Quy mô, cấu trúc của Di Hòa Viên (Trung Quốc)

(Tài liệu nghiên cứu so sánh về Vườn thượng uyển của Hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê)

Tóm tắt:

Tiếp theo bài  bước đầu giới thiệu về Quỳnh Lâm viên của Hoàng Thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê (Việt Nam), ở đây, chúng tôi tiếp tục giới thiệu về Di Hòa Viên (Trung Quốc) để làm tài liệu nghiên cứu, so sánh. Vườn Quỳnh Lâm trong Hoàng Thành Thăng Long (Việt Nam) thời Lý – Trần – Lê so với Di Hòa Viên là những công trình tuy không giống nhau về quy mô kiến trúc, thời gian xuất hiện nhưng có thể, trên một số phương diện nhất định đều giống nhau về chức năng. Chúng đều là kiến trúc viên lâm (vườn cảnh) gắn liền với văn hóa cung đình của những triều đại phong kiến của những nước Á Đông. Với kiến trúc Di Hòa Viên – một kiến trúc ra đời muộn trong những vườn cảnh của Trung Quốc được hình thành vào thời Thanh (Trung Quốc). Trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, Di Hòa Viên lúc hưng khởi, lúc điêu tàn, nhưng về vẻ đẹp và quy mô hoành tráng của nó thì hiếm có kiến trúc viên lâm nào ở trong khu vực và trên thế giới có thể sánh kịp. Nơi đây, tồn tại hàng chục kiến trúc lớn, với một tổ hợp gồm nhiều công trình văn hóa, tâm linh, giải trí, sơn thủy hữu tình. Người ta đã sử dụng kiến trúc và không gian Di Hòa Viên như một bảo tàng mở, một công viên văn hóa, lịch sử. Tại đây, từ triều Thanh cũng như Chính phủ Trung Quốc hiện nay đều tận dụng không gian tuyệt vời này làm nơi giới thiệu văn hóa và hình ảnh đậm đà bản sắc của đất nước Trung Hoa với thế giới. Di Hòa Viên từ nhiều thập kỷ nay đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn, thu về cho chính phủ Trung Hoa nhiều nguồn lợi trong công cuộc phát triền văn hóa sản nghiệp.

Để cung cấp nguồn tư liệu nghiên cứu, so sánh với kiến thiết vườn cảnh ở Hoàng Thành Thăng thời Lý – Trần – Lê (Việt Nam), trong bài này, chúng tôi muốn giới thiệu thêm về Di Hòa Viên (Trung Quốc) thời Thanh nhằm giúp quý vị hình dung về lịch sử và không gian viên lâm mang tính chất cung đình của di tích này.

Di Hòa viên (Trung Quốc)

Di Hòa Viên 頤和園 là một vườn cảnh mang tính chất hoàng gia của thời Thanh (Trung Quốc), tiền thân là vườn Thanh Y (Thanh Y viên) 清漪園. Di Hòa Viên tọa lạc ở phía Tây của Bắc Kinh, cách thành Bắc Kinh 15 km, toàn bộ diện tích của vườn là 3,0 km² (Trong đó diện tích của khu di sản văn hóa thế giới Di Hòa Viên là 2,97 km²), diện tích mặt nước chiếm ¾ diện tích(28). Di Hòa Viên ở cạnh với Vườn Viên Minh 圓明園. Nó lấy hồ Côn Minh 昆明湖, núi Vạn Thọ 萬壽山 làm nền, lấy (nguyên mẫu) của Tây Hồ 西湖 (Hàng Châu) và tiếp thu thủ pháp thiết kế viên lâm, sơn thủy của kiến trúc lâm viên của Giang Nam. Nó bảo tồn hoàn chỉnh nhất của vườn ngự uyển, hành cung của hoàng gia, được coi là “Bảo tàng viên lâm hoàng gia” một dải phía Tây của Bắc Kinh, đã xây dựng 4 lâm viên hoàng gia. Năm Càn Long thứ 15 (1750), vua Càn Long乾隆 thể hiện lòng hiếu kính đối với thân mẫu Sùng Khánh Hoàng Thái Hậu 崇慶皇太后, đã dùng 448 lạng bạc để xây dựng vườn Thanh Y, hình thành nên một khu vực viên lâm hoàng gia có chiều rộng 20 km², từ Thanh Hoa viên 清華園 đến Hương Sơn 香山. Năm Hàm Phong咸豐 10 (1860), Thanh Y Viên đã bị Liên quân Anh – Pháp phá hủy. Năm Quang Tự光緒 14 (1888) xây dựng lại, đổi tên là Di Hòa Viên, dùng là nơi nghỉ ngơi vào mùa hạ. Năm Quang tự 26 (1900), Di Hòa Viên lại gặp phải sự phá hoại của Liên quân Tám nước (Bát quốc Liên quân). Những thứ quý báu đều bị cướp đi sạch sanh. Sau khi triều Thanh diệt vong, Di Hòa Viên gặp sự hỗn chiến quân phiệt và sự thống trị của Quốc dân Đảng, một lần nữa lại bị phá hại.

 Lịch sử đổi thay

Ngày 4 tháng 3 năm 1961, Di Hòa Viên được công bố là đơn vị bảo tồn văn hóa trọng điểm vào bậc nhất Toàn quốc, đồng thời, Di Hòa Viên được công bố là nơi Sơn Trang Thừa Đức để nghỉ mát 承德避暑山莊 cùng với 4 đại danh viên khác: Chuyết Chính viên 拙政園; Lưu Viên 留園. Tháng 11 năm 1998, Di Hòa Viên được vinh danh là di sản thế giới. Ngày 8 tháng 5 năm 2007, Di Hòa Viên được Cục Du Lịch chính thức phê chuẩn khu du lịch cảnh quan quốc gia cấp 5A. Năm 2009, Di Hòa Viên được Hiệp Hội Kỷ lục Thế giới Trung Quốc xếp vào hạng Viên lâm quốc gia lớn nhất hiện còn.

