Ngược dòng lịch sử – Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long: Kỳ 2 “Hệ thống thành lũy”

1. Thành của Lý Bí:

Năm 542, Lý Bí – một hào trưởng ở đất Thái Bình (Sơn Tây) tập hợp nhân dân nổi dậy chống ách đô hộ của nhà Lương. Sau khởi nghĩa thắng lợi (544) Lý Bí xưng đế (Lý Nam Đế), lập nước Vạn Xuân, đóng đô ở vùng Hà Nội[1], dựng chùa Khai Quốc – tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay. Năm 545 nhà Lương đem quân sang đàn áp. Để chống lại quân Lương, Lý Bí đã cho “dựng thành luỹ bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch” (Lương thư);  “Tháng 6 năm Đại Đồng thứ 11 (545)… quân Lý Bí có vài vạn người lập thành sách ở cửa sông Tô Lịch để chống lại quan quân” (Trần thư)[2]. Tòa thành này cùng vài vạn quân của Lý Bí không chặn được bước tiến của quân địch. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi (quan của Trần Bá Tiên) đến Giao Châu, vua đem ba vạn quân ra chống cự, bị thua ở Chu Diên, lại thua ở cửa sông Tô Lịch, vua chạy về Gia Ninh…”[3].

Về vị trí của tòa thành do Lý Bí đắp để chống lại quân Lương, không có tài liệu nào chép cụ thể. Đoạn ghi chép trong Lương thư, Trần thư nhắc tới ở trên chỉ cho biết ở cửa sông Tô Lịch. Vậy cửa sông Tô Lịch (lưu ý, đây là tài liệu đầu tiên nhắc đến con sông này) vào giữa thế kỷ VI nằm ở đâu? Trần Quốc Vượng trong bài khảo cứu Địa lý lịch sử miền Hà Nội (trước thế kỷ XI) nhận xét:  “Hiện nay, ở cạnh làng Yên Thái (Bưởi), bên bờ Hồ Tây có một làng tên là Hồ Khẩu. Tên làng chứng tỏ rằng ngày xưa đầu sông Tô Lịch ở phía đó (sông Tô Lịch lấy nước từ Hồ Tây, chẩy về phía Cầu Giấy, Ngã Tư Sở rồi chảy mãi về nam). Nơi đó có thể là chỗ Lý Nam Đế xây dựng thành trì chống quân Lương. Nhưng thành trì đó nhất định không có quy mô to lớn và chắc chắn lắm vì Lý Bí xây dựng trong lúc rút quân vội vàng từ Chu Diên về, và sau đó lại rút ngay lên giữ thành Gia Ninh (Bạch Hạc, Việt Trì…”[4]. Sáu năm sau, trong bài Bàn thêm về thành Thăng Long thời Lý (Trần Quốc Vượng viết chung với Vũ Tuấn Sán) các tác giả lại xác định cửa sông Tô Lịch là khu vực phố Hàng Buồm – Chợ Gạo hiện nay[5] (thời Trần khu vực này có phường Giang Khẩu, cuối tháng 5 năm 1285 mũi thọc sâu của quân nhà Trần do Trung Thành Vương chỉ huy tập kích quân Nguyên ở đây, sau đổi thành Hà Khẩu).

Chúng ta đều biết sông Tô Lịch có hai cửa. Một cửa thông với sông Hồng mà chỗ hợp lưu vào khoảng phố Hàng Buồm – Chợ Gạo hiện nay, chảy về phía đông ven theo mặt nam Hồ Tây đến Bưởi (đoạn sông này đã được nhắc đến trong Giao Châu ký, không phải là đoạn sông mới được đào từ thời Lý – Trần như có người chủ trương). Một cửa thông với Hồ Tây tại Hồ Khẩu khu vực gần Bưởi hiện nay. Vì thế thật khó xác định thành do Lý Nam Đế đắp ở cửa sông Tô Lịch là thuộc cửa nào, Hồ Khẩu hay Giang Khẩu – Hà Khẩu? Với  tình hình tư liệu hiện có thì câu hỏi này còn phải bỏ ngỏ.

