Lễ thánh thọ trong cung đình Thăng Long

Hệ thống nghi lễ cung đình Thăng Long nói riêng và của chế độ phong kiến nói chung có thể chia thành hai loại: nghi lễ triều hội và nghi lễ tế tự. Dưới thời Lý, hệ thống nghi lễ một cách rõ nét nhưng đã hình thành những nghi lễ mang tính chất bắt buộc liên quan đến việc quản lý đất nước và nghi thức cúng tế mang tính chất quốc gia. Trong những nghi lễ triều hội thì có thể kể đến là Lễ Thánh thọ là một trong nghi lễ mang tính chất thường kỳ đặc sắc.

Lễ Thánh thọ hay còn gọi là Lễ thánh tiết có thể hiểu là lễ sinh nhật vua. Vì vua là biểu tượng của quốc gia, của thời quân chủ. Sự ổn định của đất nước cũng phụ thuộc rất lớn vào việc chọn người kế vị và duy trì sự kế vị đó. Vì vậy sức khỏe của vua cũng liên quan đến việc trị vì và ảnh hưởng đến vận mệnh của quốc gia dân tộc. Chúc cho vua trường thọ, mạnh khỏe gắn liền sự ổn định của giang sơn, xã tắc. Nên ngày sinh nhật vua cũng giống như một ngày hội của đất nước. Tuy nhiên, dưới thời Lý, khi mà tính cung đình và dân gian chưa phân hóa sâu sắc thì tính chất “hội” được thể hiện rõ nét, còn đến thời Lê, khi điển chế được quy định chặt chẽ thì tính “nghi lễ” lại mang đậm nét hơn.

Không chỉ có Việt Nam mà một số các nước Đông Á có tổ chức lễ Thánh thọ. Ở Trung Quốc, dưới thời vua Đường Huyền Tông (685-782), năm Khai Nguyên thứ mười bảy, thượng thư Tả thừa tướng Nguyên Kiền Diệu, Hữu thừa tướng Trương Thuyết dẫn đầu bách quan dâng biểu, xin lấy ngày mồng năm tháng tám, ngày sinh Huyền Tông làm ngày Thiên Thu tiết. Theo Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, lễ sinh nhật vua có từ thời Đường. “Tháng 8 năm Khai Nguyên thứ 17 (729) là ngày sinh nhật Đường Huyền Tông, vua ban yến cho các quan ở lầu Hoa ngạc. Trương Duyệt và Nguyên Kiền Diệu tâu xin vua hàng năm cứ lấy ngày mồng 5 tháng 8 làm Tiết Thiên thu ban bố cho thiên hạ đến ngày ấy được yến tiệc, nghỉ ngơi 3 ngày. Tết sinh nhật có từ đấy trước”[1]. Phan Huy Chú cũng nhắc đến lễ sinh nhật vua bắt nguồn từ thời Đường. Ngày sinh nhật dở ra vui chơi, vốn không phải là lễ thời cổ. Lễ ấy làm từ đời Đường, các đời làm theo cho là một lễ lớn. Năm Trường Khánh thứ nhất (821) đời Đường Mục Tông, vua hạ chiếu: Ngày mồng 6 tháng 7 là ngày sinh nhật của trẫm, ngày ấy các mạng phụ, trăm quan nên đến cửa Quang Thuận tham dự lễ mừng, trẫm sẽ ở trong cửa tiếp kiến trăm quan. Lễ thụ hạ (nhận mừng) bắt đầu có từ ấy. Triều nhà Minh, ngày Thánh tiết (sinh nhật vua) cũng theo lễ ấy, các quan đến chầu mừng như Tết Nguyên Đán. Như vậy, ở Trung Quốc, từ một ngày hội để cả nước nghỉ ngơi, yến tiệc ca ngợi công đức của đức vua và chúc vua vạn thọ vô cương thì sau cũng trở thành một lễ đại triều với nhiều nghi thức.

Ở nước ta, không phải đến thời Lý mà dưới thời Tiền Lê đã có lễ Thánh tiết, vào năm Ất Dậu [985], mùa thu, tháng 7 ngày rằm là ngày sinh của vua, sai người làm thuyền ở giữa sông, lấy tre làm núi giả đặt trên thuyền, gọi là Nam Sơn, rồi bày lễ vui đua thuyền, về sau thành thường lệ. Dưới thời Tiên Lê yếu tố cung đình là lễ mừng sinh nhật vua nhưng có nét văn hóa cổ sơ như tục đua thuyền là một nghi lễ nông nghiệp từ thời Hùng Vương. Nghi lễ này có ảnh hưởng lan tỏa vào cung đình và được điển chế hóa qua nghi thức theo hướng trang trọng hơn, quy mô hơn.

