Một vài nét về Lễ Cải nguyên trong cung đình từ thời Lý đến thời Lê
Hệ thống nghi lễ cung đình dưới thời phong kiến có thể chia làm hai loại: nghi lễ triều hội và nghi lễ tế tự. Những nghi lễ triều hội liên quan đến những công việc triều chính, giải quyết các vấn đề trọng đại của dân tộc, nghi lễ tế tự cung đình là việc tế lễ tại tông miếu của hoàng gia và lập đàn cúng tế mang tính chất và tầm cỡ quốc gia. Trong nghi lễ triều hội, có những nghi lễ thường kỳ nhưng cũng có nghi lễ mang tính chất không thường kỳ. Trong những nghi lễ không thường kỳ đó, sau nghi lễ Đăng quang có thể nói lễ Cải nguyên cũng có vai trò rất quan trọng.
Lễ Cải nguyên nghĩa là thay đổi kỷ nguyên hay còn gọi là lễ đổi niên hiệu. Niên hiệu (giản thể: 年号, phồn thể: 年號, bính âm: niánhào) là một giai đoạn gồm các năm nhất định được các hoàng đế Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản sử dụng. Mỗi vua thường có một hoặc nhiều niên hiệu riêng. Sau niên hiệu là số năm (thông thường bắt đầu từ ngày đầu năm mới âm lịch)[1]. Hay theo Hán Việt tân từ điển, Nguyễn Quốc Hùng, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1975: Niên hiệu là “tên hiệu của một vị vua, dùng để tính năm, kể từ năm vị đó lên ngôi”[2]. Hệ thống tên trị vì được khởi xướng ở Trung Quốc cổ đại khi một vị vua mới lên ngôi và vị vua mới tính toán lại số năm trị vì của mình để phân biệt mình với vị vua trước đó.
Niên hiệu là danh hiệu của vị vua được đặt khi lên ngôi để thần dân trong nước gọi thay cho tên chính, đồng thời để tính năm trị vì. Niên hiệu được coi là một trong những biểu tượng của quyền lực hoàng gia và chỉ được dùng cho hoàng đế (không giống như định nghĩa tên hiệu). Ý nghĩa của những chữ trong niên hiệu bắt nguồn từ triết lý vương quyền trong Nho giáo. Theo lý thuyết này, vua là thiên tử, cai trị đất nước là do mệnh trời sắp đặt, thay trời hành đạo nên niên hiệu còn thể hiện mong muốn, mục đích về thời gian trị vì. Vị hoàng đế nào lên ngôi đều có niên hiệu để biểu hiện với dân rằng bắt đầu từ đây là một kỷ nguyên mới và thường mang ý nghĩa tốt đẹp. Việc hoàng đế muốn đổi niên hiệu khác thì được gọi là cải nguyên nghĩa là “thay đổi kỉ nguyên”.
Đối với nhà vua, tên hiệu của vua còn thể hiện tính tôn nghiêm và uy quyền của bậc đế vương. Trong các văn bản của triều đình phong kiến và trong dân gian, có một quy định rất quan trọng để tránh phạm húy nghĩa là phải tránh đọc hay viết tên của nhà vua. Và để tăng tính tôn nghiêm và thần thánh hóa vương quyền, cổ luật thời phong kiến không những cấm viết mà còn cấm cả việc đọc tên thật của nhà vua. Vì vậy, niên hiệu rất quan trọng để người dân gọi vị vua thay bằng tên thường và phân biệt thời kỳ trị vì của các vị vua khác nhau trong lịch sử.
Về nguyên tắc, niên hiệu được lựa chọn rất cẩn thận vì nó là danh hiệu của người đứng đầu quốc gia với quyền lực to lớn. Niên hiệu khi đọc lên nghe phải có âm vang và trong sáng, ý nghĩa gửi gắm những sự cầu ước, nói lên điềm lành và có sự gắn kết với triết lý vương quyền, thần linh.
Người bắt nguồn đầu tiên sử dụng niên hiệu là vua Hán Vũ Đế. Trong suốt thời gian ông trị vì từ năm 140 TCN đến 87 TCN, Vũ Đế đặt 11 niên hiệu, trong đó 6 niên hiệu đầu được ông đều đặn đổi 6 năm 1 lần; 4 niên hiệu sau đó đổi đều đặn 4 năm 1 lần. Các đời vua sau đó, mỗi một vị vua lại có cách đặt niên hiệu khác nhau. Các hoàng đế thời Minh và Thanh thường chỉ sử dụng một niên hiệu trong suốt thời gian trị vì của họ, do vậy người ta thường dùng niên hiệu để gọi tên hoàng đế của các triều đại này.
