và hoàng cung, hoàn toàn không giống như cách nghĩ và lập luận của nhiều người trước đó cho rằng toàn bộ gốm sứ cao cấp dành cho nhà vua và hoàng cung thuở xưa đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong số những đồ gốm thể hiện “đẳng cấp” của thợ gốm trong các “lò quan” của đất Thăng Long xưa, nổi bật là loại gốm xương mỏng.
Với những vật dụng là đồ gốm xương mỏng, người thưởng ngoạn dễ có cảm giác choáng ngợp bởi sự tinh xảo không thể tưởng tượng của những người thợ gốm Thăng Long cách nay nhiều thế kỷ. Ở những vật dụng này, xương gốm thậm chí chỉ mỏng như một chiếc vỏ trứng, ánh sáng có thể xuyên qua dễ dàng. Tuy mỏng như vậy, nhưng thành trong của những vật dụng này vẫn được in nổi hình đôi rồng chân có 5 móng, ở giữa đáy in nổi chữ Quan. Theo các chuyên gia về gốm sứ, loại gốm xương mỏng này có men phủ kín đáy và mép vành chân đế. Chân đế được tạo cũng rất mỏng và mép vành chân đế vê tròn, khác với các loại gốm xương mỏng ở các nơi khác thường được cắt vát và cạo men ở mép vành chân đế.
Các loại đồ gốm này đều có chất lượng cực kỳ cao, không chỉ bởi chất lượng tuyệt đỉnh của gốm, mà còn bởi cả sự trang trí cầu kỳ, tinh xảo và hết sức trang nhã. Những nét vẽ trang trí đều rất mảnh, nhỏ thể hiện tay nghề đã đạt đến mức thượng thừa của những người thợ gốm Thăng Long thời bấy giờ. Không những thế, người ta còn thấy cả những hình vẽ trang trí được bài trí bằng vàng thật trên gốm. Đây là kỹ thuật sản xuất gốm ở đẳng cấp cao, trên thế giới bấy giờ hiếm có nước nào làm được.