Tổ chức hành chính Thăng Long thời Trần

Thăng Long là kinh đô của cả nước, bởi vậy, đây là nơi tập trung cơ quan hành chính đầu não của cả nước – triều đình. Đồng thời, Thăng Long cũng có tổ chức hành chính như các lộ (tỉnh) khác trên cả nước. Tức là cũng giống như ngày nay, Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan của Trung ương, đồng thời cũng có cả tổ chức hành chính riêng của thành phố Hà Nội –  ta vẫn gọi là chính quyền thành phố.

Về mặt hành chính, vua là người đứng đầu triều đình, là người đưa ra quyết định cuối cùng về tất cả những vấn đề đối nội, đối ngoại. Đó cũng là người nắm giữ mọi quyền lực tối cao trong phạm vi một nước, kể cả quyền tước đoạt mạng sống của người khác. Giúp đỡ vua là một hệ thống cơ quan, thường chia làm các bộ, phổ biến nhất là 6 bộ, còn gọi là lục bộ, và một đội ngũ quan lại giúp vua điều hành công việc. Tổ chức hành chính trong triều đình nhà Trần cũng thế. Tuy nhiên, thời nhà Trần, tổ chức hành chính triều đình có sự cải tiến tương đối lớn. Về hình thức, nhà vua vẫn là người đứng đầu, điều hành và quyết định mọi việc. Nhưng thực tế, quyền lực tối cao lại nằm trong tay Thái thượng hoàng. Thái thượng hoàng là bố hoặc ông nội của vua. Việc đặt ra lệ này là nhằm giữ cho được ngôi báu của họ Trần. Do quyền lực nằm trong tay Thái thượng hoàng, nên nhà vua trong thời kỳ này thực chất giống như đang ở thời kỳ tập sự, học việc làm vua. Cũng do còn ngôi vị Thái thượng hoàng, nên nhà Trần hầu như không xảy ra nạn tranh giành ngôi báu giữa anh em cốt nhục. Khi Thái thượng hoàng qua đời, nhà vua đã được rèn giũa trở thành người điều hành chính sự hoàn toàn cứng cáp, đồng thời ngôi vị nhà vua đã được “đóng đinh”, định hình chắc chắn trong hoàng gia và hàng ngũ quan lại. Đó chính là sự bảo đảm chắc chắn cho ngôi báu không bị đảo chính. Nếu lỡ không may, nhà vua qua đời trước Thái thượng hoàng, việc sắp xếp người kế vị ngôi báu cũng đã có Thái thượng hoàng đứng ra lo liệu. Nạn tranh ngôi, đoạt vị hay chia bè, kéo phái trong triều đình cũng được hạn chế đáng kể.

Về chính quyền của Kinh đô Thăng Long, năm 2030, nhà Trần cho đặt Ty Bình Bạc; năm 1265 đổi thành Đại An Phủ sứ; năm 1341 đổi là Kinh sư Đại doãn; năm 1394 lại gọi là Trung Đô doãn. Đứng đầu bộ máy hành chính của Kinh đô Thăng Long là chức quan Kinh doãn. Đây là chức quan được khảo duyệt kỹ càng bậc nhất trong số những chức quan đứng đầu chính quyền địa phương. Muốn được bổ làm Kinh doãn, người này phải kinh qua thực tế cai quản ở các lộ, các phủ khác. Sau đó, trải qua quá trình khảo duyệt kỹ càng, người này được điều về làm An phủ sứ lộ Thiên Trường. Lộ Thiên Trường là địa phương quan trọng thứ 2, sau Kinh đô, thời nhà Trần vì đây là quê hương của vua Trần. Đây cũng là nơi đặt hành cung, cung điện dành cho Thái thượng hoàng sinh sống và làm việc. Làm An phủ sứ một thời gian, lại qua khảo duyệt, nếu đủ điều kiện thì mới được bổ về triều đình làm Thẩm hình viện sự. Sau đó mới được bổ làm Kinh sư Đại An phủ sứ, hay Kinh đô Đại doãn, tức viên quan đứng đầu chính quyền ở Kinh đô Thăng Long.

Các nhà sử học cho rằng, chính nhờ chính sách khảo duyệt khắt khe như vậy, nên Thăng Long thời Trần đã có nhiều vị quan quản trị có tài năng, đức độ, được người đời kính trọng, như Trần Thì Kiến, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Đỗ…

Nguyễn Tào

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button