Lý Thường Kiệt – Người viết bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam
Cả lịch sử và dân gian đều ghi nhận, người viết bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên cho Việt Nam là Lý Thường Kiệt. Với lời thơ đanh thép, “Nam quốc sơn hà” chính thức tuyên bố với tập đoàn phong kiến phương Bắc rằng, “Nam Quốc” là một nước độc lập, ngang hàng với quốc gia phong kiến phương Bắc. Nếu xâm phạm bờ cõi nước Nam, giặc Bắc chỉ có nước thua tơi bời…
Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt, sinh năm 1019, mất năm 1105, thọ 86 tuổi. Ông vốn là người làng An Xá, huyện Quảng Đức, sống tại phường Thái Hòa (thuộc phía trên khu vực Bách Thảo, Hà Nội hiện nay). Như vậy, ông là người Thăng Long gốc.
Ngô Tuấn có bố là Ngô An Ngữ. Ngô An Ngữ là một quan võ, từng giữ chức Sùng ban Lan tướng vào đầu triều Lý. Mẹ Ngô Tuấn là người họ Hàn, sinh con đầu lòng là Ngô Tuấn năm 20 tuổi. Bố mẹ Ngô Tuấn sinh được 2 người con trai, Ngô Tuấn và em là Ngô Hiến. Ngô Hiến sau này cũng trở thành một quan võ phục vụ trong triều đình nhà Lý, cũng được vua ban cho quốc thích với tên mới là Lý Thường Hiến.
13 tuổi, Ngô Tuấn mồ côi cha, được gia đình một người cô mang về nuôi dạy, cho ăn học tới nơi, tới chốn. Vốn là con nhà võ, Ngô Tuấn thường xuyên luyện tập võ nghệ. Ông nổi tiếng là người văn võ song toàn. Năm Ngô Tuấn 18 tuổi, mẹ của ông cũng đột ngột qua đời. Mới 18 tuổi, nhưng Ngô Tuấn đã đứng ra lo việc hiếu cho mẹ vẹn toàn, được hàng xóm ngợi khen là người con chí hiếu.
20 tuổi, Ngô Tuấn lấy vợ tên là Thuần Khanh. 21 tuổi, gác tình riêng, Ngô Tuấn xin vào đội kỵ binh của nhà vua với mong muốn được thỏa chí trai, góp sức bảo vệ bờ cõi nước nhà. Ngô Tuấn được phong làm Kỵ mã Hiệu úy. Đây chỉ là một chức quan nhỏ, nhưng đó là bước khởi đầu tốt đẹp cho sự nghiệp của Ngô Tuấn sau này.
Ngô Tuấn làm Kỵ mã Hiệu úy được 3 năm. Sau đó, vua Lý thấy Ngô Tuấn khôi ngô, tác phong đĩnh đạc, học rộng, hiểu nhiều nhưng cũng rất đỗi khiêm tốn, thận trọng bèn cho vào cung, bổ làm thị vệ hầu cận vua. Do quy định ngặt nghèo dưới thời phong kiến, để được nhập cung hầu vua, Ngô Tuấn phải tự yếm (tự nguyện hoạn để trở thành hoạn quan). Là người học rộng, tài cao, lại trung trinh, hiếu nghĩa, Ngô Tuấn nhanh chóng được vua Lý tin cẩn giao nhiều trọng trách và liên tục được thăng quan vì lập được nhiều công trạng, được vua Lý ban cho quốc thích, lấy tên tự ghép lại thành Lý Thường Kiệt. Người đời sau thường biết đến và gọi ông là Lý Thường Kiệt là vì vậy.
Công trạng của Lý Thường Kiệt lập được nhiều khó kể xiết, chỉ có thể kể tới những công lớn của ông, từ dẹp nội loạn tới bình Chiêm, phạt Tống. Trong công cuộc bình Chiêm, Lý Thường Kiệt được giao lãnh quân tiên phong, truy bắt được vua Chiêm là Chế Củ, buộc Chế Củ phải hàng và dâng 3 châu để được tha về nước. Trong công cuộc phạt Tống, nhà Tống nhăm nhe xâm lược nước ta vì ngỡ sau trận chiến với Chiêm Thành, Đại Việt đã bị suy yếu, hao binh, tổn tướng. Lý Thường Kiệt được giao chỉ huy 40 vạn quân thủy cùng voi chiến đi theo đường biển cùng với 60.000 bộ binh do Tôn Đản chỉ huy tạo thành thế gọng kìm tấn công phủ đầu vào đất Tống, phá tan tiền đồn tấn công Đại Việt của nhà Tống ở Ung Châu. Thua đau, nhà Tống xua 100.000 quân, 10.000 ngựa và 200.000 dân phu tiến đánh Đại Việt. Chính trong trận này, tại phòng tuyến sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt làm bài “thơ thần” Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) nổi tiếng. Quân Tống khi sa vào trận địa này thì bị cắt hoàn toàn đường tri viện. Lương thảo thiếu thốn, lại không hợp thủy thổ nên quân Tống thảy đều mỏi mệt, ốm yếu mà chết. Thêm vào đó, quân Đại Việt dùng mưu liên tục tập kích khiến quan quân nhà Tống hãi hùng càng đến tột cùng, 10 phần thì quân chết đến 6, 7 phần. Đêm đêm, Lý Thường Kiệt cho người ngâm nga bài thơ thần từ đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Lời thơ trầm bổng nhưng uy lực như được phát ra từ hồn thiêng sông núi khiến quân Tống càng kinh hồn, bạt vía:
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Lời dịch:
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Biết được quân Tống đã ở vào thế không thể chịu đựng hơn được nữa, để tránh họa binh đao làm lụy tới dân chúng cả hai nước, Lý Thường Kiệt bèn sai người đi nghị hòa. Chỉ huy quân Tống là Quách Quỳ như người chết đuối vớ được cọc, vội vã chấp nhận giảng hòa, rút tàn quân về nước. Về đến nước rồi mà quan quân nhà Tống vẫn chưa hết hoảng hồn, chúng tâu với vua Tống: “Cũng may mà lúc đó địch lại xin giảng hòa, không thì chưa biết làm thế nào”.
Với những chiến công lẫy lừng, Lý Thường Kiệt được phong làm Phụ quốc thái phó, dao thụ chư trấn tiết độ, đồng trung thư môn hạ, thượng trụ quốc, thiên tử nghĩa đệ, phụ quốc thượng tướng quân, tước Khai quốc công, sau lại được phong làm Thái úy.
Lý Thường Kiệt mất năm 1105, thọ 87 tuổi. Thương tiếc, vua Lý Nhân Tông ban cho ông chức Nhập nội điện đô tri kiểm hiệu thái úy bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công, thực ấp 1 vạn hộ, cho em trai ông là Lý Thường Hiến kế phong tước hầu.