Cổ Loa thời kỳ trước thời An Dương Vương
Theo các nguồn tư liệu thư tịch cổ của ta và của Trung Quốc phù hợp với những truyền thuyết dân gian phổ biến thì tiếp theo sau nước Văn Lang đời Hùng Vương là nước Âu Lạc đời An Dương Vương. Nước Âu Lạc là một thực tế lịch sử và An Dương Vương là một nhân vật lịch sử có thật.
Tuy nhiên, xung quanh lịch sử nước Âu Lạc mà nhân vật trung tâm là An Dương Vương Thục Phán, cho đến nay, vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để, trước hết là vấn đề nguồn gốc Thục Phán và sự thành lập nước Âu Lạc.
sau khi tổng hợp những kết quả nghiên cứu, các nhà sử học nghiên cứu về Cổ Loa đã phân tích và đưa ra giả thuyết rằng cư dân nước Văn Lang đời Hùng Vương chủ yếu là người Lạc Việt và bao gồm cả một bộ phận người Tây Âu (hay còn gọi là Âu Việt) ở miền núi rừng và trung du phía bắc, hai thành phần đó sống xen kẽ với nhau trong nhiều vùng. Phía bắc nước Văn Lang là địa bàn cư trú của người Tây Âu, cũng có những nhóm Lạc Việt sống xen kẽ. Trong cuốn Nhiều nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc chứng tỏ người Lạc Việt có mặt cả ở lư vực Tây Giang, trong vùng Quảng Đông, Quảng Tây, đảo Hải Nam và một phần Vân Nam, Quý Châu (Trần Quốc Vượng: Vấn đề người Lạc Việt, Thông báo khoa học – Sử học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, T.II, 1966, tr.47 – 73.)
Lạc Việt và Tây Âu là hai nhóm phía nam của Bách Việt, sống gần gụi nhau và có vùng xen kẽ nhau, trên lưu vực sông Hồng hay Tây Giang. Vừa là đồng chủng, vừa là láng giềng, từ lâu người Lạc Việt và người Tây Âu đã có nhiều quan hệ mật thiết về kinh tế, văn hóa. Có lẽ do tình trạng sống xen kẽ và do những quan hệ gần gụi về các mặt như vậy, mà trong thư tịch cổ Trung Quốc có khi phân biệt Tây Âu với Lạc Việt, có khi coi Tây Âu và Lạc Việt là một.
Thục Phán là thủ lĩnh của một liên minh bộ lạc người Tây Âu ở phía bác nước Văn Lang, theo truyền thuyết của đồng bào Tày thì liên minh bộ lạc đó là “nước Nam Cương” gồm 10 xứ mường (9 mường của 9 chúa và 1 mường trung tâm của Thục Phán) tức 10 bộ lạc hợp thành, với địa bàn cư trú gồm vùng nam Quảng Tây, Cao Bằng và có thế rộng hơn, cả vùng núi rừng phía bắc Bắc Bộ, mà trung tâm là Cao Bằng. Nhân dân Cổ Loa (Hà Nội) cũng tương truyền rằng, An Dương Vương Thục Phán vốn là “một tù trưởng miền núi”, là người quê quán gốc tích ở miền núi rừng phía bắc.
Giữa người Lạc Việt và Tây Âu, cũng như giữa Hùng và Thục, đã có nhiều quan hệ gắn bó lâu đời. Huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ đã chứa đựng mối quan hệ giữa hai yếu tố Lạc và Âu trong cội nguồn xa xưa của các thành phần dân tộc ở Việt Nam. Nhiều thần tích và truyền thuyết về Hùng Vương và An Dương Vương coi Thục Phán là thuộc “dòng dõi”, “tông phái”, hoặc là “cháu ngoại” của vua Hùng. Những thần tích chép Thục Phán là “bộ chúa Ai Lao” hay “phụ đạo Ai Lao” thì cũng coi là người đứng đầu một “bộ” như 15 bộ của nước Văn Lang, cũng thuộc “dòng dõi vua Hùng” (Hùng Vương ngọc phả), chứ không phải là một nước ngoài xa lạ.
Nhưng mặt khác, vào cuối đời Hùng Vương, giữa Hùng và Thục xảy ra một cuộc xung đột kéo dài. Nhiều làng vùng trung châu lưu vực sông Hồng thờ thánh Tản Viên và những bộ tướng của vua Hùng đã từng theo thánh Tản Viên “đánh giặc Thục”. Đó là những cuộc xung đột không tránh khỏi trong quá trình tập hợp các bộ lạc và liên minh bộ lạc gần gũi nhau để lập thành nhà nước và mở rộng phạm vi kiểm soát của nhà nước đó.
Cuộc xung đột đang tiếp diễn thì nước Văn Lang cũng như người Lạc Việt và Tây Âu cùng toàn bộ các nhóm người Việt trong khối Bách Việt đứng trước một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm. Đó là nạn xâm lược đại quy mô của đế chế Tần. Chính hoàn cảnh lịch sử ấy đã cắt nghĩa tại sao cuộc xung đột Hùng – Thục lại kết thúc bằng sự nhường ngôi của Hùng Vương cho Thục Phán và sự thành lập nước Âu Lạc như một bước phát triển kế tục của nước Văn Lang, một sự hợp nhất ở mức độ cao hơn, phạm vi rộng hơn, của người Lạc Việt và người Tây Âu.