Chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự)

Chùa có tên chữ Hán là Quang Linh tự (nghĩa là rạng rỡ, linh thiêng). Tuy nhiên cũng như nhiều nơi khác, chùa làng được gọi theo địa danh nên thường gọi là chùa Mạch Tràng.

Mạch Tràng vốn là thôn nằm sát phía nam bên ngoài Cổ Loa, trên một khu đất cao ráo, cạnh sông Hoàng. Khu vực này là nơi có những phát hiện về khảo cổ học, những di tích chỉ cư trú có niên đại cách ngày nay một vài thiên niên kỷ.

Theo truyền thuyết, từ thời Âu Cơ, An Dương Vương đã đem giống lúa mạch về đây, dạy dân trồng cấy và đặt kho lương thực của Âu Lạc. Sau này, thời Ngô Quyền lại mở trường học của quốc gia tại thôn này nên có tên là Mạch Tràng. Mạch là lúa mạch Thục Phán ban cho dân đã trồng ở đây;Tràng là trường học do Ngô Vương Quyền cho mở khi đóng đô ở Cổ Loa.

Chùa Mạch Tràng, cùng với đình thờ An Dương Vương và đền Công chúa Mỵ Châu là các công trình tín ngưỡng–tôn giáo, là trung tâm văn hóa của làng từ rất lâu đời, có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.

Khu vực chùa Mạch Tràng có tổng diện tích gần 5.000m2, phía trước là đường trục của làng theo hướng tây bắc – đông nam, nhìn ra cánh đồng rộng ven sông Hoàng.

Các kiến trúc của chùa được bố trí theo mặt bố cục truyền thống “nội công ngoại quốc”. Công trình đầu tiên là tam quan, tiếp giáp với đường làng, có lối đi qua khu vườn – ao dẫn vào tiền đường và thượng điện. Tại đây có hai toà giải vũ như là hai hành lang dẫn tới nhà Tổ, nhà Mẫu ở phía sau. Các công trình được đấu mái theo kiểu “bắt vần”, trước nhà Tổ có một khoảng sân liền với tường hậu của thượng điện. Xung quanh phía ngoài của các kiến trúc là tường bao, được nối với nhau làm thành một khu vực riêng biệt có lối thông qua vườn chùa và các công trình phụ.

Tam quan, nằm ở chính diện trên trục hoàng đạo của ngôi chùa, là một kiến trúc gỗ 3 gian, hai tầng 4 mái có tường hồi bít đốc, tay ngai. Cả công trình có bốn vì kèo gỗ với gian giữa rộng hơn hai gian bên, được thiết kế theo kiểu thượng chồng rường, xà, trung chồng rường, giả thủ: vì hạ có bẩy hiện cả trước và sau. Đây là một kiến trúc có hai chức năng: cổng – cửa và gác chuông. Trên nóc vì giữa có ghi niên đại Khải Định thứ 5 (1920), là niên đại một lần tu bổ.

Kiến trúc chính của ngôi chùa có mặt bằng hình chữ “đinh” gồm tòa tiền đường và thượng điện. Tiền đường có năm gian hai dĩ được làm kiểu khung gỗ mái lợp ngói ta, hai đầu hồi xây bít đốc, tay ngai, trụ biểu và được đặt trên một nền cao có bậc khuôn, trên chính giữa bờ nóc mái.

Các hộ vì gỗ được làm theo thể thức thượng chồng rường, kê đấu; trung chồng xà, kê trụ, tiền kẻ, hậu bẩy. Ở các gian chính, các kẻ gỗ dài kéo ta qua cột hiên, tạo thành bẩy nên ở đây hiên khá rộng. Phía trước, hai gian đều xây tường đầu với tường hồi.

Trên các cấu kiện gỗ chính của tiền đường có chạm khắc, trang trí nhẹ nhàng các vân mây, hoa cúc hoặc hình cánh sen. Tuy nhiên, đáng chú ý là ở hai bức cốn bán mê ở bộ vì giữa có các chạm nổi như một phù điệu đặc tả Tứ linh quần tụ, Long chầu kết hợp ở thân kẻ phía dưới, là những tác phẩm khá đẹp trên kiến trúc này.

Tòa thiêu hương – thượng điện nối mái với gian giữa tiền đường, gồm bốn gian hai dĩ. Các vì kèo ở đây có dạng thức “thượng chồng rường, con nhị, hạ kẻ chuyền”, nhưng xà nách gối lên tường bao hai bên nên thực chất chỉ có hai hàng chân cột.

Các bệ tường xây trát đơn giản được đặt gian chính với bốn cấp bậc và đặt sát tường hồi, tường hậu. Trên các gian của toàn thiêu hương – thượng điện đều có trang trí cửa võng và hoàng phi câu đối có nội dung ca ngợi đức phật.

Sau thượng điện, cách một khoảng sân nhỏ là nhà thờ Tổ và Mẫu. Đây là tòa nhà có 5 gian được bố cục mặt bằng hình chữ đinh nhưng chỉ có hai gian chuôi duộc phía sau. Hai hành lang được lối thông với nhau kiến trúc này tạo thành lối đi chung ở phía trước. Các bộ vì đều dạng thức chống cốn, kẻ chuyền; tiền kẻ, hậu bẩy và được xây kiểu bít đốc. Trước hai bên hành lang, có hai tháp Sư Tổ. Ngoài ra, có một tháp khác sau tam quan, cạnh lối vào chùa.

Nhìn chung, qua bố cục và các đặc điểm tạo tác, kiến trúc chùa Mạch Tràng có hiên đại cuối thể kỷ XVIII đầu XIX. Ở một số công trình đã có sự trùng tu vào thế kỷ XX và gần đây, đã có đợt tu bổ lớn trong hai năm 2000-2001, vì thế các kiến trúc đã trở nên chắc chắn do được thay thế bằng các vật liệu bền chắc như gỗ lim, gạch bát hay ngói phục chế, nhưng kiểu thức kiến trúc cổ truyền vẫn được giữ lại – nhất là các trang trí, chạm khắc gỗ trong mùa.

Bức cửa võng tại khu thượng điện là di vật phải kể đến đầu tiên, gọi là cửa võng thiều châu. Trên các bức thiều châu, các nghệ nhân đã kết hợp hài hòa giữa cách tả thực và cách điệu để thể hiện hình tượng tứ linh và tứ quý – chủ yếu là thông cúc, trúc, mai…

Với phong cách chạm lộng, chạm khủng, bông kênh, có những bức đã đạt đến sự tinh xảo với các đường chạm thể hiện linh vật như rồng, hổ phù hay  hoa lá đan xen trên một cách nền khung xương – chính là các đường chận triện gốc cây theo hệ tứ quý.

Các cửa võng đều được sơn thếp kỹ lưỡng, màu sắc rực rỡ, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX. Đây là những di vật đặc sắc làm tăng thêm vẻ đẹp và giá trị của kiến trúc ở tiền đường và thượng điện.

Chùa có 7 hoành phi và 7 đôi câu đối ở trong chùa mang nội dung ca ngợi Đức Phật, về tích Phật, cảnh thiền với lối viết chân, triện có trang trí các dây hoa chanh ở diềm xung quanh trên một nền hồi văn và được sơn son thếp vàng.

Một số chạm khắc trên khám thờ và y môn gồm nhiều mô-típ trang trí như Tứ linh, Tứ quý, Lưỡng long chầu nguyệt, Ly hóa, Phượng chầu, Quy sen, Hổ phù… với lối chạm tỉ mỉ, có đường nét mềm mại, sống động.

Hầu hết các bức chạm ở ngôi chùa này đều mang phong cách nghệ thuật có niên đại tương đương với niên đại của chùa.

Chùa Mạch Tràng có 38 pho tượng tròn được tạo tác bằng chất liệu thổ, mộc, chủ yếu được thờ ở thượng điện.

Cũng như ở nhiều chùa khác, ba pho Tam thế được đặt trên bệ cao nhất sát tường hậu với kích thước và hình thể tương tự như nhau, ngồi kiểu kiết già trên đài sen. Tượng được tạo tác theo phong cách truyền thống: chỏm sọ nổi cao, tóc kiểu bụt ốc kết thành hàng, lông mày cong, mắt khép hờ nhìn xuống, miệng ngậm ưu tư, cổ cao ba ngấn, tai chảy dài; thân khoác áo cà sa hở ngực, tay đặt trên lòng đùi.

