Đình Mạch Tràng

Ngôi đình làng được xây dựng trên một khu vực cao ráo, rộng khoảng 3.000m2 ở đầu phía tây thôn Mạch Tràng, trước mặt là trục đường làng theo hướng tây bắc – đông nam. Tiếp liền đó về phía đông là chùa Quang Linh. Trước đình là khu hồ cũ, cạnh có giếng ngọc, xa xa là cánh đồng rộng ven sông Hoàng.

Có lẽ vì Mạch Tràng là một thôn lớn nên ngôi đình khá to đẹp. Từ đường làng vào đình phải qua một nghi môn kiểu tứ trụ và một sân rộng hơn 2.000m2 lát gạch Bát Tràng. Qua nhà tiền tế là tòa đại đình, cách nhau gần 2m. Cũng trong khu vực dân ở trước đình chếch về phía tây so với tiền tế là am thờ công chúa Mỵ Châu. Toàn bộ khu vực này đều được xây tường bao, trừ nghi môn.

Đình Mạch Tràng là một công trình kiến trúc tín ngưỡng mang giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật cao đã được Bộ Văn Hóa – Thể thao và Du lịch xếp hàng di tích quốc gia năm 1997 (cùng với chùa Quang Linh). Tới năm 2000 – 2001, đình đã được thành phố Hà Nội đầu tư tu bổ tôn tạo khá đồng bộ. Các kiến trúc ở đây từ chỗ mục nát hư hỏng nặng đã trở nên chắc chắn, cảnh trí khang trang.

Tòa đại đình được xây dựng trên một nền cao 50m so với mặt sân, có mặt bằng bố cục kiểu chữ “đinh”. Mặt trước có hệ thống cửa bức bàn chắc chắn chạy suốt ba gian giữa. Bậc thềm lên xuống được lát những tấm đá xanh. Các gian bên và hồi còn lại được xây bít và đấu vào tường hậu.

Từ phía ngoài có thể thấy bộ mái đình rất rộng lớn lợp ngói ta dày dặn với bốn góc đao cong chắc khỏe. Bờ nóc, bờ chảy trên mái được đắp trang trí họa tiết hoa chanh cùng với hai đầu nóc mái hình đầu kìm.

Mặt bằng đình khá rộng (14,4m x 21m) được phân thành 5 gian chính và 2 hồi. Kết cấu kiến trúc gồm 4 bộ vì chính và 2 bộ vì hồi bằng gỗ lim khá to và  chắc khỏe. Các bộ vì được cấu tạo theo kiểu “thượng giá chiêng, hạ chồng rương, kẻ bẩy” dựa trên 6 hàng chân cột, trong đó các cột cái to hơn, hai vì gian giữa lớn hơn các bộ vì bên. Theo kiểu thức này, phần “giá chiêng” được cấu tạo dựa trên hai cột đội nằm trên câu đầu để giàng và đỡ các thanh chồng lên tới thượng lương. Câu đầu không có mộng với hai cột cái mà được đặt trên hai đấu vuông có khớp với cột. Kế bên, hai cột đội có các thanh chồng nằm gối lên hai phía của câu đầu và kế tiếp chồng lên tới mái. Đầu của các thanh chồng này chính là nơi đỡ các thanh hoành tương ứng nối từ vì nọ sang vì kia để đỡ những lé rui của bộ mái ngói.

Phần “chồng rường” được tiếp tục trong khoảng từ trên xách nách- đầu cột quân tới đầu cột cái, giữa hai hàng cột này. Có từ 5 đến 6 thanh chồng chắc khỏe cho mỗi bên của một bộ vì. Chính ở trên các “chồng rường” người ta thường  có những mô – típ chạm khắc trang trí thể hiện hình tượng tứ linh hay tứ quý. Dưới câu đầu, đấu với cột cái là các đầu dư chạm đầu rồng với đường nét bay bướm, tỉ mỉ và phóng khoáng.

Liên kết giữa cột quân và cột hiện là một thanh kẻ được giằng qua mộng ở hai đầu cột. Phần nghé phía trên kết hợp đỡ lấy xà nách còn phần dưới kèo dài thay một cái bẩy đỡ lấy tàu mái. Với hình thức thanh “kẻ, bẩy” như vậy, vừa thiết kiệm được cấu kiện, ít lỗ mộng trên cột và tạo ra được sự kết hợp chịu lực và có chuyển tiếp mềm mại giữa các phần chính của bộ vì.

Các bộ vì được liên kết với nhau bằng hệ thống xà dọc, các hoành giang và tàu mái tạo thành bộ khung chắc chắn với hai mái rộng có bốn góc đao, trong khi các hàng chân cột đều không có móng mà chỉ được đặt chắc trên những viên đá tảng có dạng tròn dưới chân cột.

Để có được góc đao không thể không nói đến những cấu tạo của các gian hồi vì chính các vì hồi là nơi thể hiện nhiều về kỹ thuật kiến trúc gỗ cổ truyền. Cấu tạo bộ vì hồi ở đây, được gọi theo thuật ngữ dân gian là vì lừng. Vì lừng tức là bộ vì trốn cột và có sự kiên kết với các vì khác để tạo thành bộ vì đỡ nóc mái ở hai đầu thượng lương và tạo thành bốn góc đao. Mặc dù là bộ vì trốn cột nhưng nó rất chắc chắn bởi vì từ đầu cột đội có các xà giằng dọc, ngang làm một kẻ góc đấu vào đó để kéo xuống cột liên qua cột quân tạo thành góc mái, từ đó hình thành các góc đao. Nếu quan sát từ bên trong ta sẽ thấy gian hồ rất rộng, có mặt bằng không gian tiện lợi khi hội họp đông người. Gần đây trong lần tu bổ năm 2001, sàn nhà ở hai chái đình đã được phục hồi toàn bộ bằng gỗ lim (trước đây xây bằng gạch)

Chạm khắc trang trí trên kiến trúc của đình được tập trung nhiều vào hai bộ vì gian giữa. Ngoài các đầu dư chạm đầu rồng với các đường nét khắc khỏe theo lối chạm lộng, các thanh chồng rường đều được trang trí hình tượng tứ linh như một bức tranh sinh động thể hiện ước vọng của nhân dân mong cho mưa thuận gió hòa, cây cối đơm hoa kết trái, cuộc sống sinh sôi nảy nở với các hình tượng Rồng vờn mây, Phượng càn thư, Lân nhảy múa, Rùa đội hoa đan xen là Tùng – Trúc – Cúc – Mai thể hiện bốn mùa lúc nào cũng đầy màu sắc của cỏ cây hoa lá.

Chỉ trong một diện tích nhỏ gồm các thanh chồng rường ghép liền nhau, cách chạm ở đây tạo cho người xem thấy được hình ảnh sinh động như là một bức tranh ghép gỗ. Những hoa văn ở phần tiếp nối với các cấu kiện gỗ khác khéo léo, hài hòa khiến cho phần chạm và các đường nét soi, chặn ăn nhập với nhau không rời rạc đơn điệu.

Những hình ảnh và phong cách chạm khắc trên cũng được lặp lại trong những khoảng chồng rường ở các bộ vì khác, nhất là hai vì hồi. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là chúng ta có thể dễ dàng phân biệt hai lối trang trí khác nhau của bộ vì bên phải và bên trái. Các vì phía bên trái được tạo tác trang trí kỹ lưỡng, tinh tế hơn; các vì bên phải thiên về sự giản dị, chắc khỏe. Tuy vậy, các nguyên tắc chung về kết cấu, dạng thức thì vẫn được tôn trọng. Theo nhân dân địa phương cho biết đó là kết quả công việc của hai hiệp thợ, của hai giáp thi thố với nhau khi dựng đình.

Gian giữa của ngôi đình là gian có kích thước rộng nhất. Ngoài phần chạm khắc trên bộ vì, trần nhà còn được bưng ván có ghép khuôn tranh, sơn son thẫm và thiếp vàng có trang trí hình tượng tứ linh, tứ quý và hình một mặt trời nổi cao ở chính giữa.

Hậu cung, gồm hai gian nối với tòa đại đình, đặt khám thờ vua An Dương Vương ở giữa, có chừa lối đi xung quanh .

Về trang trí nội thất, gian chính ở phía trên có bức hoành phi bốn chữ Hán Vạn Cổ anh linh phía trong hậu cung có hai hoành phi có chữ đề Ức niên hươngThánh cung vạn tuế. Có một số câu đối “Tây Thục giáng thần sơn giao cổ ; Nam giao hiển thánh miếu ninh tôn” (nghĩa là: Tây Thục giáng thần non nước cũ; Nam giao hiển thánh miếu đền nay) và “Phong Kê nhất diện uyển vương thành Hùng lược ư kim hậu hữu ; Âu Lạc ức niên phù bảo tộ anh linh khơi cổ sơ vô” (nghĩa là: Một mặt Phong Kê thượng uyển vương thành Hùng triệu nay vẫn thế ; Ngàn năm Âu Lạc phù vận nước anh linh tỏ rõ trí xưa)

Tại đình hiện còn lưu giữ được số di vật mang niên đại thể kỷ XVIII, XIX: ngai thờ bài vị Thục An Dương Vương hoàng đế; sập thờ kiểu chân quỳ dạ có sơn son thếp vàng; kiểu Bát cống sơn son thếp vàng và một số đồ  thờ khác như bộ đỉnh thờ bằng đồng, đội hạc gỗ sơn thếp, hai lưỡi phủ việt trong bộ bát bửu, chuông đồng, cây đèn đồng và ba án gian sơn thếp có niên đại gần đây.

Đáng chú ý là các đồ thờ bằng gỗ được chạm khắc tỉ mỉ, tinh tế, sơn son thếp vàng, đã trải qua khoảng hơn 200 năm vẫn giữ được màu sắc tươi đẹp. Đó là chiếc ngai thờ đi liền với sập thờ được tạo tác với phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII có chạm khắc đề tài tứ linh nhưng hình tượng rồng ở đây được nhấn mạnh và bố cục hết sức hài hòa kết hợp với các hoa văn hoa lá dây và mây cuốn thật là nhuần nhuyễn. Ở bộ kiệu bát cống cũng vậy, hình tượng rồng được nhấn mạnh thể hiện bằng những đường nét chắc khỏe. Những sự liên kết các đường nét trang trí của thanh đòn ngang với thanh đòn dọc, của bờm rồng với móng vuốt hổ trên mặt “Hổ phù” cũng là ăn nhập một cách tự nhiên.

Phía trước đại đình, tòa tiền tế là một kiến trúc nhỏ hơn với diện tích mặt bằng gần 100m2, có kết cấu khung mái kiểu vì kèo bằng gỗ lim gồm 3 gian, mái lợp ngói mũi hài, tường hồi trục biểu xây dạch, bó vỉa. Tam cấp bằng đá tảng, nền lát gạch Bát Tràng phục chế. Tòa tiền tế này mới được phục hồi năm 2001.

Rất gần tòa tiền tế, về phía tây là am thờ Mỵ Châu. Đây là kiểu kiên trúc có từ xưa nhưng mới được tu bổ lại, gồm 2 nếp nhà kiểu chữa “Nhị” , riêng tòa phía sau có thêm hậu cung nên tạo thành một bằng hình chữ “Đinh”. Giữa hai nếp nhà cách nhau một khoảng sân hẹp, ở hai đầu xây tường nối cao tới mái, tạo thành một không gian kiến trúc riêng biệt ở khu am. Hai tòa nhà này cũng có kết cấu khung mái kiểu vì kèo gỗ theo thể thức cổ truyền gần như tiền tế, mái lợp ngói mũi hài, bậc thềm bằng đá tảng, mới trùng tu năm 2001.

Thôn Mạch Tràng là một trong tám thôn thuộc “Bát xã Loa thành”, hàng năm thường về tham dự lỗ hội tại đền An Dương Vương này mùng 6 tháng Giêng. Vào ngày này nhân dân thường tổ chức rước kiệu Bát cống sang tế lễ ở Đề Thượng, sau đó về địa phương tiếp tục tổ chức lễ hội. Nhân dân ở đây có tục ăn mừng vào ngày “Sêu” bà chúa bằng món bún cổ truyền xào cần. Bún do nhân dân Mạch Tràng làm có công thức riêng và chất lượng được coi là đặc biệt so với bún của nhân dân ở vùng này.

Đình Mạch Tràng có niên đại không sớm (khoảng cuối thế kỷ XVIII) nhưng với quy mô và kiểu thức cũng như nghệ thuật chạm khắc gỗ, sơn thiếp trên các cấu kiện gỗ và đồ thờ ở đây cho ta thấy giá trị của kiến trúc nghệ thuật này. Hàng trăm năm nay, đình Mạch Tràng là nơi thể hiện sự quy tụ những tài hoa nhiều mặt của địa phương, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của khối cộng đồng làng xã trong mối quan hệ với các địa phương lân cận./.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button