Chùa Dục Khánh – nơi ra đời của vua Lê Thánh Tông

Chùa Dục Khánh có dấu tích gắn liền với sự ra đời của vua Lê Thánh Tông – một trong những vị vua tài hoa nhất của lịch sử các triều đại phong kiến nước ta. Điện và chùa mang tên Huy Văn là gọi theo tên đất làng Huy Văn, một làng cổ của Thăng Long. Khu di tích này thuộc phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội.

Chùa này thờ Phật như bao chùa khác. Nhưng cũng có điểm không giống các chùa khác là, trong chùa Huy Văn có thờ bài vị vua Thái Tổ và bài vị vua Thần Tông nhà Lê. Và, ngay trước chùa lại có một ngôi đền, là đền Dục Khánh. Trong đền có tượng thờ vua Thánh Tông nhà Lê, bên trái là tượng Quang Thục hoàng Thái hậu (thân mẫu Lê Thánh Tông), bên phải là tượng Trường Lạc Hoàng hậu (vợ vua Lê Thánh Tông).

Theo bi ký trong chùa thì chùa Huy Văn được lập từ thời Lê Thái Tông (1434-1442). Nguyên là trước đây vua Lê Thái Tông có nhiều vợ song lại chậm có con. Trong số các bà vợ của vua, có bà Ngô Thị Ngọc Dao là có mang sớm hơn cả. Một bà phi khác thấy vậy, sợ rằng Ngọc Dao đẻ con trai trước sẽ được nối ngôi, con mình đẻ sau sẽ không có địa vị gì, mà mình cũng mất ngôi quốc mẫu.

Ban thờ trong chùa Dục Khánh

Bà Phi liền tìm cách đổ tội cho bà Ngọc Dao khiến nhà vua đầy bà Ngọc Dao ra tận An Quảng. Nguyễn Trãi do có thân tình với họ Ngô nên tìm cách giúp đỡ, ông nói với Nguyễn Thị Lộ vào xin với vua không bắt bà Ngọc Dao đi đầy mà chỉ bắt rời khỏi cung cấm. Nhờ người giúp, bà đêm khuya trốn ra và nương náu ở chùa Dục Khánh thuộc làng Huy Văn cổ. Ngô Thị Ngọc Dao sinh con ở đó và cậu bé được đặt tên là Lê Tư Thành, chính là vua Lê Thánh Tông sau này. Có cả một giai thoại về tài năng của Lê Tư Thành khi được mời về cung để lên ngôi.Tư Thành thông minh, đĩnh ngộ, được mẹ chăm cho học và giữ gìn không để lộ tung tích.

Vào giữa thế kỷ 15, cả triều đình và dân chúng kinh thành Thăng Long phải trải qua một phen náo động. Nghi Dân phản loạn giết chết mẹ con Lê Nhân Tông và cướp lấy ngôi. Các vị đại thần trung thành rất bất bình, đã bí mật tổ chức lực lượng xông vào cung cấm, giết chết Nghi Dân để trừng trị kẻ phản nghịch. Cần phải lập ngay vua mới để an lòng thiên hạ và để cai trị đất nước nhưng các hoàng tử hiện có trong cung còn nhỏ nên việc lựa chọn vua mới là vô cùng khó khăn.

Bàn bạc trong triều, có người nhớ ra rằng vua Thái Tông trước đây còn có một người con trai nữa. Người ấy là con bà Ngô Thị Ngọc Dao tên là Lê Tư Thành.

Trong một thời gian dài ít được mọi người biết đến, Lê Tư Thành chỉ sống loanh quanh trong chùa đồng thời vẫn phải đề phòng những kẻ có âm mưu ám hại. Đã có không ít người nghi hoặc về nguồn gốc cũng như tài năng của Tư Thành.

Điện Huy Văn

Mấy vị đại thần được cử đến chùa Dục Khánh để đón Tư Thành đã nghĩ ra một mẹo để xem chàng thanh niên này có “dáng” làm vua không. Đến chùa Dục Khánh mời Tư Thành ra, có người chỉ ngay vào một con cóc bên xó tường và yêu cầu hoàng tử làm bài thơ vịnh. Lê Tư Thành không cần suy nghĩ, ung dung đọc ngay:

“Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi/Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi/Tắc lưỡi đôi ba con kiến gió/Nghiến răng chuyển động bốn phương trời”.

Không biết cậu có ý định đọc thêm nữa không. Chỉ nghe nói các vị đại thần mới chỉ nghe đến bốn câu đó thôi đã… quỳ cả xuống trầm trồ:

– Thật là khẩu khí của bậc đế vương. Xin kính mời điện hạ về cung ngay để lên ngôi hoàng đế. Sau khi lên ngôi, vua Thánh Tông cho sửa chùa Dục Khánh để ghi nhớ nơi mình sinh trưởng.

Năm 1496, sau khi Thái Hậu mất, vua Lê Thánh Tông đã tôn thân mẫu làm Quang Thục Hoàng thái hậu và cho tạc tượng, đúc chuông thờ tại điện Huy Văn. Tượng và chuông sau này bị kẻ gian lấy mất. Đến năm Vĩnh Trị thứ 3, thứ 4 (1678 – 1679), nhà chùa đứng ra khuyến hóa đúc được tượng và chuông khác.

Trải qua thời gian, cuối Lê, rồi đầu Nguyễn, chùa bị hư hại nhiều. Những người dòng dõi nhà Lê có góp tiền của sửa chùa năm Minh Mệnh thứ 4 (1823). Đến năm Tự Đức thứ 17 (1864) chùa lại được tu sửa. Pho tượng của vua Lê Thánh Tông, nguyên trước đặt ở chùa Khán Sơn (trong khu Bách Thảo ngày nay), đến cuối triều Lê, khi quân Tây Sơn ra Thăng Long, có toán loạn quân phá chùa Khán Sơn, người ta mới rước về nơi đây để thờ.

Ngay trước cổng chùa Dục Khánh, còn có một tấm bia đá đề “Trùng tu Huy Văn điện bi ký” dựng năm 1823. Xưa kia, cứ đến ngày vua băng hà, làng Văn Chương tổ chức tưởng niệm trọng thể, rước kiệu lên đền vua ở phố Hàng Hành. Ngày 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, ngày mất của Quang Thục Hoàng Thái hậu, làng lại tổ chức cúng lễ rất linh đình.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button