Ngô Thì Nhậm
Ngô Thì Nhậm là người làng Tả Thanh Oai (dân gian gọi là làng Tó, nay vẫn còn cầu Tó bắc qua sông Tô Lịch đoạn chảy qua làng này), trước kia thuộc phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội). Cha của Ngô Thì Nhậm là Ngô Thì Sĩ, vốn là nhà văn, nhà thơ, nhà sử học nổi tiếng hồi thế kỷ XVIII.
Từ nhỏ, Ngô Thì Nhậm đã sống dưới thời vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Bấy giờ, ông được Tĩnh đô vương Trịnh Sâm nhận xét là “Tài học không ở dưới người”. Ông được Trịnh Sâm cất nhắc làm Hiếu sát phó sứ Hải Dương, rồi thăng chức cho ông lần lượt lên Hộ hoa cấp sự trung, Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, Đốc đồng Kinh Bắc kiêm Đốc đồng Thái Nguyên, Đông các hiệu thư… Không phụ lòng tin yêu của Tĩnh đô vương, Ngô Thì Nhậm dâng nhiều kế sách hay trong đạo trị nước, trong đó có các bài biểu nổi tiếng như Giáo nghị, Pháp nghị và Chính nghị. Tuy nhiên, do triều đại Lê – Trịnh đang ở vào thời suy vi, nên dù rất khen kế sách của ông, Trịnh Sâm cũng không thể áp dụng nó vào thực tế. Khi Trịnh Khải tiếm ngôi vương của Trịnh Sâm, Ngô Thì Nhậm chán ngán thế sự, bèn bỏ quan đi ngao du.
Với tư tưởng lấy trung làm đầu, khi Nguyễn Huệ mang quân ra đất Bắc, Ngô Thì Nhậm đã từng gọi Nguyễn Huệ là giặc, từ bỏ đất kinh kì đi “lánh nạn”, hưởng thú vui “nhắm rượu với cua béo”. Tuy vậy, chính trong 5 năm đi “lánh nạn”, Ngô Thì Nhậm đã nhận ra chất anh hùng của Nguyễn Huệ và sự ươn hèn, bạc nhược của Lê Chiêu Thống. Khi ấy, lòng dân cũng hướng theo người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Theo lòng dân, Ngô Thì Nhậm tìm về với Nguyễn Huệ – Quang Trung và rất được vua áo vải tin dùng. Khi Ngô Thì Nhậm tìm đến, vị vua Tây Sơn sung sướng thốt lên: “Có lẽ, đây là ý trời muốn để dành người tài cho ta dùng”.
Sau này, vua Quang Trung phong cho Ngô Thì Nhậm nhiều chức quan trọng yếu, như Thị lang Bộ Lại (quản lý công tác tổ chức quan lại của triều đình), Thượng thư Bộ Binh (cai quản việc quân), Tổng tài Quốc sử quán (điều hành việc viết lịch sử nước nhà). Dù làm quan ở lĩnh vực nào, ông cũng đều hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vua giao phó, đóng góp nhiều công lao cho sự nghiệp của hoàng đế Quang Trung. Chính bởi vậy, vị hoàng đế áo vải cờ đào rất mực quý trọng ông, coi ông “vừa là bề tôi, vừa là khách”.
Sau này, khi Quang Toản lên nối ngôi cha cũng rất mực tin dùng Ngô Thì Nhậm, giao cho ông thảo nhiều chiếu dụ về những chính sự trọng đại của đất nước. Tuy vậy, dưới thời Quang Toản, triều đại Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. Lúc này, nhiều vị quan Tây Sơn tỏ ra hoang mang, thậm chí bỏ Tây Sơn để theo các thế lực khác. Tuy nhiên, Ngô Thì Nhậm vẫn giữ lòng trung với triều đình Tây Sơn. Dẫu biết rằng nhà Tây Sơn sẽ khó duy trì được lâu, nhưng với niềm tin đấy là lực lượng hợp đạo lý nhất, Ngô Thì Nhậm vẫn trung thành tới cùng. Ông từng nói: “Khi bước đi của ta hợp với đạo lý thì dù có xéo lên đuôi hổ cũng không sao cả” là vì thế.
