Nét giao thoa Việt-Chăm-Ấn trong các di vật Thăng Long
Trong số những di vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ học ở khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long có rất nhiều di vật thời Lý, Trần mang đậm phong cách văn hóa Chăm, Ấn Độ. Điều đó cho thấy, văn hóa Phật giáo tại Hoàng Thành Thăng Long thời Lý có sức ảnh hưởng rất lớn tới xã hội Việt Nam thời bấy giờ.
Mảnh tháp sứ men trắng chạm hình tiên nữ (Apsara) đang say sưa với điệu múa rất đỗi uyển chuyển, như thực như hư cũng đã được tìm thấy tại các điểm khai quật trong khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Đây là một loại tiên nữ thường gặp trong Ấn Độ giáo (đạo Hindu) và trong các thần thoại Phật giáo. Những tiên nữ này, theo truyền thuyết, có sắc đẹp tuyệt trần, phong cách tao nhã, lại có những điệu múa điêu luyện nên thường xuất hiện trong những khung cảnh để mua vui cho các đấng thần linh.
Một mảnh gạch có chạm khắc hình tượng chim thần (Garuda)
Những viên gạch chạm khắc hình ảnh chim thần (Garuda) được tìm thấy rất nhiều tại các điểm khai quật trong Hoàng thành Thăng Long. Garuda là loài chim thần trong Ấn Độ giáo và sau đó ảnh hưởng sang phái Phật giáo Nam tông. Theo thần thoại Ấn Độ, Garuda là con vật cưỡi của vị thần Vishnu. Garuda có đầu người, mình chim, có đầy đủ chân, tay nhưng cũng có cả đôi cánh. Những viên gạch chạm khắc hình Garuda trong khu Hoàng thành Thăng Long cho thấy hình ảnh Garuda đang nâng trên lưng một góc cung điện (đây là viên gạch góc) với vẻ mặt khá dữ tợn, như sẵn sàng xé xác bất cứ kẻ nào dám xâm phạm tới nơi mà Garuda đang bảo vệ.
Bên cạnh những viên gạch chạm khắc hình ảnh Garuda, người ta cũng tìm thấy rất nhiều mảnh vỡ của bình rượu có chạm khắc hình ảnh nữ thần chim (Kinnari) trong các khu khai quật của Hoàng thành Thăng Long. Kinnari trong thần thoại Ấn Độ là vị thần đầu người mình chim, là những ca sĩ, nhạc công thiên thần chuyên múa hát mua vui cho các đấng thần linh.
Tất cả những hình tượng trên đều là những hình tượng trang trí đặc trưng của kiến trúc Chămpa. Khi những hình tượng này xuất hiện cùng với những hình tượng trang trí mang đậm nét văn hóa của người Việt tạo ra một sự giao thoa văn hóa rất hài hòa, tinh tế. Nói về điều này, nhà nghiên cứu, TS Bùi Minh Trí đã đưa ra nhận định: “Đây là min chứng sinh động về sự ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ giáo đến Thăng Long vào thời Lý bằng con đường gián tiếp qua các nước Đông Nam Á, trong đó có Chămpa”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trước khi đạo Phật và văn hóa Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam, người Việt-Mường cổ, người Chăm và các tộc người khác cư trú ở các vùng đất Việt Nam đã có tín ngưỡng thờ chim. Trong sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường, chim Tùng và chim Tót (chim trống và chim mái) đã sinh ra người Mường, người Việt, người Dao. Truyền thuyết của người Việt cũng ghi rằng, Âu Cơ là giống tiên (giống chim) lưỡng hợp với Lạc Long Quân (giống rắn), đẻ ra 100 trứng, nở ra 100 con chính là tổ tiên của các dân tộc đang sinh sống trên đất Việt Nam. Bởi vậy, việc đưa tượng đầu người mình chim vào chùa chiền và kinh thành chính là sự thể hiện tín ngưỡng này của các tộc người Việt.