Phía Tây Bắc của Bắc Kinh vốn có núi Ung (Ung Sơn) 甕山, là một mạch kéo dài của Yến Sơn 燕山, dưới núi có hồ, gọi là Thất Lý Phong 七里澧, Đại Bạc Hồ 大泊湖, Ung Sơn Bạc 甕山泊, Tây Hồ 西湖. Năm Trinh Nguyên 貞元 thứ nhất (1153), triều đại nhà Kim, được dùng làm nơi vận chuyển đường thủy, nhà thủy lợi học Quách Thủ Kính 郭守敬 đã có công mở ra con đường thủy lên thượng nguồn của con sông này, từ con đường sông này dẫn Xương Bình Bạch 昌平白, Phù thôn 浮村, thần núi, nước suối cùng với dòng nước chảy vào trong hồ, vì thế khiến cho thế nước tăng lên nên nó đã được triều đình dùng để vận chuyển hàng hóa cho những kho tàng ở trong cung. Năm Hoằng Trị 弘治 thứ 7 (1494), triều Minh, thân mẫu của Minh Hiếu Tông 明孝宗 đã trợ giúp Thánh Phu Nhân La Thị 聖夫人羅氏 xây dựng chùa Viên Tĩnh 圓靜寺 ở phía trước núi, sau chùa này bị bỏ hoang. Về sau, chu vi của Ung Sơn 甕山 ngày càng tăng lên.

Khi Minh Vũ Tông 明武宗 xây dựng hành cung Hồ Tân 湖濱, gọi là Hảo Sơn Viên 好山園, làm viên lâm của hoàng gia. Minh Vũ Tông 明武宗, Minh Thần Tông 明神宗 từng du thuyền ở đây. Thời Minh Hy Tông 明熹宗, có Ngụy Trung Hiền 魏忠賢 cũng từng xây dựng một khuôn vườn rất đẹp ở đây(3).

Đầu thời Càn Long 乾隆 triều Thanh, đã xây dựng một dải viên lâm ở khu vực Hải Đĩnh 海淀 của phía Tây của Bắc Kinh. Đại để, viên lâm dùng nhiều nước tưới nên tăng nhu cầu tiêu tốn một lượng nước. Khi đó, viên lâm dùng nước tưới, ngoài ra có dùng một lưu lượng nhỏ hơn ở phía ngoài sông Vạn Tuyền 萬泉河, phần lớn đều bắt nguồn từ núi Ngọc Tuyền 玉泉山, núi Thọ An 壽安山 chảy đến, chảy vào Tây Hồ. Nó cũng là một dòng chảy có nguồn từ thời Minh đến nay. Năm Càn Long thứ 15 (1750), nhân lễ mừng đại thọ của Sùng Khánh Hoàng Thánh Hậu (Hiếu Thánh Hiến Hoàng Hậu) 60 tuổi, vua Càn Long lấy việc điều chỉnh dòng chảy ở phía Tây của Kinh đô, ra lệnh khai thác Tây Hồ, dẫn nước từ Tây Sơn, núi Ngọc Tuyền, núi Thọ An  vào. Lại từ phía Tây của Tây Hồ, để khơi dòng và để chứa nước. Như thế, ba hồ đều là nơi chứa nước, dự trữ nước tưới cho vườn tược cung đình, cũng là để cung cấp tưới tiêu chung quanh ruộng đồng nông nghiệp. Vua Càn Long đã lấy câu chuyện Hán Vũ Đế luyện thủy quân ở đầm Côn Minh 昆明池 để đặt tên cho Tây Hồ 西湖 là Côn Minh Hồ 昆明湖, lấy việc Hồ Sĩ Phương 湖土方 đắp núi Ung ở Hồ Bắc để đổi tên gọi Ung Sơn 甕山 làm Vạn Thọ sơn 萬壽山(4).

Năm Càn Long thứ 29 (1764), xây dựng xong vườn Thanh Y, tiêu tốn hết 480 vạn lạng bạc. Bên trong của Vườn Thanh Y là lấy trong câu truyện thần thoại thời Cổ đại của Trung Quốc có ý nghĩa rằng: Trên núi có 3 vị tiên ở trên biển. Hồ Côn Minh và hai hồ ở mặt phía Tây, có xây dựng 3 chiếc đảo nhỏ: Đảo Nam Hồ 南湖島, Đảo Chuyên Thành 團城島và đảo Tảo Giám Đường 藻鑑堂島. Cho nên mới ví với ba ngọn núi: Bồng Lai 蓬萊, Phương Trượng 方丈, Doanh Châu 瀛洲 ở trên biển. Tổng thể quy hoạch của vườn Thanh Y lấy Tây Hồ (Hàng Châu) 杭州 làm khuôn mẫu, đồng thời có tham khảo rộng khắp các loại vườn tược ở Giang Nam 江南 cùng các danh thắng sơn thủy: như là Ụ/tường Thành Phượng Hoàng鳳凰墩 phỏng theo Thái Hồ太湖; Lầu Cảnh Minh 景明樓 phỏng theo lầu Nhạc Dương 岳陽樓; Gác Vọng Thiềm望蟾閣 phỏng theo lầu Hoàng Hạc 黃鶴樓; Đường phố buôn bán bên hồ Hậu Khê 後溪湖 phỏng theo đường sông ở Tô Châu 蘇州; Khu vực phía Tây phỏng theo 24 chiếc cầu ở 揚州 Dương Châu. Kiến trúc chủ thể trong khuôn viên là chùa Đại Báo Ân Diên Thọ大報恩延壽寺, hết thảy đều có trường lang dài hơn 700 m. Kiến trúc và hội họa, trang trí đều rất tinh xảo, có đầy đủ giá trị nghệ thuật để cho quần chúng nhân dân thưởng ngoạn. Trong vườn của Di Hòa Viên, núi Vạn Thọ, vườn Thanh Y, rất ít kiến trúc mang tính chất dùng để ở. Vua Càn Long thường thưởng ngoạn vườn Thanh Y trong ngày rồi trở về, chưa từng ở lại trong viên lâm.

Thời kỳ phát triển cực thịnh của Di Hòa Viên, diện tích chiếm 2,97 Km², chủ yếu là do 2 bộ phận núi Vạn Thọ và Hồ Côn Minh tạo thành, trong đó diện tích mặt nước chiếm đến ¾ diện tích (đại để ước khoảng 220 công đất). Trong vườn, khu trung tâm, kiến trúc xây dựng lấy gác Phật Hương 佛香閣 làm trung tâm, trong vườn có hơn 100 tòa kiến trúc cảnh quan, hơn 20 viện lớn nhỏ; 3.555 kiến trúc cổ, diện tích khoảng 70.000m²: trong đó có hơn 3.000 gian kiến trúc khác nhau như: đình, tạ, đài, lầu, gác, hành lang. Trong đó, các hạng mục như: Gác Phật Hương, Trường lang長廊, Thuyền đá 石舫, đường Tô Châu 蘇州街,  Cầu có 17 nhịp lớn 十七孔橋, Vườn Hài Thú 諧趣園, đài Đại Hý 大戲台 là kiến trúc tiêu biểu, có hơn 1.600 cây cổ thụ nổi tiếng.Thời kỳ

Sau thời Đạo Quang 道光 (triều Thanh), do quốc gia bị suy yếu, tuyên bố giải tán 三山Tam Sơn, vườn Thanh Y dần dần trở nên hoang phế. Năm Hàm Phong 咸豐 10 (1860), vườn Thanh Y bị liên quân Anh – Pháp thiêu trụi(5).

Năm Quang Tự 光緒10 (1884) đến Quang Tự 21 (1895), Từ Hy Thái Hậu 慈禧太后 trở về nghỉ dưỡng, vua Quang Tự lấy danh nghĩa xây dựng vườn Thanh Y, do kinh phí có hạn, bèn tập trung tài lực để khôi phục lại quần thể kiến trúc phần trước núi, chung quanh hồ Côn Minh 昆明湖 đắp thêm tường bao, đổi tên Di Hòa Viên thành Ly Cung 離宮. Năm Quang Tự thứ 26 (1900), kiến trúc trong vườn và văn hóa gặp sự phá hoại của liên quân Tám nước (Bát quốc liên quân)(6).  Năm Quang Tự thứ 28 (1902), trùng tu. Cảnh quan vườn Thanh Y được khôi phục toàn diện hết toàn bộ Di Hòa Viên. Nhưng có rất nhiều công trình có sự giảm sút về chất lượng. Nhiều kiến trúc cao tầng do kinh phí bị giảm nên độ cao và quy mô cũng bị thu nhỏ lại. Chẳng hạn như lầu thành Gác Văn Xương 文昌閣 từ 3 tầng giảm còn có 2 tầng, Lạc Thọ Đường 樂壽堂 từ trùng thiềm đổi làm đơn thiềm, cũng có sự gia tăng của kiến trúc như lầu Đại Hý大戲樓. Sau khi đường Tô Châu bị đốt cháy thì không được khôi phục. Do Từ Hy Thái Hậu chỉ thích những bức họa của Tô Thức 蘇式 nên rất nhiều những hình vẽ của các phòng ốc, hành lang cũng được những bức họa của Hòa Tỷ 和璽 biến thành những bức họa của Tô Thức. Trên những hình vẽ chi tiết có sự thay đổi của nguyên hình diện mạo của vườn Thanh Y.

Năm Tuyên Thống 宣統 thứ 3 (1911), ngày 25 tháng 12, vua Phổ Nghi 溥儀 thoái vị, Di Hòa Viên được làm thành tài sản riêng của Phổ Nghi nhưng lại do sự quản lý của Nội vụ Phủ 內務府 của nhà Thanh. Do kinh phí của hoàng gia lúc này bị thiếu hụt, nguồn tài chính của nhà Thanh ngày càng khánh kiệt, (trong đó có) nguồn tài chính tu bổ kiến trúc viên lâm. Ngày 14 tháng 1 năm Dân Quốc thứ 3 (1914), Di Hòa Viên của Phủ Nội Vụ nhà Thanh được bán vé tham quan. Tháng 4, Bộ Ngoại giao, bộ Nội vụ, Bộ Quân thống lĩnh Nha môn và Phủ Nội Vụ nhà Thanh đã thương lượng với nhau: “Trong khi mở cửa để cho khách tham quan, còn có mục đích dự trù thu tiền”, đề ra quy định: Di Hòa Viên cùng các nơi  thử nghiệm bán vé, quy định, ngày 6 tháng 5 bắt đầu chính thức bán vé.