Đầu thời Lý, vua Lý Thái Tổ khi rời đô năm 1010 là kiến thiết xây dựng kinh đô và nền kinh tế vững chắc, xây dựng Cấm thành, Hoàng thành để làm nơi thiết triều cũng là trung tâm quyền lực của đất nước. Đến năm 1021, sử liệu mới ghi nhận vua Lý Thái Tổ tổ chức lễ Thánh tiết lần đầu tiên. “Mùa xuân, tháng 2, lấy ngày sinh nhật của vua làm tiết Thiên Thành, lấy tre kết làm một ngọn núi gọi là Vạn Thọ Nam Sơn ở ngoài cửa Quảng Phúc, trên núi làm nhiều hình chim bay thú chạy, muôn vẻ lạ kỳ. Lại sai người bắt chước tiếng của cầm thú làm vui để ban yến cho bề tôi.[2] Thuận Thiên là niên hiệu của Vua Lý Thái Tổ; vua đặt tên ngày sinh nhật của vua là tiết Thiên Thành. Tên ngày sinh nhật của vua thường có chữ Thiên (vì vua là Thiên Tử) hoặc chữ Thánh (vì vua thường có mộng ước làm vua Thánh) hoặc cả hai.

Nhâm Tuất, [Thuận Thiên] năm thứ 13 [1022], (Tống Cao Hưng năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, vua thấy tiết Thiên Thành làm núi giả khó nhọc cho dân, bãi đi, chỉ đặt yến lễ mà thôi.

Mậu Thìn, [Thuận Thiên] năm thứ 19 [1028], Tháng 6, lấy ngày sinh của vua làm tiết Thiên Thánh. Lấy tre làm núi Vạn Tuế Nam Sơn ở Long Trì: kiểu núi làm thành năm ngọn, trên đỉnh ngọn ở giữa dựng núi Trường Thọ, bên đỉnh bốn ngọn xung quanh đều đặt núi Bạch Hạc, trên núi làm hình dạng các giống chim bay thú chạy, lưng chừng núi có rồng thần cuốn quanh, cắm xen các thứ cờ, treo lẫn vàng ngọc, sai con hát thổi sáo thổi kèn trong hang núi, dâng ca tấu múa làm vui, cho các quan ăn yến. Quy chế núi năm ngọn bắt đầu từ đấy. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Mừng ngày sinh là lễ lớn. Bề tôi chúc mừng vua, vua ban yến cho bề tôi, vua tôi hòa hợp để thông tình trên dưới, lễ vốn nên như thế[3].

Quả thật, năm lễ Thánh thọ thời Lý năm 1028 được sử sách ghi chép thể hiện tính chất quy mô, hoành tráng. Núi Vạn Tuế Nam Sơn với ý nghĩa vua sống lâu trường thọ như ngọn núi Nam Sơn. Tính chất cung đình được thể hiện rõ qua không gian bày trí của núi Vạn Thọ với các loại rồng thần, cắm các loại cờ lẫn vàng ngọc. Ngoài ra một sân khấu diễn xướng thật sinh động với những nhạc công, vũ công ca múa tạo như một ngày hội của đất nước. Một không khí vua tôi hòa hợp chúc mừng cùng hưởng yến cũng thể hiện sự đặc sắc riêng trong triều đình phong kiến thời Lý.

Đến thời Trần, cũng có ghi chép về những tiết Thánh thọ nhưng không tổ chức quy mô lớn như thời Lý.

Ngày sinh nhật ở thời Trần, từ vua Thánh Tông (1258-1278) gọi là Hưng Thiên, rồi đời sau đều lấy chữ “thiên” làm hiệu: vua  Trần Nhân Tông (1278-1293) gọi là tiết Thọ Thiên, vua Trần Anh Tông (1293-1314) gọi là tiết Sùng Thiên, vua Trần Minh Tông (1314-1329) gọi là tiết Ninh Thiên, vua Trần Hiến Tông (1329-1341) gọi là tiết Hội Thiên, vua Trần Dụ Tông (1341-1369) gọi là tiết Khánh Thiên, vua Trần Nghệ Tông (1370-1372) gọi là tiết Kiến Thiên, vua Trần Duệ Tông (1372-1377) gọi là tiết Tề Thiên, vua Trần Phế Đế (1377-1388) gọi là tiết Quang Thiên.

