Triển lãm “Sống mãi với Thủ đô”
Chào mừng ngày di sản Việt Nam (23/11) và hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2016), Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội tổ chức triển lãm “Sống mãi với thủ đô”.
Triển lãm giới thiệu 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật theo 3 chủ đề: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”; “Hà Nội – 60 ngày đêm khói lửa” và “Giải phóng thủ đô 10/10/1954”, nhằm tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của quân dân thủ đô và cả nước trong những ngày đầu kháng chiến.
Ảnh 1: Bộ trang phục và Mũ ca nô của chiến sĩ vệ quốc quân năm 1946
Một không gian phố cổ Hà Nội thời điểm mùa đông năm 1946 được dựng lên với nhà cổ, cửa hiệu quen thuộc và những chiến lũy, công sự trên đường phố, gợi nhớ hình ảnh thủ đô Hà Nội những ngày khói lửa gian nguy, sục sôi khí thế chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tinh thần cảm tử ấy cũng được thể hiện và khắc họa đậm nét thông qua các tài liệu, hiện vật trưng bày.
Đến với triển lãm, khách tham quan có thể tìm hiểu nhiều tư liệu quý giá ghi lại những dấu mốc lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam. Đó là những hình ảnh về thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, hình ảnh chính quyền cách mạng non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái cả dân tộc vượt qua tình thế khó khăn, “ngàn cân treo sợi tóc”. Với mong muốn hòa bình, chúng ta đã chủ động đàm phán với Pháp để tránh một cuộc chiến tranh, giữ hòa bình cho cả hai dân tộc, bảo vệ độc lập cho Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp ước sơ bộ ngày 6/3/1946, sau đó ký Tạm ước 14/9/1946 để tạm thời hòa hoãn với Pháp, khôn khéo đuổi thù trong giặc ngoài để cứu vãn hòa bình. Tuy nhiên chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Quân Pháp đã gây hấn ở nhiều nơi, chúng cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở Phố Hàng Bún, Yên Ninh, gửi tối hậu thư cho ta đòi chiếm đóng Sở tài chính, đòi ta phải phá bỏ các công sự và đòi giữ gìn trị an ở Hà Nội. Chúng tuyên bố nếu các yêu cầu đó không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì quân Pháp sẽ chuyển sang hành động chậm nhất là sáng ngày 20/12/1946. Tình thế đó buộc Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta không có lựa chọn nào hơn là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu, phát động cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ độc lập dân tộc.
Ảnh 2: Vỏ đạn đại bác 75 ly từ Pháo đài Láng bắn vào nội thành Hà Nội đêm 19/12/1946
“Hà Nội – 60 ngày đêm khói lửa” là chủ đề chính của Triển lãm. Xuyên suốt chủ đề này là hình ảnh quân dân thủ đô anh dũng chiến đấu, huy động sức người sức của, không tiếc máu xương để bảo vệ từng góc phố, mái nhà thủ đô. Hưởng ứng lời hiệu triệu, kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp, cứu nước. Tại Hà Nội, tiếng súng từ Pháo đài Láng đêm 19/12/1946 đã mở đầu cho những trận đánh ác liệt của quân dân thủ đô chống Pháp. Nhiều trận đánh quyết tử đã diễn ra tại Bưu điện Hà Nội, Nhà Xô – va ( phố Hàng Tre), Trường Ke (phố Chợ Gạo), Nhà Đề – lê -vô (số 9 phố Cát Linh), Trường Trưng vương, Bắc Bộ phủ, Chợ Đồng Xuân… Hình ảnh người chiến sỹ vệ quốc quân ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, hình ảnh đội quyết tử của Trung đoàn thủ đô với lời thề “Sống chết với thủ đô” đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Đêm 17/2/1947, được lệnh rút quân, trung đoàn thủ đô đã tiến hành cuộc rút quân thần kỳ, bất ngờ, bí mật vượt sông Hồng và Sông Đuống ra vùng tự do, bảo toàn lực lượng.
Ảnh 3: Một tổ chiến đấu tiếp giáp với quân địch ở dãy phố trước mặt trong phố Hàng Chiếu, năm 1946-1947.
Tác giả: Nguyễn Bá Khoản (Nguồn: Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam)
Trong 60 ngày đêm kiên cường bám trụ, chiến đấu ngoan cường, quân dân Hà Nội đã làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, góp phần quan trọng để Trung ương Đảng, Chính phủ rút lên Việt Bắc an toàn, chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Đoàn quân ra đi để rồi 7 năm sau làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cả Hà Nội vui mừng chào đón các chiến sỹ trở về giải phóng thủ đô, ca khúc khải hoàn chiến thắng. Ngày 10/10/1954 trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội.
Trong khuôn khổ triển lãm còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa bổ trợ khác như Đại hội sách cũ Hà Nội. Đặc biệt là hoạt động tương tác tại triển lãm, khách tham quan có thể chụp ảnh lưu niệm trong trang phục truyền thống của quân dân Hà Nội thời kỳ 1945 – 1954.
Triển lãm được mở cửa từ 23/11/2016 đến 3/1/2017
Kim Yến
(Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội)