Cao Lỗ – Ông Nỏ
Theo truyền thuyết, khi quân của Thục Phán vây kín thành Văn Lang của vua Hung, Cao Lỗ là người đã mở cửa sau của thành cho quân tướng Thục tràn vào, buộc vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán.
Khi Thục Phán lên ngôi, Cao Lỗ và người em con ông chú là Cao Tứ được An Dương Vương tin cậy. Cao Lỗ cũng mang hết tâm trí của mình phục vụ cho Triều đại mới.
Cao Lỗ khuyên vương dời đô xuống đồng bằng, giúp vương tìm đất định đô, xây thành Cổ Loa. Cao Lỗ là người phát minh loại nỏ bắn một lần nhiều phát, đầu mũi tên bằng đồng. Nỏ mới, bắn xa, bắn nhiều, sức sát thương lớn đã trở thành vũ khí lợi hại của quân dân Âu Lạc. Nỏ hóa thành tên gọi quen thuộc “Ông Nỏ” của dân gian tặng cho ông. Trong dân gian, Cao Lỗ còn có tên gọi Đô Lỗ (hay Đô Nỏ, ông Nỏ), còn trong sử cũ ghi là Cao Lỗ, hay Cao Thông.
Cao Lỗ được trao quyền phụ trách huấn luyện đội quân cung nỏ của triều đình. Hàng vạn quân sĩ Âu Lạc, dưới sự chỉ đạo của ông ngày đêm luyện tập, làm chủ vũ khí mới, lợi hại này. Sau dịp ngự lãm tướng sĩ luyện tập cung nỏ, An Dương vương Càng mãn ý, trao cho Cao Lỗ làm tướng quân giữ trọng trách trấn giữ của Bắc – cửa xung yếu nhất của kinh thành Cổ Loa.
Chính đội quân cung nỏ thiện chiến của tướng quân Cao Lỗ đã làm khiếp đảm những cánh quân của Triệu Đà khi xâm phạm vào Cổ Loa.
Khi Triệu Đà dùng mưu chước cầu hôn, xin cho con trai sang ở rể, nhiều người trong đó có Cao Lỗ đã nhìn rõ quỷ kế này của Đà và dũng cảm can An Dương Vương: “Nó mượn cớ cầu hòa, kết hôn để dùng mưu cướp nước ta!”.
An Dương Vương không nghe lời phải. Cao Lỗ đã cử người giám sát chặt chẽ Trọng Thủy. Nhưng viên Lạc hầu giữ của Đông ghen tài Cao Lỗ, nhận tiền mua chuộc của cha con Triệu Đà, đã gièm pha, xúc xiểm Cao Lỗ với An Dương Vương. Từ đó vương ngày một đối xử bạc bẽo với Cao Lỗ. Chẳng còn con đường nào khắc để mang tâm huyết tài trí giúp dập, bảo vệ triều đình, đất nước, Cao Lỗ đành phải rời bỏ triều đình. Trước khi đi, Cao Lỗ nói với vua: “Giữ được nỏ thần thì giữ được nước, mất nỏ thần thì mất nước”.
Hay tin quân Triệu Đà tấn công kinh thành, Cao Lỗ đã quay về Cổ Loa để bảo vệ vua, bảo vệ thành. Sức yếu, thân cô, cố sức xông pha trận mạc để mở đường cho An Dương Vương, Ông đã gục ngã trên chính mảnh đất Cổ Loa.
Còn theo truyền thuyết của khu vực Đại Than (xã Cao Đức, Gia Lương, Bắc Ninh) thì Cao Lỗ là con trai Cao Thông, người Lỗ Trang, trấn Vũ Ninh, Liên Lâu nay là Tiểu Than, Vạn Linh. Cao Lỗ có sức khỏe phi thường và là một đô vật nổi tiếng khắp vùng nên được gọi là Đô Lỗ. Do có sức khỏe hơn người cả hai cha con được vua An Dương Vương mời ra giúp. Cả hai vâng lệnh tiến triều. Hai cha con đã lập nhiều công to, được tin vua yêu và giao cho nhiệm vụ chế nỏ thần. Cao Lỗ luôn nhắc vua phải cảnh giác đề phòng kẻ xấu. Đặc biệt ông đã theo sát Trọng Thủy để dò la hành vi của hắn. Trọng Thủy xui vua giết Cao Lỗ vứt xác bên phía tây thành Cổ Loa, đuổi cha là Cao Thông về quê. Sau đó xác Cao Lỗ được trời sai thiên tướng đem về quê và được dân làng chôn cất. Hàng năm nhân dân mở hội vào ngày 10 tháng 3 để tưởng nhớ ông.
Tấm bia Thần tích bi ký được lập vào năm Khải Định 6 (1921) tại làng Tiên Hội (Đông Anh, Hà Nội) còn cho biết thêm Cao Lỗ là vị tướng có tài được An Dương Vương phong làm thống lĩnh toàn quân và đóng đại bản doanh tại Vũ Ninh. Một ngày kia, khi hành quân qua đây, được dân làng cung kính nghênh bái. Nhân thấy phong cảnh nên thơ, hình thế đất đẹp bèn dừng chân hạ trại, lập hành cung và tỏ ý sau này thác đi dùng làm nơi an nghỉ.
Tương truyền, điếm xóm Chùa thuộc xã Cổ Loa hiện nay trước kia là một trạm gác, có thể được xây dựng cùng thời với đình Ngự triều di quy. Sau khi tướng Cao Lỗ chết, do có công chế tạo nỏ thần nên ông được xóm Chùa thờ làm thành ông hoàng và thờ tại điếm ấy. Có ý kiến cho rằng ngôi miếu cửa Bắc mới được xây dựng lại, nằm trên vòng Thành Trung đoạn phía Bắc, giáp giới giữa xóm Bãi và xóm Thượng, cạnh con đường nhựa từ Cổ Loa lên Uy Nỗ là nơi thờ Cao Lỗ.