Lớp tượng thứ hai là Di Đà Tam Tôn to lớn với các nếp áo cà sa được khắc họa rất sống động, cùng với Đại Thế Chí Bồ Tát và Chí Thế Bồ Tát ở hai bên. Phật A Di Đà biểu hiện cho sức mạnh siêu nhiên để cứu vớt chúng sinh làm chỗ dựa cho thể nhân con người.

Tiếp theo là các tượng Thế tôn, biểu hiện cho Phật Thích Ca và các tượng A Nan Đà cùng Ca Diếp-hai trợ thủ của Đức phật, trong đó A Nan Đà được coi là Tổ thứ hai của phái Thiền tông.

Lớp thứ tư, sát với khu thiêu hương, trên cùng một bệ có đặt tượng Di Lặc và Địa Tạng, chính giữa ngoài cùng là tòa Cửa Long. Ở hành lang hai bên có bệ đặt bốn pho Thập điện Diêm Vương, Bồ Tát, tượng Sư Tổ.

Sau cùng, ở trong cùng của thượng điện có tượng Quan Âm Chuẩn Đề và Quan Âm Tống Tử.

Tòa Cửu Long ở đây đặc tả một động có chín rồng chầu phun nước; chính giữa là tượng Thích Ca sơ sinh, xung quanh động có các tượng nhỏ thể hiện các thân thể của Đức Phật, các vị Bồ Tát. Tòa Cửa Long được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng rực rỡ, như một bức tranh sống động mưu tả Phật Thích Ca khi mới ra đời – một hình tượng nổi tiếng: chú bé trong tư thế một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất với ý: Thiên thượng, Địa hạ, duy ngã độc tôn.

Hầu hết các tượng ở đây đều sơn thếp kỹ lưỡng. Mặc dù số lượng tượng không nhiều và không đầy đủ với một ngôi chùa thờ Phật, nhưng thể hiện nghệ thuật tạo tác khá cao, có niên đại thế kỷ XVIII, XIX.

Một điều đáng chú ý là trong chùa có thờ tượng hậu – một nam, một nữ, với phong cách tả thực, dáng vẻ gần gũi và sinh động. Các đường nét thể hiện tóc, áo mũ phản ánh thân thể quyền quý của hậu. Có thể điều này là đúng với việc truyền tụng rằng đó là một vị công nương nhà chúa Trịnh và chồng bà, đã có công trong việc dụng chùa nên được thờ ở đây. Đây là hai pho tượng thổ được đặt trên bệ sen bằng gỗ và được sơn thếp kỹ lưỡng.

Tại nhà Tổ-Mẫu, hậu cung có đặt ban thờ bốn vị Thánh Mẫu gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Địa; bốn vị Quan Hoàng và Đức Thánh Trần. Ở phía ngoài có ban thờ Tứ phủ công đồng cùng hai tượng Cậu đứng chầu. Các vị sư Tổ của chùa được tạc tượng hai gian của tiền tế, bên phải thờ Sư tổ, bên trái thờ Ân sư. Hàng năm, giỗ Tổ được tổ chức trang trọng vào ngày 28 tháng 2 âm lịch.

Việc thờ Mẫu, như thường thấy ở các ngôi chùa, là sự phản ánh một quan niệm tín ngưỡng dân gian từ lâu đời, nhưng được phát triển đậm đà cách đây chừng 3 thế kỷ, do những điều kiện lịch sử-xã hội nhất định.

Các tượng thờ ở điện Mẫu hay động Sơn Trang thường có kích thước nhỏ, hình dáng tượng, nhất là trên khuôn mặt, được tả thực, dụng dị.

Chùa Mạch Tràng là một ngôi chùa cổ, đẹp cùng với đình và đền ở cạnh nhau tạo thành một cụm di tích văn hoá, tôn giáo đặc sắc khu thành Cổ Loa nổi tiếng. Chùa đã được công nhận di tích lịch sử – văn hóa năm 1997./.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button