Đình Đình Bảng – Nơi lưu giữ tinh hoa kiến trúc dân gian Việt
Nằm tại phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đình Đình Bảng là một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 26/11/2024. Đây là niềm tự hào không chỉ của người dân Bắc Ninh mà còn của cả nền văn hóa dân gian Việt Nam.
Ngôi đình cổ 300 năm tuổi
Khởi công xây dựng từ năm 1700 và hoàn thành vào năm 1736, đình Đình Bảng được xem là một trong những ngôi đình cổ và đẹp nhất xứ Kinh Bắc. Công lao xây dựng thuộc về ông Nguyễn Thạc Lượng – một vị quan người làng Đình Bảng, cùng phu nhân là bà Nguyễn Thị Nguyên quê Thanh Hóa, đã dâng gỗ lim để dựng nên ngôi đình vững chãi và bề thế đến ngày nay.
Sau gần 300 năm, nhờ được bảo tồn, trùng tu, đình Đình Bảng vẫn giữ gần như nguyên vẹn
Ảnh: Nguyễn Tiến Trung
Tuyệt tác kiến trúc nhà sàn truyền thống
Đình được thiết kế theo kiến trúc chữ Công với ba phần chính: Đại bái, Ống muống và Hậu cung. Toàn bộ tòa Đại bái được dựng trên nền đá xanh cao ráo, có sàn gỗ cách mặt đất 0,7m, kết cấu bởi 10 hàng cột lim lớn với đường kính từ 0,55m đến 0,65m. Hệ mái tỏa rộng cùng những đầu đao cong vút tạo nên vẻ bề thế, mềm mại và uy nghi, đặc biệt phù hợp với khí hậu gió mùa của miền Bắc Việt Nam.
Kiến trúc độc đáo với các mái đao cong vút – Ảnh: Nguyễn Tiến Trung
Bên trong đình là hệ thống điêu khắc chạm trổ tinh xảo. Nổi bật là bức cửa võng lớn nằm ở gian giữa, phủ kín không gian từ xà thượng xuống mặt sàn, được chạm khắc cầu kỳ với các đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, hình rồng, ngựa, sư tử, hoa lá cách điệu… Tất cả thể hiện kỹ thuật đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc gỗ thế kỷ XVIII và đầu XIX. Theo các chuyên gia, đình Đình Bảng chính là “bảo tàng sống” của nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian Việt.
Với những nét chạm khắc tinh xảo, đình Đình Bảng được ví như bảo tàng về chạm khắc gỗ thế kỷ XVIII
Ảnh: Nguyễn Tiến Trung
Nơi lưu giữ giá trị tâm linh và lịch sử
Đình không chỉ là nơi thờ các vị thần Cao Sơn Đại Vương (Thần núi), Thủy Bá Đại Vương (Thần sông) và Bạch Lệ Đại Vương (Thần nông), mà còn phối thờ sáu vị Tổ có công khai lập làng thời Lê sơ. Đây từng là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân Đình Bảng.
Ngoài giá trị kiến trúc, đình Đình Bảng còn mang dấu ấn lịch sử cách mạng quan trọng. Ngày 18/8/1945, nơi đây chứng kiến sự ra đời của chính quyền cách mạng lâm thời xã Đình Bảng. Đặc biệt, trong các năm 1945 – 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bốn lần về thăm và làm việc tại đây. Năm 1946, đình Đình Bảng còn được chọn là địa điểm dự bị tổ chức phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I.
Trân quý và gìn giữ di sản
Trải qua gần 300 năm với bao thăng trầm của lịch sử và thời tiết, đình Đình Bảng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, cổ kính nhờ sự gìn giữ, trùng tu bền bỉ của người dân địa phương. Từ năm 1961, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, và đến năm 2024, tiếp tục được nâng hạng thành Di tích Quốc gia đặc biệt.
Sự công nhận này không chỉ khẳng định giá trị kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử của ngôi đình, mà còn là động lực để địa phương tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc, và là điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá miền quan họ xứ Kinh Bắc.
Nguyễn Tiến Trung