Ngày 1 tháng 7, Bộ Nội Chính của chính phủ Dân Quốc Nam Kinh tiếp nhận Di Hòa Viên, đưa viên lâm hoàng gia chính thức trở thành công viên;

Năm 1930, đưa ra trưng bày văn hóa cung đình;

Năm 1934, vì để tránh chiến tranh nên đã đưa cổ vật của Di Hòa Viên về phương Nam;

Ngày 31 tháng 7, sau sự kiện “Thất thất sự biến”(sự biến ngày 7/7), năm 1937, quân Nhật đổ bộ vào vườn, Di Hòa Viên tạm dừng mở cửa trong thời gian hơn 4 tháng. Trong thời gian chính quyền địch ngụy chiếm đóng, vì cần phải tu sửa, tuy rằng có bảo dưỡng dầu ở trường lang, một ít kiến trúc của Ích Thọ Đường nhưng đối với hàng trăm nơi kiến trúc cổ vẫn chưa được tu bổ. Nhưng lúc này, về đại thể, đang tuyên truyền “Trung – Nhật thân thiện”, nên đã tiếp nhận do phía Nhật Bản tặng hoa Anh Đào. Những thứ mà Vĩnh Hòa Luân 永和輪 người Nhật Bản tặng Từ Hy Thái Hậu đã bị chìm dưới đáy hồ đã được chỉnh lý, bày ở dưới cành hoa Anh Đào, lại lấy thứ ngự dụng, xe dùng sức người kéo, cùng với ghế ngồi, án sách, quạt tay hoặc là những thứ được tặng hoặc là những thứ “mượn” từ Nhật Bản.

Tháng 8 năm 1945, thậm chí đến trước đêm trước khi Nhật Bản đầu hàng, trước tượng đồng “Đại Đông Á Thánh chiến”, đã đem những thứ như bàn bằng đồng và cái chum đồng ở trước điện thờ, lư hương đồng chuyển đến Thiên Tân để cung cấp cho quân Nhật chế tạo vũ khí. Nhưng rất may, những thứ bằng đồng ấy chưa kịp ra khỏi nước thì Nhật Bản đã đầu hàng. Thời kỳ cuối của chính quyền Địch ngụy, tiền tệ mới bắt đầu lưu thông khắp nơi, sau khi kháng chiến thắng lợi, giá trị của đồ vật tăng nhanh, người làm kinh tế từ công viên không được quan tâm, người làm công tác quản lý công viên lại càng khốn khó. Cho đến cuối năm 1948, một dải Di Hòa Viên trở thành hoang vu, kiến trúc cổ bị phá hủy, văn hóa bị tàn phá, hư tổn, cây cối xác sơ, những nơi như kho tàng, thư viện, đình quán, kiến trúc cổ bị đổ sụp, nguy hiểm mà không được tham quan, thưởng lãm.

Tháng 11 năm 1948, trong chiến tranh giải phóng “chiến dịch Bình Tân”, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã hoàn thành công việc bao vậy Bình Tân, tháng 12, Hoa Bắc Tổng bộ 華北總部 của Phó Tác Nghĩa 傅作義 đã cho quân tiến vào Di Hòa Viên, ở sau núi và ngoài cửa Bắc Cung, xây dựng tường bao cùng với chiến hào. Ngày 12 tháng 12, bộ phận tiên phong của quân Giải phóng.

Từ sau 1949, khi nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập đến nay, Di Hòa Viên luôn luôn được sửa sang, tu bổ với tính chất của một công viên lịch sử, văn hóa tiêu biểu của cả nước. Tại đây, thường diễn ra các hoạt động tổ chức văn hóa cho công chúng cũng như việc đón tiếp ngoại giao, giới thiệu văn hóa lịch sử với nhiều khách quý trong nước cũng như quốc tế. Về mặt kinh tế, Di Hòa Viên cũng là một địa chỉ tham quan, du lịch hấp dẫn, đưa lại nguồn thu cho ngân sách Quốc gia trong công cuộc phát triển văn hóa sản nghiệp của Trung Quốc.

Những kiến trúc tiêu biểu chú yếu của Di Hòa Viên:

Di Hòa Viên có khoảng 20 công trình kiến trúc tiêu biểu như: Tứ đại bộ châu; Bảo Vân Các; Bài Vân điện; Trường lang; Hồ Côn Minh; Họa Trụ; Thính Hạc gác; Hài Thú viên; Nghi Vân Quán; Đại Hý lầu; Ngọc Lan Đường; Nhân Thọ Điện; Đông cung môn; Thuyền Thanh Yến; Văn Xương Điện; Văn Xương Các

Sau đây là một số hình ảnh và đôi lời giới thiệu về công trình tiêu biểu trên

[H.1. Tứ Đại Bộ Châu 四大部州]

Tứ Đại bộ châu là một núi ở giữa, nằm sau núi Vạn Thọ, là một nhóm kiến trúc kiểu kiến trúc Hán, chiếm diện tích 20.000 mét vuông. Nhân thuận theo thế núi mà dựng gác ở trên đó. Phía trước có tháp Tu Di (hiện là Bình Đài), hai mặt có kinh tràng cao 3 m, phía sau có gác trong quần thể kiến trúc của Hương Nghiêm Tông. Chung quanh là 8 châu nhỏ(Bát tiểu bộ châu) trong kiến trúc đài tháp cũng không giống nhau: Đông Thắng Thân châu, Tây Ngưu Hạ Châu, Nam Đảm bộ châu, Bắc Câu Hư Châu và việc sử dụng hình thức không giống nhau. Tứ đại bộ châu tương trưng trong thế giới Phật giáo. Bốn phía chung quanh có 4 tòa tháp Lạt Ma 喇嘛塔 có các màu hồng, trắng, đen, xanh lục, đại diện cho “Tứ Trí” 四智 trong kinh Phật. Trên tháp có 13 tầng, hình tròn tượng trưng cho bánh xe pháp luân, biểu thị cho 13 ngày trong kinh Phật. Hình tháp có sự khác biệt lớn, hình dạng thực đẹp. Giữa “Tứ Đại Bộ Châu” và “Bát tiểu bộ châu” có hai ngôi điện một nồi, một lõm không bằng nhau. Một cái tượng trưng cho mặt trăng, một cái tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng và mặt trời nhiễu chung quanh thân Phật.

[H.2: Trí  Tuệ Hải智慧海]

Trí Tuệ Hải là một đỉnh núi cao nhất của kiến trúc tôn giáo của núi Vạn Thọ, là một tòa Phật điện được dùng xây hoàn toàn bằng đá mà không dùng cột chống đỡ, do những cột chống đỡ kề với nhau mà thành. Toàn bộ kiến trúc là hai màu màu vàng, xanh, lợp ngói lưu ly. Bộ phận phíat trên dùng một chút màu tía, trên đỉnh dùng ngói lưu ly màu xanh lam để lợp. Ở phía mặt ngoài tường của điện, trang trí hơn 1.000 vị Phật lưu lý rất đặc sắc. Từ “Trí Tuệ Hải” là một từ dùng trong Phật giáo, vốn là để tán dương trí tuệ của Phật lớn lao như biển, Phật pháp vô biên. Tổng thể kiến trúc là một khối kiến trúc giống như một kiến trúc gỗ lớn nhưng quan sát thực thì không có kiến trúc gỗ tham gia, toàn bộ là dùng gạch đá để xây cho nên mới gọi là “Vô lương điện”無樑殿(Điện không dùng dường đỡ có kết cấu bằng gỗ). Cũng bởi trong điện thờ Phật Vô Lượng Thọ無量壽佛 cho nên mới gọi nó là điện Vô Lượng 無量殿.

[H.3: Phật Hương Gác佛香閣]

Gác Phật Hương ở trên sườn núi ở một ngọn núi ở giữa, phía trước núi Vạn Thọ. Có một kiến trúc hình vuông cao 21 m, đây là một tòa kiến trúc tứ trùng thiềm, cao tầng, 8 cạnh, 41m; phía trong của gác có 8 cột lớn được làm bằng lim để chống, kết cấu rất phức tạp, là một sản phẩm kiến trúc cổ điển. Gác này vào năm Hàm Phong咸豐 10 (1860) bị Liên quân Anh – Pháp thiêu hủy, năm Quang Tự 17 (1891), xây dựng lại hết 78 vạn lạng bạc; Năm Quang Tự thứ 20 (1894), việc xây dựng hoàn thành. Đây là công trình lớn nhất của Di Hòa Viên, ở trong gác có thờ Phật Tiếp Dẫn 接引佛, dùng để cho hoàng đế thắp hương ở đây.

[H.4: Bảo Vân Các (Gác Bảo Vân) 寶雲閣]

Gác Bảo Vân ở sườn núi, vị trí ở giữa, phía trước núi Vạn Thọ, có một nền đài kiến trúc hình vuông, cao 21 m, là 1 tòa kiến trúc trùng thiềm, 4 tầng, 8 cạnh, trong tháp có 8 cột lớn, làm bằng lim, kết cấu phức tạp, là một công trình tiêu biểu cho kiến trúc cổ điển. Năm Hàm Phong 10 (1860), bị Liên quân Anh – Pháp thiêu hủy, năm Quang Tự thứ 20 (1894) hoàn thành, là một công trình lớn nhất của Di Hòa Viên. Trong gác có thờ Phật Tiếp Dẫn, Hoàng gia đến đốt thắp hương tại đây.

[H.5. Điện Bài Vân排雲殿]

Điện Bài Vân nằm ở vị trí trung tâm trong kiến trúc, phía trước của núi Vạn Thọ. Điện này được xây là bởi hoàng đế Càn Long muốn thể hiện lòng hiếu kính đối với Mẫu thân của ngài nhân mừng thọ lần thứ 60. Khi Từ Hy Thái Hậu xây dựng lại, đổi tên thành điện Bài Vân. Đây là nơi để Từ Hy Thái Hậu ở và tiếp khách. Hai chữ “Bài Vân” 排雲 là lấy từ Thần Tiên Bài Vân神仙排雲, thơ Quách Phác郭璞, nhìn thấy đài Kim Ngân, ví như là trong gác Tiên Sơn Quỳnh 仙山瓊閣,có những áng mây che phủ, bao quanh, thần tiên liền lộ diện. Từ nơi xa xôi nhìn ra, điện Bài Vân cùng với lầu Bài 牌樓, cửa Bài Vân 排雲門, cầu Kim thủy 金水橋, cửa Hai cung 二宮門 (Nhị Cung) tạo thành một dãy tầng cao lên. Kiến trúc của tổ hợp điện Bài Vân tạo thành một quần thể kiến trúc kỳ vỹ của Di Hòa Viên.

[H.6: Trường Lang長廊]

Trường Lang, vị trí ở phía Nam của núi Vạn Thọ, nhìn ra hồ Côn Minh, phía Đông bắt đầu từ Cửa Nguyệt (Nguyệt môn), phía Tây đến đình Thạch Trượng, toàn bộ dài 728 m, có 273 gian, đây là một hành lang dùng để vui chơi thưởng ngoạn, là kiến trúc dài nhất trong kiến trúc viên lâm của Trung Quốc. năm 1992, Trường Lang này được sách Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận là kiến trúc trường lang dài nhất thế giới. Trên mỗi cột vuông của hành lang đều có trang trí hội họa, tổng cộng có hơn 14.000 bức, nội dung bao quát hết thảy cảnh núi sông, hoa điểu, cá tôm, và những nhân vật, điển cố. Trong các cảnh, đều vẽ các nhân vật trong các tác phẩm nổi tiếng cổ điển Trung Quốc.

[H.7: Hồ Côn Minh 崑明湖]

Hồ Côn Minh là một trong những hồ lớn nhất trong các vườn của kiến trúc Hoàng Gia thời Thanh. Có một đường trong hồ, có một bờ ở phía Tây dài. Từ phía Tây Bắc đi về phía Nam. Bờ phía Tây và một ngả rẽ, mặt hồ được phân làm ba khu vực lớn nhỏ không như nhau, mỗi một khu vực đều có một đảo Hồ Tâm 湖心島. Ba đảo này ở trên mặt hồ phân bố thành thế chân vạc, tượng trưng cho ba ngọn núi thần: Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu trong truyền thuyết cổ của Trung Quốc. Bờ phía Tây với 6 chiếc cầu là phỏng theo Tô Đê và Tô Đê lục kiều ở Tây Hồ (Hàng Châu). Ở phía Tây có một dặng liễu rủ, cảnh sắc tự nhiên, thoáng đãng. Ngọc Phong tháp 玉峯塔 của đỉnh núi Ngọc Tuyền玉泉山, núi Tú Lệ 秀麗山, núi Hình Hòa 形和山 ở ngoài vườn dài mấy dặm được thu lại để làm thành tổ hợp, bộ phận của vườn cảnh.

[H.8. Họa Trung Du]

Họa Trung Du là một kiến trúc đẹp ở phía Tây của núi Vạn Thọ. Nó được xây dựa vào núi, chính diện có 1 tòa lầu gác, ở hai bên đầu có lầu, gọi là “Ái Sơn” 愛山  và “Tá Thu” 借秋. Sau gác có một cột đá, phía sau cột đá là gác Trừng Huy 澄暉閣. Giữa kiến trúc có hành lang leo lên núi. Do ở đây là lưng trừng núi nên các lầu, gác, hành lang thành chạy một hàng dài, không giống nhau, núi xanh, tùng biếc ôm lấy quần thể kiến trúc lợp ngói đỏ, vàng, xanh lam, lưu ly.

[H.9: Thính Ly Quán 聽鸝館]

Quán Thính Lý được thân mẫu của vua Càn Long xây dựng, bên trong có 2 tầng hý đài (đài biểu diễn kịch). Người xưa thường mượn âm thanh tiếng kêu của con chim Hoàng Ly黃鸝鳥 để so sánh với lời đẹp đẽ của âm nhạc nên có tên gọi là “Quán Thính Ly” 聽鸝館. Trước khi xây dựng Đài Hý Lầu ở vườn Di Hòa Viên, Từ Hy Thái Hậu thường đến đây để xem kịch và thưởng yến tiệc. Năm Hàm Phong 10(1860), quán bị Liên quân Anh – Pháp thiêu đốt. Thời Quang Tự xây dựng lại. Nhà hàng Thính Ly Quán là nhà hàng cung đình nổi tiếng của Thính Ly Quán.

[H.10: Hài thú viên (Vườn Hài Thú) 諧趣園]

Hài Thú viên nằm ở phía Đông của núi Vạn Thọ, là một khu vực độc lập, là một vườn có đầy đủ phong cánh của một kiến trúc viên lâm phương Nam. Khi vườn Thanh Y清漪園 gọi là vườn Huệ Sơn惠山園, là một vườn được phỏng theo vườn Ký Sướng寄暢園 của núi Tích Huệ 錫惠山. Sau khi trùng tu năm Gia Khánh 16 (1811), bèn lấy sự vật thanh tĩnh, lấy ý nghĩa một câu thơ của vua Càn Long “Nhất đình nhất kính, túc hài kỳ thú” 一亭一徑,足諧奇趣 (nghĩa là: Bên cạnh có nhà, có một con đường, đủ để ngắm cảnh đẹp kỳ thú) đổi tên thành “Hài thú viên” 諧趣園. Trong vườn có tổng số 13 đình, đài, nhà (đường), tạ (giống như kiểu nhà sàn – Nd chú). Cả thảy đều có đến trăm gian để vui chơi và có năm tòa cầu bắc qua hào. Trong khu vực vườn, ở phía góc Đông nam có một cây cầu đá, trên mỏm của cầu đá có 3 chữ “ Tri Ngư Kiều” 知魚橋 (Cầu để ngắm, hiểu cá), do vua Càn Long viết, ở đây là dẫn dụng trong tranh luận “Thu thủy hào thượng” 秋水濠上(trên hào  nước mùa thu) của Trang Tử 莊子 và Huệ tử惠子.

[H.11: Lạc Thọ Đường 樂壽堂]

Lạc Thọ Đường là công trình kiến trúc chính trong khu sinh hoạt, cư trú của Di Hòa Viên, nó vốn được xây dựng vào năm Càn Long 15 (1750); Năm Hàm Phong 10 (1860), bị phá húy; năm Quang Tự 13 (1887) được xây dựng lại. Lạc Thọ Đường nhìn ra hồ Côn Minh, lưng dựa vào núi Vạn Thọ, phía Đông tới điện Nhân Thọ 仁壽殿, phía Tây tiếp giáp tới Trường Lang. Đây là nơi cư trú và vui chơi vui tốt nhất ở trong khu vực Di Hòa Viên.  Trước nhà có biển đề “Lạc Thọ Đường” trên nền sơn then, mạ vàng, là thủ bút của hoàng đế Quang Tự. Bên trong của Lạc thọ Đường, bày biện hươu đồng, hạc đồng, bình hoa bằng đồng, lấy ý nghĩa là: “Lục hòa thái bình” 六和太平. Trong nhà trồng các loại hoa: Ngọc lan, Hải đường, Mẫu đơn. Các loại hoa nổi tiếng đầy nhà, có ý nghĩa là “phú quý ngọc đường” 玉堂富貴.