Đến thời Lê, năm Mậu Tuất [1418], dấy nghĩa binh ở Lam Sơn, tự xưng Bình Định vương. Phải đánh hàng trăm trận gian nan mới quét sạch giặc Ngô, trong mười năm mới định yên đất nước. Vua lên ngôi ở Đông Kinh, tên nước là Đại Việt. Bấy giờ vua Minh chưa chính thức phong cho tước vương, cho vua “quyền thự An Nam quốc sự” nên hễ có chiếu lệnh, vua thường xưng là “Thuận Thiên thừa vận duệ văn anh vũ đại vương”. Vua lấy hiệu là Lam Sơn động chủ, lấy ngày sinh làm “Vạn thọ thánh tiết”. Vua Lê Thái Tổ (1428-1433) lấy ngày sinh là Vạn thọ thánh tiết có ý nói rằng ngài để lại tiếng thơm muôn đời như đã từng nói trước khi khởi nghĩa “Đại trượng phu sinh ra trên đời phải cứu nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời”.

Đến thời vua Lê Thái Tông (1433-1442), tên là Nguyên Long, con thứ Thái Tổ. Đầu năm Thuận Thiên, thái tử Tư Tề vì hoang dâm phóng túng bị Thái Tổ bỏ và dựng Nguyên Long lên nối. Khi lên ngôi vua mới 11 tuổi, Thái Tổ ủy nhiệm việc nước cho các bề tôi cũ. Lúc đó trong ngoài được yên ổn, nhà Minh mới phong làm An Nam quốc vương. Vua lấy hiệu là “Quế Lâm động chủ”, lấy ngày sinh làm “Kế thiên thánh tiết”.

              Trang phục vua thời Lê sơ. Nguồn: Ngàn năm áo mũ – Trần Quang Đức

Vua Lê Nhân Tông (1442-1459) tên là Bang Cơ, con thứ ba Thái Tông khi lên ngôi mới có 2 tuổi, thái hậu buông mành giữ chính quyền. Vua lấy ngày sinh làm “Hiến thiên thánh tiết”[4].

Vua Lê Thánh Tông (1460-1497), tên là Tư Thành, con thứ tư Thái Tông. Khi trước hoàng thái hậu Quang Thục nằm chiêm bao thấy trời  cho một vị tiên đồng, mới có mang sinh ra nhà vua. Trước được phong là Bình Nguyên vương, sau đổi là Gia vương. Khi Nghi Dân bị truất bỏ, đại thần là bọn Nguyễn Xí đón về dựng lên, hiệu là Thiên Nam động chủ, lấy ngày sinh làm “Sùng thiên thánh tiết”[5].

Thời vua Lê Hiến Tông (1497-1504), tên là Chanh, con cả Thánh Tông. Năm Quang Thuận thứ hai, Thánh Tông lập làm hoàng thái tử. Vua vẻ người đứng đắn, tuấn tú, được cha yêu. Khi đã lên ngôi, hiệu là Thượng Dương động chủ; lấy ngày sinh làm “Thiên thọ thánh tiết”[6].

Vua Lê Túc Tông (1504) tên là Thuần và tên khác là Đàm, con thứ ba Hiến Tụng. Vua lấy ngày sinh là”Thiên minh thánh tiết”[7].

Vua Lê Uy Mục (1505-1509), tên là Tuấn, con thứ hai Hiến Tông, anh thứ Túc Tông. Vua hiệu là Quỳnh Lâm động chủ ; lấy ngày sinh làm “Thiên khánh thánh tiết”[8].

Vua Lê Tương Dực (1509-1516), tên là Oánh, lại tên Trửu, cháu ruột Thánh Tông, con Kiến vương [Lê] Tân. Thời Hiến Tông được phong làm Giản Tu công, tự lập làm vua lấy hiệu là Nhân Hải động chủ; lấy ngày sinh làm “Thiên bảo thánh tiết”[9].

Vua Lê Chiêu Tông (1516-1522), Tên là Tuệ, là chắt Thánh Tông, con truởng Cẩm Giang vương [Lê] Sùng… bọn Duy Sản bèn đón lập lên. Vua lấy ngày sinh làm “Nghi thiên thánh tiết”[10].

