Nghệ thuật trang trí, điêu khắc trong Hoàng thành
Trải qua các thời kỳ phong kiến Lý – Trần – Lê, nghệ thuật trang trí, điêu khắc trong Hoàng thành có những bước kế thừa, đồng thời phát triển thêm nhiều mô tuýp, trường phái mới, tạo nên sự đa dạng nhưng thống nhất: Tất cả vì sự thống lĩnh của ngôi vị thiên tử.
Rồng đá thời Lê
Thời Lý, Phật giáo được các nhà vua đặc biệt khuyến khích, tới mức sử gia Lê Văn Hưu phải viết rằng: “Nhân dân quá nửa là sư sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa chiền”. Chính vì thế, nghệ thuật trang trí, điêu khắc trong Hoàng thành thời Lý là sự kết hợp hài hòa giữa biểu tượng của vương quyền và biểu tượng của Phật giáo. Hình tượng rồng, phượng nằm gọn trong hình tượng cánh sen, lá đề chính là sự phản ánh rõ nét nhất xu hướng kết hợp giữa “vương” và “đạo”.
Nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời Lý rất độc đáo, chủ yếu dựa trên chất liệu gốm, đất (nung) và đá. Đề tài được ưa dùng nhất trong thời kỳ này là dây leo, mây, nước, hoa sen, hoa cúc, lá đề, rồng uốn khúc mềm mại, thanh thoát trên sóng nước – mơ ước xuất phát nền nông nghiệp lúa nước, đồng thời cũng phản ánh sự tích gắn liền với vị vua đầu triều của nhà Lý: Vừa dời đô tới Đại La đã nhìn thấy điềm rồng vàng bay lên từ sông nước.
Nét rất đặc trưng trong nghệ thuật trang trí, điêu khắc triều Lý thể hiện ở hình tượng con rồng. Rồng trong nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời Lý không thể hiện sự uy vũ, mà toát lên vẻ thanh tao, mơ mộng, lãng mạn, khoan hòa và vị tha như triết lý của nhà Phật, thứ triết lý luôn khuyên răn con người ta tránh xa vòng bạo lực, tránh xa ham muốn thể hiện sức mạnh.
Thời Trần, với tinh thần thượng võ và niềm tự hào về sức mạnh 3 lần đánh tan giặc Nguyên – Mông, quân giặc từng gieo giắc nỗi khiếp sợ, chết chóc ở bất kỳ nơi nào có vó ngựa của chúng phi qua – thì mô tuýp phô trương sức mạnh trong nghệ thuật trang trí, điêu khắc được thể hiện khá rõ nét. Tuy rằng, thời Trần, đạo Phật vẫn còn rất thịnh hành trong xã hội, và nhà Trần cũng vẫn sử dụng sự kết hợp giữa hình tượng Phật giáo với hình tượng vương quyền trong các sản phẩm trang trí, điêu khắc, nhưng triết lý nhà Phật tránh xa sự phô trương sức mạnh đã không còn là mối ràng buộc quá lớn đối với nhà Trần. Các đường nét trang trí, điêu khắc nhà Trần đã dần thoát ly khỏi sự mềm mại, uyển chuyển, tinh tế của thời Lý, chuyển sang tôn thờ những đường nét phóng khoáng, mạnh mẽ, biểu đạt sức mạnh và uy quyền. Rõ nét nhất là sự thay đổi trong mô tuýp tạo hình con rồng. Rồng thời Trần to khỏe hơn rồng thời Lý, mặt to và dữ tợn hơn với 5 móng vuốt sắc nhọn dưới mỗi bàn chân. Vật liệu phổ biến được sử dụng trong nghệ thuật trang trí, chạm khắc thời Trần đã mở rộng hơn thời Lý, bao gồm cả đá, gốm, đất (nung) và gỗ.
Bước sang thời Lê, Phật giáo không còn được trọng vọng, nhường bước cho Nho giáo. Điều này cũng dễ hiểu, vì tư tưởng của Nho giáo rất gần gũi với chế độ quân chủ ở bất kỳ đâu, vì thế, người ta vẫn gọi Nho giáo là đạo “trị quốc”. Những đề thi trong quá trình thi cử đều xuất phát từ tư tưởng chủ đạo của Nho giáo, bởi vậy đã tạo ra một lực lượng nhà Nho đông đảo trong xã hội, trong số ấy có những người thăng tiến trong con đường quan chức, những người không thăng tiến thì bằng lòng với nghề thầy Nho, và nhiều lớp thế hệ nhà Nho khác tiếp nối ra đời, tạo thành thế đứng vững chãi của Nho giáo dưới thời Lê.
Do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời Lê cũng mang nặng tính khuôn thước, mẫu mực. Bởi thế, những người thợ thủ công không được khuyến khích để thăng hoa trong mỗi lần sáng tạo ra những tác phẩm trang trí, điêu khắc. Tính nghệ thuật, tính độc đáo trong các tác phẩm trang trí, điêu khắc thời Lê vì vậy không cao như thời Lý và thời Trần.
Các tác phẩm điêu khắc dưới thời Lê được gìn giữ trọn vẹn nhất cho tới nay là 11 con rùa đội bia trong Văn Miếu. 11 con rùa này cũng phản ánh khá rõ tính khuôn thước trong nghệ thuật điêu khắc thời Lê. Đôi rồng đá thềm điện Kính Thiên, còn lưu giữ đến ngày nay trong khu trung tâm Thành cổ Hà Nội, cũng không thoát ly được tư tưởng của Nho giáo, mang tính mẫu mực của hình tượng rồng đế vương với dáng vẻ trang nghiêm, dữ tợn.
Tóm lại, nghệ thuật trang trí, điêu khắc trong Hoàng thành, thể hiện qua những di tích, di vật trên mặt đất và mới được khai quật, đều có những nét đặc sắc mang tính đại diện cao cho nhận thức và hệ tư tưởng ở mỗi thời.