HỘI THẢO QUỐC TẾ TẠI HOÀNG THÀNH THĂNG LONG: KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỘNG ĐỒNG TRONG BẢO VỆ DI SẢN THẾ GIỚI VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Sáng ngày 21/5/2025, Trong không gian linh thiêng và cổ kính của Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long – biểu tượng ngàn năm văn hiến. Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững” đã chính thức khai mạc. Sự kiện do Bộ Ngoại giao – Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP Hà Nội đồng tổ chức. Đây là một hoạt động quan trọng nằm trong Kế hoạch Hành động giai đoạn 2021–2025 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bản ghi nhớ Hợp tác Việt Nam–UNESCO và Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030.

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – ông Hoàng Đạo Cương, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; ông Lazare Eloundou Assomo – Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới; bà Lê Thị Hồng Vân – Cục trưởng Cục Ngoại vụ và Ngoại giao Văn hóa, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; cùng đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện các địa phương sở hữu di sản; giới học giả, chuyên gia nghiên cứu trong các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, bảo tồn và đại diện cộng đồng tham gia. Hội thảo lần này không chỉ mang tính học thuật, mà còn mang tầm nhìn chiến lược, nhằm đánh giá một cách toàn diện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam. Sự kiện khẳng định vai trò thiết yếu của di sản trong chiến lược phát triển kinh tế–xã hội địa phương, nhất là thông qua tiếp cận dựa vào cộng đồng – tiếp cận từ gốc, từ lòng dân và vì người dân.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, nhấn mạnh rằng: “Di sản không chỉ là ký ức của quá khứ, mà còn là tài sản chiến lược cho tương lai, là nguồn lực để định vị bản sắc, củng cố gắn kết xã hội và thúc đẩy phát triển sáng tạo.” Đặc biệt, ông khẳng định vai trò trung tâm của cộng đồng trong quản lý và gìn giữ di sản, coi đây là nguyên tắc cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững. Chính cộng đồng là người sống cùng di sản, gìn giữ tri thức bản địa, văn hóa truyền đời – và họ phải được trao quyền để trở thành chủ thể, không chỉ là người thụ hưởng. Từ thực tiễn, nhiều mô hình đồng quản lý di sản, điển hình là tại Quần thể Danh thắng Tràng An, đã chứng minh hiệu quả khi cộng đồng – đặc biệt là phụ nữ và thanh niên – được tham gia thực chất, trở thành nhân tố trung tâm trong phát triển sinh kế, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội – bà Vũ Thu Hà, đã nêu bật vị thế đặc biệt của Hà Nội trong chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Bà nhấn mạnh: “Hà Nội được biết đến là ‘Thành phố Di sản’ với 6.494 di tích lịch sử, trong đó có những di sản mang tầm nhân loại như Hoàng thành Thăng Long, Hội Gióng, Ca trù, bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám… Đây chính là nguồn lực to lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch văn hóa”. Thành phố Hà Nội luôn xác định rõ: đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai. Bên cạnh việc bảo tồn các giá trị truyền thống, Hà Nội đang triển khai định hướng xây dựng không gian sáng tạo gắn với di sản, đồng thời thúc đẩy mô hình “di sản số” – nơi các giá trị văn hóa được số hóa, lan tỏa và tái tạo trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức hiện hữu trong công tác bảo tồn di tích khảo cổ học sâu dưới lòng đất, đặc biệt tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – nơi đan xen giữa bảo tồn, phát triển đô thị và nhu cầu hiện đại hóa. “Thành phố mong muốn nhận được nhiều sáng kiến, giải pháp thiết thực từ các chuyên gia quốc tế và trong nước, cùng đồng hành trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản hướng đến phát triển bền vững,” bà nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới – ông Lazare Eloundou Assomo đã có phần trình bày chuyên sâu, giải đáp các vấn đề được đặt ra, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc bảo vệ di sản theo cách tiếp cận dựa vào cộng đồng. Ông ghi nhận những nỗ lực nổi bật của Việt Nam trong thời gian qua và khẳng định UNESCO luôn đồng hành cùng các quốc gia thành viên trong thực hiện Công ước Di sản Thế giới năm 1972.

Các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, ban quản lý di sản và các tổ chức quốc tế đều nhất quán nhấn mạnh vai trò trung tâm của cộng đồng, đúng với tinh thần của UNESCO khi đưa “Community” vào 1 trong 5 chữ “C” cốt lõi của chiến lược Di sản Thế giới. Chính cộng đồng là người sống cùng di sản, hiểu rõ và truyền đời những tri thức gắn liền với nó. Khi cộng đồng được trao quyền thực chất, không chỉ được lắng nghe mà còn tham gia vào quản lý, giám sát và hưởng lợi công bằng thì hiệu quả bảo tồn sẽ trở nên bền vững và có sức sống lâu dài. Các đại biểu tập trung thảo luận về những nhóm vấn đề cốt lõi liên quan đến chính sách, năng lực cộng đồng, mô hình quản trị, công nghệ số và hợp tác quốc tế. Tư duy bảo tồn di sản hiện nay không chỉ là “giữ lại” mà phải là “làm sống lại” bằng cách kể chuyện mới, tiếp cận mới, đặc biệt qua công nghệ và sáng tạo đương đại. Thủ đô Hà Nội với định hướng trở thành “thành phố sáng tạo” đang thử nghiệm các mô hình kết nối di sản với nghệ thuật đương đại, không gian sáng tạo, du lịch văn hóa có chiều sâu, tất cả đều dựa trên nền tảng tôn trọng và trao quyền cho cộng đồng.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp, rút ra nhiều kết luận và đề xuất một số kiến nghị thiết thực, trong đó nhấn mạnh:

  1. Thiết lập cơ chế pháp lý mạnh mẽ để cộng đồng được tham gia thực chất vào quá trình quản lý di sản;
  2. Đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao năng lực cộng đồng địa phương trong bảo tồn và phát triển sinh kế;
  3. Lồng ghép tri thức bản địa vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và hiện đại hóa;
  4. Thúc đẩy mô hình đồng quản lý, trong đó cộng đồng giữ vai trò giám sát, đồng thời là người ra quyết định;
  5. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, AI, dữ liệu lớn để quảng bá và bảo tồn di sản một cách sáng tạo;
  6. Mở rộng hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng mạng lưới bảo vệ di sản toàn cầu.

Hội thảo quốc tế ngày 21/5/2025 tại di sản Hoàng thành Thăng Long là bước khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong bảo tồn di sản không chỉ với tư cách là quốc gia sở hữu, mà còn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, thể hiện rõ qua việc Việt Nam ứng cử vào Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023–2027. Sự kiện đặc biệt này cũng thể hiện tinh thần của cuộc gặp thân mật một ngày trước giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO – ông Lazare Eloundou Assomo, trong đó Tổng Bí thư nhấn mạnh quyết tâm của Việt Nam trong việc đưa Hà Nội phát triển thành một thủ đô văn minh, hiện đại, kế thừa truyền thống ngàn năm lịch sử của Thăng Long. Từ Hoàng thành Thăng Long – trung tâm lịch sử, văn hóa của đất nước một thông điệp mạnh mẽ được lan tỏa: “Chỉ khi cộng đồng được đặt vào trung tâm thì di sản mới thực sự sống động, bền vững và lan tỏa”.

(Một số hình ảnh của Hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững” tại di sản Hoàng thành Thăng Long)

Ban biên tập

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button