Vua Lê Cung Hoàng (1516-1522), tên là Xuân, em cùng mẹ với Chiêu Tông. Khi Chiêu Tông chạy ra ngoài, Đăng Dung lập ông lên. Vua lấy ngày sinh là “Khâm thiên thánh tiết”[11].

Vua Lê Thế Tông (1573-1599), tên là Duy Đàm, con thứ năm Anh Tông. Khi lên ngôi, vua mới có 7 tuổi, lấy ngày sinh làm “Dương nguyên thánh tiết”[12].

Vua Lê Thần Tông (1619-1643), tên là Duy Kỳ, con trưởng Kính Tông. Khi Kính Tông chết, Bình An vương lập lên. Vua lấy ngày sinh làm “Thọ dương thánh tiết”[13].

Vua Lê Huyền Tông (1673-1671), tên là Duy Vũ, là con Thần Tông, em Chân Tông khi lên ngôi lấy ngày sinh làm “Đoan minh thánh tiết”[14].

Vua Lê Gia Tông (1674-1675), tên là Duy Khoái, con thứ Thần Tông. Tây vương dựng ông làm vua,  lấy ngày sinh làm “Thọ thiên thánh tiết”[15].

Vua Lê Hy Tông (1676-1705) Tên là Duy Hợp lên ngôi lấy ngày sinh làm “Thiên minh thánh tiết”[16].

Vua Lê Dụ Tông (1705-1729), tên là Duy Đường, thái tử của Hy Tông, được Định vương tôn lập lên. Lấy ngày sinh làm “Xuân minh thánh tiết”[17].

Vua Lê Thuần Tông (1732-1735), tên là Duy Tường, con trưởng Dụ Tông, được Uy vương Trịnh Khương tôn lập lên. Lấy ngày sinh làm “Xương phù thánh tiết”[18].

Vua Lê Ý Tông (1735-1740), tên là Duy Thận, con thứ Dụ Tông, em Thuần Tông, được Uy vương tôn lập lên. Lấy ngày sinh làm “Xuân hòa thánh tiết”[19].

Vua Lê Hiển Tông (1740-1786), tên là Duy Diêu, thái tử của Thuần Tông được lên ngôi báu. Lấy ngày sinh làm “Thanh hòa thánh tiết”[20].

Về mặt nghi thức triều hội, ngay từ đầu thời Lê sơ, Lễ thánh thọ, ngày Chính đán là hai ngày đại triều thường kỳ quan trọng của quốc gia được sử sách quy định về chi tiết về trang phục. Năm 1437, nhà vua cho định lại chế độ trang phục, lễ nhạc phỏng theo quy chế nhà Minh trong đó quy định Tế trời, cáo miếu, ngày Thánh tiết, ngày Chính đán, thì làm lễ đại triều, hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, lên ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc triều phục đội mũ chầu. Như vậy, không chỉ có ngày Thánh tiết mà những lễ Tế giao và đại triều quan trọng khác dưới thời Lê sơ vua mặc áo cổn, đội mũ miện, lên ngai báu nhưng đến thời Lê Trung hưng, vua chỉ đội mũ xung thiên, mặc áo hoàng bào. Sự thay đổi về trang phục không chỉ về mặt hình thức mà còn là sự thay đổi về ý thức chính trị bị chi phối bởi quyền lực chính trị thời Lê – Trịnh.

Về mặt chuẩn bị: để chuẩn bị tổ chức lễ Thánh thọ nói riêng và các nghi lễ nói chung, triều đình phải có quy chế quy định rõ nhiệm vụ của từng bộ. Trong sáu bộ là bộ Lại, bộ Lễ, bộ Hộ, bộ Binh, bộ Hình và bộ Công thì có bộ Lễ là bộ quan trọng nhất trong việc chuẩn bị cho những nghi lễ của triều đình cụ thể: Giữ công việc về lễ nghi, tế tự, tiệc mừng, tiệc yến, trường học, thi cử, áo mũ, ấn dấu, chương tấu, bài biểu, đi sứ, đi triều cận, lại kiêm trông coi các ty thuộc tư thiên, y bốc cùng là tăng đạo, giáo phường, đồng văn, nhã nhạc. Còn Bộ Hộ sẽ dựa theo bản kê của Bộ Lễ để cấp phát tiền trong những nghi lễ của triều đình. Chức vụ Hộ bộ giữ công việc về ruộng đất, hộ khẩu, phú thuế, thuế thổ sản, tiền thóc, kho tàng và việc lương bổng quan binh. Hằng năm các lễ Sinh nhật, Kỵ nhật, tế tứ thời ở Thái miếu và Chí kính điện, các lễ ba ngày tết, Chính đán, Nguyên tiêu, Thanh minh, Đoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu, Trùng cửu, Khánh thọ, Bảo thần, Quốc tiếu và các tiết Thánh tiết, Lập xuân, Tảo loát ấn phù, đều cử quan Lễ bộ làm bản kê đưa sang, thì phát tiền công và các hạng muối, gạo, dầu, nước mắm, giao các thự Thần trù, Thái quan, Thần cung, Lương uẩn làm[21].

Việc tổ chức: lễ Thánh thọ/Thánh tiết là một nghi lễ triều hội mang tính chất khánh hạ chúc mừng nhưng trong những ngày đó ở Tông miếu có những hoạt động cúng tế để báo cáo lên các vị tiên đế. “Về việc cúng tế trong những ngày lễ thánh tiết[22], Khánh thọ[23], Bảo thần[24] ở điện Thái miếu và điện Chí Kính – Hộ bộ lĩnh tiền gạo muối mắm ở Lễ phiên rồi phát cho các cơ quan Thần trù, Thần cung, Thái quan, Lương uẩn để làm lễ”[25].

Về nghi thức của Lễ Thánh thọ: sử liệu các thời kỳ trước không miêu tả cụ thể về diễn tiến nghi thức của Lễ thánh thọ mà những ghi chép còn sót lại từ thời Lê Trung Hưng. Tuy nhiên một chi tiết quan trọng vào năm 1743 cho biết “Buổi đầu Trung hưng, các việc bài, biểu, tế, khoán đều do phần các hộ phải đóng góp. Bài là những ngày sinh nhật, ngày nguyên đán, các nha môn làm lễ bái vọng. Biểu là trước khi dâng biểu mừng lễ mừng, chọn ngày tốt làm lễ dâng biểu, hai lễ đều có hát xướng, yến tiệc. Tế là tế đinh (tế Khổng Tử), tế âm hồn, tế tứ quý ở cung miếu, tế bách thần về mùa xuân[26]. Có thể thấy, ngày sinh nhật vua cùng ngày Tết Chính đán không chỉ là công việc các cơ quan cấp trung ương tiến hành nghi lễ trong sân Rồng mà có sự chuẩn bị chu đáo dưới các nha môn của địa phương, các cơ quan nha môn ở địa phương không thể về kinh dự lễ đại triều thì làm lễ bái vọng. Mỗi xứ sẽ chuẩn bị một lễ biểu mừng trong đó ghi lời chúc đến nhà vua, nhưng việc dâng biểu cũng phải được chọn ngày dâng một cách kính cẩn và đều có hát xướng và yến tiệc. Triều đình còn quy định việc thiết triều trong những dịp quan trọng của đất nước, các quan lại địa phương nếu không về dự lần thứ 2 sẽ bị trị tội.

Tuy nhiên, từ năm Cảnh Hưng trở đi thì những nghi lễ cung đình có phần suy thoái và biến đổi nghiêm trọng. Trái ngược với Phủ Chúa được xây dựng nguy nga lộng lấy thì trong Cấm thành, các cung điện, sân Rồng rơi vào xuống cấp vì lễ thiết triều bỏ đã lâu nên sân chầu cũ ở núi Nùng Sơn đã bỏ mà đổi làm điện Kính Thiên để thờ trời đất và phụ phối đức Thái Tổ hoàng đế. Những ngày sóc vọng thì thiết triều tại điện Cần Chánh. Trong nhà này, hai nhà tả hữu đãi lậu ở sau, đổ nát. Sau thềm cỏ mọc um tùm… đến nỗi khi tổ chức Lễ Thánh thọ cho vua Lê Hiển Tông, phải sai quân đội vào dọn cỏ, chỉnh trang lại khu vực sân Rồng. Lễ Thánh thọ từ niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) đến nay đã tám mươi năm chưa được xem một buổi nghi lễ long trọng như thế này[27].

