Thành Cổ Loa
Thành Cổ Loa gắn liền với những truyền thuyết kỳ thú của dân tộc Việt, về việc vua An Dương Vương định đô, xây thành; Về chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc; Về mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu – Trọng Thuỷ… Từ bao đời nay, ngôi thành cổ này cùng với những nhân vật lịch sử được huyền thoại hoá đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam.
Đây là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó), nay thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội.
Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành) tương truyền có tới 9 vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Ngày nay ở cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất: Thành Ngoài (8km), Thành Giữa (hình đa giác, chu vi 6,5km) và Thành Trong (hình chữ nhật, chu vi 1,6km). Thân thành ngày nay còn có chiều cao trung bình từ 4-5m, có chỗ còn cao tới 12m, chân thành rộng tới 20-30m. Các cửa của 3 vòng thành cũng đoợc bố trí rất khéo; không hề nằm cùng trên một trục thẳng mà lệch chéo đi rất nhiều. Do đó đường nối hai cửa thành ở cùng một hướng đều là một đường quanh co, lại có ụ phòng ngự ở hai bên nên gây rất nhiều trở ngại cho quân địch khi tiến đánh thành.
Qua các giai đoạn lịch sử, Cổ Loa có rất nhiều tên: Loa thành (thành ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai.
Từ trung tâm thành phố, đi 18 km đến xã Cổ Loa thuộc huyện Ðông Anh, bạn sẽ tìm thấy vết tích còn lại của ba vòng thành xưa bằng đất và nơi các nhà khảo cổ tìm được hàng vạn mũi tên đồng, lưỡi cày, rìu sắt, xương thú vật…
Qua cổng làng, cũng là cổng Thành trong là tới đình làng Cổ Loa. Theo truyền thuyết thì đó là nền cũ của điện ngự triều, nơi bá quan triều hội ngày xưa nên trong đình còn tấm hoành phi “Ngự triều di quy”. Cạnh đình là Am Bà Chúa tức là miếu thờ công chúa Mỵ Châu, nằm nép dưới gốc đa già cổ thụ. Miếu am bé bỏng như cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa đáng thương “trái tim lầm chỗ để lên đầu”. Trong am có một tảng đá hình người cụt đầu. Ai cũng bảo đó là tượng Mỵ Châu.
Qua am Mỵ Châu tới đền Thượng, tức đền An Dương Vương, tương truyền là dựng trên nền nội cung ngày trước. Ðền này mới làm lại hồi đầu thế kỷ XX, có đôi rồng đá ở bậc tam cấp cửa đền là di vật đời Trần hoặc Lê sơ. Trong đền có tượng An Dương Vương bằng đồng mới đúc cùng dịp làm lại đền. Trước đền là Giếng Ngọc, tương truyền là nơi Trọng Thuỷ tự tử vì hối hận. Nước giếng này mà đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng bội phần!
Năm 1962, Cổ Loa được xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá cấp nhà nước. Nó có đầy đủ các loại hình di tích: Đình, đền, chùa, am, miếu. Trong đó hàm chứa biết bao giá trị văn hoá Việt Nam qua bao thế hệ.
Trong khu vực Thành Nội còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật: Khu đền Thượng thờ An Dương Vương, khu đình Ngự triều di quy, am thờ Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn với hàng trăm pho tượng…
Các nhà khảo cổ học còn trưng bày ở đây rất nhiều hiện vật quý giá của người Việt cổ đã khai quật được trong lòng đất Cổ Loa: Trống đồng Cổ Loa, tiền đồng, rìu đồng, hàng nghìn mũi tên đồng, lưỡi cày, các vật dụng bằng gốm, đất nung,…
Hàng năm, lễ hội Cổ Loa tưởng nhớ vua An Dương Vương được tổ chức vào mùa xuân, ngày mồng 6 tháng giêng. Có 8 làng trong xã Cổ Loa tổ chức rước kiệu truyền thống tụ về sân đình Cổ Loa, dâng lễ, thể hiện tấm lòng thành kính đối với vị vua có công lao to lớn trong việc dựng nước và giữ nước, chỉ đứng sau các vua Hùng.
Hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2010), Cổ Loa đang từng bước được tu bổ, tôn tạo để xứng đáng với Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố Hà Nội đã lập dự án “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích khu thành Cổ Loa”.
Khu di tích Cổ Loa theo quy hoạch mới sẽ gồm:
khu di tích thành Cổ Loa, khu tưởng niệm An Dương Vương và các di tích lịch sử văn hoá khác, với tổng diện tích hơn 830 ha thuộc địa phận các xã Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú, Uy Nỗ. Phía tây bắc giới hạn bởi đường quy hoạch nối khu đô thị 34 (dự kiến) đi khu công nghiệp Đông Anh, phía đông bắc được giới hạn bởi đường Cổ Loa – Yên Viên, phía nam và tây nam giới hạn bởi đường liên khu vực huyện Đông Anh.
Quy hoạch khu di tích Cổ Loa sẽ được thực hiện đến năm 2020 với các khu quy hoạch chính:
Khu vực di tích thành: Các vòng thành bao gồm luỹ và hào được bảo vệ chống sự xâm phạm, vòng thành nội sẽ được tôn tạo lại toàn bộ với chiều dài hơn 1.700m. Thành ngoại và thành trung sẽ tôn tạo lại một số đoạn đã xuống cấp để phục vụ việc khai thác di tích, các đoạn tôn tạo chủ yếu tập trung tại 8 cửa ra vào.
Khu trung tâm di tích Cổ Loa bao gồm: khu vực sân tiếp đón đặt tại phía nam của thành nội; khu vực trung tâm thành nội sẽ hình thành một không gian tập trung của toàn bộ khu di tích với quy mô 5 ha để có thể bố trí các công trình bảo tàng trưng bày các di chỉ khảo cổ, tổ chức các hoạt động lễ hội văn hoá làm sống lại các phong tục tập quán của người Việt…
Khu vực các di tích kiến trúc như: đình, chùa, mộ Mỵ Châu… được đầu tư để tôn tạo. Khu vực các di chỉ khảo cổ chính Đồng Vông, Bãi Mèn và Đường Mây sẽ được xây dựng thành các bảo tàng tàng… Khu vực sẽ phát triển mới để hỗ trợ khu di tích gồm: Công viên tại phía nam khu vực di tích với quy mô hơn 74ha; khu vực trồng hoa, cây cảnh tại khu vực bắc sông Hoàng và phục hồi một phần diện tích mặt nước tạo lại một phần diện mạo cảnh quan xưa…
BT – Theo Vietnamnet