Tại Việt Nam, Lý Bôn (544-549) là vua đầu tiên đặt niên hiệu là Thiên Đức. Việc đặt niên hiệu các giai đoạn về sau không được liên tục nhưng đến từ vua Đinh Tiên Hoàng (968-979) đến vua Bảo Đại (1926-1945), vị nào cũng có niên hiệu. Niên hiệu có ý nghĩa rất quan trọng trong ý thức hệ của các vị vua dưới thời kỳ phong kiến. Mỗi niên hiệu được đặt ra đều có ý nghĩa thể hiện sự mong muốn và phương trâm trị vì của vị vua đó.
Các triều đại phong kiến Việt Nam có tất cả 144 niên hiệu, trong đó niên hiệu từ thời Lý đến Lê có 119 niên hiệu. Cụ thể[3]:
STT | Niên hiệu | Thời gian | Đời vua |
1. | Thuận Thiên | 1010-1028 | Lý Thái Tổ |
2. | Thiên Thành | 1028-1034 | Lý Thái Tông |
3. | Thông Thụy | 1034-1039 | |
4. | Càn Phù Hữu Đạo | 1039-1042 | |
5. | Minh Đạo | 1042-1044 | |
6. | Thiên Cảm Thánh Vũ | 1044-1049 | |
7. | Sùng Hưng Đại Bảo | 1049-1054 | |
8. | Long Thụy Thái Bình | 1054-1058 | Lý Thánh Tông |
9. | Chương Thánh Gia Khánh | 1059-1065 | |
10. | Long Chương Thiên Tự | 1066-1068 | |
11. | Thiên Huống Bảo Tượng | 1068-1069 | |
12. | Thần Vũ | 1069-1072 | |
13. | Thái Ninh | 1072-1076 | Lý Nhân Tông |
14. | Anh Vũ Chiêu Thắng | 1076-1084 | |
15. | Quảng Hựu | 1085-1092 | |
16. | Hội Phong | 1092-1100 | |
17. | Long Phù | 1101-1109 | |
18. | Hội Tường Đại Khánh | 1110-1119 | |
19. | Thiên Phù Duệ Vũ | 1120-1126 | |
20. | Thiên Phù Khánh Thọ | 1127-1127 | |
21. | Thiên Thuận | 1128-1132 | Lý Thần Tông |
22. | Thiên Chương Bảo Tự | 1133-1138 | |
23. | Thiệu Minh | 1138-1140 | Lý Anh Tông |
24. | Đại Định | 1140-1162 | |
25. | Chính Long Bảo Ứng | 1163-1174 | |
26. | Thiên Cảm Chí Bảo | 1174-1175 | |
27. | Trinh Phù | 1176-1186 | Lý Cao Tông |
28. | Thiên Tư Gia Thụy | 1186-1202 | |
29. | Thiên Gia Bảo Hựu | 1202-1205 | |
30. | Trị Bình Long Ứng | 1205-1210 | |
31. | Kiến Gia | 1211-1224 | Lý Huệ Tông |
32. | Càn Ninh[4] | 1211-1216 | Lý Nguyên vương |
33. | Thiên Chương Hữu Đạo | 1224-1225 | Lý Chiêu Hoàng |
34. | Kiến Trung | 1225-1232 | Trần Thái Tông |
35. | Thiên Ứng Chính Bình | 1232-1251 | |
36. | Nguyên Phong | 1251-1258 | |
37. | Thiệu Long | 1258-1272 | Trần Thánh Tông |
38. | Bảo Phù | 1273-1278 | |
39. | Thiệu Bảo | 1279-1285 | Trần Nhân Tông |
40. | Trùng Hưng | 1285-1293 | |
41. | Hưng Long | 1293-1314 | Trần Anh Tông |
42. | Đại Khánh | 1314-1323 | Trần Minh Tông |
43. | Khai Thái | 1324-1329 | |
44. | Khai Hựu | 1329-1341 | Trần Hiến Tông |
45. | Thiệu Phong | 1341-1357 | Trần Dụ Tông |
46. | Đại Trị | 1358-1369 | |
47. | Đại Định | 1369-1370 | Dương Nhật Lễ |
48. | Thiệu Khánh | 1370-1372 | Trần Nghệ Tông |
49. | Long Khánh | 1372-1377 | Trần Duệ Tông |
50. | Xương Phù | 1377-1388 | Trần Phế Đế |
51. | Quang Thái | 1388-1398 | Trần Thuận Tông |
52. | Kiến Tân | 1398-1400 | Trần Thiếu Đế |
53. | Thánh Nguyên | 1400-1400 | Hồ Quý Ly |
54. | Thiệu Thành | 1401-1402 | Hồ Hán Thương |
55. | Khai Đại | 1403-1407 | |
56. | Hưng Khánh | 1407-1408 | Giản Định Đế |