Nhưng rất may mắn trong Lê triều hội điển và Lịch triều hiến chương loại chí vẫn còn ghi chép khá cụ thể về diễn tiến của lễ Thánh thọ thời Lê Trung hưng. Ắt hẳn là Lễ Thánh thọ này không thể quy mô, hoành tráng như dưới thời Lê sơ tuy nhiên đây là tư liệu vô cùng quý báu cho giới nghiên cứu sử học hiểu thêm về nghi lễ cung đình.

 Về nghi trượng: trước một ngày, Nghi chế ty đặt cái án để các tờ biểu của Thừa ty các xứ ở giữa công đường lễ bộ, quan Lễ bộ và Thừa ty các xứ đều trực đem ở Lễ bộ đường.

Về thành phần tham gia: Sáng ngày hôm ấy, công, hầu, bá và các quan văn võ vâng chỉ chúa đều mặc phẩm phục vào chầu chúc mừng.

Về nhạc lễ: Giáo phường ty phụ trách tấu khúc nhạc Văn Quang.

Các bước diễn ra lễ Thánh thọ:

Rước án biểu từ công đường Bộ Lễ sang sân Rồng: Đợi sáng đến khi canh năm điểm lần thứ ba, trống và nhạc dẫn đi trước, các quan thị dạ [chầu đêm] rước cái án biểu, Nghi vệ ty mang tàn vàng che. Thừa dụ cục khiêng án biểu đến ngoài cửa Đoan Môn, vào để ở phía Đông sân rồng (hơi về phía Bắc).

– Các quân chuẩn bị vào sân rồng làm lễ: Trống nghiêm hồi đầu, các quan văn võ (cả quan chấp sự và triều yết) đứng sắp ban ở ngoài cửa Đoan Môn.

– Rước vua từ điện Vạn Thọ sang cửa Kính Thiên: Trống nghiêm hồi thứ hai, các viên chấp sự tiến trước vào điện Vạn Thọ, rước vua lên ngự giá, được triệu đến trước, làm lễ 5 lạy 3 vái, lễ xong, lui ra hai bên đông tay sân rồng ở chỗ đứng trước. Ngự giá đến cửa Kính Thiên, hai viên tự ban dẫn các quan đài thần đầu ban và các quan văn võ vào sắp hàng đứng hai bên đông tây sân rồng. Các quan Thừa ty các quan triều yết chia đứng ở ngoài cửa Đoan Môn.

– Vua lên ngai, các quan hành lễ: Vua lên ngai. Giáo phường ty tấu khúc nhạc Văn quang (nhạc nổi). Dứt tiếng chuông vút roi (nhạc nghỉ) tư thần lang[28] báo trời sáng xong, thì thông tán xướng: “bài ban” (từ đây trở xuống, ngoại tán cũng xướng như thế). Lại xướng; “Ban tề, cúc cung bái (nổi nhạc), hưng (4 lần), bình thân”.

– Nghi thức tiến biểu: (nhạc nghỉ). Quan điểm nghi xướng: “Tiến biểu” (nhạc lại nổi). Hai viên khoa quan[29] dẫn bốn viên tự ban rước án biểu, có tàn vàng che, tư bên đông sân rồng đem đặt ở giữa ngự đạo (nhạc lại nghỉ). Các khoa quan và tự ban lui ra chia đứng hai bên tả hữu.

– Nghi thức tuyên biểu mục: Dẫn tán xướng: “Tuyên biểu mục”. Quan tuyên biểu mục vào giữa ngự đạo quỳ tâu: “Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tham tụng lễ bộ thượng thư v.v… chúng tôi là kính cẩn tâu lên: nay găp ngày thánh tiết xin dâng tờ biểu chúc mừng của công hầu bá và thần liêu văn võ cùng nha môn Đô, Thừa, Hiến các xứ trong nước, cộng 12 đạo, công hầu bá và thân kiêu văn võ một đạo, nha môn Đô Thừa Hiến các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Quảng 11 đạo”. Tấu xong, lạy xuống, đứng dậy, lui ra chỗ đứng trước.

– Nghi thức Tuyên biểu: Dẫn tán xướng: “Tuyên biểu”. Quan tuyên biểu đến giữa ngự đạo. Dẫn tán xướng: “Quỵ”. Thông tán xướng: “Bách quan giai quỳ”. Quan đại trí tâu: “Chúng tôi là công hầu bá và thần liêu văn võ vâng chỉ của chúa kính cẩn dâng lời: nay gặp ngày thánh tiết, chúng tôi kính nghĩ rằng hoàng đế bệ hạ vâng chịu mệnh trời, sáng cầm nghiệp lớn, gặp ngày sinh nhật, thêm hưởng phúc lành, chúng tôi khôn xiết vui mừng chúc tụng, kính chúc nhà vua sống lâu muôn năm”. Tấu xong, lạy xuống, đứng dậy lui ra chỗ đứng trước. Thông tán xướng: “Phủ phục, hưng, cúc cung bái (nhạc nổi), hưng 4 lần, bình thân, (nhạc nghỉ)”.

