Xây dựng Hồ sơ khoa học nhiệm vụ nghiên cứu, chỉnh trang trục trung tâm Khu di sản thế giới Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội

Căn cứ Hiến chương Quốc tế về Bảo tồn và Trùng tu di tích và Di chỉ (1964); Hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới 1972; Văn kiện NARA về tính xác thực (1994).

Căn cứ Luật Di sản văn hóa 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009; Nghị quyết số 34 COM 8B.22 của Ủy ban Di sản Thế giới về ghi danh Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội, Việt Nam vào danh sách Di sản Thế giới; Nghị quyết số 35 COM 8B.60 của Ủy ban Di sản Thế giới thông qua tuyên bố các giá trị nội bật toàn cầu của Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội.

Từ năm 2010 đến nay, Ủy ban nhân dân Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội gắn với lộ trình thực hiện 08 điểm cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản Thế giới. Trong đó, ưu tiên cao nhất là về chính sách và nguồn lực được cụ thể hóa trong Kế hoạch quản lý và các quyết định về công tác bảo tồn, nghiên cứu khảo cổ học, nghiên cứu khoa học, giáo dục di sản, bảo tàng và trưng bày, nâng cao năng lực quản lý và khôi phục các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với quần thể di tích. Những kết quả thu được từ chuỗi nghiên cứu khai quật khảo cổ học trong suốt hơn một thập kỉ qua đã mang lại những phát hiện đặc biệt quan trọng, góp phần làm rõ và cung cấp những nhận thức mới cho giới khoa học nói riêng và công chúng nói chung về tầm vóc và giá trị của Khu Di sản.

Từ năm 2011 đến năm 2022, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực Trung tâm của khu Di sản: Năm 2011 (100m2), năm 2012 (500m2), năm 2013-2019 và năm 2022 mỗi năm khai quật khoảng gần 1000m2 ; Tổng cộng đến năm 2022, khu vực trung tâm Chính Điện Kính Thiên đã khai quật khoảng 9.440m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, góp thêm tư liệu mới mang tính xác thực cao để nghiên cứu và khôi phục Chính Điện Kính Thiên.

Tháng 9 năm 2022, Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội” với sự tham dự của 250 đại biểu quốc tế và trong nước trong đó có Đại diện Trung tâm di sản Thế giới; Đại diện Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS); Đại diện Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) và các chuyên gia đầu ngành về khảo cổ học, lịch sử, kiến trúc của Pháp, Nhật Bản, Anh, Italia…; Đại diện các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Cục Di sản Văn hóa, các cơ quan, viện nghiên cứu.. và đông đảo các nhà khoa học thành viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Hội di sản văn hóa Việt Nam; Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu, bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội; cùng các nhà khoa học thuộc các cơ quan, các trường đại học, các viện nghiên cứu…

Hội thảo đã thông qua bản “Thông cáo Hà Nội 2022 về bảo tồn di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội” và khuyến nghị “Tiếp tục thực hiện các nghiên cứu dựa trên khoa học, bao gồm việc mở rộng một cách phù hợp nghiên cứu khảo cổ học tại khu vực trục trung tâm của Di sản; Thực hiện các cuộc tham vấn rộng rãi với tất cả các bên liên quan về các giải pháp và phương án để bảo tồn, phục hồi, tái dựng các thành tố của di sản, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới; Thông báo cho Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO để các cơ quan tư vấn đánh giá kỹ thuật về các tác động có thể có của các hoạt động và kế hoạch đề xuất đối với Giá trị nổi bật Toàn cầu của khu di sản theo Đoạn 172 trong Hướng dẫn thực hiện Công Ước”.

Đề xuất trên cần được xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động đối với Khu di sản theo Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới và một báo cáo độc lập về đánh giá tác động di sản cần được thực hiện và gửi cho Ủy ban Di sản Thế giới xem xét ra quyết định, nhằm bảo vệ tối ưu các giá trị nổi bật toàn cầu đã được ghi nhận cùng với tính chân thực và tính nguyên vẹn của Khu di sản này.

Tháng 3/2023, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp với UBND Thành phố đồng tổ chức Hội thảo quốc tế về “Phát huy vai trò của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” và tổ chức đón tiếp, làm việc với Ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm di sản Thế giới.

Trong các chuyến công tác của đồng chí Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (vào tháng 6/2023) và đồng chí Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (vào tháng 5/2023) tại Paris, Pháp đều có các buổi tiếp xúc, làm việc với Tổng Giám đốc đốc UNESCO, Giám đốc Trung tâm di sản thế giới, Giám đốc Hội đồng di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) và đặt vấn đề hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội.

Đầu tháng 7 năm 2023, nhận lời mời của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Đoàn công tác liên ngành của Trung tâm di sản thế giới và Hội đồng di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) đã đến Việt Nam để tư vấn về công tác nghiên cứu, chỉnh trang trục trung tâm Khu di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long từ ngày 05/7/2023 đến ngày 13/7/2023.

Đoàn chuyên gia có Bà Nao Hayashi (Pari, Pháp) – Chuyên gia chương trình Di sản thế giới (phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, GS. George O. Abungu (Nairobi, Kenya) – Chuyên gia khảo cổ học, Giám đốc sáng lập và tư vấn chính Công ty tư vấn di sản Okello Abungu; Giáo sư sáng lập khoa Nghiên cứu di sản – Đại học Mauritius; Bà Luisa De Marco (Milan, Ý) – Chuyên gia cố vấn, chuyên ngành kiến trúc di sản và cảnh quan; TS. Matthew Whincop (Brisbane, Úc) – Chuyên gia cố vấn về nghiên cứu khảo cổ học và di sản văn hóa.

Ủy ban nhân dân Thành phố giao Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Tổ chức đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác liên ngành của Trung tâm di sản thế giới (UNESCO) và Hội đồng di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) và thực hiện các nội dung theo khuyến nghị của Đoàn công tác liên ngành và hướng dẫn của Trung tâm di sản thế giới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cũng đã cử cơ quan chuyên môn tham dự và góp ý các nội dung liên quan trong đợt làm việc của Đoàn công tác liên ngành của Trung tâm di sản thế giới và Hội đồng di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) từ ngày 05/7/2023 đến ngày 13/7/2023, cũng như tham gia quá trình lập và hoàn thiện Hồ sơ khoa học.

Hồ sơ sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trình hồ sơ gửi Ủy ban Di sản Thế giới trước khi Hồ sơ được thông qua tại Kỳ họp của Ủy ban Di sản thế giới.

Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long –Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button