[H.12: Nghi Vân Quán 儀雲馆]

Nghi Vân quán được xây dựng lần đầu vào khoảng niên đại Càn Long, trùng tu vào thời Quang Tự. Khi vườn Thanh Y được xử dụng làm thư viện của Hoàng đế Càn Long, bày đặt những vật thanh nhã. Tới khi Di Hòa Viên được Hoàng hậu Long Dụ của vua Quang Tự光緒皇后隆裕 dùng làm tẩm cung (nơi nghỉ ngơi – nd), do công năng kiến trúc và thân phận của chủ nhân khác nhau nên dẫn đến việc bày đặt, bố trí thay đổi rất khác nhau. Năm 1979, sau khi duy tu kiến trúc cổ, trong nội thất chỉ còn những đồ dùng gia đình. Năm 1992, căn cứ vào việc bày đặt của vườn Thanh Y, tiến hành bày đặt lại nội viện với hàng trăm hiện vật.

[H.13: Đại Hý Lầu 大戲樓]

Đại Hý Lầu ở pên phía trong của Đức Hòa Viên德和園, cùng với gác Thanh Âm清音閣 ở bên trong sơn trang thánh nắng Thừa Đức承德避暑山莊, gác Sướng Âm 暢音閣 trong Tử Cấm Thành紫禁城 được gọi gộp thành Tam Đại hý đài三大戲台 của đời thanh. Lầu Đại Hý của Đức Hòa Viên là công trình được xây dựng để mừng thọ Từ Hy Thái Hậu nhân dịp 60 tuổi, chuyên dùng để cho Thái Hậu xem kịch. Chiều cao của Đại Hý lầu là 21 m. Trong Di Hòa Viên chỉ có gác Phật Hương佛香閣 là cao nhất. Hý lầu có 3 tầng, sau đài là lầu hóa trang cao 2 tầng, trên đỉnh nóc có 7 chiếc “thiên tỉnh”天井(giếng trời), ở giữa ván có “địa tỉnh” 地井. Ở cuối (nền) của đài múa có thủy tỉnh水井 và 5 chiếc ao vuông. Khi biểu diễn trò quỷ thần, có thể xuất phát từ trên trời giáng xuống, có thể từ dưới đất mà trồi lên, chung quanh có thể dẫn nước lên đài.

[H.14. Ngọc Lan Đường 玉瀾堂]

Ngọc Lan Đường được xây dựng ở phía Tây nam điện Nhân Thọ 仁壽殿 nhìn ra bờ hồ Côn Minh, là một kiến trúc hình thức Tam Hợp viện 三合院. Chính điện Ngọc Lan đường tọa lạc theo hướng Bắc Nam, Đông phối điện Hà Phân thất 霞芬室, Tây phối điện Ngẫu Hương tạ 藕香榭, phía Đông của điện có thể đến được điện Nhân Thọ, phía Tây của điện có thể đến được bờ hồ Mã Đầu 碼頭, sau cửa của Chính điện có thể chạy thẳng đến quán Nghi Vân 宜芸館, hậu chẩm và hai bên điện đều xây tường gạch để cách biệt với bên ngoài. Đây là di tích lịch sử quan trọng nhất của Di Hòa Viên. Năm Quang Tự thứ 24 (1898), sau khi Từ Hy Thái Hậu phát động chính biến cung đình, vua Quang Tự chủ trương Biến pháp, đây cũng là nơi nghỉ ngơi (tẩm cung) của hoàng đế Quang Tự

[H.15. Điện Nhân Thọ仁壽殿]

Điện Nhân Thọ khi ở vườn Thanh Y gọi là điện Cần Chánh 勤政殿. Vào hai thời kỳ Càn Long và Quang Tự đều là nơi thiết triều của hoàng đế. Vì thế, nên việc bày đặt, bố cục đại thể cũng giống như (nơi thiết triều), hình thức bố cục cũng được quy định như cung điện hoàng gia. Tuy nhiên, các vật phẩm được bày đặt đều khác nhau. So sánh giữa thời kỳ của Thanh Y Viên và thời kỳ của Di Hòa Viên thì thời kỳ của Di Hòa Viên có sự bố trí bày đặt hào hoa hơn rất nhiều. Hiện nay, ở Trung tâm của nội điện, việc bày đặt những thứ đồ đạc vẫn giữ y nguyên của thời kỳ Quang Tự. Ngoài ra đều đã có sự thay đổi, những hiện vật ở trong điện như thư viện, đồ dùng ở trong nội điện đều được đưa ra ngoài, phần lớn hiện vật đều được đưa vào trong kho để bảo quản.

[H.16:  Cửa Đông Cung東宮門]

Cửa Đông Cung, toàn bộ my cửa đều dùng dầu để sơn, vẽ những bức cảnh rất đẹp. Trên cửa có đính màu son hồng, màu vàng nhìn rất trang nghiêm. Gian giữa, treo biển ngạch có đề đại tự, trang trí  chín con rồng mạ vàng, phía trên có ba chữ lớn: Di Hòa Viên, là di bút do chính tay vua Quang Tự viết. Ở trên phiến đá điêu khắc rồng, mây, ở bệ trên đường Ngự đạo trước của có hai con rồng tranh nhau quả cầu (Nhị long hý cầu), được làm vào thời Càn Long. Từ khi vườn Viên Minh bị phế bỏ (cung An Hựu 安佑宮 chuyển đến), nó là nơi tượng trưng cho sự tôn nghiêm của hoàng đế. Cửa Đông Cung khi đó chỉ là nơi ra vào của hoàng hậu triều Thanh. Điện Nhân Thọ ở trong cửa Đông Cung – cửa lớn của Di Hòa Viên.