57. | Trùng Quang | 1409-1413 | Trần Quý Khoáng |
58. | Thiên Khánh | 1426-1427 | Trần Cảo |
59. | Thuận Thiên | 1428-1433 | Lê Thái Tổ |
60. | Thiệu Bình | 1434-1439 | Lê Thái Tông |
61. | Đại Bảo (hay Thái Bảo) |
1440-1442 | |
62. | Đại Hòa (hay Thái Hòa) |
1443-1453 | Lê Nhân Tông |
63. | Diên Ninh | 1454-1459 | |
64. | Thiên Hưng | 1459-1460 | Lê Nghi Dân |
65. | Quang Thuận | 1460-1469 | Lê Thánh Tông |
66. | Hồng Đức | 1470-1497 | |
67. | Cảnh Thống | 1498-1504 | Lê Hiến Tông |
68. | Thái Trinh | 1504-1504 | Lê Túc Tông |
69. | Đoan Khánh | 1505-1509 | Lê Uy Mục |
70. | Hồng Thuận | 1509-1516 | Lê Tương Dực |
71. | Quang Thiệu | 1516-1522 | Lê Chiêu Tông |
72. | Thống Nguyên | 1522-1527 | Lê Cung Hoàng |
73. | Minh Đức | 1527-1529 | Mạc Thái Tổ |
74. | Đại Chính | 1530-1540 | Mạc Thái Tông |
75. | Quảng Hòa | 1540-1546 | Mạc Hiến Tông |
76. | Vĩnh Định | 1547-1547 | Mạc Tuyên Tông |
77. | Cảnh Lịch | 1548-1553 | |
78. | Quang Bảo | 1554-1561 | |
79. | Thuần Phúc | 1562-1565 | Mạc Mậu Hợp |
80. | Sùng Khang | 1566-1577 | |
81. | Diên Thành | 1578-1585 | |
82. | Đoan Thái | 1586-1587 | |
83. | Hưng Trị | 1588-1590 | |
84. | Hồng Ninh | 1591-1592 | |
85. | Vũ An | 1592-1593 | Mạc Toàn |
86. | Bảo Định | 1592-1592 | Mạc Kính Chỉ |
87. | Khang Hựu | 1593-1593 | |
88. | Càn Thống | 1593-1625 | Mạc Kính Cung |
89. | Long Thái | 1623-1638 | Mạc Kính Khoan |
90. | Thuận Đức | 1638-1677 | Mạc Kính Vũ |
91. | Nguyên Hòa | 1533-1548 | Lê Trang Tông |
92. | Thuận Bình | 1548-1556 | Lê Trung Tông |
93. | Thiên Hựu | 1556-1557 | Lê Anh Tông |
94. | Chính Trị | 1558-1571 | |
95. | Hồng Phúc | 1572-1573 | |
96. | Gia Thái | 1573-1577 | Lê Thế Tông |
97. | Quang Hưng | 1578-1599 | |
98. | Thận Đức | 1600-1601 | Lê Kính Tông |
99. | Hoằng Định | 1601-1619 | |
100. | Vĩnh Tộ | 1619-1629 | Lê Thần Tông (lần 1) |
101. | Đức Long | 1629-1635 | |
102. | Dương Hòa | 1635-1643 | |
103. | Phúc Thái | 1643-1649 | Lê Chân Tông |
104. | Khánh Đức | 1649-1653 | Lê Thần Tông (lần 2) |
105. | Thịnh Đức | 1653-1658 | |
106. | Vĩnh Thọ | 1658-1662 | |
107. | Vạn Khánh | 1662-1662 | |
108. | Cảnh Trị | 1663-1671 | Lê Huyền Tông |
109. | Dương Đức | 1672-1674 | Lê Gia Tông |
110. | Đức Nguyên | 1674-1675 | |
111. | Vĩnh Trị | 1676-1679 | Lê Hy Tông |
112. | Chính Hòa | 1680-1705 | |
113. | Vĩnh Thịnh | 1705-1720 | Lê Dụ Tông |
114. | Bảo Thái | 1720-1729 | |
115. | Vĩnh Khánh | 1729-1732 | Lê Duy Phường |
116. | Long Đức | 1732-1735 | Lê Thuần Tông |
117. | Vĩnh Hựu | 1735-1740 | Lê Ý Tông |
118. | Cảnh Hưng | 1740-1786 | Lê Hiển Tông |
119. | Chiêu Thống | 1786-1788 | Lê Mẫn Đế |
Trong các thời thì các vua thời Lý được ghi chép lại với 32 niên hiệu qua 9 đời vua chính thức và nhiều niên hiệu với 4 chữ. Có thể nói đây là một đặc điểm rất đặc sắc. Chúng ta có thể đi phân tích ý nghĩa của các niên hiệu dưới thời Lý để thấy thuyết Thiên mệnh có ảnh hưởng như thế nào đến cách đặt niên hiệu.
