Tái hiện nghi lễ “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long

Tết Đoan Ngọ là một trong những tết cổ truyền của người Việt diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm với nhiều phong tục độc đáo. Tết Đoan Ngọ trong cung đình và ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, cách thức khác nhau nhưng đều là dịp để con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tông, cầu sức khỏe, bình an, cầu mùa màng bội thu. Nhằm mục đích bảo tồn, tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc và phát huy giá trị văn hóa cung đình xưa. Sáng ngày 06/6/2024 tại nền Điện Kính Thiên trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức sự kiện với chủ đề “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” nhân dịp tết Đoan Ngọ năm Giáp Thìn 2024. Sự kiện là một chuỗi những hoạt động: Trưng bày về các phong tục dân gian truyền thống, thực hành hai nghi lễ đặc sắc ngày Tết Đoan Ngọ của cung đình xưa (nghi lễ cúng tế tổ tiên và nghi lễ ban quạt) và trình diễn, giao lưu nghệ thuật thưởng trà. Đoan Ngọ nghĩa là ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm. Để chống lại cái nóng và phòng dịch bệnh, người Việt xưa có nhiều kinh nghiệm độc đáo như: tục ăn trái cây, ăn bánh tro, ăn cơm rượu nếp, uống rượu hùng hoàng, xương bồ để “giết sâu bọ” trong người vào lúc sáng sớm; tục hái thảo mộc làm thuốc và làm trà vào giờ ngọ; tục đeo chỉ ngũ sắc, đeo túi thơm có đựng hạt mùi, bột hùng hoàng để xua đuổi côn trùng… Những phong tục này được tái hiện lại một cách chân thực và dung dị thông qua không gian thờ cúng và không gian trưng bày các loại thảo mộc, các loại túi thơm. Khu trưng bày đã làm gợi nhớ đến hình ảnh 2 khu phố cổ quen thuộc là Thuốc bắc và Hàng Mụn. Vào mỗi dịp tết Đoan Ngọ xưa, người dân kinh thành Thăng Long lại nhộn nhịp đi mua chỉ ngũ sắc, túi thơm trên phố Hàng Mụn về đeo cho trẻ con; đi mua lá thảo mộc về làm trà đun nước uống hàng, mua thảo dược về phòng bệnh… Bên cạnh không gian trưng bày các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt trong cung đình cũng được diễn giải qua tranh vẽ và mô hình hiện vật phỏng dựng. Gian trưng bày một số loại quạt phỏng dựng của tầng lớp vua quan quí tộc và các loại quạt thông thường của người dân, đã giúp cho du khách có cái nhìn rõ hơn về văn hóa sử dụng quạt của người xưa

Bên cạnh không gian trưng bày là phần thực hành tái hiện những nghi lễ cúng tế tổ tiên và nghi lễ ban quạt đây là hai nghi lễ đặc sắc trong ngày Tết Đoan Ngọ của cung đình xưa. Những hoạt động này không chỉ mang tính tín ngưỡng mà còn là dịp để thể hiện lòng kính trọng sâu sắc đối với ông bà tổ tiên và những đức vua đã từng làm nên vinh quang cho đất nước, theo quan điểm truyền thống của người Việt. Vào ngày này, người Việt tin rằng linh hồn của tổ tiên sẽ trở về thăm thân nhân và muốn chăm sóc con cháu trong gia đình. Để chuẩn bị đón lễ này, nghi lễ cúng tế tổ tiên là một phần không thể thiếu. Đây là dịp để hiệp thông tâm linh và gợi lại tinh thần đoàn kết trong gia đình. Tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nơi vốn là trung tâm quyền lực và văn hóa của đất nước, nghi lễ cúng tế tổ tiên được tổ chức một cách long trọng. Các vị hoàng đế, thần linh và các vị anh hùng dân tộc được kính trọng và tôn vinh bằng những lễ nghi truyền thống. Đến ngày Tết Đoan Ngọ, công đồng cung đình xưa lại được hội tụ, cầu nguyện và cầu an cho mọi người. Ngoài nghi lễ cúng tế, nghi lễ ban quạt cũng là một phần không thể thiếu trong ngày này. Ban quạt cũng được coi là một hình thức thể hiện sự quan tâm đến bề tôi của nhà vua mà còn cầu mong cho vạn sự an lành và may mắn. Việc tái hiện các nghi lễ trên không chỉ đơn thuần là những hoạt động tôn vinh truyền thống mà còn là để truyền đạt giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để duy trì và phát huy những giá trị này, chúng ta cần duy trì và bảo vệ các nghi lễ truyền thống, đồng thời truyền đạt nó cho thế hệ sau.

Ngày 5 tháng 5 còn được gọi là lễ diệt sâu bọ với những món ẩm thực như hoa quả  đào, mận, vải thiều, dưa hấu, khế, xoài cùng cơm rượu nếp, bánh tro và uống rượu hùng hoàng, xương bồ… để diệt trừ “sâu bọ” trong người, cầu mong mạnh khỏe, bình an. Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết đã có buổi giao lưu, trò chuyện giúp cho du khách và các bạn trẻ hiểu rõ hơn phong tục này. Bên cạnh các món ăn để diệt sâu bọ thì uống trà là truyền thống và thói quen của người Việt. Vào ngày tết Đoan Ngọ, ngoài việc ban thưởng yến, quạt, khăn tay, các vua còn thưởng trà cho các bề tôi của mình. Uống trà, thưởng trà như một dòng chảy văn hóa thấm đẫm vào cuộc sống và tâm hồn người Việt. Để tôn vinh phong tục uống trà giải nhiệt phòng chữa bệnh đến nghệ thuật thưởng trà cung đình, Trung tâm phối hợp với các nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng, nghệ nhân trà Nguyễn Cao Sơn đã có buổi trình diễn, giao lưu cùng du khách. Các nghệ nhân sẽ chia sẽ những câu chuyện hay, những bí quyết ướp trà, pha trà, thưởng trà đặc sắc… truyền tải tri thức, sự hiểu biết và niềm vui đến với du khách.

Ban biên tập

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button