TÁI HIỆN CÁC NGHI LỄ TRUYỀN THỐNG CỦA CUNG ĐÌNH XƯA TẠI HOÀNG THÀNH THĂNG LONG

Sáng ngày 22/01/2025, nhân dịp 23 tháng Chạp ngày lễ ông Công, ông Táo theo văn hoá truyền thống của người Việt. Với mục đích nhằm khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và quảng bá hình ảnh của di sản lịch sử. Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức sự kiện tái hiện bốn nghi lễ quan trọng của triều đại phong kiến Việt Nam tại di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Sự kiện không chỉ thu hút đông đảo du khách mà còn mang đến những trải nghiệm độc đáo, giúp mọi người hiểu sâu hơn về phong tục, nghi lễ trang nghiêm của cha ông ta ngày xưa.

  1. Lễ Tiến lịch

Lễ Tiến lịch là một nghi lễ quan trọng được tổ chức vào cuối năm, khi triều đình dâng lên Hoàng đế tấm lịch mới của năm tiếp theo. Đây là nghi thức thể hiện sự cẩn trọng trong công việc trị quốc, an dân của triều đình xưa. Trong sự kiện tái hiện lần này, các quan viên trong triều phục trang nghiêm, thực hiện đầy đủ các công đoạn như trình dâng cuốn lịch, đọc chiếu chỉ ban bố thời gian chính thức của năm mới, và cầu chúc quốc thái dân an.

  1. Lễ thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời

Với quan niệm ông Công, ông Táo là những vị thần trông coi gia đạo, ghi chép công việc trong năm để báo cáo với Ngọc Hoàng, lễ thả cá chép trở thành một phong tục không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết đến. Tại sự kiện, lễ tế được tổ chức với đầy đủ nghi thức truyền thống, gồm mâm cỗ cúng tươm tất, hương đèn trang nghiêm, và đặc biệt là nghi thức thả cá chép tại khu vực hồ nước trong Hoàng thành. Hình ảnh những chú cá chép bơi lội tự do tượng trưng cho sự may mắn, thuận lợi trong năm mới.

  1. Lễ dựng cây Nêu ngày Tết

Tục dựng cây Nêu ngày Tết từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa của người Việt, với ý nghĩa xua đuổi tà ma, cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc. Tại Hoàng thành Thăng Long, nghi lễ được tái hiện sinh động với sự tham gia của các quan viên và người dân. Cây Nêu được trang trí bằng bùa chú, lá dứa, khánh đất, cá đất, đèn lồng, tạo nên không khí Tết cổ truyền rộn ràng. Cảnh tượng dựng cây Nêu trước sân di tích Đoan Môn trong khuôn viên di sản mang đến cảm giác thiêng liêng và đầy ý nghĩa.

  1. Lễ đổi gác tại cổng Đoan Môn

Lễ đổi gác tại cổng Đoan Môn là một nghi lễ quan trọng nhằm đảm bảo an ninh, thể hiện sự uy nghiêm của triều đình phong kiến. Sự kiện tái hiện đã mang đến cho du khách một góc nhìn chân thực về công tác canh phòng thời xưa, với đội ngũ lính gác trong trang phục chỉnh tề, vũ khí sẵn sàng, thực hiện nghi thức giao ca theo đúng trình tự truyền thống. Qua đó, du khách cảm nhận được kỷ cương và nghiêm minh của triều đình xưa.

Việc tái hiện các nghi lễ truyền thống tại di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long không chỉ mang tính giải trí mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quý giá của dân tộc. Sự kiện giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về phong tục tập quán cha ông, từ đó trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Đồng thời, hoạt động này còn là dịp để quảng bá hình ảnh Hoàng thành Thăng Long đến với bạn bè trong nước và quốc tế, khẳng định vị thế di sản văn hóa thế giới. Hoàng thành Thăng Long không chỉ là một công trình lịch sử mà còn là không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp mọi người thêm yêu và tự hào về truyền thống dân tộc.

(Một số hình ảnh sự kiện tái hiện các nghi lễ truyền thống tại hoàng thành thăng long)

Ban biên tập

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button