- Lý Thái Tổ tên thật là Lý Công Uẩn nắm ngôi từ năm 1009-1028 là vị “vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thì mở vận, là người khoan từ nhân thứ, tính mật ôn nhã, có lượng đế vương”. Trong thời gian làm vua, Lý Thái Tổ chỉ đặt một niên hiệu là Thuận Thiên có nghĩa là thuận ý trời, thuận theo mệnh trời, theo thiên đạo.
- Lý Thái Tông tên thật là Lý Phật Mã, 26 năm (1028-1054) ở trên ngôi báu đã được coi “là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, trong lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy nên có thể làm mọi việc”.
Trong thời gian làm vua, Lý Thái Tông đã đặt 6 niên hiệu là:
– Thiên Thành (1028-1034) nghĩa là trời tác thành mà được làm vua.
– Thông Thụy (1034-1039) nghĩa là điềm lành thông suốt.
– Càn Phù Hữu Đạo (1039-1042) nghĩa là Trời ban mệnh và phù giúp có thiên đạo.
– Minh Đạo (1042-1044) nghĩa là đạo Trời sáng tỏ.
– Thiên Cảm Thánh Vũ (1044-1049) nghĩa là Trời cảm ứng mà ban cho mưa móc.
– Sùng Hưng Đại Bảo (1049-1054) nghĩa là nhờ sùng kính Trời mà được báu vật lớn.
- Lý Thánh Tông tên thật là Lý Nhật Tôn, làm vua 18 năm (1054-1072). Trong thời gian làm vua, Lý Thánh Tông đã đặt 5 niên hiệu là:
– Long Thụy Thái Bình (1054-1058) nghĩa là điềm rồng xuất hiện báo hiệu nền thái bình tốt đẹp.
– Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065) nghĩa là Thánh thần phù trợ đem đến sự rạng rỡ, tốt đẹp, vui mừng.
– Long Chương Thiên Tự (1066-1068) nghĩa là ngôi rồng là kẻ thừa tự rạng rỡ của Trời.
– Thiên Huống Bảo Tượng (1068-1069) nghĩa là Trời ban phúc cho con voi quý.
– Thần Vũ (1069-1072) nghĩa là biểu dương vũ lực như thần của hoàng đế.
- Lý Nhân Tông tên thật là Lý Càn Đức, ở ngai báu trong 55 năm (1072 -1127) là vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử. Sử sách ca ngợi Lý Nhân Tông là người “nhân hiếu, có tiếng đức tốt, trọng kén chọn danh thần, đặt khoa thi Tiến sĩ…cầu người hiền, nghe lời can, nhẹ thuế khóa, ít lao dịch cho nên tự hưởng cõi thái bình, rất mực nên giàu thịnh[5]”
Trong thời gian làm vua, Lý Thánh Tông đã đặt 8 niên hiệu là:
– Thái Ninh (1072-1076) nghĩa là thiên hạ được an ninh cực lạc.
– Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084) nghĩa là vũ lực hùng mạnh đem lại chiến thắng rực rỡ.
– Quảng Hựu (1085-1092) nghĩa là sự phù hộ lan tỏa rộng khắp.
– Hội Phong (1092-1100) nghĩa là sự hội tụ phong phú.
– Long Phù (1101-1109) nghĩa là điềm rồng xuất hiện báo hiệu sự phù trợ tốt đẹp.
– Hội Tường Ðại Khánh (1110-1119) nghĩa là hội tụ các điều tốt lành lớn.
– Thiên Phù Duệ Vũ (1120-1126) nghĩa là Trời phù giúp để có võ công rực rỡ.
– Thiên Phù Khánh Thọ (1127) nghĩa là Trời phù hộ của vua được hưởng thọ.
- Lý Thần Tông tên thật là Lý Dương Hoán, làm vua 10 năm (1128-1138) đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực nhằm ổn định xã hội, tăng cường sức mạnh của đất nước và được đánh giá là vị vua biết “sửa sang chính sự, nhậm dụng hiền năng, đặt khoa Hoành từ, định lệnh binh nông, xét về mặt chính trị cũng là bậc siêng năng”.