[H.17: Thuyền Thanh Yến 清晏舫]

Thuyền Thanh Yến tục gọi là thuyền đá, ở bên hồ, góc phía Tây của Trường lang, là một chiếc thuyền đá lớn, có ý nghĩa là: Chiếc thuyền bình yên “Hải Thanh hà yến” 海清河晏(Sông biển thanh bình). Đây là một phong cách kiến trúc mang tính chất phương Tây. Tiền thân của vị trí thuyền đá này vốn là đài phóng sinh của chùa Viên Tĩnh 圓靜寺 thời Minh. Vào thời Càn Long, khi tu sửa vườn Thanh Y mới đổi tên “đài” thành “thuyền”, lại đổi tên thành “thuyền đá”. Thuyền đá dài 36 m, thuyền dùng một khối đá lớn điêu khắc mà thành. Trên thân thuyền đá có xây dựng lầu thuyền 2 tầng, dưới nền thuyền lát gạch hoa, cửa sổ trang trí màu sắc, gạch cũng trang trí hình ảnh điêu khắc. Khi trời mưa, nước mưa thông qua trụ rỗng tứ giác từ đỉnh thuyền xuống, từ trên thân thuyền có 4 đầu rồng chúc xuống dưới lòng hồ.

[H.18: Viện Văn Xương 文昌院]

Viện Văn Xương ở phía Đông của gác Văn Xương trong Di Hòa Viên. Đây là công trình có quy mô lớn nhất trong kiến trúc viên lâm của Di Hòa Viên, nơi bày đặt hiện vật cao cấp nhất. Bên trong có trưng bày 6 chuyên đề, từ thời Thương, Chu cho đến cuối Thanh gồm mấy nghìn di vật tinh xảo của Di Hòa Viên gồm: đồ bằng đồng, ngọc, đất nung, vàng bạc, tre trúc, ngà sừng, sơn…  với những chủng loại khác nhau; Hiện vật truyền từ đời này sang đời khác của Trung Quốc nhau như: đồ dùng gia đình, thư họa, sách cổ, chuông khánh… Do Di Hòa Viên là nơi trưng bày sinh hoạt của của hoàng gia nên trình độ tạo tác của những đồ vật này đã thể hiện được công nghệ cao nhất, tốt nhất của nghệ thuật, có rất nhiều hiện vật được coi là bảo vật quan trọng của Quốc gia. Bên trong, bày biện những hiện vật quý đương thời là những vật dụng trong đời sống cung đình thời Thanh. Đó là những hiện vật vô cùng thân thiết của Hoàng đế và hoàng Hậu, có giá trị lịch sử quan trọng, nó đã chứng minh tính chất chân thực, cụ thể của văn hóa Hoàng gia Trung Quốc.

[H.19: Gác Văn Xương 文昌閣]

Gác Văn Xương là một cửa lớn nhất trong 6 tòa của Di Hòa Viên: Tử khí Đông Lai Thanh quan 紫氣東來城關; Túc Vân đảm Thành quan 宿雲檐城關; Dần Huy Thành quan寅輝城關; Thông Vân Thành quan 通雲城關; Thiên Phong Thái Thúy thành quan 千峯彩翠城關, Văn Xương Các thành quan 文昌閣城關. Gác này xây dựng lần đầu năm Càn Long 15 (1750), năm 1860 bị Liên quân Anh – Pháp thiêu đốt, thời Quang Tự xây dựng lại. Gác có 2 tầng, bên trong có treo 2 chuông đồng Văn Xương Đế quân và Tiên đồng. Gác Văn Xương cùng với Túc Vân của Vũ Thánh ở phía Tây của hồ Côn Minh tượng trưng cho “Văn võ phù bật”.

[H.20: Trâu đồng 銅牛]

Trâu đồng đặt ở bên bờ phía Đông của hồ Côn Minh, nằm ở phía Bắc của đầu cầu 17 nhịp, đặt tượng trâu để trấn yểm thủy quái. Trâu được đúc bằng đồng vào năm Càn Long thứ 20 (1755), gọi là “Trâu vàng”.

[H.21: Cầu 17 nhịp lớn 十七孔橋]

Cầu lớn 17 nhịp, bắc trên hồ Côn Minh, vị trí ở khoảng giữa của bờ phía Đông đào Nam Hồ, dùng để  nối bờ với đảo, là cầu đá lớn nhất, cầu đá rộng 8 m, dài 150m, do 17 nhịp (vòm) cầu, kết lại mà thành. Hai bên lan can trên cầu có trang trí các hình điêu khắc lớn nhỏ khác nhau, điêu khắc hơn 500 con sư tử có trạng thái khác nhau.

Trên đây, chúng tôi đã dịch thuật, giới thiệu khái quát kiến trúc và những điểm đặc sắc của Di Hòa Viên – Một kiến trúc mang tính cung đình của Trung Hoa chủ yếu là những kiến trúc có niên đại triều Minh và đặc biệt là triều Thanh của Trung Hoa. Hy vọng, những đặc điểm của kiến trúc viên lâm của Trung Hoa góp phần cung cấp tư liệu để các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà nghiên cứu kiến trúc cổ Việt Nam trong đó có kiến trúc viên lâm tại Hoàng thành Thăng Long tham khảo.

Thài liệu tham khảo

  1. 不一樣的頤和園夜景.中國網.2013-01-16[引用日期2018-08-06];
  2. 頤和園 .頤和園官網[引用日期2019-12-27];
  3. 宋犀堃主編. 世界文明奇蹟[M]. 汕頭:汕頭大學出版社, 2014:107;
  4. 頤和園管理處編. 頤和園志[M]. 北京:中國林業出版社, 2006:7;
  5. 頤和園焚燬經過 .新浪網[引用日期2014-03-16];
  6. 頤和園管理處編. 頤和園志[M]. 北京:中國林業出版社, 2006:391;
  7. 世界文化遺產——頤和園.中華人民共和國中央人民政府[引用日期2014-03-29];
  8. 盧盛江,盧燕新. 中國古典詩詞曲選粹 唐詩卷[M]. 2018:第159頁;
  9. 世界文明的象徵 頤和園10大景點推薦(圖).中國網.2009-08-31[引用日期2018-08-17];
  10. 宜芸館陳設 .頤和園官網[引用日期2014-05-04];

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button