– Nghi thức chúc mừng vua: Lại xướng: Cúc cung tam vũ đạo”. Lại xướng: “Bách quan giai quỵ, tung hô”. Các quan đều giơ tay ngang trán, cùng hô theo “vạn tuế” (hô 3 lần). Lại xướng: “Phủ phục, hưng, cúc cung bái, hưng 4 lần, bình thân.

– Lễ tất: Lại xướng: “Bách quan phân ban thị lập”. Nghi chế ty đến giữa ngự đạo quỳ tâu: “Lễ tất”. Giáo phường ty và các thự Đồng văn Nhã nhạc tấu khúc nhạc Hưu minh (nhạc nổi). Vút roi. Vua ngự về cung. Quan tư lễ giám bưng các tờ biểu đệ tiến vào nội điện (nhạc nghỉ). Công hầu bá và các quan văn võ đều thứ tự đi ra[30].

Lễ Thánh thọ được nghi chép trong Lịch triều hiến chương loại chí vào thời điểm thời Lê Trung Hưng. Vua Lê chỉ được coi là biểu tượng vương quyền của dòng dõi đế vương, chỉ có hư vị, không có thực quyền vì vậy rất có thể tính trang trọng từ nghi trượng đến các bước diễn ra lễ Thánh thọ có lẽ đã được giảm bớt.

Mặc dù dưới thời Lê Trung hưng, những nghi lễ của triều đình có sự biến đổi do ảnh hưởng của tình hình chính trị tuy nhiên có thể nói trong những lễ đại triều thường kỳ của cung đình Thăng Long thì Lễ Thánh thọ vẫn là một nghi lễ quan trọng. Với ý nghĩa là lễ chúc mừng vua, chúc vua vạn thọ vô cương để chế độ vững bền, trong cung đình Thăng Long, Lễ Thánh thọ tồn tại hơn bảy thế kỷ và còn kéo dài đến tận thời Nguyễn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Tập 1, Nxb Khoa học xã hội.

2. Điển chế và pháp luật Việt Nam thời trung đại (2011), tập 2, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH.

3. Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện Khxh, Viện sử học, Nxb Giáo dục.

4. Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục Viện Sử học, Nxb Văn hóa thông tin.

5. Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án (1970), Tang thương ngẫu lục, Quyển nhất, Bộ Giáo dục xuất bản.

6. Lý Lam Nhinh, Cố Đạo Hinh, Vương An Hậu, Hàn Quảng Trạch (2006), Sinh hoạt trong cung đình Trung Quốc, Nxb Lao động.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1] Lê Quý Đôn (2006), Vân đài loại ngữ, Trần Văn Giáp biên dịch, khảo đính NXB Văn hóa thông tin, tr. 198

[2] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1998), tập 1, Nxb Khxh, tr.85

[3] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1998), tập 1, Nxb Khxh, tr.90

[4] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 237

[5] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 238

[6] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 239

[7] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 239

[8] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 239.

[9] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 240

[10] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 241

[11] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục,, tr. 241

[12] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 244

[13] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 246

[14] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 246

[15] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 246

[16] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 246

[17] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 247

[18] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 248

[19] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục,, tr. 248

[20] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục,, tr. 249

[21] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 602

[22] Lễ khánh tiết: lễ sinh nhật vua

[23] Lễ khánh thọ: lễ chúc thọ vua

[24] Xem lễ nghi chí

[25] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 2, Nxb Giáo dục, tr. 166

[26] Phan Huy Chú (2007),  Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 2, Nxb Giáo dục, tr. 100

[27] Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án (1970), Tang thương ngẫu lục, Quyển nhất, Bộ Giáo dục xuất bản, tr.26-27

[28] Tư thần lang: một viên quan giữ việc cứ đến gần sáng thì báo hiệu, gọi là báo hiểu nghĩa là báo cho biết là đã sáng rồi.

[29] Quan ở lục khoa

[30] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 775-777

Đinh Thị Nguyệt

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button