Khu di tích thành Cổ Loa trong tương lai

Trong những năm gần đây, hình ảnh khu di tích kinh đô đầu tiên của Việt Nam đang dần đẹp lên thông qua một số dự án tu bổ tôn tạo trong khu vực Cổ Loa như: Am Mỵ Châu, đình Ngự triều di quy, đền An Dương Vương, đình-chùa Mạch Tràng, Giếng Ngọc, khảo cổ học Mắt Rồng, Bãi Mèn, Đồng Vông… cùng một số công trình giao thông đã hoàn thành như đường vào cửa Tây, cầu qua sông Hoàng, bãi để xe và một số hạng mục phụ trợ.

Thành phố đang triển khai dự án di chuyển và xây dựng mới trường tiểu học và trụ sở UBND xã Cổ Loa tại địa điểm mới, trả lại khuôn viên cho di tích. Một bảo tàng về Cổ Loa với sa bàn toàn cảnh dự kiến sẽ được xây dựng trong khuôn viên này.

Xã Cổ Loa hiện có 14 thôn, xóm trong đó 11 xóm ở trên, trong hoặc giữa các vòng thành. Điều này đã tạo nên sự khác biệt của Cổ Loa so với các khu di tích khác ở chỗ : Cổ Loa có sự gắn bó giữa đời sống dân gian vẫn liên tục tiếp diễn xen kẽ trong quần thể di tích. Cũng từ đây nảy sinh những khó khăn trong công tác bảo tồn. Theo thống kê năm 1997, số hộ dân trên mặt thành và hào là 330 hộ. Theo thống kê năm 2005 của Văn phòng Tư vấn và Chuyển giao công nghệ xây dựng – trường Đại học Kiến trúc HN (đơn vị lập báo cáo đầu tư tu bổ tôn tạo khu di tích Cổ Loa) thì tổng số dân trên đất thành là 394 hộ, trong đó khu thành Nội có 119 hộ. Sự tăng hộ này là do dân số tăng tự nhiên trong các xóm, làng (tỉ lệ tăng tự nhiên ở Cổ Loa là 1,33%/năm). Số nhà mới xây dựng vì thế cũng tăng lên, hầu hết là xây dựng trên đất thổ cư đã được cấp giấy phép quyền sử dụng đất.

Mặc dù là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng từ năm 1962 nhưng khu di tích Cổ Loa vẫn chưa có hồ sơ khoa học hoàn chỉnh xác định ranh giới vùng đệm và vùng bảo vệ. Điều này gây khó khăn cho việc tạo lập khung pháp lý đồng bộ liên quan đến việc chống xâm hại di tích theo luật Di sản. Từ đầu năm 2006, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo việc lập các dự án thành phần, trong đó tập trung vào các dự án tôn tạo di tích thuộc khu di tích Cổ Loa. Ngày 28-3-2006 đã có văn bản số 1204/UB-VX giao nhiệm vụ cho Sở VHTT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đồ án quy hoạch và giao UBND huyện Đông Anh kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hộ dân vi phạm di tích.

Sáng ngày 25-11-2006, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND Trịnh Đức Hồng đã dẫn đầu đoàn cán bộ Sở VHTT, Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành cổ, Sở Quy hoạch kiến trúc và các nhà báo trực tiếp đi khảo sát thực địa xung quanh vòng Thành Nội Cổ Loa, đền An Dương Vương, đình Ngự triều di quy… Trên con đường đất men theo vòng thành Nội, mọi người đã không khỏi xót xa khi trên nền thành cao xuất hiện một ngôi nhà hai tầng lớn hiện đại đang xây dựng dở dang. Và ngay gần đình Ngự triều di quy là ngôi nhà 3 tầng cao vượt cả mái đình. Nhiều vườn cau vua vẫn sừng sững vươn lên trên tường thành. Ai cũng tự hỏi khi người nông dân đánh cây đi bán thì họ sẽ xẻo theo không biết bao nhiêu đất từ thành cổ và sẽ làm nát vụn mặt thành.

Tại cuộc họp của đoàn với lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh đã thừa nhận về 3 trường hợp xây dựng vi phạm di tích từ năm 2002 đến nay. Thực tế hiện nay, đa số những hộ gia đình có nhà trên hoặc sát mặt thành đều mong muốn được sớm di dời, ổn định theo dự án di dân tái định cư để thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa. Sau khi nghe báo cáo từ địa phương và các sở, ban, ngành, PCT Ngô Thị Thanh Hằng đã đưa ra kết luận, trong đó nhấn mạnh việc chỉ đạo địa phương tuyệt đối không để xảy ra thêm vụ việc vi phạm trật tự xây dựng làm xâm hại đến di tích. Trong thời gian tới, sau khi quy hoạch và hồ sơ khoa học di tích chính thức được phê duyệt, Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành cổ HN sẽ phải tiến hành cắm mốc giới để có cơ sở bảo vệ các di tích. Một số hộ xây nhà cao tầng gây ảnh hưởng tới di tích sẽ bị yêu cầu tháo dỡ cho phù hợp. Trường hợp một số hộ tồn tại trong khu vực chuẩn bị lập dự án phục hồi thành và hào thì sẽ giải quyết di chuyển khi thực hiện dự án.

Về Đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa, tính đến ngày 16-11-2006, Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành cổ HN đã tiếp nhận ý kiến đóng góp của 6 bộ, ngành: Văn hóa Thông tin, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên môi trường, Viện Khoa học xã hội VN. Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành cổ HN (đơn vị chủ đầu tư) hiện đang tập hợp, tiếp thu, chỉnh sửa hoàn tất trong tháng 11-2006, trong tháng 12-2006 sẽ chính thức trình Chính phủ phê duyệt. Việc Chính phủ sớm thông qua Đồ án quy hoạch đã được chỉnh sửa sẽ là giải pháp đang được người dân mong đợi nhằm thúc đẩy việc chống xâm hại, bảo tồn, tôn tạo khu di tích phục vụ kỷ niệm sự kiện trọng đại 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào năm 2010.

Nguyễn Thu Thủy

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button