Trong thời gian làm vua, Lý Thần Tông đã đặt 2 niên hiệu là:
– Thiên Thuận (1128-1133) nghĩa là thuận theo mệnh Trời.
– Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138) nghĩa là mệnh Trời rạng rỡ tôn quý.
- Lý Anh Tông tên thật là Lý Thiên Tộ, ở ngôi vua 37 năm (1138-1175), tỏ ra là người biết quản lý, điều hành chính trị, “không mê hoặc lời nói đàn bà, ký thác được người phụ chính hiền tài, có thể gọi là không hổ thẹn với trách nhiệm gánh vác”
Trong thời gian làm vua, Lý Anh Tông đã đặt 4 niên hiệu là:
– Thiệu Minh (1138-1139) nghĩa là nối tiếp sự anh minh.
– Đại Định (1140-1162) nghĩa là sự ổn định lớn.
– Chính Long Bảo Ứng (1163-1174) nghĩa là thiên chính ứng với đạo Trời.
– Thiên Cảm Chí Bảo (1174-1175) nghĩa là Trời cảm động mà ban vật quý.
- Lý Cao Tông tên thật là Lý Long Trát, làm vua trong 35 năm (1175-1210) tuy cũng làm được một số việc mà sử sách ghi nhận là tốt, nhất là giai đoạn những năm đầu làm vua nhưng chủ yếu ham chơi, đắm chìm trong tửu sắc. Sử chép: “Vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém”.
Trong thời gian làm vua, Lý Cao Tông đã đặt 4 niên hiệu là:
– Trinh Phù (1176-1186) nghĩa là theo phù mệnh Trời để bền vững.
– Thiên Tư Gia Thụy (1186-1202) nghĩa là điềm lành Trời ban.
– Thiên Gia Bảo Hựu (1202-1205) nghĩa là Trời ban phúc phù hộ họ Lý.
– Trị Bình Long Ứng (1205-1210) nghĩa là đất nước thái bình thịnh trị với điềm rồng ứng hiện.
- Lý Huệ Tông tên thật là Lý Hạo Sảm, ở ngôi trong 14 năm (1211-1224) khi mà vương triều nhà Lý đã suy yếu. Trong thời gian làm vua, Lý Huệ Tông chỉ đặt một niên hiệu là Kiến Gia, có nghĩa là xây dựng sự tốt lành.
- Lý Chiêu Hoàng tên thật là Lý Phật Kim, làm vua hơn 1 năm, từ tháng 10 năm Giáp Thân (1224) đến tháng 12 năm Ất Dậu (1225) thì bị họ Trần lập kế cướp ngôi thông qua “vở kịch” vợ nhường ngôi cho chồng. Trong thời gian làm vua, Lý Chiêu Hoàng chỉ đặt một niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo nghĩa là đạo Trời sáng tỏ[6].
Sự thay đổi của niên hiệu diễn ra rất nhiều dưới thời Lý là do ảnh hưởng của thuyết Thiên nhân cảm ứng. Thiên nhân cảm ứng là nhận thức cơ bản nhất về mối quan hệ tương hỗ giữa con người và vũ trụ của người Trung Hoa xưa, chính là lấy “Thiên nhân hợp nhất” làm cơ sở. Chính vì vậy, dưới thời Lý, nhà vua thường tiến hành đổi niên hiệu. Mỗi khi thay đổi niên hiệu, vua ban ra chiếu chỉ thông báo cho toàn dân được biết, việc thay đổi đó gọi là cải nguyên. Lễ Cải nguyên thường thấy khi xảy ra những sự kiện, biến cố quan trọng hoặc để ghi một dấu ấn đặc biệt nào đó. Thí dụ vào tháng 11 năm Giáp Thân (1044), sau khi đánh thắng Chiêm Thành, Lý Thái Tông đổi niên hiệu Minh Đạo thành niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ; hay như tháng giêng năm Bính Ngọ (1066) Nguyên phi Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử, Lý Thánh Tông mừng rỡ đã đổi niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thành Long Chương Thiên Tự; hoặc vào tháng 7 năm Bính Ngọ (1186), Lý Cao Tông sai người đi săn, bắt được voi trắng, cho đó là điềm tốt bèn đặt cho voi tên là Thiên Tư rồi xuống chiếu đổi niên hiệu là Thiên Tư Gia Thuỵ… Vị vua thay đổi niên hiệu nhiều lần như vua Lý Nhân Tông (1066-1128), ông đã đặt tất cả 8 niên hiệu, trở thành vị hoàng đế có nhiều niên hiệu nhất trong lịch sử.
Việc đổi niên hiệu trong trường hợp dịch bệnh hoành hành mãnh liệt chính là để nhân loại cần tự suy ngẫm lại bản thân, từ đó, quay về truyền thống, tích đức hành thiện. Đồng thời, khi con người minh chân tướng mới có thể bình an qua kiếp nạn. Khi đất nước có loạn lạc, dịch dã, mất mùa nhà vua tin rằng mình là con trời không làm tròn nhiệm vụ, đã vi phạm lỗi lầm nên phải sửa lỗi ăn năn, một trong những cách biểu hiện đó là bằng cách thay đổi niên hiệu. Bằng chứng là năm 1628, đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Tộ, có nạn đói kém nên năm 1629, vua đổi biên hiệu thành Đức Long. Vào giai đoạn sau, thuyết Thiên nhân cảm ứng được hạ thấp nên hoàng đế chỉ đặt một niên hiệu. Thời Tây Sơn, các hoàng đế Việt Nam (trừ Nguyễn Quang Toản) đều chỉ có một niên hiệu. Nguyễn Huệ có niên hiệu Quang Trung, Nguyễn Phúc Ánh có niên hiệu Gia Long, Nguyễn Phúc Đảm có niên hiệu Minh Mạng, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy có niên hiệu Bảo Đại….
Như vậy, niên hiệu và sự thay đổi niên hiệu là kết quả tất yếu của sự thay đổi các vương triều. Điều đó thể hiện mong muốn ý chí của các bậc trị vì vừa thể hiện nhu cầu, quy định về mặt quản lý hành chính với chế độ phong kiến. Ý nghĩa của những niên hiệu còn chứa đựng những giá trị tinh hoa của nền văn hóa Phương Đông.
Xét về mặt ý nghĩa, thì Lễ cải nguyên cũng bao gồm một chuỗi các nghi thức để bố cáo cho toàn dân thiên hạ biết về niên hiệu của vua được thay đổi giúp bộ máy chính quyền cũng như bách tính được biết và tuân theo. Về nghi thức của lễ Cải nguyên hiện nay dưới các thời Lý-Trần và Lê sơ không có nhiều tư liệu. Lịch triều hiến chương loại và Lê triều hội điển có ghi chép về nghi thức lễ Cải nguyên thời Lê Trung hưng. Qua tư liệu này, chúng ta thấy việc thực hiện lễ Cải nguyên phải được chúa thông qua. Phụng chỉ của chúa, trong ngày hôm trước, các quan đình thần bàn luận về việc đặt chữ niên hiệu và ân xá. Sau khi thống nhất thì làm tờ tâu lên niên hiệu mới và việc ân xá để được chúa phê duyệt. Tiếp đó, thì sang bên cung vua để vua chuẩn cho, Tư Thiên giám sẽ chọn này để cáo tế trời đất và các vị tôn vị ở điện miếu. Còn việc tế cáo điện miếu thần từ ở Thanh Nghệ và tứ trấn, truyền cho quan Tam ty lấy tiền công mua lễ vật mà làm. Quan hai ban văn võ, quan Ty lễ giám, quan Nhị ty các xứ, quan Phủ doãn và các quan trong kinh đều dâng lễ mừng theo thứ bậc.
* Chuẩn bị cho lễ Cải nguyên
Âm nhạc: Ty giáo phường bày dàn bát âm ở hai bên sân Đan Trì.
Nghi trượng trong điện: đặt tọa ngự ở giữa điện Thị Triều, đặt sập Ngự ở bên tả, đặt bảo án ở phía đông tòa Ngự. Cục Thừa dụ bày bàn hương phía nam điện.
Không gian nghi lễ tại sân Rồng: Ty Nghi vệ bày án để đạo chiếu và bốn chiếc tán vàng ở bên tả sân Đan Trì. Cục Thừa dụ bày hai chiếc kỷ gỗ để đạo chiếu bên tả sân Đan Trì (hơi lui xuống phía tây).
– Bày biện cờ phướn theo nghi thức.
Hệ thống quan chấp sự: 2 Dẫn chiếu án (dùng quan Hàn lâm), 1 Tuyên chiếu (dùng quan Đông các), 2 Mở chiếu (dùng quan Hàn lâm), 1 Điển lễ (dùng quan Bộ Lễ) đều đứng ở phía tây Đan Trì, 1 Đại Trí từ (dùng quan Thị lang) đứng bên hữu Đan Trì (cũng hướng đó), 2 Tự ban đứng ở hai bên, ngoài cửa Đoan Môn (cùng hướng, 1 ty Nghi vệ đứng bê tả sân Đan Trì, 2 viên Nhạc quan đứng ở hai bên sân Đan Trì, chỗ đặt dàn đại nhạc (hướng bắc), 4 viên Vút roi đứng ở hai bên phía Nam sân Đan Trì.
