Vì sao kinh đô của nhà nước Âu Lạc được đặt tên là Thành Cổ Loa?

Sở dĩ gọi Loa Thành vì thành xây hình trôn ốc, bản đồ Cổ Loa cho ta thấy rất rõ điều này.

Tên Cổ Loa gồm hai từ Hán lập thành: Cổ + Loa. Cổ có nghĩa là “xưa”, Loa có nghĩa là “ốc”, nhìn một cách thuần tuý thì Cổ Loa có nghĩa là “ốc xưa”. Nghe không ổn lắm, đúng không các bạn? Đành rằng, Loa là “ốc”, nhưng “cổ” trong cụm từ của văn cảnh này không phải có nghĩa là “xưa”.

 

Lịch sử tên địa danh của nước ta cho đến nay còn rất nhiều vùng có chữ “cổ” đứng trước một tên, có ý nghĩa của vùng địa lý đó, ví dụ như Cổ Định (ở Nông Cống – Thanh Hóa), Cổ Bôn (ở Thiệu Hóa – Thanh Hóa), Cổ Chắt, Cổ Hiền (ở Thường Tín – Hà Tây)…

Nếu theo cụ Đào Duy Anh thì làng Cổ Bôn tên tục là Kẻ Bôn, khi đặt tên chữ mới trở thành Cổ Bôn, làng Cổ Định vốn tên tục là Kẻ Nưa (làng ấy có núi Nưa, nay vẫn còn) viết thành chữ Hán, rồi đến khi đặt tên chữ cho làng thì trở thành Cổ Ninh, sau đổi thành Cổ Định. Việc này, cụ Đào Duy Anh còn có dấu chứng bằng gia phả của họ Lê (Lê Bạt Tứ).

Đối chiếu chữ “cổ” trong Cổ Loa với lai lịch chữ “Cổ Bôn” và “Cổ Định”, có lẽ Cổ Loa là do tên nôm cũ là Kẻ Loa mà ra. Tập quán và lệ đặt tên địa danh của người Việt Nam, người ta thường lấy chữ “Kẻ” đứng trước một từ khác để gọi tên như: Kẻ Vẽ (Nhạc Vĩ), Kẻ Noi (Noi Duệ), Kẻ Trôi (Lôi Xá), Kẻ Mọc (Nhâm Mục), Kẻ Sặt (Tráng Liệt), Kẻ Bún (Phụng Thượng), Kẻ Mía (Cam Giá)… Khi phiên âm sang tiếng Hán để đặt tên chữ cho địa danh ấy thì tiếng “kẻ” trở thành “cổ” như Cổ Bổn, Cổ Ninh…

Như thế, có thể lắm khi đưa ra giả thuyết, Cổ Loa là do phiên âm từ “Kẻ Loa” của dân gian, mà Kẻ Loa là người làng có thành Loa.

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button