Vua Trần Thánh Tông

Trần Thánh Tông là vị vua thứ hai của nhà Trần, tên húy là Trần Hoảng. Sử gia Lê Tắc người Trung Quốc miêu tả Trần Thánh Tông là “con thứ vua Thái Vương, dáng người khôi ngô, có nhã lượng”.\

Tượng vua Trần Thánh Tông ở đền Trần

Theo ghi chép của cả các sử gia Việt Nam và Trung Quốc, Trần Thánh Tông là vị vua mềm dẻo nhưng cũng rất cương quyết trong đường lối ngoại giao.

Bấy giờ, nhà Nguyên đã lấy được thiên hạ của nhà Tống. Khi Trần Thánh Tông lên ngôi, nhà Nguyên sai sứ sang tận nơi trao sắc phong vương. Chúng bắt Đại Việt hằng năm phải cống nạp nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói, thầy tướng số và nghệ nhân giỏi, mỗi loại 3 người, cùng nhiều loại sản vật quý hiếm khác, lại đòi đặt quan chưởng ấp được tự do đi lại khắp Đại Việt để giám sát. Vì mới lên ngôi, thế và lực chưa đủ mạnh nên Thánh Tông nhẫn nhịn chấp nhận. Bề ngoài thần phục, nhưng kỳ thực, Thánh Tông đang dốc sức chuẩn bị quân lương, sẵn sàng cho cuộc đối đầu với quân Nguyên khi ông cự tuyệt những yêu sách của chúng sau này.

Việc cự tuyệt nhà Nguyên được Trần Thánh Tông bắt đầu thực hiện năm 1266. Thấy Đại Việt mãi không triều cống theo lệ, vua Nguyên cho sứ sang giục giã. Thánh Tông bấy giờ mới đòi miễn việc cống người và bãi bỏ lệ đặt quan giám trị. Vua Nguyên bằng lòng bỏ việc cống người, nhưng muốn giữ nguyên lệ đặt quan giám trị, đồng thời đặt thêm điều kiện bắt vua ta phải thân chinh sang chầu, đưa con em sang làm con tin, chịu binh dịch, nộp thuế má. Thánh Tông thoái thác không chịu. Năm 1271, Hốt Tất Liệt đổi quốc hiệu là Đại Nguyên, bèn yêu cầu Trần Thánh Tông vào chầu, Thánh Tông cáo bệnh không đi. Hốt Tất Liệt lại cho sứ sang hỏi về trụ đồng Mã Viện chôn ngày trước, Thánh Tông trả lời: Cột ấy lâu ngày đã mất.

Như vậy, trong suốt thời gian ấy, Trần Thánh Tông luôn kiên quyết cự tuyệt mọi đòi hỏi quá đáng của vua nhà Nguyên bằng những đường lối mềm dẻo. Đường lối ấy tiếp tục được thực hiện bởi con trai của Trần Thánh Tông là Trần Nhân Tông.

Cương quyết với giặc ngoài, nhưng với con dân, Trần Thánh Tông lại có lòng thương yêu hết mực. Ông rất quan tâm đến việc giáo hóa dân, khuyến khích việc học hành trong dân gian. Thương người nghèo khó trong thiên hạ, Trần Thánh Tông sai các vương hầu, phò mã phải chiêu tập họ để khai khẩn ruộng hoang, lập trang hộ, giúp họ có cái ăn, cái mặc. Nhờ vậy, trong suốt thời kỳ Thánh Tông trị vì, thiên hạ luôn được thái bình, khắp nơi nhân dân đều được yên ổn làm ăn.

Cũng vì trọng tình, trọng nghĩa, nên Thánh Tông cũng rất thương quý anh em, con cháu. Ông thường nói với họ: “Thiên hạ là của cha ông để lại nên để cho anh em cùng hưởng phú quý”. Bởi thế, không giữ lệ vua tôi cứng nhắc, Thánh Tông chỉ cho giữ lễ tiết khi thiết triều. Còn lại, nhà vua đều cho mời hoàng thân vào điện ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, rất đỗi thân tình.

Nói chung, tinh thần trọng tình, trọng nghĩa ở nhà Trần rất được đề cao, bởi vậy, nhiều tư thù giữa anh em cùng dòng tộc được hóa giải, tình đoàn kết được gắn chặt. Đó chính là sức mạnh khó địch, là cội rễ của những cuộc chiến thắng oanh liệt trước quân Nguyên Mông. Đội quân hùng mạnh Nguyên Mông đã thôn tính được thiên hạ rộng lớn của nhà Tống, nhưng đành dừng bước viễn chinh bắt đầu từ bờ cõi nước Việt.

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button