*Nghi thức lễ Cải nguyên
– Các quan sắp hàng ngoài cửa Đoan Môn: Sớm hôm đó, các ty bày nghi trượng ở hai bên sân Đan Trì. Bày dàn nhạc nhưng không tấu nhạc. Các đại thần hàng công, hầu, bá và bá quan văn võ vâng theo chỉ dụ của chúa thượng đều mặc phẩm phục đứng bên ngoài cửa Đoan Môn. Quan triều yết đứng ngoài cửa Càn Nguyên.
– Rước vua từ nội điện ra điện Thị Triều: Các viên chấp sự vào sân Đan Trì đứng hầu. Đến giờ rước Hoàng thượng từ chỗ ngự tạm vào điện Vạn Thọ. Quan Ty lễ giám tâu xin Hoàng thượng đội mũ mang đai. Quan giữ ấn dâng ấn. Quan Ty lễ giám ra trước sân Đan Trì tuyên chiếu, truyền cho các quan nghiêm chỉnh hàng ngũ để làm lễ ban chiếu. Rước giá đi ra. Quan Bưng ấn bưng ấn, tướng sĩ hộ vệ hộ tống đi theo đúng nghi lễ, rước đến sân điện Kính Thiên, chuông bắt đầu gióng, một viên Tự ban dẫn các đại thần đứng đầu ban và bá quan vào hai bên sân Đan Trì đứng hầu. Hai viên dẫn quan triều yết đứng thứ tự ngoài cửa Đoan Môn. Hai viên dẫn các quan đưa chiếu đứng hầu cuối thêm bên hữu sân Đan Trì. Hoàng thượng ngự lên ngai, quang Bưng ấn đặt ấn lên án.
– Các quan hành lễ: Người vút roi gióng chuông. Thông tán xướng: Bài ban (Ngoại tán cũng xướng như vậy), bá quan sắp xếp theo ban. Thông tán xướng: “Ban tề”, lại xướng: “Cúc cung ngũ bái tam khấu; Hưng, bình thân”.
– Truyền chiếu: quan Bưng chiếu đến giữa đường Ngự đạo, truyền cho phủ phục rồi quỳ. Một viên quan Ty lễ giám bưng một đạo chiếu trao cho quan Bưng chiếu rồi đi chếch ra mé đông đứng. Quan Bưng chiếu nhận lấy rồi đặt lên án. Quan Dẫn chiếu dẫn bốn viên Tự ban đến nâng án lên. Bốn viên Thiên bá hộ nâng tán vàng che hộ vệ. Từ bên tả sân Đan Trì đi hơi quá lên đặt giữa đường Ngự đạo. Quan Bưng chiếu đến bên án lấy chiếu. Quan Tuyên chiếu mở chiếu đều đứng lên kỷ gỗ, quan Bưng chiếu trao chiếu cho quan Tuyên chiếu. Quan Tuyên chiếu nhận lấy hô “Hữu chiếu”.
– Tuyên chiếu: Thông tán xướng: “Bá quan giai quỵ” (Ngoại tán cũng xướng như vậy). Quan Tuyên chiếu trao chiếu cho quan Mở chiếu. Quan Mở chiếu nhận lấy mở ra, quan Tuyên chiếu tuyên chiếu xong, trao chiếu cho quan Bưng chiếu. Quan Tuyên chiếu và quan Mở chiếu đều xuống khỏi kỷ đi về chỗ cũ. Quan Bưng chiếu đến giữa đường Ngự đạo dâng lên. Quan Ty lễ giám nhận lấy đặt lên án đi ra mé đông đứng. Quan Bưng chiếu phủ phục rồi đứng dậy đi về chỗ cũ. Hai viên Dẫn chiếu án dẫn bốn viên Tự ban đến dâng án lên. Thiên bá hộ che tán vàng theo, lại đặt trở lại bên tả Đan Trì. Thông tán xướng: “Phủ phục hưng, bình thân”. (Ngoại tán cũng xướng như vậy). Bá quan chia theo ban mà đứng.
