Cổ Loa dưới thời Vương Ngô Quyền
Định đô tại Cổ Loa, Ngô Quyền đã tiến hành nhiều hoạt động để nâng Cổ Loa lên ngang tầm kinh đô của một nhà nước độc lập mới. Sử sách còn ghi chép về việc Ngô Quyền tiến hành tổ chức một bộ máy triều đình tại thành Cổ Loa. Qua ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư : “Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm Hoàng hậu, đặt trăm quan chế định triều nghi phẩm phục” có thể hình dung, tuy vẫn còn đơn sơm nhưng đây đã là một triều đình độc lập, với đầy đủ bộ máy vua quan, hoàng thất và nhất là đã xác lập được các quy chế, cấc nghi lễ riêng biệt.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết : “Được ít lâu, Tam Kha sai chỉ huy sứ là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đến nhà Lệnh Công đòi bắt Xương Ngập” . Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng chép tương tự, cho thấy trong bộ máy triều đình nhà Ngô tại thành Cổ Loa có chức quan chỉ huy sứ, đây có lẽ là chức quan võ đứng đầu triều.
Dấu vết thời kỳ Ngô Quyền ở Cổ Loa
Qua nguồn tư liệu thần tích về các nhân vật thế kỷ X, ta cũng có thêm được một số thông tin gián tiếp về bộ máy triều đình Cổ Loa. Theo thần tích tại làng Đông Kết (ngoại thành Hà Nội), trong trận chiến Bạch Đằng, Ngô Quyền tin dùng ba anh em Nguyễn Siêu và sau chiến thắng ông phong cho anh cả Nguyễn Khoan là Cầm hạt tướng quân, người em thứ hai Nguyễn Siêu là Thống lĩnh tướng quân, người em út Nguyễn Thủ Tiệp Là Tứ xuyên đô hộ. Nhiều thần tích khấc như thần tích đền Mây (Đằng Châu, Hưng Yên), thần tích xã Bái Dương (Nam Trực, Nam Định), thần tích Độc Nhĩ Đại Vương… đều cho thấy, trong trận Bạch Đằng, Ngô Quyền đã trọng dụng nhiều tướng tài, họ đã lập công lớn. Khi chiến thắng, họ được Ngô Quyền phong chức tước và làm quan trong triều đình. Phạm Bạch Hổ được phong chức Đô chỉ huy sứ tiền đạo tướng quân, Đỗ Cảnh Thạc làm quan Chỉ huy sứ, Kiều Công Hãn cũng giữ chức Đề sát trong triều…
Những chức quan được Ngô Quyền phong cho các tướng theo ghi chép trong thần tích có thể là những chức quan của các triều đại phong kiến về sau được những người soạn thần tích hoặc do dân gian sáng tạo gắn cho các tướng lĩnh thế kỷ X. Tuy vậy, dựa vào những thông tin trên trong thần tích có thể thấy rõ ràng một sự thật bộ máy triều đình Cổ Loa căn bản bao gồm những tướng lĩnh đã cùng Ngô Quyền chiến thắng giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Điều đó khẳng định tính chất quân sự của bộ máy này, thành phần chủ yếu trong triều đình là các võ tướng.
Với những hoạt động của vua quan và toàn bộ bộ máy triều đình Tiền Ngô, thành Cổ Loa đã trở lại với vai trò kinh thành – quân thành – thị thành giống như thời kỳ nhà nước Âu Lạc. Bởi một khi nó đã có sự tập trung của vua quan trong thành thì phần thị của nó cũng lập tức phát triển theo để đáp ứng nhu cầu của chính tầng lớp này và một lực lượng lớn binh lính đóng tại đây. Song nguồn tư liệu hiện có không cho phép ta có được hình dung cụ thể về diện mạo phần thị của thành Cổ Loa khi đó như thế nào. Tuy nhiên, dấu vết của những lò sản xuất gạch, ngói muộn và các đồ gốm cổ phi Hán – bằng chứng cho thấy Cổ Loa thời Ngô cũng có dáng dấp của một đô thị tập trung khá phát triển.
Để cho thành Cổ Loa đủ sức bảo vệ bộ máy triều đình vừa mới thành lập còn non trẻ nhất là trong hoàn cảnh đất nước vừa mới giành độc lập, còn chưa ổn định, có lẽ Ngô Quyền đã sửa lại tòa thành cũ của An Dương Vương, tôn cao thêm lũy thành, đào sâu thêm hào thành, nâng cao thêm khả năng phòng thủ cho kinh thành Cổ Loa. Đây là điều tối cần thiết, vì suốt thế kỷ X, lịch sử dân tộc ta chứng kiến hàng loạt những biến động, những cuộc chiến tranh xung đột liên tiếp xảy ra, cục diện đất nước, xã hội luôn ở thế bất ổn. Do vậy, kinh thành phải là nơi kiên cố đủ sức để triều đình đối phó lại với các thế lực khác khi bị tấn công. Trong hoàn cảnh lịch sử như thế và nhất là Ngô Quyền chỉ tại vị được 6 năm, một tòa thành Cổ Loa hoàn toàn mới của triều đại nhà Ngô như ý kiến của một số nhà nghiên cứu, thật khó có điều kiện khả thi. Thành Cổ Loa trong thời gian ngắn này có lẽ chỉ được đắp thêm từng phần trên cơ sở tòa thành cũ của An Dương Vương đã được gia cố nhiều lần trong thời kỳ Bắc thuộc.
