Đắp thành Cổ Loa ít nhất 4 lần

Khi đắp thành Cổ Loa, An Dương Vương đã kế thừa tòa thành có trước (lũy/làng phòng thủ), thành Cổ Loa được đắp nhiều lần khác nhau, ít nhất qua 4 lần… đó là thông tin được công bố sáng qua, 30/9 trong hội nghị thông báo khảo cổ học năm 2008, tại Hà Nội.

Trong năm qua có hơn 400 cuộc khai quật lớn nhỏ ở mọi loại hình: thời đại đá, thời đại kim khí, khảo cổ học lịch sử, khảo cổ học Champa – Óc Eo.

Thành Cổ Loa xưa

Qua cuộc khai quật hang Đông Trong I và II (Quảng Ninh), các nhà khảo cổ thời đại đá khẳng định đây là nơi cư trú và cũng là khu mộ táng của người tiền sử thuộc văn hoá Hạ Long giai đoạn muộn.

Trong chương trình điều tra khảo sát, lập hồ sơ khoa học di tích hang Con Moong trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, Viện Khảo cổ và Sở VHTTDL Thanh Hóa tiến hành điều tra các di tích thuộc huyện Thạch Thành, Vườn QG Cúc Phương và khu hang động sinh thái Tràng An- Ninh Bình.

Nhiều di tích cũ được thẩm định, nhiều di tích mới được phát hiện. Thời đại kim khí có các cuộc “đào xới” ở Gò Bông (Phú Thọ) phát hiện nhiều mẫu đồng khác biệt so với đồng ở văn hóa Phùng Nguyên, ở Đồng Dâu- Ba Vì tìm thấy lớp vô sinh ngăn cách hai lớp văn hóa dưới (Phùng Nguyên muộn) và trên (văn hoá Gò Mun) sau đó Đồng Dâu là nơi chôn cất người chết của cư dân văn hoá Đông Sơn.

Năm qua, Cổ Loa đã có hai cuộc khai quật lớn ở Đền Thượng và Lũy Hào- Thành Trung. Người khai quật nhận định: Đền Thượng là một trong những trung tâm lớn của nhiều nhà nước cổ – trung đại (thời An Dương Vương và Ngô Quyền), đồng thời là trung tâm luyện kim trong thành Cổ Loa, khu vực chắc chắn được Nhà nước điều hành cẩn mật.

Viện Khảo cổ và trường Đại học Illinois (Mỹ) cũng đưa ra nhận thức mới sau cuộc đào Lũy Hào- Thành Trung: khi đắp thành Cổ Loa, An Dương Vương đã kế thừa tòa thành có trước (lũy/làng phòng thủ), thành Cổ Loa được đắp nhiều lần khác nhau (ít nhất qua 4 lần), lũy phòng thủ có mô hình: hào- lũy – hào- vọng gác, còn thành Cổ Loa thì “quy hoạch” hào- thành- hào- cổng thành.

Trong một diễn biến mới của di tích Champa- Óc Eo, Viện Khảo cổ và Bảo tàng Phú Yên đào lần thứ năm ở di tích Thành Hồ. Tư liệu hiện vật ở đây cho thấy đời sống kinh tế, văn hóa của người Chăm ở Thành Hồ đã đạt đên trình độ cao, tương đương di vật Champa ở kinh đô Trà Kiệu- Quảng Nam.

PGS.TS Tống Trung Tín- Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, giới này đã đạt được các thành tựu ban đầu đáng khích lệ trong khảo cổ học đô thị. Việc khai quật khảo cổ đô thị cực kỳ khó khăn vì diện tích rộng lớn, tầng văn hoá dày, di tích và di vật nhiều, chồng xếp, đan xen và cắt phá nhau rất phức tạp, thêm vào đó là địa hình đô thị hiện đại chồng lên trên nó.

Những năm qua, giới tiến hành khai quật ở cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, khai quật thăm dò Thành nhà Hồ và lớn nhất là khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Ông Tín cũng cho rằng việc triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa ngày càng tốt hơn trong công tác khảo cổ học.

Tuy nhiên, đại diện Viện Khảo cổ học cũng cảnh báo mạnh mẽ về một vấn nạn hiện nay: làm giả cổ vật. Viện đã tìm hiểu một số trung tâm làm giả cổ ở Hoa Lư- Ninh Bình, quận Hai Bà Trưng, Mê Linh (Hà Nội)…, phối hợp công an giám định nhiều cổ vật, qua đó nhận thấy việc làm đồ giả cổ hết sức tinh vi với trình độ công nghệ cao khiến thật giả khó lường. Đồ giả cổ đã lọt vào một số bảo tàng lớn.

Năm nay, Viện Khảo cổ học Việt Nam tròn 40 tuổi và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam kỷ niệm 50 năm thành lập. Tháng 11 và 12/2009, Việt Nam sẽ đăng cai hội nghị lần thứ 19 của Hội nghiên cứu tiền sử học Ấn Độ- Thái Bình Dương (IPPA). Dự kiến, 400 nhà khảo cổ học quốc tế sẽ đến Việt Nam.

Trần Thanh

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button