– Tâu xin mang mang chiếu ra Quảng Văn Đình và ban bố các xứ: quan Hồng lô tự từ dưới ban bên tả sân Đan Trì đi tới giữa đường Ngự đạo quỳ xuống tâu: “Kính vâng đưa chiếu đến Quảng Văn Đình và các xứ, tất cả 13 đạo”. Tâu xong, phủ phục rồi đứng lên đi về chỗ cũ. Quan Điển lễ xướng: “Thụ chiếu”. Các quan Bưng chiếu, đưa chiếu đến giữa đường Ngự đạo đều vái 5 vái 3 khấu đầu rồi quỳ xuống. Một viên quan Ty lễ giám lấy trước một đạo chiếu ân xá trao cho quan Bưng chiếu. Một viên lại bưng 12 đạo chiếu còn lại trao cho các quan đưa chiếu nhận lấy từ giữa đường Ngự đạo đi ra. Quan Bưng chiếu bưng chiếu đến Quảng Văn Đình. Các quan đưa chiếu đưa chiếu đến các nơi. Các viên Chấp sự theo thứ tự từng ban tiến vào làm lễ 5 vái 3 khấn đầu rồi đi về vị trí cũ.
– Lễ tất: Ti Nghi chế đến giữa đường ngự đạo quỳ xuống tâu: “Lễ tất”. Rồi vút roi rước Hoàng thượng ngự giá về cung. Bá quan theo thứ tự đi ra.
Trên đây là nghi thức lễ Cải nguyên của thời kỳ Lê Trung hưng. Về trình tự, diễn tiến của Lễ Cải nguyên được Lịch triều hiến chương loại chí ghi chép là tương tự như Lễ Đăng quang chứng tỏ về quy mô của Lễ Cải nguyên cũng như Lễ Cải nguyên.
Như vậy, trong lịch sử phong kiến, niên hiệu có vai trò quan trọng trong việc trị vì cũng thể hiện ý thức hệ của chế độ phong kiến. Niên hiệu, lễ Cải nguyên nói riêng và nghi lễ cung đình từ lâu đã trở thành lịch sử. Tuy nhiên, dưới những triều đại thịnh trị, phát triển hay suy vong thì niên hiệu vẫn thể hiện những điều tốt đẹp được các hoàng đế gửi gắm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Tập 1, 2, 3, Nxb Khoa học xã hội
- Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục.
- Lê triều hội điển, Điển chế và pháp luật Việt Nam thời trung đại tập II (2011), NXB Khoa học xã hội.
- Lý Nham Hinh, Cố Đạo Hinh, Vương An Hậu, Hàn Quảng Trạch, Nguyễn Tiến Đoàn dịch (2006), Sinh hoạt trong cung đình Trung Quốc, Nxb Lao động.
- Ngô gia văn phái, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (TV. VNCHN), VHv.1743 và nhiều bộ khác.
- Bùi Hạnh Cẩn – Minh Nghĩa – Việt Anh: Trạng nguyên Tiến sĩ Hương cống Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Thông tin, 2002.
- Lê Quý Đôn: Toàn Việt thi lục, TV. VNCHN, A.1262 và nhiều bản khác.
- Trần Văn Giáp (Chủ biên): Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội – 1971, 1972.
- Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 1, Nxb. Văn hóa, Hà Nội-1984 và tập 2, Nxb. KHXH, Hà Nội – 1990.
- Lịch sử văn hóa Trung Quốc, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội – 1999.
- Trần Nghĩa – François Gros (Chủ biên): Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, Hà Nội – 1993.
- Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hóa, 1997.
- Thơ văn Lý – Trần, Nxb. KHXH, 1977, 1978, 1989.
- https://zh.wikipedia.org/wiki/年号
- https://baike.baidu.com/item/年号/ 103411
- https://dnulib.edu.vn/nien-hieu-la-gi/
- https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/15428/nien-hieu-cua-vua-trieu-ly-mang-y-nghia-gi.html
- https://nghiencuulichsu.com/2017/01/03/tim-hieu-ve-danh-tu-hieu-cua-nguoi-xua/
- https://danviet.vn/nien-hieu-cua-9-vua-trieu-ly-mang-y-nghia-gi-20230527181831043.htm
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ni%C3%AAn_hi%E1%BB%87u
[2] https://hvdic.thivien.net/hv/ni%C3%AAn%20hi%E1%BB%87u
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ni%C3%AAn_hi%E1%BB%87u_Vi%E1%BB%87t_Na-
[4] Nhà Lý suy yếu, ngoài niên hiệu Kiến Gia của Lý Huệ Tông còn có niên hiệu của Lý Nguyên vương (1214-1216) do Trần Tự Khánh dựng lên. Thời gian có 2 niên hiệu đồng thời là 3 năm (1214-1216).
[5] Việt giám thông khảo tổng luận trang 11b. trích theo https://nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Fulltext/106-Khao-tong-luan?uiLang=en
[6] https://danviet.vn/nien-hieu-cua-9-vua-trieu-ly-mang-y-nghia-gi-20230527181831043.htm
Đinh Thị Nguyệt