Giữ vai trò kinh đô, trung tâm chính trị của đất nước trong thời kỳ đầy biến động, thành Cổ Loa không vượt ra khỏi cơn lốc chiến tranh giành quyền lực ngay sau khi Ngô Quyền mất. Những biến động dữ dội của lịch sử dân tộc ta thể kỷ X có nguồn gốc sâu xa từ trong chính kết cấu kinh tế, xã hội, song biểu hiện đầu tiên và trực diện nhất là cuộc tranh giành quyền lực diễn ra từ chính thành Cổ Loa.
Mở đầu là việc Dương Tam Kha cướp ngôi sau khi Ngô Quyền qua đời. Bộ máy triều đình nhà Ngô phần nhiều là các tướng lĩnh có công trong trận chiến Bạch Đằng, bản thân họ cũng là những thế lực hào trưởng có quyền lực tại các địa phương. Nhân tố gắn kết họ lại chính là lòng yêu nước, đoàn kết đánh đuổi giặc ngoại xâm, thông qua tài tổ chức và uy tín “kiệt hiệt” của Ngô Quyền. Sau khi Ngô Quyền mất, triều chính rối ren, nhân tố cố kết họ không còn, bộ máy triều đình bắt đầu lục đục, rạn nứt dẫn đến loạn 12 sứ quân.
Tiếp sau đó, Ngô Xương Văn, con trai thứ 2 của Ngô Quyền đã giành lại được quyền lực từ tay Dương Tam Kha: “Tân Hợi năm thứ nhất [951], vua [Xương Văn] đã truất bỏ Tam Kha, lên ngôi xưng là Nam Tấn Vương, sai sứ đi đón anh là Xương Ngập về kinh sư cùng trông coi việc nước. Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương”. Một điều bất thường đã diễn ra, kinh sư nhà Tiền Ngô – thành Cổ Loa lúc này có hai vương cùng nắm quyền lực, lục đục, mâu thuẫn trong nội bộ triều đình ngày một tăng, quyền lực nhà nước bị chia sẻ. Chính vì vậy, nhiều tướng lĩnh trong triều đã rời khỏi Cổ Loa và củng cố căn cứ riêng tại vùng đất bản bộ của mình.
Trong bối cảnh đó, từ Cổ Loa, Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương đã cất quân đi đánh các thế lực cát khứ khác nhằm khôi phục quyền lực thống nhất của nhà Tiền Ngô. “Bấy giờ, người động Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh cậy núi khe hiểm yếu, không chịu giữ chức phận làm tôi. Hai vương cất quân đi đánh; Bộ Lĩnh sợ, sai con là Liễn vào triều làm con tin để ngăn chặn việc xuất quân”. Sau, hai vương tấn công Hoa Lư nhưng thất bại phải rút quân về. Năm Ất Sửu (965), Nam Tấn Vương Xương Văn lại xuất quân từ thành Cổ Loa “đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình. Quân đến nơi, cắm thuyền lên bộ đánh nhau, Nam Tấn Vương bị trúng tên nỏ mai phục bắn chết”.
Như vậy, từ thành Cổ Loa, nhiều cuộc tiến công tiêu diệt các thế lực khác đã được tiến hành song đều thất bại, kết cục là nhà Ngô không còn, thành Cổ Loa rơi vào một cuộc tranh chấp về quyền lực mới. Theo Ngũ đại sử, năm Đại Bảo thứ 8 đời Lưu Xưởng, Xương Văn ở Giao Châu mất, người giúp việc là Lữ Xử Bình cùng với thứ sử Phong Châu là Kiều Tri Hựu tranh nhau lên làm vua. Đinh Liễn đem quân đến đánh phá được”. Chỉ trong vòng hai mươi năm (944 – 965), thành Cổ Loa đã diễn ra liên tục các cuộc tranh giành quyền lực giữa các thế lực khác nhau, bộ máy triều đình tan rã. Tất cả những sự việc tranh chấp quyền lực trên là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chính khả năng phòng ngự của tòa thành này.
Từ năm 996, hình thành đầy đủ 12 sứ quân với các thủ lĩnh cát cứ ở các địa phương. Loạn 12 sứ quân kéo dài hơn 20 năm (944-968) và kết thúc khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt – nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.