Nồi Hầu – người anh hùng dưới thời An Dương Vương
Thời Thục An Dương Vương bên cạnh thành cao, hào sâu, vũ khí lợi hại, An Dương vương còn có những tướng tài và lòng dân yêu nước vô song. Ngoài Cao Lỗ (người Bắc Ninh), An Dương Vương còn có Nồi Hầu.
Theo thần tích làng Chiêm Trạch (Cổ Loa), Nồi Hầu có tên là Nồi con của một người thợ làm nồi đất ở làng Canh ( nay là Tam Canh, Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) tên là Đào Hoằng. Từ nhỏ Nồi đã nổi tiếng thông minh, lại giỏi võ, giỏi vật nhất vùng. Gặp khi An Dương Vương mở kỳ võ để chọn người tài chống giặc, dân làng cử Nồi và cấp tiền gạo cho anh về kinh dự thi. Đô Nồi đà giật được giải và được cử làm tướng trong triều đình Âu Lạc.
Nồi Hầu được An Dương Vương bổ làm quan của nước Âu Lạc với tước hầu. Sau đó lấy mọt cô gái mồ côi trong làng và sinh được hai người con trai. Ông và hai người con trai là Đống Vịnh và Lý Vực đều được làm quan võ trong triều.
Khi cuộc chiến tranh chống nhà Triệu xảy ra, ngoài quân đội chính quy do An Dương Vương ban cấp, Nồi Hầu còn huy động được rất đông dân làng tham gia đánh giặc.
Sau khi chiếm được Cổ Loa, Triệu Đà đã sai người về làng Chiêm Trạch mang danh lợi ra dụ dỗ cha con Nồi Hầu. Nồi Hầu đã cự tuyệt lời dụ dỗ. Ba cha con ông lớn tiếng mắng Triệu Đà là quân phản bội. Ông Nồi còn tỏ ý tức giận không chém được đầu giặc để trả thù cho vua Thục chứ khi nào chịu làm tôi tớ cho quân cướp nước. Mua chuộc không được, Triệu Đà đem quân vây kín làng Chiêm Trạch, ba cha con Nồi Hầu cùng dân làng chống cự quyết liệt với quân Triệu nhưng quân giặc quá đông. Không chịu để giặc bắt, hai vợ chồng ông đã rút dao tự vẫn, hai người con cũng tự vẫn theo, kiên quyết chống giặc đến hơi thở cuối cùng.
Cả bốn người nhà ông Nồi được dân làng chôn ở khu gò ngoài rìa làng, sát đê sông Đuống. Hai làng Ngọc Chi và Vĩnh Thanh nay vẫn còn lập đền thờ.