Tao đàn nhị thập bát tú, “Quỳnh uyển cửu ca” trong Hoàng thành Thăng Long thời Lê
“Tao đàn nhị thập bát tú” là một tổ chức sáng tác thi ca mang tính chất cung đình được vua Lê Thánh Tông(1442 – 1497), sáng lập và điều hành. Sản phẩm chính của Tổ chức này là tập “Quỳnh uyển cửu ca”(Chín khúc ca trong vườn Quỳnh), được hoàng đế sáng tác cùng với sự xướng – họa của các quần thần. Đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu, phân tích về những vấn đề xoay quanh Tao đàn Nhị thập bát Tú và Quỳnh uyển cửu ca[1]. Trong bài viết này, tôi xin được bàn rõ thêm về một số khía cạnh những vấn đề mà các nhà nghiên cứu trước đây dường như chưa bàn tới. Bài viết không đi sâu vào phân tích nội dung thơ văn mà chỉ điểm qua những hoạt động và phân tích thêm về thành phần Hội viên của Hội Tao đàn dưới sự điều khiển của vua Lê Thánh Tông – Một thi đàn độc đáo, hiếm hoi từng tồn tại trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ (cuối thế kỷ XV).
Vua Lê Thánh Tông
1. Một vài cuộc xướng hoạ thơ văn tiêu biểu của vua – quan trước thời Lê Sơ
Trong lịch sử đã từng diễn ra nhiều cuộc sướng hoạ thơ văn do nhà vua hoặc các vị quan chức của triều đình tổ chức ví như:
Vào thời Lý vào mùa hạ, tháng 4, năm thứ 2 (niên hiệu Minh Đạo – 1043), mùa: “Vua ngự đến chùa cổ Tùng Sơn ở châu Vũ Ninh[2], thấy có dấu người vắng vẻ, nền móng nứt nở, trong chùa có cái cột đá lệch nghiêng sắp đổ. Vua than thở, ý muốn sai người sửa chữa, nhưng chưa kịp nói thì cột đá bỗng tự dưng đứng thẳng lại. Vua lấy làm lạ, sai nho thần làm phú để nêu rõ sự việc linh dị”. (Nguyên văn: Đế mệnh nho thần tác phú dĩ hiển linh dị帝命儒臣作賦以顯靈異)[3].
Với đoạn sử trên, dưới sự gợi ý, dụ bảo của hoàng đế, ngày nay, không biết các nho thần khi đó cùng nhau sáng tác “Phú”, không biết có làm được nhiều bài Phú không, đó là phú chữ Hán hay phú Nôm (?).
Cũng tại châu Vũ Ninh xưa, vào thời Lý, tại ngôi chùa Dạm nổi tiếng, vua cũng đến ngự ở đây và để lại bài thơ trong yến Tiệc. Tuy nhiên, chính sử không cho biết có sự hoạ vần của các quần thần. Sử chép: “Đinh mão năm [Quảng Hựu] năm thứ 3 [1087], mùa đông, tháng 10, vua ngự đến chùa Lãm Sơn. Đêm ban yến cho các quan, vua thân làm hai bài thơ Lãm Sơn dạ yến”[4] .
Nếu như hai sự kiện trên, vào thời Lý, được chính sử ghi lại những hoạt động của hoàng đế khi đi xuống các địa phương, lưu lại hoặc tự mình tức cảnh đề thơ hoặc “mệnh” cho các nho thần cùng hoạ. Đó là những chủ đề có tính chủ động hoặc định hướng, khuyến khích của vị hoàng đế.
Nhưng vào thời Trần, còn có nhiều cuộc thơ văn, xướng hoạ khác mà quốc sử chép lại. Tuy nhiên, những hoạt động này, chỉ thấy sự xuất hiện của các vị quan chức cấp cao của triều đình mà không thấy ghi rõ có sự tham dự của hoàng đế hay không (?). Chẳng hạn như: “ĐVSKTT của Ngô Sĩ Liên và Nam ông mục lục 南翁夢籙 của Hồ Nguyên Trừng đều ghi chép tương tự về tài thơ và rượu của ông: “Hồ Tông Thốc, người Diễn Châu, thi đỗ từ hồi còn trẻ, rất có tài danh. Hồi đầu chưa nổi tiếng lắm. Nhân đến tiết Nguyên tiêu, có Đạo nhân Pháp quan họ Lê giăng đèn mở tiệc để rước khách văn chương. Hồ Tông Thốc nhận giấy đề thơ. Trong một đêm, ngay trên bàn tiệc làm trăm bài thơ, uống trăm chén rượu, mọi người đều xúm nhìn thán phục, không ai địch nổi. Từ đó danh lừng chốn kinh đô. Về sau dùng tài văn học làm thầy thợ cho người. Thời Trần Nghệ Vương (Tức Trần Nghệ Tông), làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ thừa chỉ kiêm Thẩm hình viện sự. Thơ và rượu không ngày nào là không có. Tuổi ngoài 80, mất tại nhà”[5].
Đoạn văn trên đã nói rõ: Việc bày tiệc và có sự xướng hoạ thơ văn, Hồ Tông Thốc một mình làm đến 100 bài thơ, uống 100 chén rượu trong một buổi tiệc tết Nguyên tiêu(Rằm tháng Giêng), của một nhà vị Pháp quan họ Lê. Không biết tên cụ thể của vị “Đạo nhân pháp quan”, nhưng có lẽ là một vị quan phụ trách công việc tâm linh trong cung đình (?). Ngoài buổi yến tiệc của nhà Pháp quan họ Lê lại còn có thêm một “bữa tiệc văn chương” có lẽ cũng là một sự kiện hy hữu, rất vui, ngoài sự mong đợi của chủ nhà!. Có lẽ, đây là một buổi dự tiệc của một gia đình quý tộc (bên cạnh Hoàng thành Thăng Long), với sự tham dự của nhiều vị quan khách cao cấp trong Hoàng cung và triều đình tham dự!.
Cách xa Hoàng thành Thăng Long về phía Đông Bắc, tại cơ sở được coi là “cái nôi” của Trúc Lâm Yên tử thời Trần, còn có một tổ chức của những trí thức luôn “ưu thời mẫn thế” – Đó là: Thi xã Bích Động. Tham gia Thi xã này là những nhà khoa bảng hoặc những người có tiếng văn chương đương thời tham gia như: Trần Quang Triều, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Ức, Nguyễn Trung Ngạn… Người đứng đầu Thi xã là Cư sĩ Phật giáo – Văn Huệ Vương Trần Quang Triều (1287- 1325), còn có tên hiệu là Cúc Đường Chủ Nhân. Ông là con trai của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng và là cháu nội của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Chính vì vị thế là người quan trọng trong hoàng tộc nên Trần Quang Triều có được biệt ân và ảnh hưởng lớn đối với Thi xã.
Theo các nhà nghiên cứu, Am Bích Động nay có thể là chùa Sinh: “Như vậy, kết quả nghiên cứu thực địa kết hợp với các nguồn sử liệu, chúng tôi cho rằng chùa Sinh được xây dựng trên vị trí am Bích Động của Trần Quang Triều xưa. Sau những biến đổi của thời gian và xã hội, am Bích Động dần bị mai một và quên lãng, trên nền dấu tích cũ, người ta cho dựng chùa để thờ cúng”[6]…
Tuy nhiên, tất cả những sự kiện đã dẫn ra ở trên, theo chúng tôi vẫn chưa đủ yếu tố của một Tao đàn văn chương mang tính chất Hoàng cung. Bởi nếu là một Tao đàn của Hoàng cung phải hội đủ các yếu tố như sau?.
- Dưới sự lãnh đạo, khởi sướng hay chủ trì của Hoàng đế;
- Có tổ chức, cơ cấu, phân công nhiệm vụ rõ ràng;
- Có địa điểm tổ chức trong Hoàng cung Thăng Long;
- Duy trì trong một thời gian tương đối dài
- Để lại sản phẩm văn chương nhất định;
2. Hội Tao đàn và Nhị thập bát tú trong Cấm thành Thăng Long
Tao đàn Nhị thập bát tú dưới sự điều hành của Tao Đàn Nguyên suý – Thi nhân – Hoàng đế Lê Thánh Tông – Một ông vua hay chữ, yêu văn học bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam[7]. Người phụ tá cho Lê Thánh Tông là Đỗ Nhuận, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh và nhiều vị khác… Đây là những nhà thơ, hầu hết là những nhà khoa bảng, đỗ đạt nho học tham gia. Về số lượng, cơ bản là có 28 người tương ứng với 28 vì sao tinh tuý nên lấy tên gọi: “Tao đàn Nhị thập bát tú”. Tuy nhiên, theo thống kê qua các nguồn sử liệu, số lượng có vượt thêm vài ba người. Theo lý giải của nhiều nhà nghiên cứu, số lượng có sự giao động tăng lên chút ít vì trong thời gian tồn tại của Tao đàn, có thể do trên thực tế, một số người qua đời hoặc do sự phân công công việc phải đảm nhiệm ở nơi xa Hoàng thành Thăng Long nên phải có người thay thế, bổ sung[8]. Ở đây, chúng tôi xin không bàn thêm về các thành viên này. Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm ở đây là: Khi tham dự Hội Tao đàn đặc biệt này, những vị ấy có tuổi đời bao nhiêu. Tổng hợp các nguồn sử liệu, chủ yếu từ bộ sách: Các nhà khoa bảng Việt Nam[9], chúng tôi thiết lập được bảng thống kê như sau[10]:
STT | Họ tên | Năm sinh – mất | Năm đỗ TS | Tuổi đỗ | Tuổi Năm tham gia Hội Tao đàn (1493) | Ghi chú |
1 | Lê Thánh Tông[11] | (1442- 1497) | 51 | Hoàng đế – Tao đàn Nguyên soái | ||
2 | Thân Nhân Trung | (1419- 1499) | 1469 | 50 | 74 | Đông các Đại học sĩ |
3 | Đỗ Nhuận | (1446 -?) | 1466 | 20 | 47 | Đông các Đại học sĩ |
4 | Ngô Luân | (? – ?) | 1475 | ? | ? | Đông các Hiệu thư |
5 | Ngô Hoán | (1460 – ?) | 1490 | 30 | 33 | Đông các Hiệu thư |
6 | Nguyễn Xung Xác | (1451- ?) | 1469 | 18 | 32 | Hàn lâm Viện Thị độc chưởng viện sự |
7 | Lưu Hưng Hiếu | (1456 – ?) | 1481 | 25 | 37 | Hàn lâm Viện Thị độc chưởng viện sự |
8 | Nguyễn Quang Bật | (1464-1505) | 1484 | 20 | 29 | Hàn lâm viện Thị thư |
9 | Nguyễn Đức Huấn | (? – ?) | 1487 | ? | ? | Hàn lâm viện Thị thư |
10 | Vũ Dương | (1472 – ?) | 1493 | 21 | 21 | Hàn lâm viện Thị thư |
11 | Ngô Thầm | (1462-1530) | 1493 | 31 | 31 | Hàn lâm viện Thị thư |
12 | Ngô Văn Cảnh | (1443-?) | 1481 | 38 | 50 | Hàn lâm viện Đãi chế |
13 | Phạm Trí Khiêm | (1461-?) | 1484 | 22 | 32 | Hàn lâm viện Đãi chế |
14 | Lưu Thư Ngạn | (?- ?) | 1490 | ? | ? | Hàn lâm viện Đãi chế |
15 | Nguyễn Nhân Bị | (1448- ?) | 1481 | 33 | 45 | Hàn lâm viện Hiệu lý |
16 | Nguyễn Tôn Miệt | (1441-?) | 1481 | 40 | 52 | Hàn lâm viện Hiệu lý |
17 | Ngô Quyền | ? | ? | ? | ? | Hàn lâm viện Hiệu lý (Chưa tra cứu được) |
18 | Nguyễn Bảo Khuê | (1456- ?) | 1487 | 31 | 37 | Hàn lâm viện Hiệu lý |
19 | Bùi Phổ | (1463- ?) | 1487 | 24 | 30 | Hàn lâm viện Hiệu lý |
20 | Dương Trực Nguyên | 1468- 1509 | 1490 | 22 | 25 | Hàn lâm viện Hiệu lý |
21 | Chu Hoãn | ? | ? | ? | ? | Hàn lâm viện Hiệu lý |
22 | Phạm Cẩn Trực | (? – ?) | 1484 | ? | ? | Hàn lâm viện Kiểm thảo |
23 | Nguyễn Ích Tốn | (1458- ?) | 1484 | 26 | 35 | Hàn lâm viện Kiểm thảo |
24 | Đỗ Thuần Thứ | ? | ? | ? | ? | Hàn lâm viện Kiểm thảo(chưa tìm thấy Đỗ Thuần Thông(?), đỗ TS 1487) |
25 | Phạm Nhu Huệ | ? | ? | ? | ? | Hàn lâm viện Kiểm thảo (chưa tìm thấy) |
26 | Lưu Dịch | (1463- ?) | 1490 | 27 | 30 | Hàn lâm viện Kiểm thảo |
27 | Đàm Thận Huy | (1463-1526) | 1490 | 27 | 30 | Hàn lâm viện Kiểm thảo |
28 | Phạm Đạo Phú | (1463 -?) | 1490 | 27 | 30 | Hàn lâm viện Kiểm thảo |
(Bảng 1: bảng thống kê những vị tham gia Tao đàn nhị thập bát tú)
Nhìn vào bảng thống kê, cho thấy: có 5 người không rõ năm sinh, năm mất; Có 3 người không có tên trong Các nhà khoa bảng Việt Nam: Ngô Quyền (Hàn lâm viện Hiệu lý) và Đỗ Thuận Thứ, Phạm Nhu Hiệu (đều giữ chức Hàn lâm viện Kiểm thảo). Có thể 3 người trên làm quan và sinh hoạt trong Tao đàn Nhị thập bát tú không phải là những người đỗ đại khoa (?). Có 1 người đỗ sớm nhất là năm 1466, có 2 người đỗ vào năm 1469, có 1 người đỗ thập kỷ 70, có 14 người đỗ vào thập niên 80, có 9 người đỗ vào thập kỷ 90 cuả thế kỷ XV. Người đỗ muộn nhất là năm 1493 (Tức là vừa đỗ xong đã được chọn tham gia ngay vào Hội Tao đàn Nhị thập bát tú): Đó là Vũ Dương(21 tuổi) và Ngô Thầm (31 tuổi). Khoảng cách năm đỗ tiến sĩ của các thành viên trong Hội, tính từ người đỗ khoa sớm nhất đến người đỗ khoa muộn nhất cách nhau 27 năm. Trong số những người trên, người đỗ trẻ nhất là Nguyễn Xung Xác khi đỗ mới có 18 tuổi, có 2 người năm đỗ tiến sĩ vừa tròn 20 tuổi đó là: Đỗ Nhuận và Nguyễn Quang Bật; Thành viên của Hội tao đàn này, có người năm đỗ cao tuổi nhất là Thân Nhận Trung, năm ấy ông đã 50 tuổi. Tính trung bình tuổi đỗ Tiến sĩ của những thành viên trong Hội Tao đàn là 28 tuổi (trong khi đó, tuổi đỗ tiến sĩ trung bình trong cả nước là 32 tuổi). Tuổi trung bình khi tham gia vào Hội Tao đàn Nhị thập bát tú là 37 tuổi. Nhìn chung, đây là tuổi sung sức cũng như kinh nghiệm sáng tác.
Lý do tổ chức lập ra Hội Tao đàn nhị thập bát tú đã được sách Đại Việt sử kí toàn thư nêu rõ: “năm Ất Mão [Hồng Đức] năm thứ 26 (1495), tháng 11 (…), Làm sách Ngự chế Quỳnh uyển cửu ca.
Vua thấy hai năm Quý sửu, Giáp dần, thóc lúa được mùa, đặt các bài ca vịnh để ghi điềm lành. Nội dung gồm những bài về đạo làm vua, khí tiết bề tôi, vua giỏi tôi hiền, nhớ bậc anh tài kỳ tuấn và đùa viết vội thành văn… nhân gọi là Quỳnh uyển cửu ca thi tập (…). Xét Cửu ca thi tập bắt đầu làm trong năm này”[12]. Đầu đề của 9 bài đó là: 1. Phong niên (năm được mùa); 2. Quân đạo (đạo làm vua); 3. Thần tiết (Tiết tháo người làm tôi); 4. Minh lương (Vua sáng, tôi hiền); 5. Anh hiền (người tài giỏi); 6. Kỳ khí (Người tài lạ); 7. Thư thảo (viết thảo); 8. Văn nhân; 9. Mai hoa (phong cảnh – cũng ngầm ý tiết thảo của kẻ sĩ)[13].
Như vậy ĐVSKTT đã nêu rõ, các năm Quý sửu (1493), Giáp dần (1494) là những năm được mùa, kinh tế no đủ, đời sống nhân dân khấm khá, phấn khởi, triều đình thảnh thơi, hoàng đế Lê Thánh Tông đứng ra tổ chức Hội Tao đàn do chính ngài làm Nguyên soái. Qua nội dung đầu đề của 9 bài nêu trên cho thấy, đây là những bài ca ngợi sự thịnh trị của triều đình đồng thời cũng là những lời răn dạy, phương cách dùng người, đòi hỏi phẩm chất của đấng quân vương cũng như trách nhiệm, phẩn hạnh kẻ bề tôi, quần thần, lương tướng…
Quá trình sáng tác và sinh hoạt của Hội tao đàn dưới thời Lê Thánh Tông, theo chính sử cho biết là bắt đầu từ cuối năm 1493 đến cuối năm 1495(khoảng 2 năm – tức 24 tháng). Tất nhiên, trong quá trình xướng vịnh có sự tham gia của hoàng đế và những thành viên trong Hội. Sau khi đã xướng vịnh xong, làm thành một tập, có thể sẽ cho người chữ đẹp chép lại, biên tập rồi dâng lên để nhà vua thưởng lãm (đề nghị hoàng đế viết bài Tựa cho sách). Việc viết bài tựa và dâng lên vua vào mùa đông (cuối năm 1495).
Trong thời gian từ 1495 đến hết năm 1496, hoàng đế Lê Thánh Tông còn kịp biên soạn xong các tập sách: Cổ kim bách nhị vịnh[14], Xuân vân thi tập, Cổ kim cung từ thi tính tự[15]. Hơn một năm sau, đầu năm 1497, vua băng hà.
Có thể nói rằng, Tao đàn nhị thập bát tú là một tổ chức Hội mang tính chất cung đình, sáng tác thi ca sớm nhất và cũng duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Tổ chức này được coi là tổ chức của “Hội nhà văn cung đình” được ra đời sớm và có tổ chức quy củ với sự đứng đầu của vua Lê Thánh Tông- Một vị hoàng đế anh minh với nhiều cải cách đáng ghi nhận.
Tập hợp chung quanh hoàng đế là những bề tôi ở mọi lứa tuổi khác nhau, phần lớn từng đỗ đạt ở các khoa thi khác nhau, có già, có trẻ… Thậm chí có người chưa đầy 20 tuổi cũng được hoàng đế “kết nạp” được phép sinh hoạt, xướng họa trong thi đàn này. Qua Tao đàn nhị thập bát tú cho thấy sự trân trọng tài năng của triều đình, của hoàng đế – thi nhân Lê Thánh Tông đối với những bậc được xếp vào hàng “nguyên khí quốc gia”. Tiếc thay, một hoạt động văn học, văn hóa hiếm hoi ấy chỉ diễn ra vẻn vẹn trong Cấm thành Thăng Long trong khoảng thời gian hai năm rồi chấm dứt. Sau khu vua Lê Thánh Tông băng hà (1497), kế tiếp dưới sự trị vì của các vị hoàng đế khác, tình hình chính trị nhìn chung bước vào giai đoạn phức tạp. Sau thời Lê Thánh Tông, trong lịch sử triều Lê nói chung và trong Hoàng Thành Thăng Long nói riêng không thể có được một Thi đàn như thế nữa!.
[1] Người nghiên cứu nhiều về vấn đề này tiêu biểu như: Bùi Duy Tân – Mai Hải (1997), “Lại bàn về Hội Tao Đàn thời Lê Thánh Tông”, số 2 (31), tr 57 – 66; Mai Xuân Hải (1993), “Tình hình văn bản thơ chữ Hán Lê Thánh Tông”, số 1 (14), tr 13 – 19; Mai Hải (2000), “Lê Thánh Tông và “Cổ tâm bách nhị vịnh”, số 1 (42), tr 28 – 34; Ngoài ra có thể thêm: Lê Thánh Tông – con người và sự nghiệp, 1997, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội;`
[2] Vũ Ninh: Tên châu đầu thời Lý, đến đầu thời Lê Trung hưng do kiêng huý của vua Lê Trang Tông (Lê Duy Ninh) đổi là Vũ Giàng, lại kiêngh uý của Uy Nam Vương Trịnh Giang nên đọc chệch âm là Vũ Giàng. Nay là đất đai huyện Quế Võ – Bắc Ninh;
[3] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), ĐVSKTT, BK, Q.2. tờ 32a, bản dịch, tập 1, tr 264;
[4] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), ĐVSKTT, BK, Q.3. tờ 11b, bản dịch, tập 1, tr 282;
[5] Ngô Sĩ Liên (1998), ĐVSKTT, BK, Q.8, tờ 9a,b;
[6] Nguyễn Văn Anh (2013), Phát hiện di tích Am Bích Động – Thi xã của Trần Quang Triều (Bài đăng trên báo Điện tử Quảng Ninh, ngày 30/11/2013;
[7] Trong Lịch sử phong kiến Việt Nam, hầu hết các vị vua, ít nhiều, đều để lại các trước tác thơ văn. Nhưng để lại với số lượng nhiều và đặc sắc hơn cả là các vị vua: Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Minh Mạng, Thiệu Trị…
[8] Theo PGS. Bùi Duy Tân, số người tham gia Tao Đàn này có đến khoảng 31 – 32 người. Xem thêm Bùi Duy Tân – Mai Hải (1997), “Lại bàn về Hội Tao Đàn thời Lê Thánh Tông”, số 2 (31), tr 57 – 66;
[9] Ngô Đức Thọ (Cb), 1993, Các Nhà Khoa bảng Việt Nam, Xxb Văn học;
[10] Thứ tự các thành viên của Tao đàn Nhị thập bát tú, chúng tôi theo Nô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), ĐVSKTT, BK thực lục, quyển XIII, tờ 71a; Bản dịch, tập 2, tr 513;
[11] Trong ĐVSKTT, chỉ nghi tên 27 người. Đương nhiên, Lê Thánh Tông là tao Đàn Nguyên soái, cả thảy có 28 người ,(chúng tôi bổ sung).
[12] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), ĐVSKTT, BK, Q XIII, tờ 71a,b; Bản dịch, tập 2, tr 513;
[13] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), ĐVSKTT, BK, Q XIII, tờ 71a,b; Bản dịch, tập 2, tr 513;
[14] Hàn lâm viện thị độc chưởng viện sự Nguyễn Xung Xác và Tham chưởng Lưu Hưng Hiếu hoạ vần, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung và Học sĩ Đào Cử phụng bình (Ngô Sĩ Liên và các Sử thần triều Lê (1998), ĐVSKTT, BK, Q XIII, tờ 71b; Bản dịch, tập 2, tr 513;
[15] Sai Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung, Hiệu thư Ngô Luân phụng bình (Ngô Sĩ Liên và các Sử thần triều Lê (1998), ĐVSKTT, BK, Q XIII, tờ 73a; Bản dịch, tập 2, tr 515.
TS. Nguyễn Quang Hà
(Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội)