Tổng đốc Hoàng Diệu, tấm gương sáng ngời cho con cháu noi theo

Sáng nay, ngày 23/4/2018 (8/3 âm lịch), tại di tích Cửa Bắc, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 136 ngày mất tổng đốc Hoàng Diệu. Tham dự lễ dâng hương có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đ/c Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; đồng chí Nguyễn Đức Chung – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đại diện chính quyền phường sở tại và quận Ba Đình; các cán bộ, chiến sĩ quân đội, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể nhân dân; đại diện con cháu dòng họ Hoàng ở Xuân Đài (Quảng Nam); các thầy cô giáo và các em học sinh trường Tiểu học Hoàng Diệu cùng  đông đảo du khách thập phương.

hoangdieu01

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại di tích Cửa Bắc.

Tổng đốc Hoàng Diệu tên thật là Hoàng Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai. Ông sinh ngày 10 tháng 2 năm Mậu Tý (1829) trong một gia đình có truyền thống Nho giáo tại làng Xuân Đài (Diên Phước, Quảng Nam).

Từ năm 1879 đến 1882, Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Ninh, quản lý vùng trọng yếu nhất của Bắc Bộ là Hà Nội và vùng phụ cận. Ông đã lãnh đạo quân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân đội Pháp, bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng. Ngày 25 tháng 4 năm 1882 (tức ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ), thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu đã tuẫn tiết tại Võ Miếu để không rơi vào tay giặc.

Cô thành độc thủ chích thân đan
Khảng khái như công, thế sở nan
Cựu lục thiên thu truyền tiết liệt
Cô thần nhất tử kiến trung can
Thâu sinh thử nhật tâm do quí
Nghịch tặc đương niên cốt dĩ hàn
Thiên tải Nùng sơn tiêu chính khí
Anh hùng đáo xứ lệ tương can.

Diễn nghĩa:

Cô thành chống giữ một mình thôi
Khảng khái như ông được mấy người
Sách cũ nghìn năm gương tiết rọi
Cô thần một chết tấm trung phơi
Sống thừa ngày nọ tâm còn thẹn
Giặc nghịch năm nao sợ rụng rời
Nghìn thuở núi Nùng nêu chính khí
Anh hùng đến đấy, lệ tuôn rơi.

(Bản dịch của Chu Thiên)

Những câu thơ như chứa huyết lệ, những lời từ tâm can trong “Hà Thành chính khí ca” và “Hà Thành thất thủ ca” của các sĩ tử đất Hà Thành khóc và ca ngợi Tổng đốc Hoàng Diệu – một con người trung quân, ái quốc vẫn còn vang mãi trong tâm trí chúng ta để mỗi khi nhớ về sự hy sinh cao cả ấy, chúng ta lại không khỏi xúc động và bồi hồi.

hoangdieu02

Con cháu dòng họ Hoàng ở Xuân Đài (Quảng Nam) tại Lễ dâng hương tưởng niệm tổng đốc Hoàng Diệu.

Ngày 25/4 năm ấy (1882), thực dân Pháp cho quân tấn công thành Hà Nội lần thứ hai. Trước sự uy hiếp bằng tàu to súng lớn của quân Pháp, Tổng đốc Hoàng Diệu không hề nao núng, vẫn quyết tâm giữ thành Hà Nội. Sự kháng cự quyết liệt của quân dân thành Hà Nội khiến giặc thiệt hại nặng nề. Chúng phải lui binh ra ngoài tầm bắn của quân ta để bảo toàn lực lượng. Lúc này kho thuốc súng trong thành bất ngờ nổ sung do nội gián đốt phá, khiến khói bụi mịt mù bao phủ khắp thành. Quân Pháp thừa cơ tấn công mạnh mẽ. Chỉ trong chốc lát, cổng Tây thành Hà Nội bị phá tan tành.Biết không thể chống cự, tổng đốc Hoàng Diệu một mình quay về Hành cung soạn di biểu tạ tội với triều đình, rồi ra Võ Miếu dùng dây quấn đầu tuẫn tiết, hy sinh theo thành.Trong bức di biểu gửi nhà vua, tổng đốc Hoàng Diệu viết:

“Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng…”.

 hoangdieu03

Học sinh Trưởng Tiểu học Hoàng Diệu ghi nhớ công lao và nghĩa khí của vị Tổng đốc anh hùng.

136 năm đã trôi qua kể từ ngày Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết tại Võ Miếu, nhưng tấm gương và lòng trung nghĩa của vẫn được thế hệ sau tưởng nhớ, khắc ghi. Tại Di tích Cửa Bắc thuộc khu di sản Hoàng thành Thăng Long, hàng năm, vào ngày 8 tháng 3 âm lịch diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của Tổng đốc Hoàng Diệu và những người anh hùng nghĩa liệt đã chiến đấu, hy sinh, giữ thành Hà Nội, bảo vệ đất nước. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa để giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu mai sau, trân trọng giữ gìn những giá trị lịch sử quý báu và truyền thống anh hùng của cha ông.

Khánh Vân
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button