2. Tử Thành của Khâu Hòa:

Năm 602 nhà Tùy phát đại quân xâm lược Vạn Xuân. Cuộc kháng chiến của Lý Phật Tử – Hậu Lý Nam Đế mau chóng thất bại, đất nước một lần nữa lại rơi vào ách cai trị của phong kiến Trung Hoa. Nhà Tùy khôi phục lại quận Giao Chỉ vốn được đặt từ thời Hán (tương đương vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày nay) và chuyển trung tâm từ Long Biên về Tống Bình (năm 607). Năm 618 nhà Đường thay thế nhà Tùy thống trị đất nước ta, khôi phục lại hệ thống châu, đặt Giao Châu tổng quản phủ kiêm quản mười châu, trong đó có Tống Châu là miền nội thành Hà Nội hiện nay. Thái thú Giao Châu là Khâu Hòa thần phục nhà Đường, được phong Giao Châu đại tổng quản. Năm 621 Đại tổng quản Khâu Hòa đắp Tử Thành (thành con) bên sông Tô Lịch chu vi 900 bộ – khoảng 1.674 mét (mỗi bộ tương đương 6 thước, mỗi thước bằng 31 cm).

05

Gạch “Giang Tây quân” – thời kỳ Đại La, thế kỷ VIII-IX (khai quật tại Hoàng thành Thăng Long)

Về vị trí của Tử Thành cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. C.L.Madrolle trong Guides Madrolle, Indochine du Nord xác định ở vùng Thủ Lệ, Quần Ngựa ngày nay. Nguyễn Khắc Đạm cũng xác định vị trí của ngôi thành này có nhiều khả năng ở vùng núi Cung vì vùng này cho đến nay vẫn được bao về ba mặt tây, bắc và đông bằng con đường hào còn dấu vết đứt quãng dưới dạng những đầm ao sát nhau liên tục. Mặt khác kích thước của vùng này cũng tương đối phù hợp với kích thước của Tử Thành[6].

Tử Thành tồn tại cho đến mãi sau này. Hơn hai thế kỷ sau, vào năm Hàm Thông thứ 3 (863) quân Nam Chiếu tấn công Tống Bình, tướng là Dương Tử Tấn đóng quân ở Tử Thành[7].

3. La Thành của Trương Bá Nghi:

Sau Tử Thành do Khâu Hòa đắp năm 621, nhiều người cho rằng không có toà thành nào khác được xây dựng mãi cho đến năm 767 khi Kinh lược sứ Trương Bá Nghi đắp La Thành. Gần đây (2000) Phạm Văn Kính chứng minh thực ra thì Trương Bá Nghi chỉ là người sửa sang thêm, còn La Thành  đã phải có từ trước đó, cụ thể là vào năm 756 căn cứ vào ghi chép của Phan Huy Chú: “Đầu đời Chí Đức (756 – 757) đổi làm Trấn Nam đô hộ phủ, đắp La Thành, sau đổi làm An Nam đô hộ phủ”[8]. Theo Phạm Văn Kính điều này phù hợp với ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Trương Bá Nghi đắp lại La Thành” (nguyên văn: phục bồi trúc La Thành) hay Việt sử thông giám cương mục: “Trương Bá Nghi lại đắp La Thành” (nguyên văn: cánh bồi trúc La Thành), đều có nghĩa là đắp lại hoặc đắp thêm[9]. Tuy nhiên, dù thực tế có phải là như vậy thì một điều chắc chắn là La Thành phải đến Trương Bá Nghi mới thực sự là tòa thành để lại dấu ấn rõ rệt trong kiến trúc thành lũy Hà Nội thời Bắc thuộc.

La Thành ban đầu chỉ cao vài thước, nhỏ hẹp và không chắc chắn[10]. Năm 791 và 801 Đô hộ Triệu Xương và Bùi Thái sửa sang thêm La Thành. Năm 808 Trương Châu sửa lại La Thành, gọi là An Nam la thành cao 22 thước (6,82 mét), có ba cửa, trên có lầu; cửa Đông và cửa Tây có lầu ba gian, cửa Nam (là cửa chính) có lầu 5 gian; trong thành có 10 cung, hai bên tả hữu đại sảnh dựng lầu giáp trượng 40 gian để chứa vũ khí. Đây là toà thành đầu tiên có quy mô tương đối lớn.

Vị trí của tòa thành do Trương Bá Nghi đắp (hoặc sửa đắp) và sau này được sửa chữa nhiều lần nằm ở đâu? Đại La thành chí (do Phương dư kỷ yếu q.112 dẫn) nói rằng thành cũ do Trương Bá Nghi đắp và do Trương Châu sửa vốn ở phía nam sông[11]. Nhưng là sông nào? Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán theo Nguyên Hòa quận huyện chí (q.38, 3b-4a )[12] và nhiều tài liệu khác xác định đó là sông Tô Lịch. Nhưng cụ thể ở về phía nào thì chưa đưa ra kết luận dứt khoát. H. Maspero ngờ rằng di tích những luỹ đất còn sót lại cho đến nay ở miền đền Voi Phục là di tích “thành cũ Tô Lịch” (tức thành do Trương Bá Nghi đắp)[13]. Nguyễn Khắc Đạm, dựa vào địa thế sông Tô Lịch, vào hình thế đầm ao hiện đại và bản đồ Hồng Đức đoán định La Thành có giới hạn như sau: mặt tây cách sông Tô Lịch 360 mét, mặt bắc theo sát sông Tô Lịch, mặt đông gồm Ngọc Hà, mặt nam đại khái theo đường Đội Cấn (rất có thể con đường này đại khái được xây dựng theo tường thành phía nam của La Thành còn lại rồi san đi[14]. Tuy có những sai lệch nhất định nhưng các ý kiến đều cơ bản thống nhất La Thành nằm dịch về phía tây quận Ba Đình hiện nay.

La Thành được đắp để bao lấy Tử Thành. Danh từ La Thành vốn không phải là danh từ riêng như hầu hết các nhà Hà Nội học xác nhận. La có nghĩa là bao bọc, la thành là thành bao (ôm lấy) Tử Thành, rồi dần trở thành La Thành như một danh từ riêng.

4. Giao Châu thành của Lý Nguyên Hỷ:

Theo Giao Châu ký do Việt điện u linh tập dẫn, năm 824 Đô hộ Lý Nguyên Hỉ thấy ở phía bắc thành có dòng nước chảy ngược nên sai bói chọn đất để dời phủ trị. Cựu đường thư chép năm 825 Lý Nguyên Hỷ xin dời thành sang bờ bắc, nhưng được ít lâu lại trở lại chỗ cũ[15]. Con sông có dòng nước ngược chép ở trên chính là sông Tô Lịch (sử sách nhắc nhiều đến hiện tượng chảy ngược dòng của sông Tô Lịch). Về sau đô hộ Điền Trang hàng năm bắt dân nộp tiền làm lũy gỗ ở quanh thành. Năm 858 Đô hộ Vương Thức lấy tiền thuế một năm mua tre gỗ trồng quanh 12 dặm thành, đào hào, rào lũy, ngoài lại trồng tre gai. Vì vậy thành đó còn mang tên là thành Lặc Trúc[16]. Thành này còn có các tên gọi là thành Giao Châu hay thành Giao Chỉ và theo Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán thì đây chính là phủ thành đô hộ. Trong một số bộ sử phân biệt tòa thành do Trương Bá Nghi đắp là thành cũ, còn thành này là thành hiện tại – kim thành. Ông Nguyễn Khắc Đạm sử dụng thuật ngữ Kim Thành như một danh từ riêng.

06

Đĩa đèn dầu lạc men nâu – thời Đường, thế kỷ VIII-IX (khai quật tại Hoàng thành Thăng Long)

Về vị trí của tòa thành này, Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán xác định: Phía bắc thành là sông Tô Lịch; phía đông thành ở gần sông Hồng. Như thế, thành này nằm dịch hẳn về phía đông. Nguyễn Khắc Đạm cũng có ý kiến tương tự.

Như vậy, cho đến khoảng giữa thế kỷ IX tại khu vực nội thành Hà Nội hiện nay có tới ba tòa thành cùng đồng thời tồn tại. Đó là Tử Thành đắp từ thời Khâu Hoà (621), La Thành đắp từ thời Trương Bá Nghi (767) và Giao Châu thành đắp từ thời Lý Nguyên Hỉ (825). Tử Thành không thấy có tên gọi nào khác. La Thành do Trương Bá Nghi đắp các tài liệu về sau thường gọi là thành cũ sông Tô Lịch, Giao Châu thành hay Giao Chỉ thành gọi là Kim thành – thành hiện tại. Các nhà nghiên cứu lịch sử Hà Nội nhắc nhiều đến Tử Thành của Khâu Hòa và La Thành của Trương Bá Nghi, ít nhắc đến Giao Châu hay Giao Chỉ thành. Tuy nhiên, nhiều sử liệu đương thời xác nhận sự tồn tại của cả ba tòa thành. Sách Man thư chép về cuộc tấn công của quân Nam Chiếu năm 863 nhắc đến cả ba tòa thành này. Phàn Xước, người giúp việc văn thư cho Kinh lược sứ phủ An Nam đô hộ Thái Tập, tác giả sách Man thư mô tả khá kỹ về các sự kiện trên:

“Năm Hàm thống thứ 3, tháng Chạp, ngày 27 (đầu 863) giặc Man (Nam Chiếu) đến sát thành trì Giao Châu… Quân Hà Man đặt doanh trại ở thành cũ sông Tô Lịch…”

“Năm Hàm Thông thứ 4, tháng Giêng, ngày 23 (864), Thái Tập đứng trên thành dùng nỏ bắn được 200 tên… Ngày 7 tháng 2 thành bị hãm… Thái Tập bị trúng tên… những người tay chân đều chết hết cả… Kiện tướng Kinh Nam, Giang Tây, Ngạc, Nhạc, Tương Châu ước hơn 400 người mang mạch đao, cưỡi ngựa chạy đến ven bờ sông phía Đông thành. Đô ngu hậu Kinh Nam Nguyên Duy Đức, Quản đô hầu Đàm Khả Ngôn, Phán quan Giang Tây quân Truyền Môn bảo tướng sĩ rằng: “Các ngươi! Bến sông không có thuyền, xuống nước tất chết, cùng với anh em mỗi người giết được hai tên giặc Man chúng ta cũng được lợi rồi”. Bèn cùng đốc xuất nhau vào đông La thành, xúm vây ở cổng, một bên bày trường đao, một bên bày trường mã đánh bất ngờ, quân Man đang từ bên sông ngoài thành cưỡi ngựa vào cổng không phòng bị gì… khoảng hai ba nghìn tên giặc và vài ba trăm cỗ ngựa bị giết. Man tặc Dương Tư Tấn ở trong Tử Thành lúc canh một mới biết và ra cứu”.

Sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang đời Tống (cuối IX) cũng chép tương tự:

“Năm Hàm Thông thứ 4 (863), mùa Xuân, tháng Giêng, ngày Canh ngọ, quân Nam Chiếu vây hãm Giao Chỉ. Những người tay chân của Thái Tập đều chết… Kẻ liêu thuộc là Phàn Xước mang ấn vượt qua sông. Tướng sĩ Kinh Man, Giang Tây, Ngạc, Nhạc, Tương Châu hơn 400 trăm người đều đều chạy đến bến nước ở phía đông thành. Ngu hầu Kinh Nam là Nguyên Duy Đức bảo đám đông: “Chúng ta không có thuyền, xuống nước tất chết, chẳng thà quay lại về thành đánh quân Man, lấy một mạng đổi hai mạng giặc Man cũng còn có lợi”. Bèn quay lại thành vào cửa Đông La. Quân Man không phòng bị. Bọn Duy Đức thả binh lính giết hơn hai nghìn giặc. Đến đêm tướng Man là Dương Tư Tấn mới từ Tử Thành ra cứu. Bọn Duy Đức đều bị giết. Quân Nam Chiếu hai lần vây hãm Giao Chỉ vừa giết vừa bắt làm tù binh đến 15 vạn người. Chúng lưu lại 2 vạn quân, sai Dương Tư Tấn đóng ở Giao Chỉ thành”[17].

5. Đại La thành của Cao Biền:

Sử sách Trung Quốc có chép về sự kiện Cao Biền đắp La Thành (như Tân Đường thư (q.224 hạ), Tự trị thông giám (q.250, 25b) và cho biết thêm chu vi thành là 3.000 bộ (khoảng 5,58 km), trong có 40 vạn gian nhà. Việt sử lược chép cụ thể: “Biền đắp lại La Thành chu vi 1980 trượng 5 thước (6,139 km), cao 2 trượng 6 thước (8,06 m), chân thành rộng 2 trượng 6 thước (8,06 m), bốn mặt xây nữ tường (tường nhỏ xây trên thành lớn) cao 5 thước 5 tấc  (1,7 m), 55 địch lâu (lầu vọng địch), 5 môn lâu (lầu xây trên cửa thành), 6 ủng môn (cửa tò vò, cửa nách), 3 ngòi nước, 34 con đường; lại đắp đê chu vi 2125 trượng 8 thước (6,589 km), cao 1 trượng 5 thước ( (4,65 m), chân đê rộng 3 trượng (9,3 m), lại dựng hơn 5 gian nhà”[18]. Đại Việt sử ký toàn thư về cơ bản chép như Việt sử lược, chỉ có khác biệt đôi chút.

07

Tượng đầu linh thú trang trí góc mái – thời kỳ Đại La, thế kỷ VIII-IX (khai quật tại Hoàng thành Thăng Long)

Về vị trí của thành Đại La, từng có nhiều ý kiến không thống nhất. Các nhà nghiên cứu phương Tây như Pelliot, CL.Madrolle, một số tác giả Việt Nam như Đào Duy Anh, Trần Huy Bá và tập thể tác giả sách Lịch sử thủ đô Hà Nội đều cho vị trí của thành Đại La do Cao Biền đắp là ở khu vực Quần Ngựa phía nam đường Hoàng Hoa Thám ngày nay. Quan điểm này trái ngược với ý kiến của Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán. Phủ định ý kiến của các tác giả trên Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán đưa ra bốn cơ sở:

– Nếu Cao Biền chỉ đắp lại An Nam la thành thì vị trí của thành đó về phía đông đã ở sát sông Hồng mà chu vi chỉ có hơn 6 km, cho nên không thể bao quanh cả một vùng từ  bờ sông Hồng ở phía đông đến vùng Quần Ngựa ở phía tây được

– Đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm hiện nay là do Cao Biền dựng ở cửa Đông ngoài thành bên bờ sông Hồng. Thần tích đền Bạch Mã, sách Việt điện u linh (viết đầu thế kỷ XIV), Lĩnh Nam chích quái đều khẳng định như vậy. Bấy giờ sông Hồng còn ăn sâu vào vào sát đền Bạch Mã hiện nay.

– Theo Hoàng Việt địa dư thì quán Huyền Thiên ở phường Đồng Xuân xưa (nay ở số 54 phố Hàng Khoai gần chợ Đồng Xuân) thờ Huyền Thiên Đại Đế, quán này lập từ thời thuộc Đường ở trong phủ thành.

Như vậy La Thành hay Đại La thành thời thuộc Đường về phía đông bao gồm một phần khu chợ Đồng Xuân và khu Hàng Buồm hiện nay và ở sát ngay bờ sông Hồng. Điều đó cũng phù hợp với sự kiện Lý Thái Tổ từ Hoa Lư dời đô ra thành Đại La đã đỗ thuyền ở dưới chân thành.

08

Ngói ống có đầu trang trí văn nhũ đinh, thời Đại La, thế kỷ VII-IX (khai quật tại Hoàng thành Thăng Long)

– Theo truyền thuyết, vị thần xuất hiện ra cho Cao Biền thấy tự xưng là “thần khí thiêng đất Long Đỗ”. Long Đỗ chính là một tên khác của núi Nùng trên đó có điện Kính Thiên thời Lê hiện còn dấu vết ở trong thành Hà Nội ngày nay[19]

Nguyễn Khắc Đạm cũng cùng quan điểm với Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán, đồng thời chỉ định rõ thêm: mặt đông của thành Đại La sát với sông Hồng (sông Hồng lúc này còn ăn sát tới khoảng phố Hàng Ngang, Hàng Đào), theo sông Tô Lịch ở phía bắc, bao lấy núi Nùng ở phía tây (nhưng không cách xa quá núi Nùng), rồi quặt sang phía sông Hồng để nối với mặt đông. Tường thành phía tây có thể là tương đương với đường Hoàng Diệu hiện nay.

Đại La thành do Cao Biền đắp là để bao lấy Kim Thành (như trên đã nói Nguyễn Khắc Đạm dùng như danh từ riêng, trong khi Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán dịch nghĩa là thành hiện nay, còn tên gọi được nhắc đến trong sử sách là thành Giao Châu hay thành Giao Chỉ).

Như vậy, cho đến cuối thế kỷ IX, khu vực trung tâm Hà Nội hiện nay có hai hệ thống thành luỹ: hệ thống phía tây với Tử Thành (621) được bao bởi La Thành (767); hệ thống phía đông với Kim Thành hay Giao Châu thành, Giao Chỉ thành (825) được bao bởi Đại La Thành (866).

09

Gạch lát trang trí nổi hoa văn hình cá sấu bơi trong sóng nước, thời Đại La, thế kỷ VII-IX (khai quật tại Hoàng thành Thăng Long)

Những ý kiến trên gần như không có cứ liệu thực tế (thành luỹ) để chứng minh. Tuy nhiên, những lập luận trên cơ sở thư tịch cổ và vị trí một số kiến trúc cổ có thể đã có từ thời Đường cũng tỏ ra tương đối có sức thuyết phục. Việc thể hiện các thành luỹ này trên bản đồ vì thế vừa mang ý nghĩa phỏng đoán – mặt khác việc xác định vị trí và phạm vi của nó cũng mang tính tương đối.

Ban biên tập

Chú thích:

[1] Đào Duy Anh xác định ở xã Vạn Phúc huyện Thanh Trì (Đào Duy Anh: Cái bia cổ ở Trường Xuân và vấn đề nhà Tiền Lý, Nghiên cứu lịch sử, số 50, 1963).

[2] Trần thư, q.1, 2a, dẫn theo Trần Quốc Vượng: Địa lý lịch sử miền Hà Nội (trước thế kỷ XI), Nghiên cứu lịch sử số 10, 8.1960

[3] Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.180.

[4] Trần Quốc Vượng: Địa lý lịch sử miền Hà Nội (trước thế kỷ thứ XI) (đã dẫn).

[5] Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán: Bàn thêm về thành Thăng Long đời Lý – Trần, Nghiên cứu lịch sử số 85, 1966.

[6] Nguyễn Khắc Đạm: Thành luỹ, phố phường và con người Hà Nội trong lịch sử, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2000,tr. 56

[7] Man thư q.4, Danh loại, mục Vọng thư tử man; Tư Mã Quang: Tư trị thông giám (dẫn lại theo Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán: Bàn thêm về thành Thăng Long… (đã dẫn).

[8] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí (tập I), Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1960, tr. 30-32.

[9] Phạm Văn Kính: Từ La Thành đến Thăng Long, Nghiên cứu lịch sử, số 6 – 2000.

[10] Đường hội yếu q.73, 17b dẫn lại Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán: Bàn thêm về thành Thăng Long thời Lý Trần, Nghiên cứu lịch sử số 85.1966; Việt sử lược, Nhà xuất bản Văn – Sử – Địa, Hà Nội, 1959, tr.

[11] Đại La thành chí chép: “Thành cũ do Thứ sử nhà Đường Trương Bá Nghi đắp vỗn ở phía nam sông. Năm đầu niên hiệu Bảo Lịch, Đô hộ An Nam Lý Nguyên Hỉ xin dời thành sang bờ bắc sông, được ít lâu lại trở lại chỗ cũ” (Dẫn lại theo Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn

Sán: Bàn thêm về thành Thăng Long… (đã dẫn).

[12] Nguyên hoà quận huyện chí, q.38, 3a, 4a – Dẫn lại theo Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán: Bàn thêm về thành Thăng Long… (đã dẫn).

[13] H. Maspero: Le Protectorat general de l Annam sous les Tang, BEFEO, X, 1910.

[14] Nguyễn Khắc Đạm: Thành luỹ, phố phường và con người Hà Nội trong lịch sử, đã dẫn, tr.56.

[15] Cựu Đường thư, q.17 thượng, 3b (Dẫn lại theo Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán: Bàn thêm về thành Thăng Long… (đã dẫn).

[16] Tân Đường thư q.167, 8a-9b, Đại La thành chí (dẫn theo Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán: Bàn thêm về thành Thăng Long… (đã dẫn)

[17] Man thư q.4, Danh loại, mục Vọng thư tử man; Tư Mã Quang: Tự trị thống giám (dẫn lại theo Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán: Bàn thêm về thành Thăng Long… (đã dẫn).

[18] Việt sử lược (bản dịch của Trần Quốc Vượng), Nhà xuất bản Văn – Sử – Địa, Hà Nội, 1959, tr.37

[19] Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn San: Bàn thêm về thành Thăng Long… (đã dẫn).

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button