Quang Toản nắm quyền bính không bao lâu thì triều Tây Sơn bị đánh bại. Gia Long lấy được quyền bính, lập ra triều đại nhà Nguyễn. Bấy giờ, vừa không ưa Ngô Thì Nhậm vì ông đã ra sức ủng hộ Tây Sơn, cản bước tiến của nhà Nguyễn, lại vừa muốn mượn việc “trị tội” ông để dằn mặt những kẻ sĩ khác có tư tưởng chống lại nhà Nguyễn, vua Gia Long bèn bắt Ngô Thì Nhậm cùng Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan ra đánh đòn tại Văn Miếu (Thăng Long) để trị “tội” bất trung với nhà Lê.
Nguyên trước đó, khi Ngô Thì Nhậm làm quan dưới thời Tây Sơn, có người quen biết là Đặng Trần Thường đến nhờ ông tiến cử. Tuy nhiên, thấy bộ dạng khúm núm của Đặng Trần Thường, Ngô Thì Nhậm lớn tiếng mắng đuổi:
– Ở đây cần dùng người tài hạnh giúp vua trị nước. Còn như muốn ra luồn vào cúi thì đi nơi khác!
Đặng Trần Thường mất mặt, tẽn tò ra về và tìm tới Nguyễn Phúc Ánh (sau này trở thành vua Gia Long), được Nguyễn Phúc Ánh nhận dùng, được bổ làm quan. Ôm mối hận trong lòng với Ngô Thì Nhậm, hắn nhận việc chủ trì đánh đòn Ngô Thì Nhậm. Muốn làm nhục lại Ngô Thì Nhậm, hắn ra vế đối:
– Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai?
Tưởng làm nhục được Ngô Thì Nhậm bằng vế đối đầy móc máy, nhưng Đặng Trần Thường tím mặt khi bị Ngô Thì Nhậm đối lại chan chát:
– Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế nào cũng thế!
Ý Ngô Thì Nhậm rất rõ ràng: Chuyện thời thế chẳng biết đâu mà nói trước, biết đâu ngươi lại chẳng có bận lâm vào hoàn cảnh giống ta? Vậy nên, Thường bắt ông phải sửa lại vế đối là “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời theo thế”. Tuy nhiên, Ngô Thì Nhậm vẫn hiên ngang giữ trọn khí tiết, nhất quyết không sửa lại vế đối. Thường tức bầm ruột tím gan, bèn cho lấy roi tẩm thuốc độc để đánh Ngô Thì Nhậm. Bởi vậy, trong số những người bị đánh đòn tại Văn Miếu hôm ấy, chỉ mình Ngô Thì Nhậm dính thuốc độc, những người kia đều còn sống.
Biết mình bị Thường nhỏ mọn hại chết, trước khi qua đời, ông làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường:
“Ai tai Đặng Trần Thường
Chân như yến xử đường
Vị Ương cung cố sự
Diệc nhĩ thị thu trường”
Nghĩa là: Thương thay Đặng Trần Thường, giống chim yến làm tổ trong ngôi nhà sắp cháy. Chuyện trong cung Vị Ương còn đó, kết cục của ngươi rồi cũng như vậy thôi. (Chuyện trong cung Vị Ương: Chuyện Hàn Tín giúp Hán Cao tổ, rồi bị Cao tổ giết ở cung Vị Ương). Sau này, quả nhiên, lời dự báo của Ngô Thì Nhậm ứng nghiệm, Đặng Trần Thường bị chính vua Gia Long xử tử.
Do đang làm quan dưới triều Lê – Trịnh lại bỏ sang làm quan cho triều Tây Sơn, nên Ngô Thì Nhậm trở thành trung tâm đàm tiếu của những kẻ sĩ trung thành với nhà Lê – Trịnh. Sau này, nhà Nguyễn không công nhận và có thâm thù với nhà Tây Sơn, nên Ngô Thì Nhậm cũng không được các sử gia thời nhà Nguyễn nhìn nhận đúng công sức, trái lại, còn ra sức bôi nhọ ông. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của lịch sử hiện đại, thanh danh của Ngô Thì Nhậm đã được trả lại, công lao của ông với nước nhà cũng được đánh giá đầy đủ hơn. Bởi vậy, tên của ông được gắn với nhiều tuyến phố ở nhiều thành phố, thị xã lớn, nhỏ trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội – quê hương của ông.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội