Tên các vườn Thượng uyển trong Hoàng thành Thăng Long và việc phục dựng Vườn Quỳnh (Quỳnh uyển)
Tên tập thơ là Quỳnh uyển cửu ca 琼菀九歌 (Chín bài ca trong vườn Quỳnh) , do Hoàng đế Lê Thánh Tông làm chủ soái đã khiến cho người đọc liên tưởng đến một khuôn viên từng tồn tại ở đâu đó trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ. Tên gọi tập thơ gắn với Vườn Quỳnh có phải là tên gọi đích thực hay chỉ là một tên gọi phiếm chỉ(?). Chúng tôi thử đi tìm tên gọi của Vườn này. Theo Từ điển Trung Quốc, có 5 cách giải thích của từ “Quỳnh Lâm”: 1. Quỳnh Uyển là tên gọi giản lược của Quỳnh Lâm uyển; 2. Tên gọi có tính ước lệ, mỹ xưng; 3. Chỉ nơi Tiên ở; 4. Chỉ cung trăng (Nguyệt cung); 5.. Chỉ tên gọi của Quán Quỳnh Hoa ở Dương Châu.琼菀, 琼林苑 的省称。2. 苑囿的美称。3. 指仙人的居所。4. 指月宫。5. 指 扬州 琼花观 [1]. Trong các giải thích tên gọi trên, tên gọi “Quỳnh uyển” là cách gọi tỉnh lược của “Quỳnh Lâm uyển” là phù xét thấy thích hợp nhất ở Hoàng Thành Thăng Long. Vì trong thực tế, qua các nguồn sử liệu, đặc biệt trong ĐVSKTT đều có đề cập đến vườn Thượng uyển này trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ.
(Ảnh 1: Vườn Cơ Hạ (Kinh thành Huế) – đã bị phá dỡ thời Pháp thuộc, ảnh trong gương; sưu tầm trên Internet)
Trong các nguồn sử liệu, cho thấy, vào các triều đại Lý, Trần, Lê, Hoàng thành Thăng Long có nhiều vườn tược. Tuy nhiên, trong các bộ chính sử, đặc biệt triều Lý có nhiều vườn Thượng uyển. Vào thời Trần và thời Lê, rất hiếm hoi đề cập đến các vườn Thượng uyển. Chúng tôi đã thống kê vào thời Lý có 7 vườn Thượng uyển như sau:
Tt | Năm | Tên Vườn | Sự kiện | VSL | TT | TB | Ghi chú |
1 | 1046 | Hậu Uyển後 菀 園 | Làm cung Ngân Hán ở vườn Hậu Uyển | x | VSL, 2005, tr 86 | ||
2 | 1048 | Quỳnh Lâm 琼 林 園 | Mùa thu, tháng 9, mở ba vườn Quỳnh Lâm, vườn Thắng Cảnh, vườn Xuân Quang | x | VSL, 2005, tr 86 | ||
3 | 1048 | Thắng Cảnh 勝 景 園 | (Như trên) | x | VSL, 2005, tr 86 | ||
4 | 1048 | Xuân Q uang 春 光 園 | (Như trên) | x | VSL, 2005, tr 86 | ||
5 | 1065 | Thưởng Xuân 賞 春 園 | Mùa đông tháng 10, rồng vàng từ vườn Thưởng Xuân hiện ở cung đó | x | VSL, 2005, tr 94 | ||
6 | 1079 | Thượng Lâm 上 林 園 | Tháng 8, mở vườn Thượng Lâm | x | VSL, 2005, tr 94 | ||
7 | 1131 | Bảo Hoa 寶 華 園 | Tháng 7, mở vườn Bảo Hoa | x | x | x | ĐVSKTT Bản kỷ, quyển III, kỷ nhà Lý, tờ 36b, bd, tập I, tr 305). VSKTB, BK, QIII, tờ 46a; bd, tr. 271 |
(Bảng thống kê tên các vườn trong các bộ chính sử)
Như vây, trong Việt sử lược và ĐVSKTT, hầu hết tên các vườn trong Hoàng thành Thăng Long đều được hình thành từ thời Lý, đó là tên các vườn: Hậu Uyển, Quỳnh Lâm, Thắng Cảnh, Xuân Quang, Thưởng Xuân, Thượng Lâm, Bảo Hoa… Trong đó, vườn “Quỳnh Lâm” được đề cập đến nhiều lần trong văn bia Văn miếu (Thăng Long) thời Lê khi vua ban thưởng cho các vị đỗ Thi đình, được ban yến và ngắm cảnh vườn Quỳnh.
Hồng Đức bản đồ[2] thời Lê, chỉ vẽ mang tính chất minh họa một số hạng mục kiến trúc, (chủ yếu là các cung điện) mà không thể hiện những vườn tược, cây cối. Có thể đoán rằng, nằm xen giữa các cung điện là đường đi hoặc các vườn tược hoặc tiểu cảnh, bonsai. Đó là phán đoán, không có gì làm bằng chứng!. Nhưng chắc chắn rằng, vườn Quỳnh Lâm trong Cấm Thành phải là một ngôi vườn cảnh đẹp đẽ, hấp dẫn và được chăm sóc chu đáo. Chỉ những người trong hoàng tộc hoặc những vị có phẩm tước cao cấp mới được qua lại nơi đây. Những vị tiến sĩ, sau khi được xướng danh trong kỳ thi Đình, sẽ được hoàng đế ban thưởng và được đặc ân ban yến và ngắm vườn Thượng uyển trong Cấm thành.
Trong các bộ sử cũ thường đề cập đến việc làm bể cá chơi, thậm chí chở nước mặn từ biển về để nuôi cá bắt từ biển về. Vì thế, đá để làm bể cảnh sẽ là nguyên vật liệu không thể thiếu được trong quá trình thiết kế, xây dựng.
Ngày nay, khảo cổ học phát hiện hàng trăm hiện vật bằng đá, kiểu dáng gồ ghề, tự nhiên. Có lẽ đây là di vật của những bonsai, tiểu cảnh trong vườn Thượng Uyển, vườn Quỳnh Lâm trong Cấm thành của các triều đại trước?.
Phục dựng Vườn Quỳnh trong Hoàng Thành Thăng Long và một số đề xuất
Để phát huy các loại hình di tích, bên cạnh việc nghiên cứu các di tích cung, điện, các di vật khảo cổ khai quật được… Có lẽ, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội trong tương lai cũng sẽ khôi phục vườn Thượng uyển trong khu di sản để phục vụ khắc tham quan. Thưởng thức.
(Ảnh 2: Cổng vườn Cơ Hạ, ảnh Nguyễn Phúc Bảo Minh; dulichhue.biz)
Nguyên mẫu vườn Cơ Hạ (Kinh thành Huế) có lẽ là khu vườn điển hình để Hoàng Thành Thăng Long nên tham khảo. Ngoài ra, có thể tham khảo một số vườn Thượng Uyển trong Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc)…
Do rất khó xác định được vườn Quỳnh Lâm trong Cấm thành Thăng Long (thời Lê), ngày nay ở vị trí nào. Vả lại, diện tích đã bị mặc định trong bốn bức tường xây vào cuối thời Nguyễn và đầu thế kỷ XX (như hiện nay). Vì thế, chúng ta chỉ có thể vận dụng trong một không gian có thể để tiến hành phục dụng và kiến tạo. Địa điểm để triển khai khu vườn tước này, theo tôi là khu vực trước và sau Hậu Lâu (từ Hậu lâu thông sang khu vực phía sau – một phần mảnh đất liền kề với Hậu Lâu và Trạm 66) do Bộ Quốc Phòng giao trả.
(Ảnh 3: Cổng hành cung thời Nguyễn trong di tích Hoàng thành Thăng Long – Ảnh: Tác giả)
Tại đây, còn một số cổng Hành cung, có lẽ được xây dựng từ thời Nguyễn, rất cần được tận dụng, bảo tồn để sử dụng làm khu vực vườn Quỳnh Lâm. Những chiếc cổng này, cũng gần tương tự với cảnh quan, phong cách của vườn Cơ Hạ – Cố đô Huế.
Trong khuôn viên này, theo ý tưởng của chúng tôi, cần được phục dựng một vài công trình kiến trúc gỗ cổ bên cạnh những hồ cá nhân tạo hoặc một vài ao nhỏ tạo cho cảnh vật thêm hữu tình, điểm xuyết thêm là một số cây cảnh bonsai. Tại đây, sẽ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa – nghệ thuật như: Giao lưu , nói chuyện văn thơ, các hoạt động thư pháp, biểu diễn những nghệ thuật truyền thống như: ngâm thơ, ca trù và nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa cung đình khác./.
[1] https://baike.baidu.com/item/%E7%90%BC%E8%8B%91;ed[2] Xem Hồng Đức bản đồ, Đông Dương văn khố, Tokyo, kí hiệu: A.2499
Nguyễn Quang Hà
(Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội)